QUẾ SAN Thực hiện

Chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Nhà hát Tuổi trẻ với nhiều sự kiện vào ngày 10-4-2018, Giám đốc NSƯT Phạm Chí Trung (ảnh nhỏ) có những tâm sự với Thời Nay về chuyện nghề và những bước đi tiếp theo của nhà hát.

Phóng viên (PV): Anh là người “lớn lên” tại Nhà hát Tuổi trẻ từ những ngày đầu tiên, sự khác nhau giữa thế hệ diễn viên đi trước và bây giờ thế nào?

NSƯT Chí Trung (CT): Bản thân tôi làm nghệ thuật là do “thiên định” chứ không phải ý muốn, vì ngày đó học kém, tôi nghĩ mình không thể thi được đại học nên tháng 8-1977 nhà hát tuyển sinh, tôi thi trong vòng hai ngày đã trúng tuyển, cũng là do may mắn và bẩm sinh diễn xuất tốt nên từ đó tôi đã gắn bó với nơi này.

Thế hệ trẻ bây giờ có rất nhiều khả năng để lựa chọn, sự nổi tiếng tức thời và bản thân phải luôn vật lộn với việc tồn tại, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của các em để hiểu vì sao nó có nhiều cái khó như thế.

PV: Anh hình dung như thế nào về nhà hát trong 10 năm tới?

CT: Xa quá! Tôi không dám đặt nền móng gì trong hoàn cảnh này. Tôi trụ lại để giữ niềm tin, khát vọng của các nghệ sĩ vào lúc này là một điều quá khó, vì bạn biết người ta chỉ mơ mộng, mong ước và khát vọng khi thực tại nó đứng vững cả hai chân của mình. Hiện nay, Nhà hát Tuổi trẻ cũng không nằm ngoài quy luật đấy đều đang rất chênh vênh.

Tôi đã qua tuổi mơ mộng và duy ý trí rồi, thực tế là trong nhiệm kỳ công việc của mình, bạn sẽ làm gì khi tất cả những con người quanh bạn đang phải chống chọi để mưu sinh và ngay cả tôi cũng phải vật lộn với việc rạp vắng tanh, khách mua vé ngày một thưa thớt. Tôi là một nghệ sĩ đã có 39 năm trong nghề, tôi đã trải qua rất nhiều cương vị, công việc nên tôi rất hiểu tôi đang ở đâu. Thực tế thì tình trạng ảm đạm của các nhà hát là có thật và sự lựa chọn của khán giả dành cho sân khấu luôn là điểm đến sau cùng.

PV: Anh mong muốn thế hệ khán giả trẻ nhìn nhận thế nào về Nhà hát Tuổi trẻ?

CT: Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi tôn chỉ là phục vụ thanh niên và thiếu nhi, nhưng chúng tôi mới làm được cho thiếu nhi, cũng chưa làm được phân khúc thị trường. Sang năm 2019 tôi sẽ tập trung phân khúc thị trường, thí dụ như đoàn kịch, đoàn ca múa nhạc sẽ dành cho từng lứa tuổi khác nhau. Như độ tuổi từ 5 – 9 tuổi là các cháu dễ xem nhất và chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào đó, nhưng không có nghĩa là từ 9 -13 tuổi chúng ta không có tiết mục.

Còn thanh niên thì hiện nay rất khó cho chúng tôi để làm mê hoặc các em ở độ tuổi đó, tất nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt là yêu sân khấu, yêu nghệ thuật theo bản năng sẵn có, hay là có môi trường từ gia đình. Tôi thấy trường học dường như chưa giáo dục các con em yêu thích nghệ thuật. Vào các ngày nghỉ thì đối tượng để lựa chọn của khán giả trẻ có thể là nhà hàng, ở nhà xem máy tính, đi bạn bè trà chanh… chứ không nghĩ rằng mình sẽ đến một nhà hát.

PV: Trong cơn lốc của xã hội hóa thì phải có chiến lược thế nào để chèo chống nhà hát?

CT: Chúng ta vẫn có thói quen bao cấp và nghĩ rằng không cần thay đổi, nếu chúng ta “không thay đổi thì đời sẽ không bao giờ đổi thay”, đó là phương châm sống của tôi. Và những người làm nghệ thuật lúc nào cũng cần phải cống hiến và nỗ lực hết mình để có những sản phẩm phục vụ cho công chúng, tuy rằng rất khó khăn trong thời buổi cạnh tranh này.

Tôi vẫn luôn vận động anh em trong nhà hát rằng các bạn phải sống hết mình, sống đam mê và luôn phải chứng minh các bạn đang là ai, đừng bị động trước thời cuộc, đừng nên vào Nhà hát Tuổi trẻ là để chờ lương mà phải luôn phấn đấu vì chính các bạn là tương lai của Tuổi trẻ. Sắp tới đây tôi cũng sẽ có những đường lối rõ ràng về các nhân tố trong nhà hát để tạo dựng công bằng cho cán bộ, nhân viên.

PV: Cảm ơn anh! Chúc Nhà hát Tuổi trẻ sáng tạo, phát triển!

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài