Tính trung bình, mỗi năm nước ta có không ít những cuộc thi sáng tác với đủ quy mô, loại hình, phục vụ cho đủ ngành nghề, địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm trong nhiều năm gần đây rõ ràng không hề tỷ lệ thuận với chất lượng âm nhạc.
Cụm từ “thành công tốt đẹp” đã trở nên quá quen thuộc ở mọi cuộc thi sáng tác âm nhạc, nhưng những tác phẩm thực sự có giá trị, hoặc đủ sức đi vào lòng người thì vẫn như mò kim đáy bể. Sự thật, các phạm trù nghệ thuật không thể dựa trên ý muốn chủ quan định sẵn. Nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, trên hết, phải là những giá trị khởi nguồn sáng tạo, nơi tôn vinh những cảm hứng và tài hoa của người nghệ sỹ.
Những cuộc thi sáng tác âm nhạc cho các ngành nghề, các địa phương không thể tạo hiệu quả cao đối với công chúng cũng một phần vì sự định hướng theo kiểu tư duy dựa trên ý muốn chủ quan định sẵn nói trên. Thật trớ trêu khi không ít các tác phẩm đoạt giải lại là những sản phẩm phản biện hoàn toàn đối với tư duy quốc doanh hóa âm nhạc và tư tưởng bó hẹp của nhà tổ chức.
Lấy ví dụ, năm 2016, giải “Cống hiến”, một giải thưởng được xem là có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam trong suốt hơn một thập kỷ qua nhằm tôn vinh các sản phẩm âm nhạc nội, đã trao danh hiệu “Ca sĩ của năm” cho một ca sĩ trẻ. Vấn đề không có gì đáng nói nếu đây không phải là một ca sĩ đã từng đối mặt với nghi án đạo nhạc, một biểu tượng âm nhạc phần nhiều mang tính giải trí. Danh hiệu này đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi đối với nhiều người nó cho thấy một thước đo thị hiếu quá đau xót đối với những dòng nhạc chính thống.
Việc nhiều người nghe nhạc, bao gồm cả các nhà báo tôn vinh một ca sỹ mang phong cách Hàn Quốc nói lên điều gì? Đó chính là chiến thắng của sự du nhập nhạc ngoại một cách tràn lan và không thể cưỡng lại nổi, lấn át và bao phủ những giá trị truyền thống. Ở đây, thật đáng báo động khi các nhà báo văn nghệ – những người chưa chắc đã có trình độ chuyên sâu (hoặc hoạt động ở những lĩnh vực nghệ thuật khác), lại được thay thế khán giả để bỏ những lá phiếu bình chọn. Một lần nữa, tất cả những điều đó lại khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về giá trị thực của âm nhạc nước nhà hiện nay.
Không thể chê trách khả năng thẩm định âm nhạc của các nhà báo lại rất gần gũi với một phần đông khán giả. Âm nhạc, dĩ nhiên, vẫn là một loại hình cực kỳ đặc thù để thụ hưởng và đánh giá. Nhưng thử hỏi, trong suốt nhiều năm qua, đã có bao nhiêu cuộc thi hay giải thưởng được soi xét qua lăng kính của những chuyên gia âm nhạc thực thụ? Ở đây, lại nảy sinh một vấn đề mới: Phê bình âm nhạc.
Liệu những hệ lụy hay sự xuống dốc của âm nhạc đương đại có liên quan đến sự vắng bóng bấy lâu của phê bình âm nhạc? Trên sóng truyền hình, các chương trình thực tế không thiếu những giám khảo nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ. Rõ ràng, đây lại là những người tiếp cận với phần đông khán giả một cách rõ nét nhất, thậm chí gần gũi nhất ở các khung giờ vàng trên sóng. Tuy nhiên, thay vì những bình luận hay góp ý mang tính học thuật cao, đó lại là sự phê bình thiếu thực tế và đầy chất “kịch”. Một phần có thể do format chương trình, phần khác có thể do chính trình độ của giám khảo.
Ở những cuộc thi có chất lượng cao và tạo ảnh hưởng lớn đến xã hội, những nhà phê bình âm nhạc dám nói thẳng, nói thật, không né tránh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một xu hướng làm hài lòng ban tổ chức và thí sinh đã được tạo lập một cách đầy tự nhiên, đầy nguy hiểm. Ở đó, những lời hay ý đẹp luôn dễ sống hơn những sự chê bai trực diện. Và đơn giản, những lời nói giả tạo mà được lòng vẫn “an toàn” hơn trước lượng gạch đá sẵn sàng bay từ những fan cuồng thần tượng.
Trong âm nhạc, sẽ thật đáng buồn nếu giới phê bình để sự trung thực mai một theo thời gian. Sẽ thật nguy hiểm nếu chỉ vì tránh mất lòng ai đó, hoặc để bảo vệ sự nghiệp, mà những nhà phê bình âm nhạc sẵn sàng im lặng hoặc đưa ra những nhận xét trái với định hướng, năng lực thực sự của mình. Nếu như giá trị của nền âm nhạc không thể thiếu những đóng góp có phần căn bản của các nhà phê bình, thì quả là đáng lo ngại cho nhạc Việt. Cho một nền âm nhạc không thể định hình nổi giá trị của mình, chứ chưa nói đến việc định hướng cho người nghe./.
Theo Văn nghệ Việt Nam