Khán giả hào hứng trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan

Có những gia đình múa rối truyền thống cùng biểu diễn trong một chương trình biểu diễn, có diễn viên nhí 6 tuổi đầy bản lĩnh đứng bên anh chị và bố mẹ điều khiển con rối bằng đôi tay nhỏ xíu và có nữ diễn viên uyển chuyển duyên dáng vậy mà là một nam nhi là những câu chuyện lạ của một số đoàn múa rối quốc tế ở Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 4.

Sự xuất hiện 4 thành viên trong gia đình nghệ sĩ Khin Maung HTWE, Trưởng đoàn múa rối HTWE OO của Myanmar đã tạo ấn tượng mạnh đối với đồng nghiệp và khán giả bởi tài nghệ điều khiển rối dây thể hiện các điệu múa nổi tiếng của người Myanmar. Rất khiêm tốn ngay từ lời giới thiệu chương trình, Khin Maung cho biết vợ chồng anh chỉ là “diễn viên phụ và hai diễn viên chính lại là các con của họ.

Đó là cô con gái 18 tuổi và cậu con trai 14 tuổi”. Khin Maung lập đoàn múa rối vào năm 2006 khi mà nghệ thuật múa rối dây truyền thống của Myanmar đang gặp khó khăn bởi sự lấn át của các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình nghệ thuật khác. Trước năm 1970, Myanmar có tới hàng trăm đoàn rối thì nay cả nước chỉ còn lại có 5 đoàn. Với mục đích phục hồi, bảo tồn và nâng cấp, truyền bá nghệ thuật múa rối truyền thống thu hút khách du lịch và khán giả trong nước, vợ chồng Khin Maung đã mời được 3 nghệ nhân lớn tuổi cùng tham gia với họ. Và sau vài năm thành lập thì cả hai con của họ đều đã bị cuốn hút vào niềm đam mê nghệ thuật rối của cha mẹ, và giờ đều là những diễn viên chủ lực của đoàn.

Tiết mục của đoàn Campuchia

Những năm đầu thành lập, vợ chồng Khin Maung cũng vô cùng vất vả, họ phải bán cả xe ô tô và nhiều vật dụng, thậm chí vay mượn tiền của bạn bè, họ hàng để chi trả cho chi phí hoạt động của đoàn rối. Không nản lòng, Khin Maung đã kiên trì nghiên cứu và đặt vấn đề hợp tác với các chương trình văn hoá, vui chơi giải trí ở các tụ điểm, các khách sạn, nhà hàng. Hiện nay những suất diễn của Đoàn Múa rối HTWE OO đã trở nên quen thuộc trong các tour du lịch, tham quan của du khách đặt chân tới Myanmar và đó là lý do khiến đoàn tồn tại và phát triển vững vàng.

Cũng vì đam mê nghệ thuật múa rối mà chàng kỹ sư điện tử Rat Puanrak đổi sang lĩnh vực kinh doanh múa rối. Quyết định cho ra Đoàn Múa rối Phuket, Rat Puanrak cho rằng múa rối là một mảnh đất màu mỡ không chỉ mang lại lợi nhuận cho người kinh doanh mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí vô cùng cần thiết đối với trẻ em. Với một quan điểm làm nghệ thuật múa rối truyền thống cực kỳ giản dị, Rat Puanrak cho rằng tất cả mọi người kể cả khán giả cũng có thể điều khiển con rối. “Đối tượng khán giả của chúng tôi chủ yếu là trẻ em.

Chúng tôi có thể sử dụng nghệ thuật rối như một cách để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của chúng tôi với các em và các em cũng có thể hoàn toàn hiểu được chính xác những gì mà chúng tôi truyền đạt. Bằng hình thức biểu diễn rối, chúng tôi có thể đưa các nội dung và kiến thức xã hội, kể cả lịch sử, văn hoá đến với trẻ em”, Rat Puanrak chia sẻ. Chương trình biểu diễn của gia đình Rat Puanrak và đặc biệt là thành viên nhỏ nhất trong gia đình là cô bé Ratiros Puanrak mới 6 tuổi đã thực sự cuốn hút khán giả VN. Không quá cầu kỳ với kỹ thuật điều khiển rối dây đơn giản nhưng những bản nhạc, tiết tấu vui, chương trình múa rối của Đoàn Múa rối Phuket đã nhận được những tràng pháo tay không dứt, đặc biệt là khi họ cùng điều khiển các con rối theo một bản nhạc rap đang thịnh hành của Việt Nam.

Đoàn Thái Lan

Các nghệ sĩ múa rối của Nhà hát Sovanna Phum Campuchia cũng đã mang tới cho khán giả một ấn tượng rất đặc biệt. Chỉ với một bảng bọc da gọi là “con rối bóng” cùng một chiếc đèn nhỏ chiếu sáng trùm lên không gian của màn hình sân khấu và cả khán phòng, người xem được chiêm ngưỡng những nhân vật khi nhỏ bé khi lại to lớn sừng sững trước mặt.

Thế mạnh của các nghệ sĩ múa rối Campuchia là những điệu múa Khmer cổ điển và cả những điệu múa đương đại trên chất liệu âm nhạc truyền thống. Khó có ai tưởng tượng nổi các nhân vật nữ từ già đến trẻ, đặc biệt là cô vũ nữ xinh đẹp với điệu múa uyển chuyển trên sân khấu khi bước ra đời lại là một chàng trai trẻ, khoẻ mạnh, cứng cáp.

Theo ông Mann Kosal, Giám đốc Nhà hát Sovanna Phum Campuchia có hai trường phái múa rối. Một trường phái rối chuyên biểu diễn múa cung đình và để phục vụ biểu diễn trong hoàng cung thì chỉ tuyển diễn viên nữ biểu diễn, một trường nghệ thuật rối bóng dân gian do người dân thành lập thì chỉ có nam mới được tuyển vào làm diễn viên. Khi biểu diễn rối bóng, phụ nữ không được đến gần và chạm vào con rối.

Chính vì vậy mà Nhà hát Sovanna Phum đã vô cùng vất vả khi tuyển chọn diễn viên nam biểu diễn và tìm được một nam diễn viên đóng nữ đẹp như nghệ sĩ tham gia trong chương trình lần này là sự nỗ lực rất lớn. Trường nghệ thuật đào tạo cả múa rối ở Campuchia khi tuyển đầu vào khoảng 50 người, ra trường trở thành diễn viên chuyên nghiệp may ra được chục người.

Đoàn Myanmar

Đánh giá về chương trình của các đoàn múa rối quốc tế tham dự liên hoan lần này, ông Ngô Quỳnh Giao, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan cho rằng: “ Phong tục, tập quán của từng nước ảnh hưởng sâu đậm đến từng chương trình của mỗi quốc gia. Điều này cũng làm nên tính hấp dẫn đặc biệt của liên hoan.

Đặc biệt là các đoàn như Myanmar, Thái Lan, Campuachia… thì họ chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ tôn giáo và vì vậy mà múa rối cũng đã phần nào tái hiện được những nét văn hoá đặc sắc rất riêng. Sự đổi mới phá cách từ các cách thức rối truyền thống cũng được ghi nhận tại liên hoan này.

Ngay như Thái Lan chúng ta vẫn thường xem các trò rối mang đậm màu sắc cung đình với những con rối rất nhỏ và cách điều khiển thường là rối que, tiết tấu chậm thì hôm nay Đoàn Múa rối Phuket lại mang tới một chương trình sôi động với thông điệp làm nghệ thuật múa rối rất dễ làm, thậm chí khán giả lên sân khấu vẫn có thể biểu diễn được. Theo tôi cách tiếp cận nào cũng mang lại những hiệu quả nhất định, vấn đề quan trọng là khán giả hào hứng thú vị”.

Theo Đào Anh – Văn hóa online