TRƯỜNG GIANG

Các họa sỹ tại triển lãm

Cuộc hội ngộ của bốn họa sĩ cùng tham gia triển lãm “Ngày mới 2018” vừa diễn ra từ cuối tháng 6 đến hôm nay, tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương, số 9 đường Phạm Hồng Thái, thành phố Huế.
Cảm nghiệm đời sống chính bằng khiếm khuyết

Triển lãm nhằm tạo động lực cho các thành viên có cơ hội phát triển, giao lưu, học hỏi và xúc tiến việc bán tranh, cổ vũ cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần giúp các họa sĩ tạo lập cuộc sống. Đây là lần thứ ba Tạp chí Sông Hương tổ chức triển lãm cho các họa sĩ khuyết tật. Trước đó, lần thứ nhất với chủ đề “Khát vọng” diễn ra vào tháng 6-2012; Lần thứ hai với chủ đề “Ngày mới” diễn ra vào tháng 4-2013 đã để lại nhiều dư âm, kỷ niệm đẹp đối với các họa sĩ và công chúng yêu nghệ thuật.

“Ngày mới 2018” là sự góp mặt của 22 tác phẩm, được thể hiện trên nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, mầu nước, tổng hợp, là những tác phẩm của bốn họa sĩ Lê Quang Lĩnh (Hà Tĩnh); Nguyễn Tấn Hiền (Đà Nẵng), Lê Thị Mỹ Bình (Yên Bái), Phạm Đình Thái (Thừa Thiên – Huế). Bốn họa sĩ khuyết tật với bốn số phận khác nhau, nhưng đều có chung tình yêu hội họa. Họ gửi vào những bức tranh cảm nghiệm đời sống bằng sự khiếm khuyết của cơ thể và một tâm hồn trong sáng, lung linh. Tinh thần đam mê nghệ thuật, vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường và mở ra “một cánh cửa khác” của một đời sống có ý nghĩa, giàu ý nghĩa.

Đầu tiên là họa sĩ Phạm Đình Thái, sinh năm 1988, bị khiếm thính từ nhỏ. Anh theo đuổi dòng tranh sơn mài dưới sự chỉ bảo của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn. Các tác phẩm “Phố”, “Chiều vàng”, “Sen”, “Tĩnh vật”… của anh tham gia triển lãm có sự mộc mạc, bình dị của cảnh sắc, có sự tĩnh lặng, thanh nhã của tâm hồn.

Trong khi đó, họa sĩ Lê Quang Lĩnh, sinh năm 1985, lại bị tàn tật do di chứng bệnh não để lại khi 1 tuổi và chân tay anh bị co quắp lại khi lên 7 tuổi. Anh có niềm đam mê với hội họa, đi học vẽ, rồi tham gia nhiều triển lãm và giành nhiều giải thưởng các cuộc thi vẽ tranh. Chính tài năng hội họa của anh đã thuyết phục người xem triển lãm năm nay với bộ tranh “Giao mùa 1, 2, 3, 4”.

Tác phẩm “Giao mùa” của Lê Quang Lĩnh.

Tác phẩm “Tĩnh vật” của Phạm Đình Thái.

Ước mơ chiếc xe lăn đầu kéo

Họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình sinh năm 1981 tại miền quê của huyện Lục Yên, lớn lên tại thành phố Yên Bái. Năm lên lớp 6, căn bệnh viêm tủy cắt ngang đã khiến đôi chân của chị bị liệt hoàn toàn, không thể đứng và đi lại được. Sau mọi nỗ lực chữa chạy từ bệnh viện lớn đến bệnh viện nhỏ, cầu cứu các thầy thuốc khắp nơi nhưng đều không thể chữa khỏi, việc học buộc phải gián đoạn, chị khóc hết nước mắt trước hoàn cảnh bi đát của mình.

Ba năm sau, chị được tặng chiếc xe lăn đầu tiên và đây cũng là cơ hội trở lại trường học. Chị tự nhủ khi đã có dịp trở lại trường, bằng mọi giá phải học thật tốt. Chị đến với hội họa khi học hết lớp 9 bằng cách tự học vẽ. Từ năm 1998, chị bắt đầu vẽ thuê và dạy vẽ. Từ năm 2013 cho đến nay, chị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm dành cho nhóm họa sĩ khuyết tật; những sự kiện cùng hành động giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cuộc sống. Hiện tại chị là tình nguyện viên dạy vẽ miễn phí cho trẻ em, cả trẻ em khuyết tật tại câu lạc bộ “Thắp sáng ước mơ” ở trung tâm trợ giúp và can thiệp sớm trẻ khuyết tật Hương Giang tại Yên Bái.

Trong hội họa, với chất liệu sơn acrylic, chị bắt đầu mày mò học vẽ theo những trường phái tranh khác nhau. Những bức tranh kể về niềm vui, khát khao và cả những cơn bão lòng đang vần xoay. Chị tâm sự: “Cho dù bản thân cố gắng vượt lên số phận nhưng cũng có lúc tôi chạnh lòng bởi vì mình không được đối xử như những người bình thường”.

Năm nay tham gia triển lãm “Ngày mới 2018”, tôi hỏi ước ao lớn nhất của chị bây giờ là gì, chị trả lời: “Tôi ước ao có thể mua được chiếc đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật. Chiếc đầu kéo tháo ra, gấp lại gọn gàng. Như thế, tôi có thể ra nhìn ngắm thế giới bên ngoài, thay vì ở nhà tưởng tượng”.

Tác phẩm “Hoa hướng dương 4” của Lê Thị Mỹ Bình.

Ngôi nhà có ngọn lửa ấm

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền, sinh năm 1978, hiện sống tại thành phố Đà Nẵng. Cuộc đời anh nhiều chông gai, trắc trở. Tốt nghiệp cấp ba, anh thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi trở về, năm 2002, anh thi đỗ và theo học lớp toán Trường cao đẳng Sư phạm Đác Lắc. Cuối năm đó, trong lúc đạp xe lên trường anh bị tai nạn, bị chấn thương tủy sống cổ, hai tay và hai chân dần bị liệt không còn cử động được, phải ngồi xe lăn, đôi bàn tay rất yếu, chỉ còn duy nhất ngón cái tay phải có thể cử động được. Anh bắt đầu tự học vẽ từ năm 2008 và đến nay đã gặt hái nhiều thành công trong nghệ thuật hội họa.

Với người bình thường, học vẽ đã khó, với họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền lại càng khó trăm lần. Việc cầm cọ rất vất vả nhưng anh đã kiên trì vượt qua tất cả. Những tác phẩm hội họa thể hiện trên nhiều chất liệu của anh thật sự lôi cuốn người thưởng lãm vì độ chín của mầu sắc, hình khối và nguồn nội cảm mạnh mẽ.

Hiện anh đã lập gia đình và có hai con nhỏ. Gánh nặng cơm áo đè lên vai người vợ nhỏ bé, anh cố gắng rất nhiều để ngồi bên giá vẽ, hoàn thành những tác phẩm của mình bằng tinh thần yêu mến cái đẹp và tình yêu thương dành cho gia đình. Cuộc sống và sự nghiệp của anh là câu chuyện cổ tích giữa đời thường, thấm đẫm tình yêu thương bao la.

Tinh thần lao động nghệ thuật của các họa sĩ khuyết tật khiến đông đảo người thưởng lãm dành trọn sự trân quý. Nhiều người yêu mến đã mua tranh ngay trong ngày khai mạc.

Tác phẩm “Biển sớm” của Nguyễn Tấn Hiền.

Nguồn: Báo Nhân Dân (Thời Nay)

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài