Những ghi chép về con người, phong tục tập quán, thiên nhiên Việt Nam của người nước ngoài từng đến nước ta nhiều thế kỷ trước đang được các đơn vị xuất bản trong nước tuyển lựa, chuyển ngữ và ấn hành.

Chưa được hệ thống

Việt Nam từ lâu đã xuất hiện trong các áng văn chương, hồi ký, ghi chép của người ngoại quốc. Ví dụ văn nhân, quan lại từ đời Đường của Trung Quốc đã có các bài thơ nhắc tới thiên nhiên, phong tục nước Việt… thậm chí cả sự phản kháng của người bản xứ trước kẻ xâm lăng. Từ phương Tây, một số tài liệu ghi rằng, lữ khách Italy trong hành trình khám phá đã đặt chân đến Giao Chỉ từ thế kỷ XIII, tới thế kỷ XVII, tác giả Cristophoro Borri đã viết cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, ấn hành năm 1631, kể về mọi thứ trông thấy ở xứ sở kỳ lạ này, từ quốc hiệu, diện tích, khí hậu, đất đai, tính tình, phong hóa, tục lệ, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống tinh thần… Người Bồ Đào Nha đặt chân tới dải đất hình chữ S khoảng thế kỷ XVI, trong vai trò nhà buôn, truyền giáo, họ đã có nhiều ghi chép; nhưng do sau đó họ mất dần chỗ đứng tại Việt Nam, nên ít người biết đến những tư liệu này…


Việt Nam đầu thế kỷ qua con mắt người Pháp

Tới Việt Nam trong những thế kỷ gần đây, các tư liệu của người Pháp được chú ý hơn. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, dù chỉ là thương nhân, hay giáo sĩ, công chức của chính quyền thuộc địa, nhưng ghi chép, nhật ký hành trình của họ đã khảo tả cụ thể, tỉ mỉ, chính xác về thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam. Đọc nhiều trang viết rất nghiêm túc, có lẽ ngoài nhu cầu viết lách, yêu thích khám phá, niềm thôi thúc họ hơn nữa là muốn trở thành người đầu tiên mô tả về phong tục, văn hóa của vùng đất này, cung cấp thông tin cho cộng đồng độc giả ở Pháp, những người đang muốn tìm hiểu về xứ thuộc địa của họ. Cũng có thể, đó là thời đại của khám phá, việc khảo tả dân tộc, vùng đất không chỉ dừng ở lữ khách phương Tây viết về Việt Nam, mà ở mọi nơi họ đặt chân tới… Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay, vẫn chưa có những nghiên cứu một cách hệ thống các tác giả, tác phẩm quan trọng viết về Việt Nam.

Đọc xưa, hiểu nay

Với giá trị của các tư liệu này, và sự quan tâm của người đọc, gần đây, mảng sách do các tác giả phương Tây viết từ thời thuộc địa và phong kiến được xuất bản bằng tiếng Việt ngày càng dày lên. Có thể kể tới Đông Dương ngày ấy 1898 – 1908 của tác giả Claude Bourrin, NXB Lao động; Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793, tác giả John Barrow, NXB Thế giới; Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ: Nghiên cứu địa lý nhân văn của tác giả Pierre Gourou, NXB Trẻ; Xứ Đông Dương của tác giả Paul Doumer, từng là Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902), sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932), do Alpha Books liên kết xuất bản… NXB Dân Trí vừa ra mắt cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes, cuốn sách thứ hai trong Tủ sách Biên khảo – Sử liệu của đơn vị này. Tuyển tập Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn, giới thiệu cái nhìn về Việt Nam đầu thế kỷ qua mắt nhìn của các nhà du ký Pháp: Louis Roubaud, Roland Dorgelès, Léon Werth, Michel Đức Chaigneau, cũng đang được Nhã Nam liên kết xuất bản…

Bên cạnh giá trị sử liệu, mà nhiều công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII – XIX thường tham chiếu những tư liệu này, theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, các tác phẩm mang lại cái nhìn về phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt của người Việt các thế kỷ trước. Đặc biệt ở mảng sách du ký, những ghi chép của lữ khách phương Tây cũng gần với các nhà dân tộc học, tiến tới mô tả dân tộc chí khá sơ giản, nhưng đầy tài tình, chính xác, dù họ chỉ tới trong thời gian ngắn. Nhiều tác phẩm trong số đó còn là những áng văn hấp dẫn, với cái nhìn đầy trìu mến của người viết trước thiên nhiên, con người bản địa…

Điểm độc đáo là họ đưa ra nhiều câu chuyện mà chúng ta không để ý hoặc đã quá quen thuộc, nhưng lại soi rọi dưới góc nhìn từ bên ngoài. Trong khi đó, người Việt xưa, thậm chí cả ngày nay thường không có thói quen ghi chép chân thực và tỉ mỉ các sự việc, đời sống hàng ngày. Do vậy, đây là nguồn tư liệu quý giá, thể hiện phần nào về văn hóa, xã hội, chính trị… của Việt Nam những thế kỷ trước, cũng như sự thay đổi so với đương đại, cung cấp cho người đọc nhiều thông tin lý thú về lịch sử nước nhà.

 

Nguồn Vannghequandoi