Nhan đề tác phẩm là cửa sổ nhìn thế giới do nghệ sĩ mở ra, là “chìa khoá nghệ thuật” giúp người đọc mở ra cánh cửa chìm của tác phẩm.

Nhan đề, dự đồ nghệ thuật, và cái biểu nghĩa của văn bản

Nhiều nhà văn sau khi hoàn thiện khâu cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật mới đặt tên cho tác phẩm của mình; tên gọi này, chính là sự tổng kết lại dự đồ sáng tác của họ. Ernest Miller Hemingway chia sẻ về kinh nghiệm đặt nhan đề như sau: “Sau khi viết xong một truyện… tôi kể ra cả một lô tên có thể mang đặt cho truyện đó. Đôi khi chúng có hàng trăm cái tên. Rồi tôi bắt đầu gạch bỏ, có khi, tất cả những tên nghĩ ra đều bị gạch hết”. Lại có trường hợp đặt nhan đề cho tác phẩm do một sự tình cờ nào đó, có lúc tên truyện được lấy ra từ trong thân truyện. Nhan đề, một yếu tố cận văn bản (cùng với tiêu đề các chương, các lời tựa, bạt, lời đề từ, các lời bình luận in trên bìa sách, các ghi chú của người viết…) do tác giả đặt (hoặc bạn hữu/biên tập viên sành sỏi nào đó gợi ý), nhìn chung đều có dụng ý tư tưởng, thậm chí nó còn có chức năng định hướng cách đọc, sự tiếp nhận của độc giả đối với phần chính văn. Nhan đề như một một mã của thông điệp thẩm mỹ, một mô hình nghệ thuật, nó là cái biểu nghĩa của văn bản văn học, cho độc giả biết trước: văn bản này viết về cái gì, có thể đọc nó hoặc nên đọc văn bản như thế nào.

Người xưa khẳng định: “Chỉ ra cái cốt tuỷ của toàn bài, hoặc ở đầu bài, hoặc ở giữa bài, hoặc ở cuối bài”. Không ít tác giả nhận thấy: “đầu đề phải nổi lên trên bề mặt văn bản, không có nó… không thể xây dựng được mô hình văn bản”. Quan điểm này, đúng với một số trường hợp. Nhà văn Đỗ Chu kể: “Bắt tay vào viết truyện ngắn, có truyện ban đầu đến với tôi bằng một cái tên. Hương cỏ mật, Mùa cá bột, tôi nghĩ ra những cái tên ấy trước, thấy hay hay, rồi liên tưởng ra nhân vật và cốt truyện”. Như vậy, nhan đề tương ứng với ý tưởng và dự đồ sáng tác, nó loé sáng bất chợt và trở thành cái tứ của truyện, thúc đẩy nhà văn kiếm tìm, suy ngẫm liên tưởng, chi phối mạnh mẽ đến việc tổ chức thế giới nghệ thuật. Nhan đề là cái ý tưởng, ý tứ ban đầu thôi thúc nhà văn cầm bút. Lưu Hi Tải tổng kết: Nếu hình thành ý tứ trước khi viết, tác giả sẽ viết nhàn nhã. Nếu cầm bút viết, rồi ý mới nảy sinh, thì chân tay lúng túng” (Nghệ khái văn khái).

Không ít tác phẩm thay đổi tên gọi nhiều lần, do tác giả chưa ưng ý. Cái tác giả cảm thấy chưa thích hợp, theo tôi chính là vì nhan đề chưa trở thành một tín hiệu nghệ thuật nào đó. Chẳng hạn, trong cuộc sống lắm khi vì khó khăn, bị dồn đuổi đến bước đường cùng muốn bám lấy sự sống, nên không tránh khỏi xảy ra chuyện tham lam ăn cắp. oái oăm hơn có kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, làm lẫn lộn hư thực. Nghĩ về thực tế trên, nhà văn Bùi Hiển tâm sự về một trường hợp viết truyện ngắn của mình: “Tên truyện cũ Thằng ăn trộm in ở tuần báo Văn nghệ (do Đời nay ấn hành) tháng 10-1940 không nói được điều đó. Tôi thấy tiếc cho chủ đề và đổi thành Kẻ hô hoán”.

Phạm Tiến Duật đánh giá cao lao động sáng tạo của nhà văn ngay từ nhan đề. Theo ông, người nghệ sĩ có ba cách đặt đầu đề cho tác phẩm của mình: Cách thứ nhất là không đặt gì cả, tức là tác giả khước từ hoàn toàn việc giới thiệu với người đọc tác phẩm của mình: ở loại này tác giả thường viết lên đầu đề hai chữ vô đề. Cách thứ hai: đặt đầu đề mà như không đặt. Cách thứ ba: đặt đầu đề gợi ý, gợi tình, gợi cảm, gợi cảnh. Như thế, phương pháp đặt nhan đề gần giống với cách cấu tứ: phú, tỉ, hứng. Một “bài thơ hay”, “bài thơ lớn” ngoài nội dung cụ thể của nó đem lại, thì nhan đề cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra tầm vóc tư tưởng của bài thơ. “Dù đặt thế nào thì đặt đầu đề của tác phẩm văn học phải thống nhất biện chứng với nội dung tác phẩm”,“thống nhất trong âm dương, trong phức điệu”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật tỏ ra không ưa kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, càng không bằng lòng với kiểu tạo ra một cái nhan đề quá nghèo nàn về tư tưởng. Nhan đề sẽ “vô duyên” nếu như “nó không bổ sung cho tác phẩm được gì”. Cần phải có “nghệ thuật” đặt nhan đề: “Nếu dưới bài là chật thì đầu đề phải rộng; dưới bài quá lạnh thì đầu đề phải nóng. Cái tứ của bài là giả thì tác phẩm chỉ có thể cứu lại bằng cái tình thật chứa trên đầu bài” (Phạm Tiến Duật, Vừa làm vừa nghĩ, Nxb. Văn học, 2003).

Mỗi tác giả có cách đặt nhan đề khác nhau, theo hứng thú thẩm mỹ riêng: Người thích dài, người thích cộc, kẻ gây thích gây ấn tượng, người thích giấu ý đồ… Phạm Tiến Duật định ra cái tiêu đề cũng có vẻ thừa: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Theo tôi, dấu hiệu của sự sáng tạo, mỹ cảm độc đáo của thi nhân có quan hệ chặt chẽ với cái yếu tố thừa đó. Nguyễn Công Hoan thường đặt nhan đề có ý nghĩa mỉa mai, đánh dấu, hoặc ngầm thông báo một tình huống nhân sinh (thường là phi lí, nghịch lí) ở đời, cho thấy lập trường đạo đức của nhà văn. Ví dụ: Báo hiếu: Trả nghĩa cha; Báo hiếu: trả nghĩa mẹ, Thầy cáu; Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo; Ngựa người và người ngựa, Mất cái ví; Cụ chánh bá mất giày; Đồ mắt mù cả lũVới Nguyễn Công Hoan, nhan đề thường cô đúc toàn bộ tinh thần của truyện, ám chỉ xa xôi một hiện tượng có thật nào đó trong đời sống. Truyện Nguyễn Công Hoan thuộc kiểu “ngụ ngôn”. Hầu hết nhan đề truyện ngắn của ông đều là sản phẩm của một sự phân tích logíc nghệ thuật thấu đáo, kĩ lưỡng. Đọc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan ta thấy nhan đề phản ánh một nếp nghĩ, một vốn sống và kĩ thuật viết truyện riêng biệt. Khi viết truyện, Nguyễn Công Hoan thường tập trung vào một ý, xoáy sâu vào một vấn đề, ít khi lan man tản mạn. Về điểm này, chính nhà văn cũng thừa nhận: “Mỗi truyện ngắn của tôi có thể tóm tắt bằng một câu nêu lên một ý”. Ở Nguyễn Ngọc Tư, nhan đề truyện ngắn thường là một trạng thái tình cảm nào đó hoặc là một nhận xét về con người, cuộc đời: Thương quá rau răm, Một trái tim khô, Cánh đồng bất tận, Biển người mênh mông, Nhớ sông, Nhà cổ… Kiểu nhan đề như vậy, phản ánh một đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư: Giàu chất trữ tình, giàu cảm xúc.

Nhan đề, hành trình cầm bút và ý thức sáng tạo/sở hữu (của cá nhân, tập thể)

Văn học luôn gắn bó với đời sống, nhà văn thâm nhập và biểu hiện cuộc sống theo những con đường khác nhau. Nhan đề tác phẩm, nhìn từ phương diện này, giữ vai trò như một cột mốc đánh dấu từng chặng đường thâm nhập cuộc sống của tác giả. Nếu Nguyễn Tuân không đi thực tế Tây Bắc, với khát khao khám phá chất vàng mười của thiên nhiên và con người nơi đây, chắc chắn không thể có những trang viết tài hoa độc đáo như trong tuỳ bút “Sông Đà”. Một nhà văn trẻ hỏi Nguyễn Tuân: “Thưa bác, bác đã viết Sông Đà như thế nào ạ”. Nguyễn Tuân cười hóm hỉnh, rồi trả lời rất ngắn: “Tôi đi, tôi viết”. Tên gọi “Sông Đà” đã trở thành biểu tượng cho một chuyến đi, nó nói lên bài học về kinh nghiệm sống, vốn sống đối với người sáng tác. Nguyễn Huy Tưởng đi chiến dịch biên giới 1950, viết “Kí sự Cao Lạng”. Tô Hoài đi cùng bộ đội tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952, ông có điều kiện thấu hiểu cuộc sống tủi nhục của đồng bào các dân tộc miền núi dưới ách phong kiến thực dân, nên viết thành công“ Truyện Tây Bắc”. Khi Tố Hữu giác ngộ lí tưởng cộng sản, ông có tập thơ “Từ ấy”.Những tên gọi như“Xiềng xích”,“Ra trận”,“Giải phóng”, “Lên Tây Bắc”… đều phản ánh được từng chặng đường hoạt động cách mạng của nhà thơ Tố Hữu. Nếu như, đối với các nhà văn – chiến sĩ, nhan đề thường in đậm cảm quan chính trị và nhiệt hứng yêu nước cao đẹp; thì ngược lại, đối với sáng tác của nhà văn lãng mạn, ngay từ nhan đề, người đọc có thể nhận thấy rõ một vài gợi ý về cái “tháp ngà nghệ thuật” do anh ta dựng nên. Cách đạt nhan đề vừa cho thấy sự tìm tòi đa dạng của nghệ sĩ.

Tác phẩm văn học dân gian thường không có nhan đề, đó là tài sản chung của cộng đồng, phản sánh kiểu tư duy tập thể. Nhan đề, với tư cách yếu tố cận văn bản, xuất hiện hầu hết ở các tác phẩm văn học viết. Việc đặt nhan đề hay không đặt nhan đề liên hệ mật thiết với ý thức sáng tạo cá nhân, với ý thức sở hữu văn bản.

Thùy Dương

(Còn tiếp)

Nguồn: Toquoc