Vốn là một người bước vào làng văn từ những bước chập chững sáng tác văn xuôi, rồi trải qua hàng chục năm làm công việc biên tập sách cho trẻ em, nhà văn Lê Phương Liên đã có nhiều trăn trở suy nghĩ về “Văn xuôi và trẻ em”. Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt các nhà viết cho thiếu nhi tại trụ sở Hội vào ngày 07/6/2012, bà đã có bài viết trao đổi ý kiến với các bạn đồng nghiệp nhằm cùng tìm hiểu thêm những nguồn mạch trong sáng cho văn học nước nhà, cũng là vì sự phát triển của trẻ em Việt Nam.
Văn xuôi vốn không phải là một thể loại truyền thống của Việt Nam. Nền văn học cổ của chúng ta trước đây chỉ có “văn ngôn” với những câu văn biền ngẫu đăng đối những áng thiên cổ hùng văn như Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… Thật là những áng văn mang cảm hứng kì vĩ mang hồn thiêng sông núi. Trong những áng văn này tâm sự riêng tư của tác giả đã hòa đồng với tâm sự chung của dân tộc.
Văn xuôi Việt Nam được hình thành và phát triển từ đầu thế kỉ XX cùng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, cùng với sự hội nhập với văn hóa phương tây, đặc biệt là văn hóa Pháp, trong giai đoạn lịch sử 1930-1945, cùng với sự phát triển của nền công nghệ in ấn, sự ra đời của báo chí và các nhà xuất bản, các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, kịch, tùy bút… phát triển rầm rộ trong đó đặc biệt một tác phẩm độc đáo ra đời, đó là Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.
Bao nhiêu năm qua, tôi đọc đi đọc lại Dế mèn… và cũng biết bao nhiêu lần tôi tự đặt câu hỏi vì sao tác phẩm lại có sức sống lạ lùng, và sức lan tỏa rất âm thầm nhưng lại vô cùng rộng rãi đến thế? Sự ám ảnh của câu văn Dế mèn… mà tôi đọc từ thủa lên chín, lên mười đã in sâu vào tâm hồn tôi, và ngay từ ngày bé tí ấy tôi chưa hiểu được tại sao cái cảm giác tự trăn trở của chú Dế lại gây ấn tượng sâu sắc như vậy:
“Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả bà con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại. Bởi vì quanh quẩn ai cũng quen thuộc mình cả. Không nói, có lẽ họ nể hơn là sợ. Nhưng tôi lại tưởng thế là không ai dám ho he. Ấy vậy, tôi cho là tôi giỏi. Những gã xốc nổi thường lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba… Tôi càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi. Chao ơi, có biết đâu rằng: hung hăng, hống hách, láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình thôi…”
Thủơ bé đọc những câu ấy quả thật chưa hiểu lắm, nhưng lại nhớ dai dẳng, nhớ trong từng hành động, mỗi khi gặp sự “không may”, và cả khi…“thất bại”… Cho đến đấy gần đây bỗng tôi đọc được ý kiến của nhà nghiên cứu tiểu thuyết Nga M. Bakhtin, ông đã phát hiện ra rằng, khác với ngôn ngữ thơ ca, ngôn ngữ tiểu thuyết có tính đối thoại nội tại… Ngôn ngữ tiểu thuyết, do đó, luôn tồn tại song hành với thái độ phê phán, đính chính bản thân…” (trích theo Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời- Lê Tú Anh- Nghiên cứu văn học số 5-2012).
Tìm ra được ý kiến này, tôi cảm thấy sung sướng như đã tìm ra “bí quyết” của Dế mèn phiêu lưu ký. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng “thái độ phê phán, đính chính bản thân” của người cầm bút chính là sự thể hiện tài năng trí tuệ và sự nhạy cảm của nhà văn. Thái độ này sẽ làm nên chất hài hước dí dỏm, sự cười cợt khiến người đọc như chợt tỉnh, để nhận ra một điều gì sâu sa mà nhà văn đã lưu lại ở phía sau từng câu chữ. Như vậy có thể nói tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký chính là một cuốn tiểu thuyết độc đáo. Sự độc đáo của tác phẩm chắc đã và đang và sẽ còn nhiều nhà nghiên cứu phê bình phát hiện tìm tòi thêm. Riêng tôi, chỉ nhấn mạnh đến chữ “ký”, tính chất đối thoại nội tâm, chất tự sự của Dế mèn… Sau này dịch giả Đặng Thế Bính trong bản dịch tiếng Anh đã chuyển nghĩa là Diary of a cricket (Nhật ký của con dế). Có thể nói đây là một bản dịch thoát nghĩa thành công khiến cho cuộc chu du của chú Dế mèn được nối dài thêm đến nhiều đất nước…
Lâu nay, trong suy nghĩ của không ít người cho rằng khi sáng tác cho trẻ em, mình phải bé lại, cúi thấp xuống, giả ngây thơ, ngô ngọng thì mới ra “văn học thiếu nhi”. Chúng ta quên rằng, trẻ em hoàn toàn có thể hiểu được tác phẩm được coi là hay nhất mọi thời đại, đó là tác phẩm Donkihote của nhà văn Tây Ban Nha M. Cervantes. Trẻ em được cười ha hả khi tượng tưởng ra cảnh Dokihote – nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, cưỡi con ngựa gầy giơ xương, đội cái chậu thủng làm mũ giáp, tay cầm ngọn giáo cùn mà xông vào đánh nhau với cái cối xay gió, mà ông ta tượng tưởng ra đó chính là một “mụ phù thủy”. Có thể trẻ em chưa nhận thức ra ngay ý nghĩa triết lý của tác phẩm nhưng bằng cảm tính trực quan, tuổi thơ biết thưởng thức, biết thẩm thấu cái hay, cái đẹp của văn học và những điều hay và đẹp ấy có ý nghĩa suốt đời người. Chính vì vậy việc giúp cho trẻ em sớm được tiếp cận với các tác phẩm văn học kinh điển là một việc rất có ích.
Trong sự phát triển của văn học thiếu nhi chúng ta hơn nửa thế kỉ qua, tôi có cảm giác giống như một dòng sông uốn khúc quanh co. Có khúc thì quá chú ý đến “tính giáo dục”, việc nêu gương người tốt việc tốt đến mức khô khan, nhàm chán, công thức; có khúc lại quá chú ý đến “tính giải trí”… đến mức ngôn ngữ sách cho trẻ em chỉ còn ngôn ngữ nói, chỉ còn là lời thoại cộc lốc, với đầy đủ sự ồn ào hỗn tạp xô bồ, bụi bặm…
Theo thiển ý của tôi, văn học có ý nghĩa lớn cho trẻ em chính là ở chỗ giúp trẻ em nhận thức ra thế giới và nhận thức ra chính mình. Giá trị nhận thức và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm sẽ tự nhiên làm nên giá trị giáo dục. Khi đọc sách ta như được soi mình vào một mặt nước trong để gặp chính mình trong đó để bật lên tiếng cười để nao nao xúc động mà thấy yêu thương hơn những gì mình vốn đã yêu thương để tạo nên một đời sống bên trong nội tâm mà vẫn được gọi là “tâm hồn”. Nếu văn học chỉ cốt để trẻ em hồi hộp theo dõi những pha gay cấn, như “phim hành động” thì tôi cho rằng như thế là đã quá đề cao việc giải trí và đã vô hình chung mà làm giảm mất giá trị của văn xuôi cho thiếu nhi.
Nếu nhìn lại những thành tựu văn xuôi cho trẻ em nước ta dễ dàng nhận thấy thể loại “truyện vừa” là thể loại thành công hơn cả. Với đặc điểm tâm sinh lí của tuổi thiếu niên, các em sẽ cảm thấy mệt mỏi khi đọc các cuốn tiểu thuyết quá dầy 400, 500 trang. Những cuốn sách từ 100 đến 200 trang là vừa tầm với sức đọc của tuổi thiếu niên. Có lẽ vì thế thể loại “truyện vừa” hoặc “đoản thiên tiểu thuyết” (nhưng nhà văn Ngô Tất Tố đã gọi tác phẩm Tắt đèn của mình) hay là “tiểu thuyết ngắn” – một thể loại mà hiện nay đang được giới trẻ ở các nước viết tiếng Anh rất hâm mộ, ở nước ta thể loại văn xuôi này đã và đang là một dòng chảy liên tục phát triển.
Và, nếu nhìn lại các thành tựu “truyện vừa” viết cho trẻ em nước ta bằng cách nhìn của văn tự sự, của dòng chảy đối thoại nội tại với những cung bậc hài hước dí dỏm hòa cùng sự hoài niệm yêu thương nồng thắm, ta sẽ nhận ra từ Dế mèn phiêu lưu ký đến Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của An Tư công chúa, Đêm hội Long trì, nhưng với ý thức viết cho thiếu nhi ông đã sáng tạo ra một tiểu thuyết lịch sử ngắn. Trong tác phẩm này cảm hứng “văn ngôn” hùng tâm tráng chí từ ngàn xưa trỗi dậy trong tâm tư nhân vật Hoài văn hầu Trần Quốc Toản và những nét trẻ con “bồng bột” day dứt về thân phận riêng đã được tác giả sáng tạo nên những đoạn đối thoại nội tâm chân thành, và đó chính là yếu tố có tính thuyết phục để tác phẩm vào được tâm can bạn đọc.
Với cách nhìn tự sự, ta nhận ra Quê nội của Võ Quảng chính là những trang văn hoài niệm quê hương tha thiết, những dòng tác giả nhìn lại một thời kì lịch sử ở một làng quê miền trung với cái nhìn trong veo và ngộ nghĩnh vừa tự cười cợt vừa nặng trĩu lòng vị tha với sự ấu trĩ của một thời.
Dòng chảy văn xuôi lại đến Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương. Ở đây dòng tự sự là một hoài niệm về “con người lý tưởng” trong tâm hồn tác giả có lúc chới với, có lúc trăn trở để tìm kiếm một lẽ yêu đời giữa thế giới xô bồ đang biến động… Cũng trong một cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng, tác phẩm đã đoạt giải cao hơn Miền xanh thẳm là Khúc đồng dao lấm láp của Kao Sơn. Dòng tự sự nội tâm trong tác phẩm này lại đậm đà chất đồng quê, một cảm giác tự vượt thoát thăng hoa trong tâm hồn tác giả thật khó có thể lặp lại lần thứ hai. Ở đây ta cũng liên tưởng đến Tuổi thơ im lặng của nhà văn Duy Khán, một nhà văn chỉ ghé vào văn học thiếu nhi một tác phẩm để đời.
Trong thể loại truyện vừa cho thiếu nhi, trong dòng chảy tự sự mới,thế giới tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Thuần đã xuất hiện như một tia sáng trong xanh, bừng nở trong vườn văn cho trẻ em Việt Nam. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Một thiên nằm mộng cho đến nay vẫn là những cuốn sách gây sửng sốt mà vẫn chưa được nhiều nhà phê bình quan tâm nghiên cứu.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả thành công với bạn đọc trẻ, anh là người có một “khóe văn” riêng. Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc cũng không ngoài quy luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ, không ngoài sự tự phát hiện ra chất hài hước của chính mình, và trong số những sáng tác đạt tới chiều sâu như Tôi là Bê tô và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ chính là những tác phẩm được không chỉ trẻ em mà cả người lớn và bạn bè trong văn giới mến mộ.
Trong sự phát triển của thể loại truyện vừa, một dòng chảy tự sự đang tuôn trào mạnh mẽ đó là sách cho Tuổi mới lớn với những tác giả như Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang… Dòng văn tự sự của các cây bút trẻ hiện nay càng đi sâu vào bên trong tâm hồn tuổi mới lớn hiện đại với những nỗi băn khoăn trăn trở và bí bức… Trong khi mà những nét hồn nhiên như đã bay đi, cảm giác tự nhận ra nỗi niềm bối rối nội tâm với cách nhìn hóm hỉnh minh triết lại chưa sáng tỏ. Đọc những trang sách tuổi mới lớn hôm nay, người đọc như thấy tâm hồn nhân vật còn đang chìm trong mê, có lúc tỉnh táo mà chưa hẳn là tỉnh táo… Có lẽ nhận xét này của tôi còn có phần chủ quan chăng? Hi vọng rằng sẽ có nhiều các nhà nghiên cứu phê bình sẽ vào cuộc với những sáng tác trẻ hiện nay.
Trong Hội thảo “Văn học thiếu nhi nhìn từ miền Đông Nam bộ” vừa qua, nhà văn Trần Đức Tiến đã phát biểu rằng: “Nói rằng Văn học thiếu nhi hiện nay phát triển cũng không đúng mà trì trệ cũng không đúng… ”
Vâng, vì nói “trì trệ” thì tại sao trong thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, thành tựu Văn học thiếu nhi Việt Nam đã được ghi nhận bằng những giải thưởng quốc tế như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được giải thưởng Asean, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được giải thưởng Peter Pan của Thụy Điển.
Nếu nói “phát triển” thì tại sao những cuốn sách tâm huyết của các nhà văn khi xuất bản chỉ đạt được 1000, 2000 bản trong khi chúng ta có hơn 80 triệu dân. Văn học đọc của trẻ em nói riêng và cả xã hội hiện nay đang là một vấn đề lớn… Hình như xã hội càng ngày càng ít dần những người đọc tỉ mỉ kỹ lưỡng, đọc để suy ngẫm, đọc để tìm hiểu và khám phá ra những gì có ích cho sự phát triển tâm hồn con người. Nếu chỉ đọc sách như một sự giải trí thì chắc văn học sẽ “chào thua” trước điện ảnh và các chương trình truyền hình càng ngày càng phát triển hơn.
Có phải là nói quá chăng khi cho rằng văn học với trẻ em cần thiết như cơm ăn, nước uống và không khí để thở hàng ngày. Trẻ em cần phải được tiếp xúc với tinh hoa văn học từ bé và sớm hình thành thói quen đọc sách cùng với việc biết viết những nét chữ đầu tiên, biết đọc những trang sách đầu tiên. Văn học cho thiếu nhi cũng có đủ thang bậc giá trị như văn học cho tất cả mọi người mà không thể có thang bậc nào được phép hạ thấp đi. Chỉ có một điều như nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói: “Chơi với trẻ con khó hơn chơi với người lớn, điều này cũng cần đến một chút trời cho…”
Trong bài phát biểu nhỏ này tôi không có tham vọng làm công việc tổng kết hay nhận định đánh giá gì về những thành tựu văn xuôi cho thiếu nhi đã có. Tôi chỉ mạnh dạn trình bày những suy nghĩ từ một góc độ riêng để góp thêm một chút lửa nhiệt tình với bạn bè trong văn giới cùng nhau vun đắp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà nói chung, trong đó có văn học dành cho trẻ em.
Tháng 5/2012
Nguồn: Vanvn.net