VŨ THÀNH DUY

Sản xuất lanh tại Lùng Tám.
Chúng tôi vượt qua các cung đường ngoằn ngoèo với những con dốc đứng, lởm chởm đá tai mèo để đến thung lũng nhỏ có tên Lùng Tám. Dòng sông Miện ôm trọn vùng đất tạo cho xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, Hà Giang) sự xanh tươi màu mỡ khác hẳn với những vùng núi đá khác của tỉnh.
Điểm đến mới

12 giờ trưa bước chân tới cổng làng, những mái ngói san sát nằm sau những bức tường đá xếp ngay ngắn, đâu đó có tiếng ô-tô, xe máy vọng lại. Đang loay hoay định hỏi đường thì bất ngờ có một chị đon đả từ trong nhà nói vọng ra, chị đã quá quen thuộc bởi ở đây hằng ngày đều có chục đoàn đến tham quan: “Mời các bác vào thăm quan làng nghề ạ”. Sau cái gật đầu chào hỏi, chúng tôi được chị dẫn vào một ngôi nhà gỗ nằm ngay sát mép đường.

Trong sự yên bình của làng quê, vọng ra âm thanh lách cách đều đặn. Bước vào gian chính của ngôi nhà. Ba cô gái người Mông tầm tuổi trăng rằm, đều mặc bộ trang phục truyền thống, tay thoăn thoắt luồn sợi mành (sợi ngang) qua sợi mắc (sợi dọc), chân vẫn giữ nhịp đạp bàn dận để vận chuyển bộ go mở khoảng cách giữa sợi mắc, trong khi tay giật để đẩy và bắt con thoi luồn sợi mành. Những tiếng lách cách trong khung dệt như khúc ca vui của người dân Lùng Tám về làng nghề đang trên đà phát triển.

Nghề dệt lanh truyền thống xã Lùng Tám đã có thời gian đứng trước sự mai một bởi sự tiện dụng của hàng may mặc có sẵn. Vải lanh xưa kia người Mông làm chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình, là nghề gia truyền lâu đời. Vải lanh có độ bền và thông thoáng hơn rất nhiều so với vải bông, nên đồng bào Mông rất ưa chuộng. Tuy nhiên, những hạn chế về điều kiện sản xuất, quan niệm sử dụng và sự thiếu quan tâm đã làm hẹp cánh cửa để vải lanh, trang phục truyền thống từ Lùng Tám ra với thị trường.

Cần chăm lo hơn

Chúng tôi bước vào ngôi nhà đối diện khang trang hơn được xây kiên cố. Các mặt hàng thủ công như váy, khăn, túi, áo, mũ… được vẽ, thêu hoa văn đặc trưng của văn hóa đồng bào dân tộc Mông bày khắp trong phòng. Một bảng ảnh với nhiều tấm hình sản phẩm lanh Lùng Tám có mặt ở khắp các hội chợ trong nước, và quốc tế. Dừng lại ở một tấm hình trong lễ nhận giải thưởng Kova (Giải thưởng cho những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội) tôi nhận ra bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, chính là người đã niềm nở đón tiếp chúng tôi.

Chị Mai tâm sự: Để dệt được sản phẩm mang nét văn hóa đặc trưng của người Mông là rất vất vả. Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, khi nhận thấy làng nghề truyền thống của cha ông đang có dấu hiệu bị mai một, tôi đã vận động các cơ quan, ban, ngành giúp sức để thành lập Hợp tác xã lanh Hợp Tiến. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ làm sao để nghề dệt lanh tồn tại, nhưng qua quá trình làm và sự kiên trì học hỏi áp dụng kỹ thuật, mẫu mã, chúng tôi đã phát triển được nhiều mặt hàng mà thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu, qua đó tăng thêm thu nhập cho bà con, góp phần gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông.

Chị Sùng Thị Chỏ, một xã viên Hợp tác xã Hợp tiến cho hay: Trước kia khi hợp tác xã chưa được thành lập, dệt lanh sản xuất manh mún, đơn lẻ chỉ phục vụ nhu cầu trong thôn nên đời sống bà con rất vất vả, phần lớn các hộ trong xã đều là diện nghèo. Nhờ có vải lanh cuộc sống bà con đã có cái ăn, không phải đi lên núi phá rừng làm nương nữa.

Tuy nhiên, nguyện vọng của chị Mai, chị Chỏ cũng như nhiều chị em khác, khi nói về tương lai, là quá trình làm ra sản phẩm vải lanh hoàn toàn thủ công nên rất cực nhọc, năng suất không cao, thu nhập mới dừng ở mức có cái ăn, về lâu dài bà con sẽ không chuyên tâm với nghề. Bởi thế, chị em mong chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể tiếp tục đầu tư tạo điều kiện như: đẩy mạnh quảng bá sản phẩm; biến Lùng Tám thành điểm du lịch nằm trong các tour du lịch cao nguyên đá Hà Giang; mở thêm những gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Được như thế, thì một ngày không xa, lanh Lùng Tám sẽ trở thành mặt hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa cao nguyên, đứng vững và vươn rộng ra thị trường giúp bà con tăng thu nhập và chuyên tâm trong việc giữ gìn làng nghề truyền thống.

Theo Báo Thời Nay

Dương Thanh đăng bài