Thạch Lam là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Văn ông giàu chất hiện thực và thể hiện một tấm lòng nhân ái, một sự cảm thông sâu sắc đối với những cuộc đời bất hạnh, bị đè nén, áp bức, nhất là số phận người phụ nữ. Điều đáng ghi nhận ở Thạch Lam là ông không chỉ khám phá, thể hiện một cách chân thực cuộc đời nhục nhã, cơ cực của những người phụ nữ suốt đời tần tảo vì gia đình, chồng con với bao khổ đau mà còn phát hiện ra ở những số phận bất hạnh ấy những vẻ đẹp tâm hồn thật thánh thiện, cao quý.
Những người phụ nữ trong truyện ngắn Thạch Lam phần nhiều là những người con gái, người vợ, người mẹ bất hạnh. Họ bị thờ ơ, hắt hủi, hành hạ như những nô lệ trong gia đình. Nhân vật Dung trong Hai lần chết gặp phải sự thờ ơ, lãnh đạm từ phía cha mẹ ngay từ lúc chào đời. Lớn lên, cha mẹ gả cô cho gia đình giàu có. Cuộc sống tưởng từ đây hạnh phúc, nào ngờ gặp phải người chồng nhu nhược “vừa lẩn thẩn, vừa ngu đần”, bà mẹ chồng thì ác nghiệt và luôn tìm cách đay nghiến con dâu, còn hai cô em chồng “ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm” khiến Dung khổ sở vô cùng. Trong khi đó, người mẹ mang nặng đẻ đau ra cô thì rũ bỏ trách nhiệm với con bằng thái độ thật vô cảm, tàn nhẫn “chỉ biết không phải là con tôi nữa thôi”. Cuộc sống như địa ngục ấy khiến Dung “ước ao chết như một cách thoát nợ” mà không được. Khổ đau chồng chất khổ đau, bất hạnh càng thêm bất hạnh. Dung “không bấu víu vào đâu được nữa: và cũng “không ai cứu vớt nàng nữa”.
Nếu như chồng Dung là kẻ nhu nhược, thì Tích – chồng Liên (Một đời người) – lại là kẻ vũ phu ghê gớm. Anh ta sẵn sàng hành hạ vợ bất cứ lúc nào và vì bất cứ lí do gì. Cả chồng và mẹ chồng đều tàn bạo, vô tình nên Liên chỉ còn biết trông vào đứa con lên 6 làm chỗ dựa về tinh thần nhưng đau đớn, bất hạnh thay khi nó cũng “xấc láo như bố”. Tất cả những đau đớn về thể xác và tinh thần của Liên chỉ được “quên đi trong chốc lát” mỗi khi hết giờ làm việc để được cùng các chị em rảo bước trên vỉa hè và trò chuyện. Nhưng liền ngay sau đó, “nàng không còn vui vẻ gì nữa vì sắp về đến nhà” bởi ngôi nhà ấy với cô chỉ là “một cái địa ngục” không hơn không kém. Đến mức nhân vật phải băn khoăn không hiểu do đâu mà “chồng nàng và mẹ chồng lại ác nghiệt với nàng đến thế”. Câu hỏi ở cuối tác phẩm lại càng khẳng định, nhấn mạnh thêm nỗi bất hạnh của “một đời người” mà người đàn bà bất hạnh này phải gánh chịu. Đọc những trang truyện này, người đọc như cảm nhận được một tâm sự sâu kín, một lời trách móc âm thầm mà thống thiết của nhà văn qua những số phận bất hạnh. Đó là sự phản đối chế độ gia đình phong kiến cổ hủ – một chế độ vô nhân đạo với những người phụ nữ ở ngay trong gia đình và do chính những người thân của họ.
Ở truyện Trở về, nhà văn tập trung miêu tả nỗi khổ đau của bà mẹ già nơi thôn quê nghèo khó vì đứa con bất hiếu. Người mẹ đã tần tảo sớm hôm nuôi Tâm ăn học nên người nhưng khi được ra thành phố, cuộc sống bon chen danh lợi đã khiến anh ta quên hẳn người mẹ ở quê nhà. Trong sáu năm biền biệt, Tâm không một lời hỏi thăm và cũng không để ý đến những bức thư của mẹ gửi từ quê ra với bao tình cảm ân cần, đằm thắm. Đốn mạt hơn nữa, vì sợ bị phát hiện là mình có người mẹ nghèo khổ ở quê nên khi lấy vợ Tâm đã không báo tin cho mẹ biết. Bất đắc dĩ phải về thăm mẹ, anh ta đáp lại tình cảm của mẹ bằng một thái độ kiêu căng, khó chịu. Và lúc “ra khỏi nhà Tâm nhẹ hẳn người” rồi lái xe chạy làm bùn bắn lên hai người phụ nữ bên đường mà anh ta thừa biết đó là mẹ và cô hàng xóm tốt bụng. Lúc này, “không còn một cái gì ràng buộc Tâm với cuộc sống thôn quê nữa” nên anh ta chẳng mảy may động lòng thương hay hối hận. Ở đây, nhà văn không chỉ khiến người đọc phải lên án sự vô ơn của đứa con mà còn đau xót cho số phận bất hạnh của người mẹ.
Trong sáng tác của Thạch Lam, ta còn gặp không ít những người phụ nữ có số phận bất hạnh do cuộc sống thất cơ lỡ vận. Đó là bà mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) góa chồng để phải nhọc nhằn, tần tảo nuôi đàn con thơ 11 đứa. Tình thế cùng quẫn, bà phải nhẫn nhục mang giá vay gạo nhà giàu. Nhưng hai lần đi, hai lần mang giá về không. Thậm chí lại còn bị chúng xua chó cắn chết. Chỉ trong ít trang truyện ngắn ngủi nhưng nhà văn đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống và số phận bất hạnh của người lao động trong xã hội cũ. Vì miếng cơm manh áo hàng ngày mà biết bao gia đình phải ly tán, phiêu bạt, thậm chí phải chết một cách thật oan ức. Ở đây ta thấy có sự gặp gỡ ở một mức độ nào đó giữa Thạch Lam và Nguyên Hồng. Nhà văn Nguyên Hồng đã làm cho người đọc xúc động khi gợi lại cái chết thảm thương của cô Mũn (Đây bóng tối). Cô Mũn chết đi để lại người chồng mù lòa và bốn đứa con thơ dại. Còn mẹ Lê liệu có nhắm mắt được dưới suối vàng khi mà trên dương thế 11 đứa con thơ dại chẳng biết sẽ ra sao trước cuộc đời đầy giông tố? Rõ ràng, tuy không cùng số phận với nhân vật nhưng Thạch Lam đâu phải chỉ là một người khách qua đường bởi trái tim vốn đầy lòng trắc ẩn của nhà văn như run lên khi viết về thân phận những con người bất hạnh.
Nhìn chung, các nhân vật nữ của Thạch Lam thường gặp phải số phận bi kịch. Tuy nhiên, vượt lên bao nỗi khổ đau, bất hạnh, những người phụ nữ trong sáng tác của nhà văn vẫn luôn cố gắng gìn giữ những phẩm chất cao quý của tâm hồn. Họ phần lớn là những người có cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thậm chí là bất hạnh nhưng cái đáng quý là họ vẫn yêu chồng, thương con, tần tảo khuya sớm vì gia đình. Tâm (Cô hàng xén) lúc còn ở nhà với mẹ và hai đứa em hay khi đã về nhà chồng thì ngày nào cũng bận bịu, vất vả với gánh hàng trĩu nặng trên vai nhưng không bao giờ có một lời kêu ca về nỗi khổ sở, nhọc nhằn bởi nàng “thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quý của mình”. Hình ảnh “cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp bước đi” đã trở lên quá quen thuộc với mọi người. Một sự hi sinh lặng thầm nhưng rất đỗi thiêng liêng của nhân vật.
Cùng kiểu nhân vật như Tâm là hình ảnh mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) tần tảo, nhọc nhằn làm thuê lo miếng ăn cho đàn con; là mẹ cô bé Hiên (Gió lạnh đầu mùa) và chị Tý (Hai đứa trẻ) vất vả sớm hôm mò cua bắt tép nuôi chồng con; là chị Sen (Đứa con) cũng vì thương cha mẹ mắc nợ ông bà Cả mà phải cam chịu đi ở, chịu sự hành hạ tàn nhẫn của chủ; là Mai (Đói) vì thương chồng, muốn đưa gia đình thoát khỏi cơn nghèo đói, cùng quẫn mà phải bán mình trong nỗi đau ê chề, tủi nhục.
Và điều đáng quý ở các nhân vật phụ nữ của Thạch Lam là trong sự vất vả, khổ đau họ lại luôn quan tâm, hi sinh vì người khác mà không bao giờ nghĩ mình cũng phải nhận được điều tương tự từ mọi người như Tâm (Cô hàng xén) “không bao giờ Tâm có ý nghĩ cho riêng mình, cho cuộc đời riêng của cô”. Lúc nào họ cũng cô đơn, lẻ loi một mình một bóng lo toan gánh vác công việc gia đình. Và đáng ra phải nhận được sự cảm thông, chia sẻ thì họ chỉ nhận được sự đòi hỏi mà thôi, nhiều khi còn là sự nhiếc móc, hành hạ. Nhân vật Mai (Đói) biết việc mình làm là tội lỗi nên đã cố ý tránh để chồng khỏi bị nhục vì miếng ăn “nhỏ bé” hàng ngày chứ nàng không phải là kẻ lừa dối, xấu xa như chồng nghĩ. Nhưng chồng cô không hiểu mà mắng mỏ, đuổi vợ đi. Vẫn là sự hi sinh thầm lặng, Mai không cãi mà cũng chẳng thanh minh, biện bạch. Nỗi đau khổ, bất hạnh như được nhân lên gấp nhiều lần. Có lẽ nào sự hi sinh của Mai là vô nghĩa, là không thể cảm thông?
Trong thế giới nhân vật phụ nữ của Thạch Lam, ta còn gặp kiểu nhân vật dù có lúc tỏ ra tàn nhẫn hoặc mắc phải lỗi lầm nhưng vẫn cố gắng vượt lên chính mình để hướng tới những nét đẹp giản dị, thanh tao của tình cảm con người. Hai năm trước, bà Cả (Đứa con) đối xử với chị Sen thật tàn nhẫn thì nay gặp lại đã là một con người khác hẳn. Khao khát làm mẹ của bà trỗi dậy mãnh liệt khi bế đứa bé – con chị – khiến bà vòng tay ghì chặt nó vào lòng, vào cái sườn cằn cỗi của mình. Rồi bà “ngẩn ngơ” người, “mắt đờ ra như đang theo đuổi một ước vọng xa xôi” khi trả đứa bé về tay mẹ nó. Điều bình thường, giản đơn với người phụ nữ đã trở thành khát vọng lớn lao mà xa vời đối với bà Cả khiến bà ước ao “giá đánh đổi được tất cả để lấy đứa con”. Giờ đây, bà không còn hà tiện tiếc chị Sen bộ quần áo hay mấy đồng bạc như trước đây nữa. Bà không nhận lễ của bố mẹ Sen mà còn cho tiền may áo cho đứa bé. Biết hướng tới điều nhân bản cao quý qua sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong suy nghĩ, hành động nên đã làm cho chúng ta thấy nhân vật bà Cả như trở nên gần gũi và đáng thương hơn là đáng trách.
Ở truyện Trong bóng tối buổi chiều, sau khi nghe Diên nhắc lại “những ngày đầm ấm ở thôn quê, đến cái tình thân thiết của đôi bên” thì Mai thấy thực sự ăn năn về cách ứng xử của mình nên cô “hai tay úp mặt xuống khóc… hai vai nàng nức lên”. Mai khóc nghĩa là lương tri vẫn còn. Thạch Lam tin vào nước mắt con người. Bởi với ông, nước mắt biểu hiện tính người, “là một miếng kính biến hình vũ trụ” (lời nhà thơ Pháp Francois Coppée). Sống trong môi trường xã hội đầy rẫy những cám dỗ tầm thường, tưởng chừng như Mai đã đánh mất con người mình, đánh mất những kỷ niệm thiêng liêng của tình yêu đẹp đẽ nhưng lòng trắc ẩn, sự ân hận đã làm thức tỉnh bản tính mộc mạc, tình cảm chân quê ở cô.
Cùng thời với Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan – một nhà văn hiện thực nổi tiếng, cũng đề cập đến cuộc sống của những cô gái giang hồ nhưng người đọc nhận thấy sự đối lập gay gắt trong cách nhìn, thái độ của mỗi nhà văn về loại nhân vật đặc biệt này. Các cô gái làng chơi trong Oẳn tà roằnNgựa người – người ngựa và một số tác phẩm khác của Nguyễn Công Hoan đều được miêu tả là những kẻ trơ trẽn, hư hỏng. Trong khi đó, hai cô gái trong Tối ba mươi của Thạch Lam lại rất đáng thương và đáng trân trọng. Những cô gái hành nghề ở “nhà săm”, sống xa gia đình, ngày tất niên nhưng vẫn không quên nghi lễ truyền thống – cúng giao thừa. Giây phút thiêng liêng ấy khiến hai cô gái đáng thương kia phải tự nức nở thương hại cho chính mình. Họ đã xót xa, đau đớn, nhục nhã và ngập tràn trong nước mắt là nỗi buồn, nỗi ân hận của những người vốn lương thiện nhưng lại bị dòng đời xô đẩy mà lỡ vận, sa cơ. Với lòng nhân hậu sâu sắc, Thạch Lam nhìn thấy trong sâu thẳm tâm hồn họ cái đốm sáng thiên lương vẫn âm ỉ cháy nên nhà văn vừa cảm thông và cũng rất trân trọng. Tư tưởng tiến bộ này khác hẳn với cái nhìn có phần khe khắt của Nguyễn Công Hoan và cũng không giống với quan niệm hiện đại đến mức phóng túng của Nhất Linh, Khái Hưng khi xây dựng nhân vật Tuyết dù có những cơ hội để thoát khỏi “đời mưa gió” nhưng lại tự cho rằng đó chính là số phận của mình nên tiếp tục dấn thân vào cuộc đời ô nhục mà không chút phân vân, do dự.
Có thể nói, khi xây dựng chân dung những nhân vật phụ nữ, Thạch lam đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc đời sống nội tâm của nhân vật, qua đó nhà văn hướng người đọc đến một cái nhìn đa diện, nhiều chiều về con người. Vì thế, mỗi nhân vật của Thạch Lam như gần gũi, sống động, nhân ái và tốt đẹp hơn.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Bích Thu từng nhận xét: “Các nhân vật của Thạch Lam luôn luôn tự thức tỉnh, tự điều chỉnh tâm trạng, tâm lý để hướng tới một sự hoàn thiện về cá tính và nhân cách”. Cái đẹp mà nhà văn Thạch Lam thiết tha nâng niu là cái đẹp tâm hồn, là mỗi phút giây đi qua con người lại tự nhận thức, tự tìm lại chính mình. Ông bồi đắp cho nhân vật phần tự ý thức, tự cảm nhận và cho độc giả thấy con người phải vật lộn với cuộc sống để có thể đứng vững bằng nghị lực của chính mình. Nhưng đứng trước ranh giới cái xấu và cái tốt, cái ác và cái thiện thì cuối cùng, các nhân vật theo bản tính tự nhiên của mình sẽ trở về với phần nhân bản sáng trong. Với trái tim nhân hậu và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, Thạch Lam mong muốn mỗi cá nhân phải sống sao cho xứng đáng với hai chữ Con người – nhất là với những nhân vật phụ nữ – một đối tượng ông đã dành biết bao sự trân trọng, yêu thương.

B.T.N

Nguồn tin: TCNV 06-2013