Những năm gần đây thuật ngữ phim làm lại/ làm lại phim (remake) đã không còn xa lạ với người yêu điện ảnh. Thực chất, phim làm lại cũng là một dạng liên văn bản, mà ở đó, chất liệu của bộ phim được lấy từ chính bộ phim gốc đã sản xuất trước đó. Vì thế, nó mang dấu ấn của bộ phim gốc với những mức độ khác nhau, thậm chí giống hệt nhau.
Những phim được chọn làm lại thường có tên tuổi, có sức hút về mặt nghệ thuật hoặc được bảo đảm về mặt doanh thu, vì lẽ đó, với các nhà làm phim, một bộ phim đã được thừa nhận sẽ là chỗ dựa tin cậy, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Từ một phiên bản cũ, nhà làm phim được phép cải biên, thêm hoặc bớt chi tiết, thay đổi hình thức (từ phim truyền hình làm lại thành phim nhựa). Nhìn chung, cái bóng quá lớn của tác phẩm gốc đòi hỏi nỗ lực lớn từ các nhà làm phim để sao cho sản phẩm của họ dù là làm lại nhưng phải có chỗ đứng độc lập, tất nhiên không giấu được tham vọng đi xa hơn hoặc ít nhất cũng “bằng vai phải lứa” với tác phẩm gốc. Không chỉ vậy, những bộ phim được xây dựng từ những tác phẩm văn học quen thuộc hoặc làm lại từ những tác phẩm điện ảnh thành công thường được khán giả quan tâm, “săm soi” kĩ lưỡng. Vì thế, “nếu không đáp ứng được sự mong đợi của khán giả, những phim này dễ bị phản ứng ngược.”(1)

Ở các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Mĩ, Trung Quốc, có thể thấy dòng phim làm lại đã xuất hiện từ lâu và ngày càng trở nên phổ biến. Điểm mặt những phim làm lại của điện ảnh Hollywood không thể thiếu những cái tên như True Grit thuộc thể loại phim viễn Tây, bản đầu tiên ra đời năm 1969 của đạo diễn Henry Hathaway, đến năm 2010 được làm lại bởi anh em nhà Coen – bộ đôi đạo diễn đình đám với những phim hành động máu lạnh đặc sắc như: Blood simple, No country for old men,… bộ phim này đã chứng tỏ thành công không thua kém bản gốc khi có tới 10 lần được xướng tên đề cử giải Oscar vào năm 2011; Casino Royale: đây có thể xem là một trong những ví dụ điển hình cho việc phim làm lại đã vượt qua cả tác phẩm gốc – bản Casino Royale năm 1967 được thực hiện bởi nhóm tác giả John Huston, Val Guest, Ken Hughes, Robert Parrish, Joseph McGrath, Richard Talmadge, đến năm 2006, Martin Campbell quyết định làm lại bộ phim này, đây là phim thứ 21 trong loạt phim James Bond đã đem về cho Martin Campbell giải Oscar và trở thành phim ăn khách nhất tính cho đến thời điểm nó ra mắt; Ocean’s Eleven – bộ phim về 11 tên cướp phát hành những năm 60 của thế kỉ trước được làm lại với sự đầu tư công phu cả kịch bản lẫn dàn diễn viên. Bên cạnh đó là loạt phim truyền hình nổi tiếng Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi), Charlie’s Angels (Những thiên thần của Charlie), Sex and the city (Tình dục là chuyện nhỏ)…

Dù là nền điện ảnh hàng đầu thế giới nhưng các đạo diễn Hollywood đã không ngần ngại tìm kiếm và khai thác nguồn tư liệu dồi dào từ các phim của châu Á. Tiêu biểu là The Departed của Martin Scorsese làm lại từ phim Vô gian đạo của Hồng Kông. Phim này đã giúp M.Scorsese và đoàn làm phim của ông bội thu tại các giải Quả Cầu Vàng, BAFTA, Oscar và nhiều giải thưởng quốc tế danh giá khác vào năm 2006; The Magnificent Seven (1960) của John Sturges sản xuất lại từ bộ phim Seven Samurai (1954) của Arika Kurosawa. Một điều dễ nhận thấy là càng ngày dòng phim truyền hình Hàn Quốc càng thu hút sự chú ý của giới làm phim Mĩ và phương Tây.
Với điện ảnh khu vực, khán giả Việt Nam chắc chắn đã quá quen thuộc với các phiên bản phim làm lại của điện ảnh Trung Quốc, nổi bật là các phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết thời Minh – Thanh và tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
Tây du kí, Thủy hử có lẽ là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn kiệt đối với các nhà làm phim. Bằng chứng là hàng loạt phiên bản của hai tác phẩm này qua nhiều thập niên vẫn không ngừng thu hút người xem. Bộ phim Tây du kí hoàn chỉnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân được biết đến qua phiên bản phim truyền hình đầu tiên năm 1986 của đạo diễn Dương Khiết. Đây cũng là phiên bản thành công nhất, được xem là kinh điển, đã “đóng đinh” tên tuổi của Lục Tiểu Linh Đồng (người thủ vai Tôn Ngộ Không). Các phiên bản về sau này (năm 2009, 2011), tuy kĩ xảo hiện đại hơn, song vẫn không thể vượt qua được bản huyền thoại 1986. Bên cạnh đó, một số phim được dựng theo kiểu làm mới kịch bản Tây du kí như Đại thoại Tây du (1995), Tây du kímối tình ngoại truyện (2013) hoặc chỉ lựa chọn một đường dây phụ cốt truyện như Động bàn tơ mới được tìm thấy tại Thư viện Quốc gia Na Uy, được làm trước cả phiên bản 1986 rất lâu (1927).

Với các bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, hoạt động “remake” cũng không kém phần sôi động. Chẳng hạn: Thần điêu đại hiệp, từ bản đầu tiên năm 1976 đã có thêm 6 phiên bản vào các năm: 1983, 1984, 1995, 1998, 2006, 2014; Ỷ thiên đồ long kí, được dựng phim từ cuối những năm 70 của thế kỉ trước, sau đó, được làm lại liên tiếp qua các năm: 1984, 1986, 1994, 2000, 2003, 2009; Thiên long bát bộ tính đến nay đã có 4 phiên bản: 1982, 1997, 2003, 2013. Nội dung của các phim cổ trang này đa phần không khác mấy so với bản gốc, do vậy, sự chú ý của khán giả (nhất là khán giả trẻ) lại tập trung nhiều về phía nhân vật, diễn xuất. Các diễn đàn chia sẻ, trao đổi mối quan tâm của họ xung quanh mỗi phiên bản phim diễn ra khá sôi nổi. Xu hướng làm lại, làm mới các bộ phim này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chững lại.

Không rầm rộ như các nền điện ảnh lớn nêu trên, điện ảnh Việt Nam vài thập niên gần đây cũng bắt đầu “nhập cuộc” với dòng phim làm lại, dành nhiều sự quan tâm cho các kịch bản phim truyền hình nước ngoài và xây dựng theo hướng Việt hóa sau khi mua bản quyền. Những sản phẩm ở thời kì đầu của hướng đi này có thể kể đến: Vòng xoáy tình yêu, Mộng phù du mua bản quyền từ Thái Lan, Hoa dã quỳ, Dù gió có thổi mua bản quyền của Hàn Quốc; gần đây nhất là Nhật kí Vàng Anh, mua bản quyền của Bồ Đào Nha, Cô gái xấu xí (Colombia), Cô gái bất đắc dĩ (Argentina), sitcom Những người độc thân vui vẻ mua bản quyền từ Trung Quốc,Ngôi nhà hạnh phúc, Người mẫu, Anh em nhà bác sĩ, Lối sống sai lầm, Cầu vồng tình yêu...(2)đều mua bản quyền từ Hàn Quốc. Điểm qua một lượt như vậy dễ nhận thấy sự “thiên vị” của điện ảnh Việt đối với phim truyền hình Hàn Quốc. Điều này có lẽ xuất phát từ chỗ trong những năm qua, phim Hàn, nhạc Hàn không ngừng làm mưa làm gió màn ảnh Việt tạo nên một làn sóng văn hóa Hàn tràn ngập. Hơn thế, phim Hàn với dàn diễn viên được chọn lọc, với nhiều câu chuyện tình yêu, gia đình thấm đẫm nước mắt đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của các bà nội trợ và lứa tuổi thanh niên không chỉ ở Hàn Quốc mà cả ở các nước trong khu vực châu Á trong đó có Việt Nam.

Cảnh trong phim Ngôi nhà hạnh phúc (Phiên bản Việt Nam)

Một trong những phim làm lại gây được chú ý ở Việt Nam mấy năm gần đây là Ngôi nhà hạnh phúc (Full house), được hãng BHD mua bản quyền của đài KBS Hàn Quốc. Tại xứ sở Kim Chi,Ngôi nhà hạnh phúc từng gây nên một cơn sốt suốt năm 2004, với các tên tuổi đình đám như: Song Hye Kyo, Bi Rain. Tương tự, phiên bản mới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng đã mang lại danh tiếng cho một số diễn viên trẻ: Minh Hằng, Lương Mạnh Hải, Hiếu Hiền…
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, dòng phim làm lại ở Việt Nam cho thấy nỗ lực “Việt hóa” rõ rệt hơn là “làm lại” theo đúng tính chất của xu hướng này trên thế giới. Do đó, các phiên bản làm lại hầu như chưa thể vượt qua, nếu không nói là nhiều sản phẩm còn có khoảng cách xa so với bản gốc. Có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là sự thiếu nhuần nhuyễn khi Việt hóa một tác phẩm đã từng gây tiếng vang ở nước ngoài. Nhìn lại điện ảnh thế giới, trường hợp Seven Samurai của đạo diễn Arika Kurosawa – một bộ phim mang đậm màu sắc Nhật, nhưng khi làm lại thành bộ phim The Magnificent Seven thì đạo diễn John Sturges đã có những cải biến phù hợp với bối cảnh xã hội Mĩ, tính cách con người Mĩ… Vì vậy nó có vị trí riêng hoàn toàn độc lập. Rõ ràng đối với công việc “bản địa hóa” kịch bản phim nước ngoài phải có cách thể hiện sao cho tương thích với bối cảnh, con người, văn hóa đất nước mình, khi đó sự tiếp nhận sẽ dễ dàng hơn. Ở Việt Nam, Nhật kí Vàng Anh, Hoa dã quỳ, Dù gió có thổi, Ngôi nhà hạnh phúc… đã phần nào đáp ứng được yêu cầu nêu trên và để lại dấu ấn Việt trong lòng người xem.

Lí giải cho khuynh hướng remake trong điện ảnh, đa phần các ý kiến cho rằng, xuất phát từ sức hút của các phiên bản gốc, cũng như nhu cầu thay đổi khẩu vị cho khán giả. Ở Việt Nam, một phần do thiếu những kịch bản hay, đặc biệt là kịch bản phim truyền hình dài tập, phim sitcom. Hơn thế, trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay, sự giao lưu, đối thoại giữa các nền điện ảnh là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Rõ ràng, remake không phải là một bước lùi như một số quan điểm phê bình, bằng chứng là nhiều đạo diễn bậc thầy trên thế giới đã thể hiện được tài năng của mình qua chính dòng phim làm lại và nhiều sản phẩm làm lại đã vượt trội hơn so với phiên bản gốc. Tuy vậy, cũng không ít phim làm lại thất bại. Thực tiễn điện ảnh thế giới đã chứng minh, một bộ phim, dù được sản xuất mới hay làm lại đều phải nỗ lực cách tân, không đi lại những lối mòn sẵn có. Vấn đề đặt ra với điện ảnh Việt Nam, là từ việc làm lại, trước hết các nhà làm phim phải biết lựa chọn, khai thác và tận dụng những ý tưởng tốt nhằm tạo nên những món ăn mới trên cơ sở chất liệu cũ, phù hợp với đời sống văn hóa và thị hiếu thẩm mĩ của công chúng Việt.

Theo Sơn Khê (Văn nghệ quân đội)