Vũ Anh

Tác phẩm điêu khắc “Làng trong phố” của nghệ sĩ Vương Văn Thạo

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm “Không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại” với 65 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc… từ năm 1986 đến nay. Đây coi là một bước chuyển mình, giúp công chúng thêm góc nhìn về nền mỹ thuật đương đại.

Nghệ thuật đương đại đến gần công chúng

Đại diện bảo tàng cho biết, lần này không gian trưng bày trên cơ sở nội dung mỹ thuật đương đại được điều chỉnh và mở rộng trong hệ thống trưng bày thường xuyên trước đây của bảo tàng. Các tác phẩm trưng bày hiện chủ yếu thuộc thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc với chất liệu sáng tác chính là sơn dầu, sơn mài, lụa hay các tác phẩm điêu khắc từ đồng, sắt, đá… Bộ sưu tập đã phản ánh được nghệ thuật trong giai đoạn từ những năm 1980 đến nay của nhiều thế hệ họa sĩ, từ những nghệ sĩ quá cố hoặc lớn tuổi như Nguyễn Ngọc Thọ (1925), Dương Đăng Cẩn (1930), Trịnh Cung (1939), cho tới các thế hệ sau như Vũ Đình Tuấn (1973), Khổng Đỗ Tuyền (1974), Lê Thế Anh (1978), Phạm Thuấn (1985)…

Tất cả cùng chung ngôn ngữ mỹ thuật đương đại để bắt kịp hơi thở thời cuộc, thoát ra khỏi những “lối mòn” trong sáng tác của giai đoạn trước. Nội dung các tác phẩm rất đa dạng, từ nắm bắt những xúc cảm, suy tư sâu kín trong thế giới nội tâm như bức “Thầm thì” của nữ họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Hoàng Minh, những trăn trở về bản ngã và kiếp người trong tác phẩm “Con người” của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, cho tới những bức tranh thể hiện rõ tính thời sự, như bức tranh “Chiến binh” ca ngợi những cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 của họa sĩ Phạm Thuấn, hay một lời nhắc nhở, nỗi âu lo về sự mai một của những mái đình truyền thống thông qua serie tác phẩm điêu khắc “Làng trong phố” của nghệ sĩ Vương Văn Thạo…

Các tác phẩm như “làn gió” mới, khơi gợi ham muốn tìm hiểu về “mảnh đất” bấy lâu còn khá mơ hồ, thậm chí được coi là khó nắm bắt với đông đảo công chúng. Theo quan sát của phóng viên Thời Nay, đã có một số lượng người xem đáng kể, đặc biệt là các bạn trẻ, đến với phòng trưng bày. Bạn Nguyễn Đình Việt (SN 1998), sinh viên khoa du lịch của Trường đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù không hiểu lắm nhưng sau khi xem phòng trưng bày, em cảm thấy có sự thôi thúc, kích thích lòng khao khát sáng tạo trong mình. Bản thân em rất thích một bức tranh tả thực về khung cảnh bờ biển miền trung vì không gian mở, như hút mắt và sự tập trung của mình. Thật ra, không chỉ em mà nhiều bạn trẻ cùng lứa cũng rất quan tâm nghệ thuật nước nhà”.

Hướng tới bảo tàng đương đại chuyên biệt

Mặc dù so nhiều quốc gia khác trên thế giới hay khu vực như Thailand, Singapore, Hàn Quốc… đã có những bảo tàng mỹ thuật đương đại riêng từ lâu, nhưng ở Việt Nam, có thể coi việc có riêng một không gian rộng dành riêng cho nghệ thuật đương đại là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng. Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ: “Không gian này có thể coi là phòng trưng bày nghệ thuật thời kỳ đổi mới, chứ chưa thể nói hết được các mặt đa dạng của mỹ thuật đương đại như nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art… Nhưng với không gian bảo tàng, đây là tin vui, báo hiệu sự thay đổi rất lớn sau bao nhiêu năm”.

Nhiều nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày được chứng kiến lại một thời kỳ trong sáng tác của mình. Không ít nghệ sĩ bày tỏ sự lạc quan khi các tác phẩm của mình được “sống” giữa lòng công chúng, chứ không “chết” dần mòn trong một bộ sưu tập được cất giấu vào bóng tối. “Tác phẩm “Con người” nằm trong giai đoạn đầu khi tôi khai thác tinh thần của vật liệu kim loại, thu thập cảm xúc khi gò, hàn, uốn nắn kim loại… Khi trao đổi với một số đại diện của phía bảo tàng, tôi được biết là mỗi tác phẩm sẽ có một mã QR, cùng với đó là những lời giới thiệu, bình luận hay chia sẻ về tác giả, tác phẩm trong phần giới thiệu audio, cập nhật lên ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA) để hỗ trợ khách tham quan trực tiếp và trực tuyến. Với việc làm sống lại những tác phẩm nghệ thuật đương đại bấy lâu vắng bóng, cá nhân tôi cũng như nhiều nghệ sĩ kỳ vọng vào một khởi đầu cho những điều lớn hơn như một bảo tàng đương đại chuyên biệt”, nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho biết.

Chung quan điểm này, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền nói thêm: “Đi một vòng, cả hai tầng của khu trưng bày trong khoảng chừng chưa đến một tiếng đồng hồ đã xem hết số tác phẩm, tôi cảm thấy “thòm thèm” chưa đã. Tuy nhiên, tôi  thật sự mừng về sự ra mắt phòng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật đương đại, bởi đó là niềm mong mỏi của công chúng muốn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập luôn được cất giữ cẩn thận trong kho… Đây là bước khởi đầu đáng trân trọng! Bộ sưu tập thật quý, nó không chỉ được lưu giữ như tài sản quốc gia mà còn mang lại giá trị lịch sử nghệ thuật, giá trị giáo dục thẩm mỹ cho các thế hệ tiếp theo. Tôi kỳ vọng vào việc phát triển, mở rộng, lớn hơn nữa phần trưng bày các tác phẩm mỹ thuật đương đại của bảo tàng, đặc biệt là không gian ngoài trời cho các tác phẩm điêu khắc”.

Theo định hướng của Ban giám đốc, bảo tàng vẫn tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn hiện vật để sưu tầm. Về không gian hiện tại còn chưa được như mong muốn, nhưng bảo tàng sắp xây dựng cơ sở 2 Hoàng Cầu thành Trung tâm Bảo quản, Tu sửa Phục chế và trưng bày tác phẩm mỹ thuật đương đại. Sắp tới, bảo tàng sẽ đưa vào ứng dụng công nghệ nhiều hơn nữa trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. “Thời gian dịch vừa qua là thử thách, khó khăn to lớn, đồng thời cũng thúc đẩy việc sử dụng công nghệ vào các lĩnh vực chuyên môn của bảo tàng như số hóa thông tin hiện vật, tư liệu thư viện, trưng bày triển lãm”, Thạc sĩ Vương Lê Mỹ Học, Phó trưởng phòng Trưng bày, Giáo dục của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Theo báo Thời Nay