Ngày Văn Cao Trở Lại
TRỊNH CÔNG SƠN
(Trích đăng theo kênh https://www.facebook.com/NhacTrinhVN)
“Chỉ là chuyến đi bình thường nhưng đã thành một sự kiện. Nhạc sĩ Văn Cao vào thăm thành phố Hồ Chí Minh và cái thành phố luôn náo nhiệt làm ăn này dường như đang hằng mong đợi ông. Ba buổi biểu diễn nhạc Văn Cao đã được tổ chức cấp tốc ở nhà Văn hóa Thanh niên, đông hết sức chứa, bất kể những cơn mưa tháng bảy…
Nhạc sĩ Văn Cao trở lại Sài Gòn lần này, với tôi, có điều gì đó không giống những năm trước. Sự có mặt của anh bên cạnh ly rượu làm tôi nhớ đến những người đã vắng mặt. Những anh Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng. Những con người tài hoa của nghệ thuật cũng như anh Văn mà có thời tôi đã cùng chia những ly rượu sáng chiều ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn. Cái có, không ở đời là chuyện thường tình của cuộc sống, nhưng cứ mỗi lúc có một cái gì gợi nhớ là không thể không ngậm ngùi. Anh Văn Cao là sự gợi nhớ đó.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm, cô đơn của những mùa thu đông ở Hà Nội, với hình ảnh một Văn Cao ngồi một mình với cốc rượu trước mặt ngày này qua ngày khác. Anh ngồi đó mà như một sự vắng mặt trước cuộc sống. Ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng. Ly rượu cũng biến thành cái bóng. Cái bóng của hai người. Người và ly – rượu – người. Thân thiết chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng, hiu quạnh, không còn ai khác có thể san sẻ giùm.
Những ngày này, ở đây, giữa Sài Gòn xưa và nay, tôi thấy ở anh thoáng hiện những nụ cười yêu đời hóm hỉnh. Dấu hiệu của một sự yêu đời đã trở lại. Vì đời yêu anh nên anh phải yêu đời. Yêu đời là lẽ sống của những người không bệnh hoạn.
Anh Văn Cao đã nói với những người yêu nhạc ở thành phố này về tình yêu, về những kỷ niệm xa xưa đã làm nên những bài hát trữ tình của anh. Ai cũng thấy rõ anh đã có một thời yêu đương, một thời mơ mộng. Đừng tưởng tuổi già làm anh cụt hứng với cuộc đời. Anh vẫn yêu, vẫn còn những mộng tưởng êm đềm đối với cuộc sống chung quanh. Như thế, có nghĩa là anh vẫn còn tồn tại dài lâu với cuộc đời chưa hề muốn phụ bạc anh. Vì qua ba buổi trình diễn những ca khúc xưa của anh, mọi người vẫn thấy rõ cái cảm xúc còn dấy lên như một cơn lốc, từ những tiếng vỗ tay không muốn ngừng nơi đám đông người ở một thế hệ quá trẻ.
Thành phố này đã yêu anh – quá khứ, và tiếp tục yêu anh – hiện tại. Đó là món quà lớn cho một đời người làm nghệ thuật. Sống mà không ai quên được mình thật là khó. Anh đã làm được chuyện ấy thật không dễ gì.
Mọi điều xấu tốt rồi sẽ qua đi, không ai để lòng nhớ mãi những câu chuyện đời. Nhưng tôi biết rằng, và cũng tin rằng, ở nơi đây, trên mặt đất quê hương này, khi nhiều năm nữa, sẽ qua đi, thì những Thiên thai, Suối mơ, Sông Lô… cũng vẫn mãi mãi còn vang vọng trong những trái tim yếu mềm vì một thứ nghệ thuật chỉ dành riêng cho những con người đích thực.
Hai mươi không phải là quá trẻ và bảy mươi chưa phải là đã già. Sự già trẻ trong nghệ thuật là ở trái tim còn biết rung động và nồng nàn với cuộc sống. Trí tuệ cũng muốn nói một điều tương tự.
Anh Văn Cao đã từng cùng bằng hữu của anh đi qua cuộc đời này và chắc anh không nghĩ khác rằng trái tim và trí tuệ chỉ là một. Trái tim nuôi trí tuệ và trí tuệ nuôi lại trái tim”.
Có bao nhiêu người sẽ còn nhớ lại những đêm Văn Cao ở Sài Gòn? Nhớ bao lâu và sẽ nhớ đến bao giờ? Những đầu tóc phai màu và những đầu tóc còn xanh. Có lẽ phải nói thật một điều, dù phũ phàng đến bao nhiêu, sẽ không còn nhớ ai trong cuộc đời này cả. Người mất đi sẽ bị thiệt thòi. Cuộc sống vẫn cứ êm đềm hoặc sinh động trôi đi. Những nụ cười. Áo đẹp. Vóc dáng. Xe cộ ngược xuôi. Tình yêu. Hoa quả cây lá xanh tươi. Quá nhiều điều trong cuộc đời không nhớ hết.
Dù sao vẫn còn sót lại trong lòng tôi một mơ ước là tất cả chúng ta, đã cùng có mặt trước, sau trong cuộc đời, đối với những ai đã mang đến những khúc hát, những bản tình ca, những lời rao truyền được hát lên như bi ai hoặc hạnh ca, thì cũng nên có phút nhẹ lòng được nhớ lại và nghĩ đến.
Tôi nhớ anh Văn Cao như nhớ đến một người đồng hương mà quê quán không còn vết tích. Tôi vẫn mong chờ ở anh Văn Cao một bản tình ca sau cùng”.
Văn Cao – cuối cùng và còn lại – 1998