KHÁNH PHƯƠNG

Nghe tiếng tăm về vườn cè cổ thụ ở Suối Giàng đã lâu nhưng mãi tới tận hôm nay tôi mới được “mục sở thị”. Sau một chặng đường quanh co, đoàn chúng tôi được anh Kiểm, giáo viên trường THCS Đồng Khê đưa tới khu vườn này.
Hôm đó, vào một ngày cuối thu, bầu trời lành lạnh, bàng bạc. Đứng trước những cây chè đến cả trăm năm tuổi, cảm nhận vị tinh khiết của mẹ thiên nhiên, hương thơm dịu nhẹ của cây cỏ mà lòng trùng xuống. Những cây chè cổ thụ ở đây, tại Suối Giàng mọc ở độ cao 1.400 mét. Cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm.
Truyền thuyết của người Mông kể rằng, một sớm có nàng tiên đã đến đây và gieo loại hạt lạ xuống vùng đất này. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nẩy mầm và mọc thành cây xanh tốt, búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Cây xanh tốt này đã cứu họ khỏi cơn sốt rét sau khi ăn búp cây. Cho là có trời cứu giúp, mọi người quyết định ở lại đây với loài cây lạ và đặt tên nơi này là Suối Giàng. Từ đó, cây chè đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây. Còn theo lời một già làng ở bản Giàng B (Suối Giàng- Yên Bái), kể lại rằng người Mông xưa có cuộc sống du canh du cư, đói nghèo. Bà con và lũ gia súc không có gì ăn, đành ngắt lá cây chè ở đây sống qua ngày. Lạ thay, cả người và gia súc đều trở nên khỏe phi thường. Họ thốt lên “Đúng là cây thần kỳ!” Từ đó, họ trân trọng và sống dựa vào những cây chè này.
Cho dù là truyền thuyết hay lời kể từ ký ức sâu thẳm của già làng thì tựa chung, không thể phủ nhận điều tuyệt vời mà cây chè ở Suối Giàng đã đem đến cho con người nói chung và cho dân làng nơi đây nói riêng. Với diện tích gần 400 ha, mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây chè cổ thụ nhưng chẳng có nơi nào sánh được khi xét về số lượng, tuổi đời, chất lượng cây chè. Và cũng chính vì để bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo tồn sự đa dạng của hệ thực vật, ngày 16-2-2016, 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, những búp non nõn, mờ trổ trên cành những thân chè xù xì, trắng mốc, tạo ra vẻ vừa khiêm nhường vừa kiêu sa. Đó không phải là màu xanh mướt mát như loại chè thông thường, mà nõn chè màu trắng mờ như được bao phủ lớp sương sa. Có lẽ vì thế nên người ta gọi đó là chè tuyết. Du khách trong và ngoài nước dẫu có là người thích uống trà hay không nhưng ai nấy đều phải công nhận vẻ đẹp độc đáo ấy.

Lớp áo trắng mờ mờ trên nõn búp, săn chắc, một vẻ huyền bí từ mẹ thiên nhiên. Theo anh Kiểm, Người ta lan truyền nhau, rằng các vườn chè cổ thụ ở đây có tên gọi khác, đó là chè “6 cực”: “cực khổ” – khi trồng và thu hái khá vất vả; “cực sạch” – không cho phép bất cứ một loại hóa chất nào được áp dụng lên cây chè; “cực hiếm” – mỗi năm chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” – hội tụ đầy đủ các phẩm chất đỉnh cao nhất của loài chè mà chẳng nơi nào có được; “cực đắt” – đúng nghĩa “tiền nào của nấy”; “cực tốt”: dược tính tốt của chè ở đây có chỉ số cao nhất. Chính vì những lý do trên nên gọi chè Shan tuyết Suối Giàng “Tuyệt hơn chữ Tuyệt” không phải là quá!
Mải ngắm những cây chè, trời sắp mưa mà tôi không nhận ra. Mấy người bạn đi cùng phải nhắc nhở. Đi sâu vào trong, cô gái Mông tươi cười mến khách dẫn đoàn đến trước cây trà tổ. Tại đây, một sự ngạc nhiên không hề nhẹ đã xảy ra trong nhận thức của tôi. Tôi kính cẩn gọi đó là “Cụ Trà Tổ”. Một nét đẹp cổ kính, phong rêu nhưng không hề già cỗi. Thân cây to, vững chãi, cành cây vừa có dáng vẻ mềm mại nhưng cũng vừa đủ cứng cỏi để hiên ngang trước sương gió, nắng mưa.
Trong mây núi Suối Giàng, trong chập trùng non biếc, trong sóng sánh vị trà, cảm giác lâng lâng bỗng dưng trào dâng niềm yêu thương vô bờ bến với khu vườn chè cổ thụ này. Hẹn gặp lại một ngày không xa!

Nguồn: Đại biểu Nhân dân