THỦY TIÊN

Khán giả tham dự buổi chiếu phim ngoài trời trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX.

Trung bình 50 phim được sản xuất và công chiếu mỗi năm, Việt Nam đang là một thị trường phim ảnh đầy tiềm năng. Tuy nhiên, hệ thống rạp chiếu phim chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và nằm trong tay của các ông chủ nước ngoài, khiến phim Việt không thể đến với đông đảo khán giả cả nước, đồng thời dẫn đến bất lợi cho các nhà sản xuất phim nội.

1/ Năm 2016, câu chuyện đẫm nước mắt của diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khi bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” do cô đạo diễn và sản xuất đã bị CGV từ chối nhận chiếu vì hai bên không đạt được thỏa thuận tỷ lệ ăn chia vẫn là ám ảnh với các nhà sản xuất phim tư nhân khác.

Hiện, hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất tại Việt Nam là CGV (chiếm 40% số rạp trên cả nước), kế đến là Lotte Cinema, đều của Hàn Quốc. Hai nhà phát hành Việt Nam khác cũng có hệ thống rạp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là Thiên Ngân Galaxy và BHD, nhưng quy mô nhỏ hơn và địa điểm (một trong những yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh) không đắc địa.

Rạp duy nhất mà Nhà nước sở hữu là Trung tâm chiếu phim Quốc gia tại 87 Láng Hạ, Hà Nội. Nhưng đơn vị này lại không có chức năng nhập phim cũng như sản xuất phim.

Điều này dẫn đến việc thị phần kinh doanh rạp chiếu bóng nghiêng hẳn về phía CGV và Lotte Cinema khi họ gần như độc quyền nhập phim lớn của các đối tác lớn từ Mỹ hay Hàn Quốc, Trung Quốc và khai thác trên chính hệ thống rạp do họ làm chủ, biến các nơi này thành địa điểm thu hút hầu như toàn bộ đối tượng khán giả có thói quen đến rạp xem phim.

Trong khi đó, các nhà sản xuất phim trong nước, nếu không có mối quan hệ đủ chặt chẽ với chủ rạp nước ngoài hoặc đồng ý với tỷ lệ ăn chia lợi nhuận thì sẽ không thể đưa phim vào rạp hoặc nếu được thì phim bị xếp vào những khung giờ không đẹp.

Sự mất cân đối thị phần kinh doanh rạp chiếu còn tiếp tục thể hiện ở các chiêu thức giảm giá, khuyến mãi vào ngày nhất định trong tuần của CGV và tập trung ở các cụm rạp có vị trí gần rạp của “đối thủ”. Điều này buộc các hệ thống rạp “hàng xóm” của CGV cũng phải giảm giá theo. Tính toán chi phí sản xuất, tỷ lệ ăn chia và sức hút của phim để có thể trụ được tối đa là ba tuần ngoài rạp, nếu phim Việt Nam bán với giá vé khuyến mãi 40 – 45 nghìn đồng/vé thì cầm chắc không có lãi.

2/ Bức tranh toàn cảnh điện ảnh Việt trong năm qua với dòng phim giải trí là chủ đạo,thể hiện rõ xu hướng lựa chọn đề tài nội dung của các nhà sản xuất phim hiện nay: Tập trung vào giới trẻ với những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, bối cảnh hiện đại và chủ yếu mô tả cuộc sống nơi thị thành. Thêm vào đó còn có một điểm đáng chú ý khác là sự bùng nổ của dòng phim làm lại từ các kịch bản nước ngoài, chủ yếu là Thái-lan và Hàn Quốc trong thời gian qua cũng không xa rời chủ đề giải trí đơn thuần.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đều đã cũ với điện ảnh thế giới và nếu cứ đi theo lộ trình này, phim Việt sẽ khó có sức bật để thắng được phim nước ngoài về độ lâu bền. Việc CGV đòi “duyệt” chất lượng phim rồi mới đàm phán tỷ lệ ăn chia phát hành hay thường hờ hững kiểu đồng ý thì chiếu, không thì chẳng cần, cho thấy các ông chủ rạp nước ngoài không đánh giá cao phim Việt Nam vì phim Việt Nam vốn dĩ xưa nay không ăn khách.

Mọi thứ, nếu xem xét thấu đáo ở các góc độ khác nhau, cộng với căn cứ vào quy luật thị trường và rất nhiều điều luật khác nữa (vì kinh doanh điện ảnh về cơ bản cũng giống như các loại hình kinh doanh khác) thì có thể hiểu vì sao việc kiện tụng CGV là không thể, vì về cơ bản họ làm đúng luật và tuân theo luật khi bước chân vào thị trường Việt Nam.

Vậy phim Việt cần phải làm gì? Trong khi Luật Điện ảnh đã bộc lộ những bất cập, chính sách bảo hộ điện ảnh trong nước chưa có, thêm vào đó văn hóa, trong đó có điện ảnh vẫn bị xem nhẹ…, thì các nhà sản xuất phim Việt phải tự vận động, thay đổi để làm ra các sản phẩm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với phim nước ngoài, từ đó lấy lại khán giả của mình. Và đó là cách duy nhất lúc này.

Nguồn: Nhandan.com,.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài