QUỲ CHỮ

Không gian bích họa chật chội tại kiệt 75, Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng.

Bích họa bỗng nhiên được nhân rộng như một phong trào. Những “hàng nhái”, “phẩm pha” bôi phết lên tường ở một số nơi khác có nên cổ súy?

1/ Sau câu chuyện bích họa của làng Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), một cái kết có hậu, nhiều người đến thăm làng, họ mang theo sự tiêu dùng đến đây, mua một ly nước giải khát, một tô bún, chén cơm, tấm bánh. Thưởng thức vật chất kết hợp tinh thần, thả hồn theo những miêu tả sinh hoạt trên tường, ngắm những người dân chân chất bên hiên, bên biển. Cảnh vá lưới, cảnh đón thuyền diễn ra sống động bên lối đi có những bức tranh. Đó là sự đồng hiện tương tác. Khách đến, khiến cuộc sống của người dân sở tại có thêm thu nhập, vui hơn.

Bình luận về câu chuyện của làng bích họa Tam Thanh, anh Chiến lái xe cho tour du lịch Đà Nẵng – Tam Kỳ cho biết: “Làng bích họa Tam Thanh có không gian rộng, nhà thấp. Các bức bích họa đặt trong không gian này thoáng, rất dễ xem. Mật độ cư dân đi lại ít ỏi, không tạo nên độ vướng mắc khi nhìn ngắm”. So sánh với những bích họa trên tường, thuộc kiệt 75, đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng, anh Chiến cho hay: “Con ngõ quá hẹp, mật độ đi lại của người dân quá lớn. Người đến xem tranh, sẽ phải tránh xe, tránh đồ. Còn đâu phút thảnh thơi mà nhìn ngắm”. Đưa nhiều đoàn khách đến làng bích họa Tam Thanh, nghe những phản hồi của khách về tình hình làng bích họa, phố bích họa, anh Chiến thấy rằng: “Khách đến làng bích họa, ngoài xem tranh, họ muốn quan sát, tìm hiểu cung cách sinh hoạt của người làng”.

2/ Cung cách sinh hoạt của người làng biển, của làng Việt, nơi ẩn chứa những trầm tích văn hóa, những đối đãi của người làng với người làng làm cùng nghề, khách cũng muốn xem những điều đó trong bữa ăn, trong cử chỉ thân thương trước biển. Bên sóng gió mà họ tồn tại hàng mấy trăm năm, vượt qua khó khăn, đau thương mất mát. Khách được trở về với cuộc sống lao động, sinh kế hằng ngày mà ở đó không phải là chuyện đóng cửa, bịt kín. Nó mở ra sự chan hòa, nó có mùi của nghề cá biển, lớp cát lạo xạo dưới chân, gió nồng hơi biển. Mỗi lần đến, mỗi bước đi dạo ngắm cảnh, ngắm tranh, cho người xem một năng lượng. Trở về sau những chuyến đi, khách sẽ có những thu hoạch bổ ích trong nội tâm. Về chuyên môn, họa sĩ thiết kế phim truyện Quách Văn Hùng đánh giá cao làng bích họa Tam Thanh. Nhưng ở một số nơi khác thì lại mang sự khiên cưỡng. Có nơi có sự lặp lại làm mất tính độc đáo, thậm chí khiến nhiều người cũng làm mỹ thuật khó chịu. “Có nơi, không gian bích họa quá nén trong con phố. Minh họa vẫn là sinh hoạt làng biển, lễ hội cầu ngư… Họ không nghĩ được cái mới thì không nên vội vã làm”, họa sĩ Lê Nguyên (Khánh Hòa) thẳng thắn.

3/ Làm bích họa làng để làm gì? “Để thu hút người đến, sau đó để gia tăng tiềm lực nội sinh của ngưởi sở tại như bán hàng ăn uống, thủ công mỹ nghệ, tương tác, hiểu biết lẫn nhau”, Phùng Quân, một hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng – Huế – Hội An – Mỹ Sơn nhận định. Với những bích họa đã có và sẽ tiếp tục có thêm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng? Anh Quân cho rằng: “Đà Nẵng đang “gói” khách du lịch vào một chỗ. Đó là cách làm sai”. Anh Quân phân tích, nếu khách đến Đà Nẵng vui chơi, rồi đi Quảng Nam thăm làng bích họa Tam Thanh. Với cung đường 70 km mỗi chiều, khách sẽ ở thêm một ngày, sẽ lưu trú lại Đà Nẵng thêm một đêm, đó cũng là thu nhập của Đà Nẵng: “Có nhiều người không nhận ra chuỗi giá trị này. Nó liên quan đến nhau chứ không phải cái cách của một số bạn trẻ cùng một số họa sĩ đang nghĩ, đang tiến hành làm”.

Cảnh Dương (Quảng Bình) từ khi có bích họa, làng đã gặp cảnh khách ào vào làng chạy xe lộn xộn đường làng ngõ thôn, leo rào chụp hình khiến bờ kè đá bị bật tung. Xe máy để chình ình lối đi. Hiện, làng Cảnh Dương đang tiến hành làm các biển cấm leo trèo, lập bãi giữ xe… Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương đã phải lên tiếng, phàn nàn và bàn tính biện pháp. Được biết, Cảnh Dương không phải làng nghèo. Nhiều nhà cao tầng nêm chặt. Thêm bích họa làng biển, cảnh bán cá, cây dừa thêm vào các minh họa như tấm pa-nô tuyên truyền phỏng để làm gì?

Câu chuyện làng bích họa nên dừng lại chưa, hay vẫn là “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”! Câu hỏi sẽ chuyển về những nơi làng biển đang có manh nha làm cho có mà không có tầm khi nhìn một cách tổng thể.

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài