Ký là một trong những thể loại văn xuôi nhạy bén, linh hoạt nhất khi phản ánh hiện thực. Nó thể hiện một cách trung thực những vấn đề mang tính thời sự, nóng bỏng đang diễn ra hằng ngày.

Nhà văn Phạm Thị Toán vốn là kỹ sư chuyên ngành Thuỷ sản, quê ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, vào Nam công tác sau khi tốt nghiệp Đại học đầu năm 1981.

Và hiện nay chị đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp. Thế mạnh của Phạm Thị Toán là ký văn học.

Viết ký văn học rất khó. Người viết dễ sa vào ký báo chí tân văn.

Chính cuộc sống đời thường giúp cho tác giả chọn ra được những sự việc, biến cố, những nhân vật điển hình và đưa vào sáng tác của mình. Tác phẩm ký của Phạm Thị Toán lay động lòng người và tạo ra niềm tin, hy vọng vào cuộc sống bởi những người thật, việc thật.

Theo nhà văn Thai Sắc:

“Văn của Phạm Thị Toán mộc, không sử dụng nhiều biện pháp tu từ và thủ pháp nghệ thuật nhưng khá mượt mà và có hình ảnh. Điều quan trọng là trong mỗi tác phẩm, dù có khi chỉ mấy trang sách, tác giả đã biết cách khơi bật được nét điển hình của cuộc sống, của con người, của vấn đề đặt ra cho sự tồn tại và phát triển”

Mời quý vị lắng nghe.

Chị đã sống như thế…

Phạm Thị Toán (Đồng Tháp)

Tôi nhớ có một nhà văn đã nói, những đứa trẻ trong chiến tranh, chúng thường bị “đánh cắp” tuổi thơ, rất hình tượng nhưng thật đúng. Năm 1949 chị được sinh ra trên quê hương Thanh Mỹ, Tháp Mười, Đồng Tháp. Tuy là vùng giải phóng nhưng bom đạn của kẻ thù cày nát, chị và bạn bè cùng trang lứa hầu như không có tuổi thơ bởi luôn phải sống trong sự lo sợ, phập phồng. Bất cứ ngày nào, giờ nào, những quả bom cũng có thể rớt xuống xung quanh mình. Dù đang phụ giúp mẹ, ẵm em hay đang chụm lại với nhau tranh thủ giỡn hớt một chút, vậy mà cứ nghe từ xa vọng lại tiếng ù ù của máy bay, không đứa nào nói đứa nào, một phản xạ tự nhiên, chúng đều như con sóc, chạy lẹ núp vô mấy cái hầm xung quanh. Mà những cái hầm trú ẩn lớn nhỏ, để tránh bom ở quê chị, cái gì chứ cái này rất sẵn, kiểu dáng thì khá phong phú, có cái chỉ vừa đủ chỗ cho một hai người, có cái kiểu chữ A zích zắc, có thể chứa được trên hai ba chục con người lận. Mà nhờ nó, đã cứu sống không biết bao người, nếu không, cả vùng quê chị có lẽ bây giờ đã bị “xóa sổ” mất rồi. Nói thì vậy, nhưng chị thấy nơi đây vài ngày lại có người chết hoặc bị thương vì bom mìn hay bị máy bay địch bắn. Xã Thanh Mỹ, tuy được giải phóng từ đêm 24 rạng sáng ngày 25/12/1959 cho tới năm 1971 địch tái chiếm lại, nhưng hầu như ngày nào máy bay địch cũng rà rà, đảo tới đảo lui, nếu phát hiện có bóng người hay súc vật là sẵn sàng thả bom hay bắn bỏ, không kể dân hay cách mạng. “Không bỏ sót một ai”, đó là phương châm hoạt động hàng đầu của chúng. Ba bị bắt do gián điệp chỉ điểm, bị tra tấn dã man vì đào hầm bí mật nuôi giấu bốn lãnh đạo tỉnh ủy Tiền Giang trong nhà, gần chết chúng mới thả về, má thì bị chúng bắt lên bắt xuống như cơm bữa, vì cùng ba đào hầm nuôi chứa Việt Cộng. Ngay chú ruột chị chỉ là một nông dân hiền lành, chân chất giặc cũng cho là Cộng sản, bị bắt tra tấn, bỏ tù. Bất cứ ai còn ở lại nơi này chúng đều cho là Việt cộng. Mà cũng đúng thôi! Những người dân nơi đây, dù khó khăn gian khổ, dù hiểm nguy hàng ngày, hàng giờ, thế nhưng họ vẫn ở lại với cách mạng, là chỗ dựa vững chắc cho cách mạng thật là đáng khâm phục, có khác gì những bộ đội, du kích nơi đây! Và sức mạnh này vô cùng to lớn, đóng góp quan trọng đến thắng lợi hoàn toàn của dân tộc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Năm 1963 khi vừa 14 tuổi, cái tuổi thơ ngây, trong trắng thật đẹp, tuy “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng ý thức căm thù giặc đã ngấm sâu trong máu thịt của chị từ thưở nào. Phong trào tòng quân giết giặc làm náo nức lòng người, trai gái quê chị dù còn rất trẻ, đều hớn hở đăng ký lên đường theo tiếng gọi cứu nước. Là con gái lớn trong nhà, thường phụ má việc nhà và chăm sóc cả bầy bẩy đứa em lóc nhóc, không đủ tuổi, chị đã trốn nhà tham gia cách mạng. Chị nhờ người quen nhắn nói với ba má, chỉ chạy đưa thư cho mấy chú, mấy bác, hay đi học cứu thương thôi. Ở nhà còn có đứa em gái kế, tên Kim Anh, nhỏ hơn hai tuổi, có thể thay chị tiếp má. Ba kêu về không được, bắn tin cho con gái biết, đã đi là đi luôn, dù khó khăn gian khổ, không được đào ngũ, trốn về là ba đánh chết, các bác các chú biểu gì cũng không được từ nan…. Tưởng dặn gì, chứ cái đó chị có thừa. Cực khổ hay bom đạn thì chị quá quen. Còn một lý do chị đòi đi nữa là mấy cô lớn tuổi bên phụ nữ hay dạy rất nhiều bài hát cách mạng, nhưng tụi chị thích nhất là bài “Tôi gặp cô giao liên”, nghe thật háo hức, mơ mộng mà những đứa con gái, con trai mới lớn ở quê chị, đứa nào cũng khoái, thường vừa nhảy chân sáo vừa ca: “Tôi gặp cô giao liên trên chặng đường lúc sáng tinh sương, vai vác carbin mang nặng bao hàng, ….Em đi kháng chiến lúc mười lăm chưa được tuổi Đoàn, mà hôm nay đã lớn thành người thanh niên giải phóng kiên cường.…”. Từ Thanh Mỹ về Kinh Bùi, Kinh Chuối, chị xách cái tay nải nhẹ tênh ra đi. Thích thì thích vậy nhưng khi tới địa điểm, thiếu người, không thể quay về, cũng không có sự lựa chọn nào khác, mấy chú đưa chị tới công trường sản xuất vũ khí của huyện Mỹ An, đóng ở Kiến Tường, Mộc Hóa, thuộc tỉnh Long An bấy giờ. Thời ấy, việc những cô gái tham gia kháng chiến không phải là cá biệt và phụ nữ trong cơ quan sản xuất vũ khí là chuyện bình thường. Công việc chính là làm vỏ lựu đạn (còn gọi là trái BETA) cùng với bẩy người, trong đó chị là nhỏ nhất. Tổ có anh Tư Hải, chị Sáu Trang, chú Năm Thanh Tòng, Năm Hạo…. Công việc cũng đơn giản, lấy búa nhỏ dùng tol đã cắt sẵn theo mẫu, gò tròn lại thành trái lớn hơn trái lựu đạn, còn bộ phận khác làm tim, hột nổ, càng nối. Khi liệng, chỉ cần rút càng ra thảy, độ sát thương cao hơn nhiều so với lựu đạn. Vật liệu lấy từ bom, mà cái này “nguồn cung không bao giờ hết”, bởi ngày nào, máy bay của địch cũng rải tùm lum, ngổn ngang những trái bom chưa nổ xung quanh khu vực đơn vị đóng quân. Mỗi ngày chị làm được từ mười lăm đến hai mươi trái, cả tổ cũng hơn trăm trái cung cấp cho du kích, bộ đội cả tỉnh. Vô thăm con, thấy con gái ở trong những khóm đưng, sậy, đế cao lút đầu, không có bóng người qua, nước phèn muốn “đặc quẹo”, đỉa muỗi lúc nhúc. Ban ngày thì giặc càn, ban đêm chúng bắn pháo sáng rực cả góc trời, phải sống trốn chui, trốn nhủi, lại làm công việc nặng nhọc của đàn ông con trai, hai bàn tay sứt sát, chai sần. Thương con gái, má dụ chị về đổi cho đôi bông tai mới, dù rất thích, đó là “mơ ước” từ lâu, nhưng sợ bà bắt ở nhà luôn, nên chị không chịu về. Tháng 7 năm 1967 chị được mấy chú chuyển qua trạm B200 thuộc Ban Giao liên Tỉnh ủy Kiến Phong, lúc ấy đóng tại nhà chú Năm Văn ở kênh Xáng Xéo thuộc xã Tân Hội Trung. Chị được giao đi chuyển thư từ hay đưa rước “khách” từ cơ quan đến Phương Thịnh, Kiến Văn, Mỹ Quý, Đường Thét, Mỹ Tho,…  Bình quân mỗi ngày chị thường đi bộ hoặc bơi xuồng từ 30-40km. “Khách” là những bộ đội, cán bộ, từ nơi này chuyển sang nơi khác, vì sự an toàn bí mật, bắt buộc phải qua các trạm giao liên. Đi ở đoạn đường nào, anh em trong tổ dò trước, làm sao phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đồng chí. Thời gian sau, thấy chị lanh lẹ, mấy chú lại chuyển chị qua đơn vị B100. Tổ của chị lúc này có bốn người là các anh, chị: Tư Bo, Tư Tiến, Vân (Giấy), chỉ chuyên đi giao thư, tài liệu mật, công văn khẩn cho Tỉnh ủy Kiến Phong.

Vào ngày 25/7/1968, trên đường đi công tác, chị bị trúng lựu đạn. Như không biết hề biết đến đau đớn, dù máu chảy đầm đìa, chị vẫn thều thào, lo lắng nói với chú Chín Vẫn, anh Sáu Ấn đang kè chị đứng dậy: “Em gẫy chân, đui mắt rồi, làm sao đi làm cách mạng được nữa các anh ơi!”. Thương em quá, ứa nước mắt hai anh an ủi: “Em không sao đâu, về quân y chữa thời gian sẽ khỏi rồi vẫn hoạt động được mà!”. Từ một cô gái quê xinh đẹp, hồn nhiên ngày nào, tuy chưa tròn hai mươi tuổi, cái tuổi tràn đầy sức sống, bây giờ có khác gì một thương phế binh hạng nặng, dính miểng tùm lum khắp người, nặng nhất là mất một bên mắt và gẫy chân bên phải, còn 5 miểng đạn ở trong đùi, bên khóe miệng, một viên chạm phổi và be sườn thứ 5, sâu không gắp ra được….

Sau Mậu Thân 1968 đến năm 1971, tình hình vô cùng ác liệt. Ngày nào địch cũng tổ chức những cuộc càn quét, bỏ bom cày nát mặt đất với mục đích “tát” dân ra khỏi vùng giải phóng, bởi chúng biết cách mạng sống được là nhờ vào “lòng dân”. Vùng giải phóng lúc này không còn nổi một bóng người dân. Gián điệp trà trộn, chỉ điểm đánh phá cách mạng tan nát. Cũng không ít người trong hàng ngũ ta vì quá cực khổ, vì sợ chết đã ra chiêu hồi. Căng thẳng quá, cách mạng đưa tất cả phụ nữ trong cứ ra sống hợp pháp, tạm lánh nhằm bảo toàn lực lượng. Trong tình hình ấy, dù bị thương “bấy bá” khắp người nhưng chị vẫn quyết ở lại đơn vị, bởi chị nghĩ, về nhà là đào ngũ. Ba và đứa em mới hy sinh, thằng em thứ năm vừa bị thương nặng, về thì làm sao trả thù được!… Chị đã khóc và nói với má như thế, khi nghe tin con gái bị thương nặng, bà ra năn nỉ. Sau ba tháng dưỡng thương, chị cà nhắc, đi chân thấp chân cao về cơ quan. Chị lại tiếp tục đi đưa rước khách, đưa tài liệu, thậm chí nhiều khi vẫn lặn hụp bì bõm dưới sông cùng anh chị em kéo lưới bắt cá tôm, cải thiện đời sống cho đơn vị.

Nhắc tới Phạm Thị Ánh Vân (Hai Kim Sa) giao liên Kiến Phong, từ các tỉnh miền Đông tới miền Tây Nam bộ, rất nhiều người biết đến bởi sự dũng cảm, gan dạ nổi tiếng của chị. Cảm phục ý chí của đứa em gái, các anh coi như em ruột, anh Sáu Thắng và anh em đồng đội mai mối anh Thanh Lâm bên công trường của tỉnh cho chị vào giữa năm 1972. Chị thương anh bởi gia đình anh cũng nghèo như nhà chị. Ba đi tập kết, một mình má tần tảo buôn bán bánh cam, bánh tét…..trong vùng giải phóng nuôi cả bầy con. Hạnh phúc đã mỉm cười với một “phế nhân” như chị. Có người hỏi anh, sao lại lấy chị chỉ có một mắt, một chân. Không hiểu trong đầu anh nghĩ gì, anh cười nói: “Tôi có hai mắt hai chân, thêm một mắt một chân nữa là đủ….”. Anh là thế đấy! Một đám cưới chỉ có bánh ngọt, nước trà được đơn vị tổ chức nhưng rất vui vẻ cho anh chị, có tới hơn hai trăm anh em đồng đội tham dự, chia vui. Ai cũng khen anh đẹp trai, bởi thừa hưởng di truyền người Pháp từ ông nội. Nghe kể lại, ba anh bị bỏ lại trên tàu của lính Pháp tấn công vào vùng kháng chiến. Thấy đứa trẻ Tây đầu quăn, da trắng chừng 4-5 tuổi khóc ngất trên tàu, vài người đòi giết vì căm thù, đợt này một số anh em mình bị chúng bắn chết, ông nội của anh Hai Thắng lúc ấy là trưởng công an xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh thấy tội nghiệp đem về nhận con nuôi, làm giấy khai sinh đặt tên và mang họ ông, nuôi lớn cho đi làm cách mạng, cưới cô thôn nữ gần nhà làm vợ và anh là kết quả của mốt tình rất đẹp của ba Pháp, mẹ Việt Nam. Khi anh lớn lên, ông nội nuôi lại cho vào căn cứ tham gia kháng chiến. Có một dạo người dân miền Tây bàn tán rộ lên, vừa có một “ông” tây tham gia cách mạng. “Ông” Tây mà bà con nói đó chính là ba của anh. Anh lại cần cù, xốc vác, rất thương vợ, thương con. Chị vô cùng mãn nguyện. Là con gái lớn trong nhà, chị đã cực khổ từ nhỏ cho tới khi đi làm cách mạng, giờ đây có chồng giỏi giang. Chị đã tìm thấy ở anh một “bờ vai” làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời mình. Phụ nữ, ai mà không ao ước, khát khao và chị luôn thầm cám ơn số phận đã mang anh tới cho chị. Đứa con gái rất xinh Thanh Hà ra đời. Ba năm ngập tràn hạnh phúc trong bộn bề khó khăn ở vùng kháng chiến. Đối với chị chẳng còn mơ ước nào hơn… Anh, chị cùng đồng đội chờ đón niềm vui trong ngày hòa bình đang đến rất gần. Đã giải phóng Tây Nguyên rồi, tới vùng đồng bằng sông Cửu Long này chắc chẳng còn bao xa nữa. Tất cả mọi người đều nghĩ vậy và bận rộn lao vào chuẩn bị mọi thứ cho ngày độc lập. Công trường của anh vẫn phải tháo bom làm mìn, trái nổ để sẵn sàng đối phó với kẻ thù, nếu chúng ngoan cố chống trả. Thế mà……., ngày 30/3/1975, đúng một tháng trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một tai họa khủng khiếp ập lên đời chị. Trong khi tháo bom lấy thuốc nổ ở công binh xưởng, tỉnh đội tỉnh Kiến Phong, trái bom phát nổ, thi thể anh nằm trong vũng máu. Đau đớn quá! Mấy chục năm gian khổ trong chiến tranh đã qua, hòa bình bây giờ chỉ còn tính từng ngày, từng giờ, sao không chờ được, hả anh?!…. Không bao giờ chị nghĩ lại có cuộc “chia ly” vĩnh viễn như thế này. Mới chiều qua anh còn đi kiếm lá về nấu nồi xông cho vợ, hỏi chị Út Kính bán quán gần nhà mua thuốc ô kim cho chị uống, bởi mấy ngày nay trong người chị khó ở, nóng lạnh, hay xây xẩm mặt mày như bị trúng gió. Thương và lo cho vợ, anh chỉ biết loay hoay chăm vợ trong thiếu thốn của chiến tranh được như thế. Nhưng anh đâu có ngờ, anh chị đã có một đứa con trai mới tượng hình trong bụng chị hai tháng, để chị bị nó “hành” đến như vậy. Chị điên điên, dại dại, thảng thốt với nỗi đau tột cùng, mất chồng, ráng lê đi, cùng đồng đội lượm những mảnh xương thịt còn lại của anh, bốc từng nắm đất, đắp cho anh nấm mồ. Một đứa con, một đứa cháu, con nhỏ em cũng mới bốn tuổi, anh chị đang nuôi, chưa kể cái bụng ngày càng lớn dần, mãi tới tháng thứ sáu chị mới biết. Đất nước được độc lập, quê hương đã sạch bóng quân thù, cả dân tộc là ngày hội, mừng vui, các gia đình được đoàn tụ, quây quần…. Còn chị!?…. Anh ra đi để lại cho chị cái gánh nặng vô cùng lớn. Một mình chị phải làm sao đây? Làm sao nuôi nổi ba đứa con… Giá anh có bị đui què sứt mẻ gì, ngồi một chỗ cũng được, mãi mãi chị không bao giờ muốn là người “đàn ông” của gia đình, đằng này…, biết vô vọng nhưng chị vẫn ao ước. Hai mươi bẩy tuổi, chị vẫn còn trẻ lắm! Những cơn “bão lòng” luôn dâng lên không ngớt trong chị. Cái khát khao làm vợ vẫn luôn cháy bỏng! Chị rất nhớ anh. Nỗi nhớ càng nhân lên gấp bội, khi không thể chia sẻ cùng ai. Nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ, có khi nửa đêm chị nhảy ào xuống sông, đầm mình muốn ngộp thở, nước mắt, ấm ức hòa quyện dòng sông. Cũng nhiều lúc “trốn” ra sau nhà khóc tức tưởi, khóc chán rồi tự lau nước mắt, vào nhà ôm chặt từng đứa con, chúng nhỏ quá có hiểu gì đâu! Có lúc chị lại “mong” mình khóc được nhưng hai hốc mắc cứ ráo hoảnh, khô quánh, hình như nước mắt đã “chảy ngược” vào tim. Nhưng…, cao hơn tất cả là tình yêu của chị đối với anh, nó quá lớn. Không ai có thể thay thế được anh trong trái tim “đàn bà” của chị. Giá mà chị quên được anh! Chẳng thể quên cái gì dù nhỏ nhất. Mà khổ nỗi, có cái muốn “quên”, nó lại càng nhớ. Nỗi nhớ muốn khắc khoải, tê nhói con tim, bởi ba năm với cả ngàn ngày bên anh, đầy ắp những kỷ niệm… Chị luôn tin có một thế giới của riêng anh chị và chị có cảm giác anh lúc nào cũng luôn ở bên chị. Nếu không phải là anh, chị đâu phải sống khắc khoải vì nhớ thương trong mấy chục năm trời…..

Chị lao vào công việc, vào cuộc sống, coi công việc và những đứa con là niềm vui có ý nghĩa mà sống để đêm về quá mệt mỏi, vùi mình trong giấc ngủ sâu và dồn hết tình thương cho những đứa con thơ dại, tự hứa với lòng, với anh sẽ thay anh nuôi dạy chúng nên người… Khỏi phải nói nỗi cơ cực của mẹ con chị lúc ấy. Những năm nước lụt 1978, ăn bo bo thay cơm. Mỗi tháng được cấp có vài kí gạo. Những đứa con nhỏ quá ăn sao nổi. Hai vợ chồng nuôi một hai đứa con cũng trầy trật, đằng này chỉ có một mình chị, phải lo cái ăn cái mặc cho bốn mẹ con. Lương nhân viên thấp, chế độ gia đình chính sách không đáng là bao, không đủ ăn, nhà nội ngoại đều nghèo, ngoài giờ làm việc, chị thường phải đi cắt lúa mướn, xắt thuốc hút thuê cho dân, nấu xôi, sữa đậu nành, bắt ốc đắng nấu ….bán lấy tiền mua gạo cho các con ăn, còn chị vẫn phải ăn bo bo đến lở cả miệng, để dành cơm cho con. Dù cơ cực, vất vả, nhưng khi được phân công bất cứ việc gì, chị cũng cố gắng làm tròn. Gia đình tuy khó khăn, luôn “thiếu trước hụt sau” nhưng cả lúc được giao làm thủ quỹ, tiền quỹ cơ quan chị giữ không bao giờ bị “suy xuyển” đồng nào. Anh chị em trong đơn vị rất thương yêu và cảm phục chị. Con lăn lóc lớn dần. Trước khi đi cách mạng, chị mới học tới lớp ba. Nghĩ hòa bình rồi mà không có trình độ, sau này sao làm được. Chị giao cho đứa lớn mới sáu tuổi ở nhà trông em để tối chị đi học. Sau khi lo cho con ăn cơm chiều xong, chị giăng sẵn cái võng bạt, đứa lớn ngồi giữa, hai đứa còn lại, đứa bốn tuổi, đứa hai tuổi nằm trước và sau để con chị dỗ các em. Một tuần mấy buổi, chị đã theo học, cũng “bò” tới lớp chín bổ túc thì bưu điện tỉnh điều chị lên đội công trình trên Cao Lãnh, giao cho chị cùng anh Hai Bá chăm sóc mười công mía tự túc của đơn vị, chị phải nghỉ học từ lúc ấy. Anh Bé Ba trước bên quân báo, là bạn cũ của anh tới chơi, thấy mẹ con chị quá đói khổ, lam lũ, không có nhà cửa, tá túc ở căn nhà tập thể tềnh toàng, xót xa, xin với anh Võ Nghiệp, lúc đó là

Giám đốc Công ty Thương nghiệp tỉnh cho chị về công tác bên thương nghiệp tới khi chị về hưu vào những năm chín mươi, mẹ con chị mới bớt cực khổ.

* * *

Tình cờ tới hôm bàn giao căn nhà “NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI” trên đường Mai Văn Khải, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh do anh Bé Em, anh Mai Minh Chiến bên tỉnh đội đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cùng gia đình, bạn bè cũ trong kháng chiến hỗ trợ cho chị, cũng trùng với ngày giỗ anh, tôi đã gặp gần như đầy đủ bạn bè, đồng đội cũ của anh chị ngày trước như: Chị Tuyết Hồng, anh chị Ba Gọ, Vân (Giấy), chị Tư Bo, anh Trọng Thủy, anh Sáu Châu, chị Ngọc Sương, anh Lê Hoàng Đức, Tư Tiến… Tôi được biết họ vẫn thường tranh thủ ghé thăm chị, ngồi chụm lại với nhau như trong “cứ” ngày nào, cùng nhau ôn lại những ngày kháng chiến, kể lại những kỷ niệm vô cùng đẹp về anh, về chị và bạn bè, đồng đội…. Thắp ba nén nhang trên bàn thờ anh, tôi muốn nói với anh, bốn mươi bẩy năm đã trôi qua từ khi anh ra đi, nhưng đồng đội của anh vẫn luôn ở bên chị và chị mãi mãi là người vợ Đảm đang, Kiên cường và Chung thủy của anh./.