SƠ THẢO KĨ THUẬT VIẾT TRUYỆN NGẮN

Bài giảng của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Dành cho người viết giai đoạn đầu, có đam mê sáng tác

(Bài đã được đăng trên tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số tháng 2.2024)

Truyện ngắn là một thể loại yêu thích của nhiều người. Hầu như ai cũng có thể phác thảo, và hoàn thành một truyện ngắn.

Viết truyện ngắn thường có cảm giác dễ thực hiện hơn tiểu thuyết. Vì ngắn. Nhưng, để có được truyện ngắn hay thì không hề dễ.

Truyện ngắn là một lát cắt. Tiểu thuyết là cả một bề dày thời gian, nhân vật, số lượng chữ, cốt truyện phát triển rộng dài.

Với một niềm đam mê sáng tạo, nghiêm túc trong việc tuân thủ các bước: tìm ý tưởng, phác thảo và gọt giũa bản thảo, chẳng bao lâu bạn sẽ nắm được cách viết một truyện ngắn thành công.

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT TRUYỆN NGẮN HAY

– Số lượng nhân vật giới hạn

– Bối cảnh được tả gọn ghẽ

– Cốt truyện chỉ có một hoặc hai xung đột

– Chỉ có một đến hai góc nhìn

– Mở và kết phải gây ấn tượng

– Có chủ đề hoặc đề tài, nếu không rõ ràng cũng phải có đích hướng.

– Tin tưởng độc giả của mình, tin rằng họ sẽ hiểu được câu chuyện mà không cần giải thích bình luận gì trong mạch văn.

– Ngay từ đầu truyện cần thu hút sự chú ý của độc giả, đưa ra đề tài cần bàn, và sau đó chốt lại câu chuyện.

Tất cả chỉ gói gọn trong số chữ có hạn (từ 1.000 đến 5.000 chữ)

CÁC BƯỚC CHÍNH

1. Tìm cảm hứng để viết truyện

– Cảm hứng không cần với cao hay xa. Ở ngay trong xúc cảm của bạn.

Chẳng hạn, bạn hình dung trên đường phố có một bóng áo đỏ…

Hoặc bạn nghe thấy một âm thanh diều sáo bay trên bở đê lộng gió…

Bạn căm phẫn với một sự bạo hành…

– Các nhân vật luôn ở xung quanh bạn. Hoặc nằm trong trí nhớ, sự quan sát của bạn ở thời điểm quá khứ hoặc hiện tại.

Xác lập xúc cảm với nhân vật mình định viết, kể cả yêu thích hay căm ghét.

2. Tìm ý tưởng để tạo một cốt truyện

– Có xúc cảm về một nhân vật hay một vấn đề rồi, truyện của bạn sẽ kể về điều gì ở nhân vật, vấn đề đó? Và điều gì sẽ xảy ra trong tiến trình truyện?

– Phác thảo sơ đồ, cân nhắc những gì bạn muốn viết ra.

– Chọn một chủ đề cụ thể: Nhiều truyện ngắn xoay quanh một chủ đề và khai thác chủ đề đó từ góc nhìn của người dẫn chuyện hoặc nhân vật chính.

Bạn có thể lấy các chủ đề như tình yêu, gia đình, tan vỡ, chiến tranh, hòa bình… và suy nghĩ về chủ đề đó từ quan điểm của nhân vật chính.

Gợi ý: Đôi khi, có thể trước tiên bạn sẽ nghĩ ra một tên truyện. Từ cái tên đó, bạn hình dung ra câu chuyện mình sẽ viết.

Ví dụ: Tôi đã nghĩ ra cái tên Lúa hát trước. Tôi hình dung cả cánh đồng lúa đang rì rào ca hát. Sau đó truyện ngắn Lúa hát ra đời, được đông đảo bạn đọc và bạn văn đánh giá cao.

3. Chọn ngôi kể:

– Có ba góc nhìn chính để kể chuyện:

Ngôi thứ nhất: tôi.

Ngôi thứ hai: bạn.

Ngôi thứ ba: cô ấy, anh ấy, nó, gã, y, thị….

Trong câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật trong truyện là người kể chuyện. Trong câu chuyện ở ngôi thứ hai, người đọc trở thành nhân vật trong câu chuyện. Và trong câu chuyện ở ngôi thứ ba, một người ngoài cuộc là người kể lại câu chuyện. Ngôi thứ hai rất hiếm khi được dùng.

Người kể ở ngôi thứ nhất có thể kể lại những gì họ biết (những điều mà họ thấy hoặc được người khác kể lại), xuất phát từ nội tâm, dễ miêu tả nội tâm.

Còn người kể ở ngôi thứ ba có thể giúp người viết kể rộng không gian tầm nhìn hơn.

Bạn cũng có thể trộn lẫn những ngôi kể. Ví dụ như, bạn có thể kể bằng ngôi thứ nhất ở phần này, và chuyển sang ngôi thứ ba ở phần khác. Hoặc bạn cũng có thể để cho nhiều nhân vật cùng sử dụng ngôi thứ nhất.

Vì vậy cần xác định cách tiếp cận hoặc góc nhìn của bạn trong truyện.

4. Tập trung vào một nhân vật chính

– Hầu hết truyện ngắn đều tập trung vào một, hoặc nhiều nhất là hai nhân vật chính.

– Hãy cho nhân vật chính có đời sống nội tâm: Chẳng hạn, sự khát khao hoặc mong ước rõ ràng nhưng cũng đầy mâu thuẫn.

(Đừng tạo nên nhân vật chỉ tốt hoặc xấu một cách đơn giản).

– Hãy nghĩ ra nhiều đặc tính và cảm xúc đa chiều trong một con người, để tạo ra một nhân vật có đời sống và nội tâm đa diện.

– Hãy nhớ rằng, nhân vật tạo nên cốt truyện: Tạo một nhân vật có thể khiến cốt truyện của bạn thêm phần hấp dẫn và phức tạp.

– Tạo một xung đột trung tâm cho nhân vật chính.

Mỗi một truyện ngắn viết tốt đều xoay quanh một xung đột, theo đó nhân vật chính sẽ phải đối phó với một vấn đề hoặc rắc rối nào đó. Bạn hãy đặt ra xung đột cho nhân vật chính từ đầu truyện. Tạo ra khó khăn hoặc hoàn cảnh ngặt nghèo cho nhân vật.

5. Chọn một bối cảnh cuốn hút

– Bối cảnh là nơi mà các sự kiện trong truyện diễn ra. Bạn có thể bám vào một bối cảnh trung tâm cho câu chuyện và thêm các chi tiết vào những cảnh có các nhân vật của bạn xuất hiện.

Chọn một bối cảnh mà bạn thấy cuốn hút và có thể khiến cho người đọc cũng thích thú hoặc tò mò muốn tìm hiểu.

– Đừng đưa quá nhiều bối cảnh vào truyện 

Việc sử dụng quá nhiều bối cảnh sẽ khiến người đọc bối rối và khó theo dõi câu chuyện. Một hoặc hai bối cảnh thường là phù hợp cho một truyện ngắn.

6. Bắt đầu viết

– Thu hút người đọc ngay từ những câu đầu.

– Phụ thuộc vào việc bạn có phác thảo ra cốt truyện và nhân vật hoàn chỉnh hay không, quá trình viết có thể chỉ đơn giản là lựa chọn từ ngữ đúng.

– Mặc dù vậy, viết là một quá trình gian truân. Bạn có thể không hiểu rõ nên trình bày nhân vật và cốt truyện như bạn nghĩ ra sao. Hãy tin, theo cách nào đó, nhân vật của bạn sẽ dẫn dắt cho bạn biết những gì họ cần, để bạn viết ra. Hơn nữa, bạn luôn có thể viết bản nháp thứ hai!

– Nếu có điểm bắt đầu, điểm kết thúc, và hướng đi, bạn sẽ không bao giờ bị lan man.

7. Tạo một cao trào đầy cảm xúc

– Mỗi một truyện ngắn hay đều có một khoảnh khắc bùng nổ, khi cảm xúc của nhân vật chính dâng đến đỉnh điểm.

– Cao trào thường xảy ra ở nửa sau của truyện hoặc gần cuối truyện.

Đến đoạn cao trào, nhân vật chính có thể cảm thấy quá sức chịu đựng, bị sập bẫy, tuyệt vọng, thậm chí mất kiểm soát. Hoặc quá dâng tràn hạnh phúc, niềm vui, thành công…

8. Tìm một kết truyện đảo ngược hoặc bất ngờ

– Hãy nghĩ ra một cái kết khiến người đọc phải ngạc nhiên, sửng sốt hoặc tò mò.

– Tránh những cái kết hiển nhiên mà người đọc có thể đoán trước.

– Hãy cho người đọc một cảm giác an toàn giả tạo, khi họ tưởng rằng câu chuyện sẽ kết thúc theo một cách nào đó, nhưng rồi bạn chuyển hướng sang một nhân vật khác hoặc một hình ảnh khác gây bất ngờ ngạc nhiên cho người đọc.

– Tạo một kết truyện thỏa đáng:

Thử nghiệm vài kiểu kết truyện: Phác thảo một vài cái kết khác nhau mà bạn có thể sử dụng. Tưởng tượng ra từng phương án và xem cái kết nào có vẻ tự nhiên hơn, ngạc nhiên hơn hoặc mỹ mãn hơn.

Nếu bạn chưa tìm ra ngay một cái kết ưng ý thì cũng không sao, vì đây là một trong những phần khó viết nhất của truyện ngắn!

Bạn muốn người đọc cảm thấy thế nào khi đọc xong truyện của bạn? 

Kết truyện là ấn tượng cuối cùng mà bạn để lại cho người đọc. Họ có cảm xúc gì khi các nhân vật thành công, thất bại hoặc lửng lơ ở lưng chừng?

Đây chính là điều mà bạn cần rèn luyện rất kỳ công.

Tránh sáo rỗng:

Hãy tránh xa những cái kết sáo rỗng.

Nếu kết truyện của bạn có vẻ như quá quen thuộc, thậm chí nhàm chán, bạn hãy tự thách thức bản thân làm sao để gây khó khăn hơn cho nhân vật của mình.

9. Kiểm soát lỗi và chuyển cho bạn đọc

– Sau khi viết xong nhớ đọc lại và chỉnh sửa mấy lượt. Mỗi lần đọc lại có thể bạn sẽ nghĩ ra một cái gì đó thú vị để chỉnh sửa truyện cho hấp dẫn hơn.

– Lỗi chính tả, lỗi trình bày văn bản là những cái lỗi khó chịu nhất và cũng chứng tỏ bạn chưa phải là một tác giả sáng tác.

Lỗi chính tả, lỗi trình bày văn bản cũng là thứ dễ sửa dễ rút kinh nghiệm nhất.

– Viết truyện là để cho nhóm cộng đồng được thưởng thức, vậy nên bạn cần gửi in ở những tờ báo, tạp chí, sau khi đã kiểm soát chỉnh sửa kỹ.

10. Đọc các truyện ngắn tiêu biểu

– Học cách viết truyện ngắn thành công và thu hút độc giả bằng cách đọc những tác phẩm của các nhà văn bậc thầy.

Tìm các truyện ngắn thuộc các thể loại khác nhau, từ văn học cổ điển, hiện đại, lãng mạn, hư cấu, giả tưởng, khoa học viễn tưởng đến văn học kỳ ảo… 

– Chú ý xem các tác giả sử dụng nhân vật, chủ đề, bối cảnh và cốt truyện như thế nào để tạo nên hiệu ứng tuyệt vời trong truyện ngắn của họ.

– Bạn có thể tìm đọc truyện ngắn ở các trang báo tạp chí văn học uy tín.

Chúc bạn thành công với nỗ lực và đam mê sáng tác của mình!