Linh Khánh

Từ những kinh nghiệm về dược liệu dân gian của nhiều ông lang, bà mế một số tỉnh miền núi phía bắc…, các nhà khoa học thuộc khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên đã đưa ra được những kết quả nghiên cứu giá trị.

Tập huấn và chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia nghiên cứu sinh học Việt Nam, Bỉ với các ông lang bà mế của tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. (Ảnh: Dự án cung cấp)

Đây là kết quả từ Dự án điều tra xã hội do PGS. TS Nguyễn Trường Giang, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đứng đầu, và dự án nghiên cứu tiềm năng về dược chất, độc tính và kinh tế-xã hội của những chiết xuất tự nhiên tại khu vực phía bắc Việt Nam do PGS. TS Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Sinh học làm Trưởng Ban chủ nhiệm Dự án.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tại 7 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Lào Cai, Vĩnh Phúc, phỏng vấn người thu hái, người thu gom, người chữa bệnh, người bán dược liệu…, đồng thời đối chiếu, phỏng vấn đại diện của Hội Y học cổ truyền Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá thực địa cùng với 13 ông lang bà mế và những người buôn bán dược liệu tại các địa phương. Hoạt động nghiên cứu kéo dài từ tháng 7/2012 đến tháng 12/2021, hoạt động phân tích dữ liệu và hoàn thiện báo cáo diễn ra từ tháng 12/2018 đến tháng 7/2022.

Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 389 người tham gia tại các địa phương, bao gồm những người thường xuyên đi rừng với đầy đủ các thành phần. Thông tin về các loài dược liệu cũng được thu thập từ cán bộ địa phương thuộc 28 xã được điều tra; cũng như cán bộ kiểm lâm thuộc các khu vực khác nhau. Các nhà khoa học của dự án cũng phỏng vấn 18 đơn vị buôn bán dược liệu, 10 doanh nghiệp về chế biến và thương mại dược liệu tại các thành phố lớn.

22 loài thực vật được nghiên cứu gồm:
Tô mộc, Bồ công anh cao, Mộc tặc trãi, Cỏ tháp bút xòe, Bòn bọt, Phòng phong thảo, Bọ mẩy, Tiết dê lá dày, Hoàng Liên ôrô lá dày, Đa lá lệch, Gắm núi, Râu hùm, Náng hoa trắng, Bùm bụp, Mạn mân, Dạ cẩm, Trứng cuốc, Lan kiếm, Khổ Sâm, Dây đau xương, Phòng kỷ xuân liên, Mộc hương lá nhọn.

Kết quả đạt được trên 22 loài thực vật được thu thập để nghiên cứu các nhóm đặc tính cho thấy, một số loài có khả năng chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống oxy hóa…

Một số kết quả quan trọng đáng chú ý gồm các thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư vú và dòng tế bào Hela đối với các chiết xuất từ các loại cây Mộc tặc Trãi, Khô sâm, Phòng phong thảo; các thử nghiệm hoạt tính chống viêm đối với mẫu từ các loại cây bọ mẩy, gắm núi, hoàng liên ô rô lá dày và bòn bọt; các thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn đối với với hầu hết các chất chiết xuất từ cây gắm núi, bùm bụp, mạn mân và cây dạ cẩm…

Các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội nghị.

Kết quả này đã được báo cáo tại Hội nghị Quốc tế “Khám phá tiềm năng về dược chất, độc tính và kinh tế- xã hội của những chiết xuất tự nhiên tại khu vực phía bắc Việt Nam” do Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phát biểu về dự án nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Trường Giang cho biết” “Dự án này sẽ đem lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương, những người trồng trọt và thu hoạch tại chỗ. Chúng tôi sẽ tìm cách thành lập các nhóm nông dân tại chỗ thông qua các quy chế hoạt động hoặc các quy chuẩn truyền thống nhằm tạo ra các cơ chế hiệu quả nhanh chóng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường”.

Tại hội nghị, các thành viên tham dự cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm và đề xuất tiếp tục phát triển sáng kiến về mô hình “Liên kết nghiên cứu sản xuất dược liệu theo chuỗi sản phẩm thương mại ứng dụng nền tảng hợp tác đa ngành khoa học” phù hợp với nhu cầu thị trường để tạo ra sinh kế từ dược liệu cho các cộng đồng miền núi phía bắc; khai thác bền vững nguồn gene dược liệu quý hiếm của Việt Nam; phát huy được vai trò của các bài thuốc cổ truyền kết hợp với nghiên cứu khoa học.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tài nguyên phong phú về cả hệ sinh thái thực vật cũng như hệ vi sinh vật, đặc biệt là vùng miền núi phía bắc. Dựa vào đó, nền y học cổ truyền lâu đời của Việt Nam cũng đã sử dụng các loại cây đặc hữu để đưa vào trong các bài thuốc dân gian, tuy nhiên phần lớn các cơ chế sinh học của các bài thuốc này vẫn chưa được nghiên cứu và làm sáng tỏ. Bên cạnh đó, việc khai thác các cây dược liệu bản địa còn nhiều bất cập ở khu vực phía bắc Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Các kết quả nghiên cứu này, theo PGS. TS Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia), đã mở ra tiền đề hợp tác giữa các nhà khoa học với các bên liên quan trong lĩnh vực dược liệu cổ truyền, đồng thời góp phần hỗ trợ khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên dược liệu rất tiềm năng của Việt Nam; từ đó hứa hẹn mang lại những tác động kinh tế-xã hội thực sự hiệu quả hơn so với hiện trạng.

Nguồn: Báo Nhân Dân