Hình ảnh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu – trí thức tiêu biểu, người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân – sẽ được tái hiện qua vở cải lương Hừng đông. Tác phẩm là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước.

Hừng đông là tác phẩm sân khấu thứ ba của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau Chuyện tình Khau Vai và Mai Hắc Đế. Theo đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, ông cảm thấy “gánh nặng tâm lý” khi được tin tưởng “giao trọng trách” lần này. Kịch bản ban đầu dài hơn 100 trang, sau phải rút gọn phân nửa để đủ thời lượng hơn hai tiếng cho một vở diễn, tái hiện từ lúc Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ đến khi ông trở thành nhà hoạt động cách mạng sôi nổi và kiên trung. Vở cải lương về đề tài đấu tranh cách mạng có chất bi tráng, nhưng không kém phần trữ tình.

Nhà lãnh đạo mẫu mực

Tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ lý giải, sở dĩ ông chọn hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bởi đó không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực, mưu lược, bản lĩnh, nhân văn, mà còn là một trong những bậc tiền bối cách mạng biết cách khai thác văn hóa – văn nghệ, báo chí như vũ khí tranh đấu hiệu quả. Tầm vóc nhà cách mạng Phan Đăng Lưu còn thể hiện ở chỗ, ông tôn vinh đồng chí của mình, sẵn sàng lãnh trách nhiệm ở nơi biết rõ mình có thể bị bắt, hy sinh.

Xây dựng hình tượng người cộng sản Phan Đăng Lưu ở giai đoạn lịch sử rất khó khăn, từ 1923 – 1940, người nắm cương vị cao nhất của Đảng bấy giờ, còn là nỗi lo của cả ê kíp diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam. Lâu lắm rồi Nhà hát mới có một vở về đề tài đấu tranh cách mạng. Trước đó, Người công dân số 1 gây tiếng vang từ những năm 1970, 1980. Vở gần nhất về Nguyễn Thị Minh Khai cách nay gần hai chục năm. NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Hừng đông là vở diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cho nên chúng tôi thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Sự lo lắng chỉ giảm bớt khi chúng tôi tổ chức buổi chạy đầu tiên trong điều kiện chưa đủ phục trang, trang trí, đạo cụ… mà vẫn nhận được sự hài lòng của tác giả”. Nghệ sĩ Quang Khải, người vào vai Phan Đăng Lưu kể, trong thời gian ngắn, anh phải tập trung cao độ, nghiên cứu vai diễn qua từng lớp, học từ phong thái đến lối tư duy, và đặc biệt ép giảm 9kg. “Vở diễn rất khó nhớ lời, sát ngày diễn mọi người mới thuộc, bắt đầu phả hồn vào vở diễn, tìm cách bộc lộ tính cách nhân vật và chuyển tải hình tượng người chiến sĩ cách mạng thật dung dị, gần gũi với nhân dân”.

Mang hơi thở đương đại

Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Nguyễn Xuân Vinh: “Ra mắt công chúng trước thềm Đại hội XII của Đảng, Hừng đông nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú, trong đó tiêu biểu là Phan Đăng Lưu. Đây cũng là lời tri ân, lời hứa của những người hôm nay, nhất là thế hệ trẻ với các thế hệ đi trước, nguyện sống, phấn đấu, lao động, học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, điều mới mẻ của Hừng đông là đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên đã “đánh liều” mang nghệ thuật đường phố lên sân khấu cải lương. Anh tình cờ gặp nhóm nhạc đường phố HUB, gồm các thành viên trẻ trung và sôi động. Hai loại hình nghệ thuật tưởng như đối lập đã phối hợp ăn ý để kể lại một câu chuyện dung dị và xúc động. Nhóm nhạc xuất hiện trên sân khấu, chứng kiến câu chuyện và đến một thời điểm cao trào cảm xúc sẽ dùng âm nhạc để bộc lộ tình cảm; có lúc họ can dự vào câu chuyện bằng những nghi vấn, tình huống mang màu sắc đương đại. NSƯT Triệu Trung Kiên cho hay, anh muốn mang sức trẻ ngày nay lên sân khấu để có tác động qua lại, nhắc nhở về truyền thống, tinh thần yêu nước của người Việt Nam. “Lúc đầu tôi cũng lo jazz, rock, nhạc hiện đại hòa cùng cải lương sẽ khiến câu chuyện cách mạng mất đi hồn cốt. Tuy nhiên, nghệ thuật đường phố hòa quyện với cải lương để kể câu chuyện này lại dung dị, đời thường và rung động”.

Từng xem nhiều vở diễn về chiến sĩ cộng sản có lời thoại nặng nề, tác giả Nguyễn Thế Kỷ cố gắng tránh điều đó. “Tôi cố viết lời thoại bình dị nhất, dù có nhiều đoạn về chính trị. Bên cạnh đó, vở diễn cũng có những chi tiết hờn ghen đời thường, những câu chuyện vui do các đồng chí Trần Phú, Phan Đăng Lưu kể. Câu chuyện cách chúng ta hơn 75 năm, nhưng khán giả có thể cảm thấy những con người ấy vẫn sống bên ta, có những phần của họ trong chúng ta”. Đạo diễn Triệu Trung Kiên nhận xét: “Chúng tôi không thấy ngôn từ lên gân lên cốt, nhân vật hiện lên mộc mạc, mang lại độ mềm mại cho vở diễn”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)