Giao thoa văn hóa là quy luật phát triển của xã hội loài người. Ngoài sự giao thoa văn hóa giữa xưa và nay, giữa Đông và Tây, giữa quốc gia này với quốc gia khác trên thế giới… thì trong một nước vẫn có sự giao thoa văn hóa giữa các địa phương, các vùng miền. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu sự giao thoa văn hóa của xứ Nghệ và xứ Huế.

Tái hiện một cảnh sinh hoạt cung đính Huế. Ảnh: Duy Anh

Xứ Nghệ được hiểu bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (thường được gọi là Nghệ Tĩnh). Xứ Huế cũng được hiểu theo nghĩa bao gồm cả tỉnh Thừa Thiên Huế (xưa là vùng đất Hóa châu). Xét về phương diện hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam thì văn hóa xứ Nghệ có trước văn hóa xứ Huế. Cốt cách con người xứ Nghệ hình thành từ thời xa xưa. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã khái quát một số đặc điểm chung của người Nghệ Tĩnh: Người Nghệ can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện… Cũng theo Đặng Thái Mai: Người Nghệ quanh năm đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, làm không đủ ăn nên họ phải tiết kiệm, không thích xa hoa. Họ yêu chuộng sự giản dị, thật thà, chắc chắn. Nắng hạn, mưa bão, lũ lụt… không khuất phục được họ mà chỉ khiến tinh thần họ thêm kiên cường, nghị lực họ thêm bền bỉ, sức vóc họ thêm dẻo dai và cốt cách họ thêm cứng cáp. Người Nghệ luôn mơ ước vươn cao bay xa, thoát khỏi cảnh lam lũ. Vì thế, con em xứ Nghệ bao đời nay luôn chịu khó học hành. Thời phong kiến có nhiều người đỗ đạt cao, thời hiện đại có nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa tên tuổi…

Trong khi đó mãi đến năm 1306 xứ Huế mới bắt đầu hình thành với việc Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, để nhà Trần đổi lấy châu Ô, châu Rí. Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp thu vùng đất mới và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa, rồi đưa dân từ phía bắc Đèo Ngang vào khai khẩn, làm ăn sinh sống, nhiều nhất là dân xứ Nghệ. Năm 1802, Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Nguyễn và một lần nữa chọn Huế làm kinh đô. Qua 9 đời chúa, 13 đời vua, người xứ Huế dần dần phân hóa thành hai thành phần: trung lưu và bình dân. Thành phần trung lưu chủ yếu tập trung ở kinh đô Huế. Thành phần bình dân chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Tính cách của hai tầng lớp này có những nét khác nhau. Tầng lớp trung lưu thì đài các, tao nhã, thanh cao, kiểu cách, nhẹ nhàng, hoa mỹ… phù hợp với cuộc sống ở chốn cung đình. Người bình dân mà phần lớn là bà con xứ Nghệ di dân vẫn giữ cốt cách của người xứ Nghệ: cần cù, lam lũ, bộc trực, chân chất, thật thà… Chính những đức tính đó của họ góp phần hình thành những nét tính cách của người bình dân xứ Huế sau này. Đặc biệt là tính hiếu học và chí tiến thủ.

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà đất Huế cũng nổi tiếng là đất học. Nhiều người Huế cũng bươn chải khắp nơi kiếm sống chẳng khác gì người xứ Nghệ. Ngược lại, người xứ Nghệ sau một thời gian làm ăn, sinh sống trên đất Huế cũng dần dần bị con người và thiên nhiên xứ Huế đồng hóa. Cho nên, những người gốc Nghệ định cư lâu đời ở Huế vẫn can đảm nhưng không đến nổi sơ suất, vẫn cần cù nhưng không đến nổi liều lĩnh, vẫn kiên quyết nhưng không đến nổi khô khan và vẫn tằn tiện nhưng không đến nỗi “cá gỗ”. Những vị khoa bảng xứ Nghệ vào Huế làm quan hay những ông đồ Nghệ vào Huế dạy học cũng bớt đi phần nào cái “gàn gàn” cố hữu. Nhờ thế mà xưa nay không ít người Nghệ thành danh ở xứ Huế, trong đó phải kể đến đại thi hào Nguyễn Du. Dấu tích mà Nguyễn Du để lại ở Cố đô Huế như ngôi nhà công ở đường Mai Thúc Loan, khu vườn ở Kim Long và cây hồng tiến, cánh đồng xã An Ninh (nay thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) nơi an táng ông… tương lai sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của Huế. Mười mấy năm sau, một người đồng hương với Nguyễn Du là Nguyễn Công Trứ vì không bỏ được tính “gàn” của người Nghệ nên con đường hoạn lộ gặp không ít thăng trầm, trắc trở. Nhưng những trường hợp như Nguyễn Công Trứ rất hiếm.

Kinh đô Huế nói riêng và xứ Huế nói chung không chỉ là nơi thi thố tài năng mà còn là nơi nuôi dưỡng và hình thành những nét tính cách đặc biệt  cho những người con ưu tú của xứ Nghệ. Phải vào kinh đô Huế, tài “ngoại giao” của Nguyễn Du mới được phát huy tối đa (qua chuyến đi sứ Trung Quốc). Gần 60 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ (quê Nghi Lộc, Nghệ An) gửi cho triều đình nhà Nguyễn với khát vọng cách tân đất nước theo hướng văn minh phương Tây trong thời kỳ đầu thực dân Pháp sang xâm lược, đã gây được tiếng vang cho đến tận bây giờ. Hình ảnh ông già Bến Ngự (cụ Phan Bội Châu) vẫn còn lưu dấu trong tâm thức người Huế. 15 năm ở Huế (1926 – 1940), mặc dù bọn mật thám luôn rình rập, cụ Phan vẫn hăng hái truyền bá tư tưởng và tinh thần yêu nước của mình, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng của cả nước. Căn nhà tranh 3 gian của cụ  trên dốc Bến Ngự là nơi giao lưu gặp gỡ của những trí thức yêu nước thời đó. Dấu ấn cụ Phan còn để lại trên đất Huế, ngoài những trước tác cuối đời còn có: Khu nhà lưu niệm và lăng mộ của cụ trên con đường mang tên cụ, khu nghĩa địa do cụ lập trên dốc Nam Giao dành cho các nhân sĩ yêu nước và bức tượng đồng hoành tráng tạc chân dung cụ, được đặt dưới chân cầu Trường Tiên (phía bờ nam sông Hương) đã trở thành những địa chỉ văn hóa, du lịch đầy ý nghĩa của vùng đất Cố đô. Một số chiến sĩ cách mạng ưu tú của xứ Huế như Nguyễn Chí Diểu, Tố Hữu… đều ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của cụ.  Nhà phê bình Hoài Thanh (quê Nghi Lộc, Nghệ An) cũng thành danh từ đất Huế. Năm 1937, chàng thanh niên Nguyễn Đức Nguyên (tên khai sinh của Hoài Thanh) đã tìm đường vào Huế  mưu sinh và khởi đầu sự nghiệp văn chương. Trên 200 bài báo của ông đã phán ánh phần nào đời sống, văn hóa Huế và cả nước thời đó, là cơ sở, là điều kiện để sau này giúp ông trở thành nhà phê bình nổi tiếng. Các nhà thơ xứ Nghệ như Xuân Diệu, Huy Cận… cũng thành danh khi còn là học sinh của trường Quốc học Huế. Nhà thơ Huy Cận nhớ lại:

Tình bạn, tình yêu Huế khéo ương
Hoa xuân trái đậu tháng năm trường
Bâng khuâng nay nhện chiều giăng lưới
Bảng lảng lòng ai Huế vấn vương…

Sự giao thoa văn hóa giữa xứ Nghệ và xứ Huế được thể hiện rõ nhất ở lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nếu vùng quê Nam Đàn (Nghệ An) truyền cho Bác dòng máu, cốt cách của người xứ Nghệ thì Huế đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác. Thời niên thiếu, Bác sống ở Huế cùng những người thân trong gia đình gần 10 năm. Gần 10 năm ấy là thời gian vô cùng quý giá đối với sự hình thành tài năng và nhân cách của Bác. Bác từng sống ở ngôi nhà rường 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc;  ngôi nhà tranh ở làng Dương Nổ xã  Phú Dương, huyện Phú Vang. Bác từng trèo cây hái củi ở Am Bà, tắm và câu cá ở Bến Đá, ngậm ngùi đứng trước mộ mẹ dưới chân núi Ngự Bình… Ngôi trường Pháp – Việt Đông Ba và ngôi trường Quốc học Huế không chỉ bồi đắp kiến thức, nhân cách mà còn nhen nhóm một lý tưởng, một hướng đi sau này cho Bác. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”.

Thông qua sự giao thoa văn hóa giữa xứ Nghệ và xứ Huế, ta có thể lý giải vì sao văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế có những điểm tương đồng với văn hóa làng xã Nghệ Tĩnh; vì sao con em Thừa Thiên Huế rất hiếu học và có chí tiến thủ. Ta cũng có thể lý giải vì sao tính cách người Nghệ Tĩnh định cư lâu năm trên đất Huế có một vài thay đổi so với tính cách người Nghệ ở quê hương, bản quán… Sự giao thoa văn hóa giữa các địa phương, các vùng miền có tính quy luật, nếu  chịu khó đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu chúng ta sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích và lý thú.

Nhà thơ Mai Văn Hoan – Theo Vanvn.net