Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực xuất bản sách cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên – nguyên trưởng Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam luôn trăn trở về những sáng tác văn học cho thiếu nhi hôm nay. Theo bà, chừng nào văn học thiếu nhi phát triển thì văn học nước nhà mới phát triển.

Nhà văn Lê Phương Liên.

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ: Chúng tôi muốn xây dựng lại phong trào càng gần gũi với các em thiếu nhi bao nhiêu thì càng tốt. Từ phong trào của chính các em, các em yêu thơ, có cảm xúc khi đọc thơ, mới tìm đc những tài năng mới. Sự vui sướng mà bà vừa nhắc tới ở trên đó là niềm vui  khi thấy cả xã hội và anh chị em đồng nghiệp đang quan tâm tới văn học thiếu nhi, thấy được vai trò, ý nghĩa của văn học thiếu nhi trong đời sống của các em nhỏ.

PV: Thưa bà, bà nghĩ thế nào về việc nếu tới đây Hội Nhà văn Việt Nam phát động lại giải thưởng cho văn học thiếu nhi?

Nhà văn Lê Phương Liên: Thực ra, giải thưởng văn học thiếu nhi đã từng có trước đây. Cụ thể, những cuốn như “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh), “Miền xanh thẳm” (Trần Hoài Dương)… đã từng được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trong hạng mục Văn học Thiếu nhi. Do đó, việc Hội Nhà văn Việt Nam khôi phục lại giải thưởng riêng cho văn học thiếu nhi là một việc cần  thiết.

Bởi văn học thiếu nhi cần có một sự đánh giá hoàn toàn khác với văn học dành cho người lớn. Sự thưởng thức của các em thiếu nhi cũng hoàn toàn khác với sự thưởng thức của người lớn. Việc trao giải thưởng cần phải có một ban giám khảo cũng như một sự đánh giá mang tính chất văn học thiếu nhi, mang lí luận của văn học thiếu nhi thì lúc đó, chúng ta mới đi đúng đươc những tác phẩm gần gũi với các em và có sức lan tỏa, khơi dậy ý nghĩa bồi dưỡng tâm hồn cho các em.

Bà đánh giá như thế nào về nhân lực sáng tác hiện tại của văn học thiếu nhi?

– Chúng ta phải thấy rằng văn học thiếu nhi có 2 bộ phận sáng tác. Một là của chính các em. Hai là bộ phận lớn hơn, quan trọng hơn đó là người lớn viết cho thiếu nhi. Bộ phận này vẫn đang phát triển. Thậm chí, có những trường hợp có khi càng già càng có nhiều tác phẩm hay vì lúc đó người ta trở lại với tuổi thơ, viết về nó.

Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được phong độ sáng tác, nhà văn Trần Đức Tiến cũng là một người viết cho thiếu nhi được các em hâm mộ. Người nữa tôi có thể kể ra là nhà văn Nguyên Hương ở Đắc Lắc cũng là một người có nhiều tác phẩm được trẻ em yêu thích.

Ngoài ra, có một số người nữa viết tốt như nhà văn Phan Trung Thành, Quế Hương, Nguyễn Kim Hòa… Tôi nghĩ, nếu như Hội Nhà văn quan tâm, trao giải thưởng, đó là một sự khích lệ rất lớn. Và văn học thiếu nhi sẽ phát triển. Nếu văn học thiếu nhi phát triển thì văn học Việt Nam mới phát triển.

Trong quá trình chấm giải thưởng Cây bút tuổi hồng, một cuộc thi sáng tác văn học của thiếu nhi, do Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, tôi phải thừa nhận một điều, lượng thơ hay của các em chưa nhiều. Văn xuôi có nhiều bạn viết tốt hơn.

Trong khi đó, có một số tài năng văn học thiếu nhi thì bây giờ đã lớn lên, gia nhập vào lực lượng sáng tác trẻ như Ngô Gia Thiên An chẳng hạn. Còn em nhỏ nào viết hay mà được gọi là thần đồng như nhà thơ Trần Đăng Khoa một thời thì chưa có. Tôi nghĩ, lực lượng sáng tác nhỏ tuổi này, chúng ta phải từ từ và chờ đợi.

Theo bà, tới đây Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam có biện pháp cụ thể nào để vực dậy phong trào viết cho thiếu nhi không?

– Tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam chỉ cần đưa ra một chủ trương là sẽ làm lại giải thưởng Văn học Thiếu nhi thôi, Ban Văn học Thiếu nhi sẽ là bộ phận trực tiếp  giải quyết vấn đề đó. Thực hiện được tốt việc đó, đã là vô cùng khó khăn rồi. Bởi việc chọn ra được những tác phẩm nào xứng đáng được giải thưởng, đấy cũng là một quá trình không đơn giản. Và chỉ khi nào làm được việc đó, chúng ta mới có một sự hoàn thiện về lí luận Văn học Thiếu nhi Việt Nam.

Chẳng lẽ, chúng ta chỉ trông chờ vào giải thưởng văn học và xem đó cách duy nhất?

– Muốn có giải thưởng phải có tác phẩm hay, muốn có tác phẩm hay phải có nhiều  biện pháp khác nhau nữa. Ví dụ như tổ chức tọa đàm, các trại sáng tác nhỏ, các cuộc đi thăm anh chị em sáng tác… Những việc ấy, đôi khi không cần chi phí hoành tráng quá mà chỉ là những hành động nhỏ kết nối tình thân ái giữa những nhà văn viết cho thiếu nhi với nhau, giữa những người có chung một chí hướng. Và phải dựa vào rất nhiều sự tự giác của toàn xã hội, không kì vọng quá nhiều vào sự đầu tư của Nhà nước.

Chỗ này xin trở lại sân thơ thiếu nhi hồi đầu năm, liệu hoạt động có tác động vào thưởng thức và sáng tác văn học thiếu nhi không, thưa nhà văn?

– Mặc dù sân thơ được tổ chức một năm một lần vào dịp Rằm tháng Giêng, nhiều người bây giờ đã quen và cảm tưởng rất bình thường. Thực ra, nó có ý nghĩa mở đầu cho một năm. Nếu khởi đầu một năm bằng cảm xúc tươi sáng thì chúng ta sẽ có một động lực, niềm khát vọng sống trong năm mới. Sẽ có một loạt các mĩ từ rất hay ho để nói về chuyện này.

Nhưng tôi nghĩ chúng ta cứ thử xem, thử phát động những hoạt động văn học như thế trong nhà trường, cộng đồng, chúng ta sẽ thấy được sự truyền cảm ấy như những ngọn lửa ấm và sáng của văn học tới từng tâm hồn nhỏ, tạo ra động lực để các em yêu cuộc sống hơn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Minh Minh – Đại đoàn kết

 

Exit mobile version