Trong khi sân khấu phía Nam hạn chế kịch kinh dị, hài để khai thác đề tài chính luận thì sân khấu miền Bắc tập trung tái dựng tác phẩm kinh điển.

Sân khấu Việt chứng kiến sự lên ngôi, thậm chí thống lĩnh của những tác phẩm hài kịch, kịch kinh dị qua nhiều năm. Tuy nhiên, trong năm 2015, cả hai miền Nam, Bắc (vốn có phong cách kịch khác nhau) đều tập trung khai thác các vở chính luận, kinh điển.

Giữa tình hình khó khăn chung do thiếu kinh phí, khán giả có nhiều lựa chọn để giải trí, giới sân khấu vẫn cố gắng tạo ra nhiều vở diễn có giá trị nghệ thuật cao. Ở phía Nam, nhiều địa điểm đầu tư cho những vở chính luận đan xen chất bi và hài. Từ bảy vở kinh dị năm 2014, sân khấu kịch Phú Nhuận giảm xuống còn hai vở năm 2015. Bà bầu Hồng Vân tập trung nhân lực cho kịch chính luận, văn học với các tác phẩm như Người đàn bà uống rượu, Đàn bà dễ có mấy tay và Một cha ba mẹ

Sân khấu Thế giới trẻ cũng từng được xem là điểm đến của khán giả mê kịch kinh dị nhưng năm qua, các nghệ sĩ không dựng thêm vở nào liên quan đến đề tài này. Những vở mới tập trung khai thác yếu tố đồng tính, tình mẫu tử.

nam-2015-san-khau-thanh-cong-voi-chinh-kich-page-2

Cảnh trong vở “Người đàn bà uống rượu” của sân khấu kịch Phú Nhuận.

Sân khấu 5B vốn nổi tiếng với kịch tâm lý, chính luận, trong năm qua mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng để dựng vở ca vũ kịch Cây bàng vuông. Hoàng Thái Thanh cũng lồng ghép nhiều yếu tố nhạc kịch vào hai vở Tình như trang giấy trắng, Lọ lem và hoàng tử.

Ngoài khai thác chính kịch, một số sân khấu phía Nam còn hướng đến thể loại nhạc kịch. Sân khấu Phú Nhuận thử nghiệm loại hình này với vở Xóm trọ 3D. Vở Trót yêu ra mắt tháng 12 của sân khấu Thế giới trẻ cũng hoàn toàn là một vở nhạc kịch. Trước đó, nhóm kịch trẻ Buffalo chuyên về nhạc kịch đã trình bày nhiều tác phẩm tạo ấn tượng với công chúng như Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn...

Trong số các vở chính kịch trình làng năm 2015, hai vở diễn ấn tượng nhất của sân khấu phía Nam là Nửa đời hương phấn và Người đàn bà uống rượu.

Nửa đời hương phấn của Hoàng Thái Thanh nói về thân phận chìm nổi của cô gái điếm tên The, sau bao dập vùi của số phận, trải qua nhiều tình huống oái ăm, cuối cùng cô tìm được bến đỗ bình yên trong tình thương yêu của gia đình. Trước khi công diễn, tác phẩm nhận ý kiến trái chiều và nghi ngại của khán giả về việc chuyển thể tác phẩm cải lương gây tiếng vang sang thể loại kịch nói. Tuy nhiên, buổi ra mắt đầu tiên, phần lớn khán giả tại khán phòng 400 chỗ đã đứng dậy vỗ tay không ngớt, trong đó có rất đông người trong nghề.

Nhiều kịch của Hoàng Thái Thanh chỉ diễn theo mùa nhưng Nửa đời hương phấn là trường hợp ngoại lệ. Từ khi ra mắt vào tháng 2, gần như tuần nào kịch cũng cháy vé trước suất diễn.

nam-2015-san-khau-thanh-cong-voi-chinh-kich-1

Cảm xúc của khán giả trước cảnh kết của “Nửa đời hương phấn” trong suất diễn đầu tiên.

Sau Nửa đời hương phấnNgười đàn bà uống rượu của sân khấu Phú Nhuận cũng gây tiếng vang. Kịch chuyển thể từ nguyên tác của nhà văn Hữu Ước, xoay quanh số phận của Duyên – nữ thanh niên xung phong – trong và sau chiến tranh. Dù ê-kíp sa đà vào nhiều chi tiết gây cười và chú trọng kể chuyện quá khứ, người xem vẫn nghẹn ngào trước ẩn ức của nữ thanh niên xung phong trở về thời bình qua diễn xuất của diễn viên Kim Huyền.

Trong suất diễn đầu, Kim Huyền được đánh giá là nhập vai như “lên đồng” khiến người xem hồi hộp, nín thở rồi òa khóc theo nhân vật ở những trường đoạn nội tâm gai góc. Khi vở kịch kết thúc, nữ chính vẫn khóc nức nở như chưa thoát vai. Sự chân thật trong cách truyền thông điệp nhân văn qua diễn xuất giúp Kim Huyền đạt huy chương vàng trong Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân năm 2015.

nam-2015-san-khau-thanh-cong-voi-chinh-kich-2

Nghệ sĩ Trung Anh (trái) và Tạ Tuấn Minh trong kịch “Hamlet”.

Những vở diễn nổi bật của sân khấu Hà Nội tái dựng tác phẩm kinh điển thế giới và trong nước

Nhà hát Tuổi trẻ dựng hai vở Quan thanh tra của Nikolai Gogol và Ai là thủ phạm của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Trong khi nhà hát kịch Việt Nam đầu tư nhiều kinh phí cho kịch Hamlet, nhà hát kịch Hà Nội tìm về những tác phẩm văn học một thời vang bóng như Bỉ vỏ.

Với Hamlet, đạo diễn Anh Tú chọn khai thác góc tối, sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong bản thể con người. Tác phẩm được cô đọng cho phù hợp với thị hiếu xem kịch của khán giả ngày nay. Vở diễn ghi nhận tài năng của nghệ sĩ Trung Anh khi hóa thân vào nhân vật phản diện, nỗ lực của nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh khi vào vai Hamlet – hiện thân của tri thức, lẽ phải.

Một điểm ấn tượng khác của Hamlet là khâu thiết kế sân khấu. NSND Doãn Châu tạo ra sân khấu động, chỉ với bục gỗ mà biến hóa ra nhiều bối cảnh, không gian cho diễn viên. Bên cạnh thành công về mặt nghệ thuật, vở diễn tạo được sự thu hút với công chúng. Buổi diễn đặc biệt tại Nhà hát Lớn với giá vé tới một triệu đồng được nhiều người ủng hộ. Hamlet trở thành tác phẩm lấy lại thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ai là thủ phạm của cố tác giả Lưu Quang Vũ khiến khán giả thích thú khi gợi lại bối cảnh Hà Nội thời bao cấp với nhiều tình tiết cười ra nước mắt. Những thông điệp về niềm tin nơi con người, tính thiện hay sự nguy hại của định kiến tạo nên sức nặng cho vở diễn. Chính vì thế, Ai là thủ phạmđược một đơn vị đặt hàng nhà hát diễn hơn 100 suất (tương đương 70.000 vé) miễn phí dành cho học sinh, sinh viên.

Theo Thu Hiền – Châu Mỹ – Báo điện tử Vnexpress