Mới đây, tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017 diễn ra tại thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” đã xuất sắc đoạt “Mái bạt vàng”, giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh – Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, dù những năm qua, công tác đào tạo “thế hệ vàng” cho lĩnh vực xiếc và tạp kỹ còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng trường đã gặt hái nhiều thành công đáng kể.

Mới đây, tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017 diễn ra tại thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” đã xuất sắc đoạt “Mái bạt vàng”, giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Người mang về vinh quang đó cho trường trong lần đầu tham dự liên hoan là Ngọc Ánh và Thu Thùy. Cả hai học viên trẻ này đã chinh phục khán giả Cuba với những kỹ thuật điêu luyện và đẹp mắt khi đang xoay vòng liên tục trên không ở tốc độc cao.

Tiết mục mang đậm màu sắc Việt Nam này được lấy từ hình tượng cây tre đến nhạc nền là bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” đã nhận được điểm cao nhất từ BGK và những sự cổ nhiệt tình của khán giả.


Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tăng hoa cho hai học viên mang về giải vàng cho xiếc Việt Nam tại liên hoan xiếc quốc tế vừa diễn ra ở Cuba.

Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh cũng cho biết, liên hoan Circuba 2017 là liên hoan xiếc thường niên có quy mô lớn thứ 3 thế giới. Liên hoan năm nay quy tụ 34 tiết mục được tuyển chọn từ 16 quốc gia. Đây được coi là giao lưu tầm cỡ thế giới để giới thiệu những tài năng mới của nghệ thuật trình diễn độc đáo này.

“Chúng tôi rất tự hào khi học sinh trường mình lại giành giải cao tại một Liên hoan xiếc Quốc tế như vậy. Tiết mục “Cánh chim Việt” được bạn bè thế giới đánh giá cao, nhiều nước đã cử đại diện mời nhóm xiếc của Việt Nam đi lưu diễn. Thậm chí, ông chủ tập đoàn Lasi Andress tại Anh đã mời tiết mục này sang biểu diễn vào tháng 3/2018…”.

Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng này, một đoàn giải trí của Mehico cũng đã đề nghị cử 5 học sinh của họ sang Việt Nam vào tháng 11/2017 tới để trường xiếc giúp họ dàn dựng tiết mục.

“Chúng tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo bộ VHTT&DL, nếu được đây là sẽ cơ hội để giao lưu văn hoá giữa các nước trên thế giới, chúng tôi xem đây là tín hiệu vui của ngành xiếc Việt Nam”, ông Khánh bày tỏ.

Chia sẻ về những khó khăn của học sinh, diễn viên theo nghề xiếc, Ngọc Ánh – một trong hai diễn viên tham gia liên hoan tại Cuba cho biết, để đi theo ngành Xiếc, các diễn viên đã phải rất vất vả và hy sinh nhiều thứ.

“Nhiều người hỏi tôi rằng, làm diễn viên xiếc, lương thấp, cực khổ thì có bao giờ tôi muốn bỏ nghề không? Thật sự là tôi đã từng có ý định như vậy nhưng được sự động viên của các thầy cô và gia đình cộng với niềm đam mê, tôi đã có được thành công như ngày hôm nay…”.

Ngọc Ánh chia sẻ thêm: “Tiết mục “Cánh chim Việt” được chúng tôi tập cách đây một năm. Để diễn thuần thục từng động tác trên sân khấu, hai diễn viên đã phải dũng cảm và phối hợp cực kỳ ăn ý. Khi được ra nước ngoài biểu diễn, chúng tôi mới thấy rằng, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần vào giữ các giá trị văn hoá, nghệ thuật của Việt Nam…”.

Ngọc Ánh và Thu Thùy cùng các bạn diễn tại liên hoan xiếc quốc tế.
Ngọc Ánh và Thu Thùy cùng các bạn diễn tại liên hoan xiếc quốc tế.

Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, để luôn tạo ra những thành tích mới, tập thể lãnh đạo nhà trường đã phải lao tâm khổ tứ để cùng nhau tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Các giải pháp bước đầu là tập trung đầu tư trang thiết bị cho nhà hát thể nghiệm. Ngoài ra, tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu, xây dựng các thể loại xiếc mới lạ và có chất lượng nghệ thuật cao. Các học sinh có một nhà hát tương đối đạt chuẩn để tổ chức biểu diễn thực tập và kết hợp tạo thêm nguồn thu kinh phí cho trường.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, BGK trường ký hợp đồng giao khoán giảng dạy tiết mục với các giáo viên đã nghỉ chế độ nhưng còn đủ sức khỏe, giàu kinh nghiệm và có nhiều thành tích biểu diễn trên sân khấu xiếc. Cương quyết không giao học sinh cho những giáo viên thiếu tâm huyết đối với nghề và non yếu về trình độ chuyên môn…

Nhà trường cũng khuyến khích các tài năng trẻ gắn bó với nghệ thuật bằng cách miễn giảm học phí, tạo cơ hội biểu diễn, giao lưu… Tuy nhiên, với một ngành đặc thù như nghệ thuật xiếc, “tuổi thọ” nghề rất ngắn thì cần có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt hơn.

Hà Tùng Long

Nguồn: Dantri.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài