Là một nhà văn đa tài, Vũ Trọng Phụng viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch, văn luận chiến… Ở thể loại nào, ông cũng có những thành công rõ rệt, thậm chí nổi bật, xuất sắc. Mảng tiểu thuyết và phóng sự của ông đã được bàn đến quá nhiều, mổ xẻ phân tích ở nhiều khía cạnh. Riêng lĩnh vực truyện ngắn còn ít được nói tới, chưa ai nói kỹ, nói sâu về nhiều mặt, trong khi truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng có những đặc thù riêng, thế mạnh riêng mà truyện dài nhiều khi không có. Cùng với những truyện ngắn mới tìm thêm được trong những năm gần đây (do một người Mỹ là Peter Zignoman – đã in trong Vẽ nhọ bôi hề – NXB Hội Nhà văn – năm 2000), đến nay số truyện ngắn Vũ Trọng Phụng đã lên tới khoảng 30 truyện, nhiều truyện đi vào những vấn đề đạo đức, nhân sinh mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.
Dưới đây, chúng tôi chỉ bàn riêng về một khía cạnh: tính nhân đạo trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
Vũ Trọng Phụng sinh ra trong một gia đình nghèo, nói như Ngô Tất Tố là “cái nghèo gia truyền” chứ không phải “nghèo lỏi”. Cha ông mất sớm, mới đậu sơ học Pháp Việt, Vũ Trọng Phụng đã phải tìm việc làm để mưu sinh rồi tiếp tục học lên, và bắt đầu viết báo, viết văn. Bản thân ông lại ốm yếu, bệnh tật, nhà nghèo, còn phải nuôi bà, nuôi mẹ, về sau còn vợ, còn con nên Vũ Trọng Phụng thấm thía nỗi cơ cực, nhọc nhằn của chính cuộc đời mình, gia đình mình. Do đó, trong ông luôn tiềm ẩn một sự đồng cảm, chia sẻ, coi những người nghèo khổ như những người cùng hội cùng thuyền. Bùi Huy Phồn đã nhận xét về Vũ Trọng Phụng: “Đó là một con người thật thà, đôn hậu, có nghĩa, có tình, có trước, có sau”.
Vũ Trọng Phụng được quen biết từ mấy “Chuyện Ngọ báo” và với cách viết đã không giống ai, như bạn bè nhận xét. Nhưng ông chỉ thực sự bước vào nghề văn từ những truyện ngắn – một sự khởi đầu giống như các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao…
Theo Vũ Bằng thì những truyện đầu tay của Vũ Trọng Phụng là những “truyện bậc thầy” và Vũ Bằng tự nhủ: “Sao lại có người viết truyện ý nhị và mê ly đến thế!”. Đến khi Vũ Trọng Phụng viết Thủ đoạn, rồi Bộ răng vàng, Hồ sê líu hồ líu sê sàng thì ông đã thực sự nổi tiếng.
Ngay ở những truyện ngắn đầu tiên của ông, độc giả đã cảm nhận rõ sự xót xa, thương cảm của nhà văn khi viết về những thân phận nghèo khổ, dưới đáy xã hội.
Trong Một cái chết(*), chuyện mở ra trong một đêm mưa như trút, một “ông lão ăn mày vừa lòa, vừa cụt chân, người quắt như con mắm nướng, áo tơi, nón lá chống nạng” lê vào cửa một ngôi nhà khá giả để ăn xin. Chủ nhà mắng, đuổi đi, nhưng anh bạn chủ nhà ngăn lại “ân cần để vào tay ông lão một xu”. Và khi cửa đóng lại, người bạn kể cho chủ nhà nghe một câu chuyện đúng hơn là một vở bi kịch vô cùng thương tâm mà chính anh đã chứng kiến. Đó là chuyện cũng vào đêm mưa rét lạnh cắt da, cắt thịt, một ông lão ăn mày đói rách gõ cửa ăn xin nhà thầy cai thu thuế chợ đang ngồi uống rượu. Thầy cai đã tàn nhẫn đuổi, mắng, đe dọa và hắt cả chậu nước lạnh qua khe cửa vào ông lão. Sáng hôm sau, Hợi, con trai thầy cai đã thấy xác ông lão ăn mày chết còng queo, thê thảm trong cái cống xi măng. Cậu bé trong sáng, ngây thơ, mới 11 tuổi đã nhiều phen chứng kiến cảnh bố mình đánh đập những bà già, em nhỏ bán hàng rong, đã xấu hổ, nhục nhã vì bị bạn bè cùng lớp chế giễu, nay trước tội ác bố mình gây nên đã chọn cái chết để giải thoát khỏi sự buồn đau. Cái chết của Hợi như một sự lên án mạnh mẽ thói tàn nhẫn, vô lương tâm của một hạng người. Tình thương của một cậu bé 11 tuổi được nhà văn bình luận “một khối óc còn non mà đã thấy cái chân tướng cuộc đời, trong lòng xúc cảm bao nỗi thương tâm…”Vũ Trọng Phụng đã dùng những câu văn có hình ảnh gợi lên sự thương cảm sâu sắc cho người đọc từ cơn ho lụ khụ, rời rạc, giọng nói run run, hổn hà hổn hển, tiếng thở dài, tiếng gậy lộc cộc xa dần của ông lão ăn mày… Câu chuyện mà anh bạn kể cho chủ nhà không chỉ là lời răn cho hắn ta mà còn cho chính mình, cho độc giả, cho những ai chưa biết cảm thông với người nghèo khổ. Liền sau đó, trên Ngọ báo, Vũ Trọng Phụng lại cho đăng Bà lão lòa, một câu chuyện cũng xót xa, nhiều nước mắt. Một bà lão mù, 76 tuổi, sống trong cảnh ăn gửi, nằm nhờ rất cực nhục. Xưa kia, bà có của trong làng, nhưng con trai bà hư hỏng, bán ruộng cầm nhà, lo ăn chơi rồi bỏ đi, bà đau khổ khóc mù cả mắt. Khi có tiền, bà cưu mang, giúp đỡ bao người, làm nhiều việc nhân đức hiếm có, nay gặp bước khốn cùng chẳng mấy ai quan tâm. Duy có bác đánh dậm, cháu họ bà từng chịu ân nghĩa bà nhiều nên “đành cắn răng, vuốt bụng, nhắm mắt nuôi cô trong lúc hoạn nạn”. Nhưng nhà bác đánh dậm nghèo, vợ mò cua bắt ốc, nuôi hai con nhỏ nên nuôi cô được ba năm, “bác đánh dậm đã thấy nản lòng”.
Lời bình của tác giả thật cay đắng: “Cái cảnh túng bấn nó thường đẩy con người ta vào chốn bùn nhơ, nó thường buộc người vào vòng tội lỗi, đối với bác đánh dậm, ác hơn, nó làm bác quên bỏ lương tâm”.
Quên đến nỗi bác xót ruột khi thấy bà lão như đang “cướp cơm của vợ, của con nhà bác”. Vợ đay nghiến bà lão, rồi cả hai kẻ khốn nạn đã bắt bà ra đầu đê ăn xin. Và bi kịch xảy ra: đêm mưa to gió lớn, họ bỏ mặc bà lão ngoài đê dù hai đứa con đã nhắc, để sáng ra, bác đánh dậm thấy cảnh hãi hùng khi xác bà lão bị gió thổi bay xuống ruộng, bị quạ mổ nát nhừ… Cái kết đã đẩy bi kịch đến tận cùng, và như một câu hỏi day dứt khôn nguôi, không lẽ cái đói, cái nghèo đẩy con người ta đến chỗ bạc ác, vô ơn, khốn nạn như thế!
Truyện ngắn Duyên không di lại lại là tình thương của tác giả dành cho một cô thầy bói. Vốn là một thiếu nữ khuê các, đẹp, có thể có tương lai sáng sủa, nhưng do nhẹ dạ, cả tin, thành chửa hoang, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Cô bị mù, thân tàn ma dại, phải làm thầy bói, lần hồi kiếm sống nuôi con. Định mệnh đã khiến cô gặp lại và xem bói cho người tình đã phụ bạc cô trước đây, nay dắt vợ đi xem bói. “Người cũ” không nhận ra cô, nghe cô xem bói mà hối hận, đau lòng không biết tìm hai mẹ con ở đâu…
Vũ Trọng Phụng cũng đồng cảm, ái ngại cho những người gặp hoàn cảnh trớ trêu. Như trong Người có quyền, một người chỉ vì không có tiền mà không có quyền nhận chính con mình. Rút cục, người có tiền đã có quyền làm cha đứa bé.
Hoặc một phụ nữ quá tin vào những lý lẽ của chồng, hồn nhiên, thật thà trả lời hết những câu gặng hỏi của chồng, bất hạnh thay gặp chồng cả ghen; thế là mất đi hạnh phúc một đời. Cái ghen của anh chồng ghê gớm, dai dẳng đến nỗi cả khi vợ hấp hối anh cũng không dám trả lời là quên được chuyện cũ để vợ mình ra đi thanh thản vào cõi vĩnh hằng (Cái ghen đàn ông).
Nhà văn không chỉ miêu tả sâu sắc, sống động và tràn đầy thương cảm với những thân phận nghèo khổ, tàn tật qua những câu chuyện, những ứng xử của con người với con người. Đặc biệt, Vũ Trọng Phụng đã chỉ ra đầu óc trẻ thơ trong sáng còn biết phản ứng trước những điều bất nhân bất nghĩa. Đúng là “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Như em Hợi (Một người chết), hai con người đánh dậm (Bà lão lòa) kể trên. Hay những đứa trẻ sớm giàu thương cảm, biết nghĩ nhiều đến người khác, thậm chí quên cả bản thân mình. Trường hợp Liên (Bụng trẻ con) là minh chứng. Một em bé mới có 5 tuổi đem tiền dành dụm được cùng bố đi mua búp bê (niềm ao ước của em từ lâu), thế mà biết có kẻ lấy cắp tiền, em vẫn lặng im. Khi bị mắng, em đã rơm rớm nước mắt “Thế ngộ người ấy hôm nay đã phải nhịn đói thì làm thế nào?”…
Con người không chỉ khổ về vật chất mà cay đắng hơn còn là nỗi đau về tinh thần. Nhiều khi bị xúc phạm về nhân phẩm, người ta phải chịu nhục vì cần miếng ăn để sống, để tồn tại. Không ít nhà văn đã khai thác điều này, nhiều khi sâu sắc và xúc động như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan…
Nhưng với Vũ Trọng Phụng, ông vẫn có cách khai thác riêng, như với nhân vật bà lão (Bà lão lòa) và ông ăn mày (Một cái chết).
Hình ảnh bà lão mù lòa “lẩy bẩy chìa bát ra” chưa kịp xin thêm bát cơm đã bị người cháu quát vỗ mặt “Hết rồi… còn đâu nữa mà chìa mãi bát ra…”. Và nhiều lúc “bát cơm ngô điểm quả cà thiu, bà lão lòa trước khi và vào mồm đã chan đầy như canh bằng nước mắt”… Hay ông lão ăn mày trong đêm khuya khoắt, rét cắt da cắt thịt vẫn phải chống gậy đi ăn xin, bị chủ nhà mắng, đuổi, rồi đe dọa tàn tệ, phũ phàng mà vẫn khóc, vẫn van lạy xưng “con” để được cứu giúp, vì đói quá, rét quá. Ngòi bút nhà văn đã đứng về phía những người cùng khổ để gợi lòng thương cảm, tình nhân đạo.
Do yêu thương, quí trọng con người, Vũ Trọng Phụng từ ác cảm đến khinh ghét, tố cáo những kẻ sống vô nhân đạo, cũng đồng nghĩa là để bảo vệ con người trước sự xâm hại. Tất nhiên tùy hoàn cảnh và mức độ mà nhà văn biểu lộ thái độ khác nhau. Như với vợ chồng bác đánh dậm (Bà lão lòa), nhất là người vợ thật tàn ác, nhẫn tâm. Tuy tác giả chê trách, phê phán nhưng vẫn có phần ái ngại, cảm thông vì họ nghèo đói, xác xơ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái nheo nhóc nên dễ khiến họ mất nhân tính. Đến người cai thuế chợ (Một cái chết) thì không ai không phẫn nộ, khinh bỉ một hạng người mà sự tàn ác, vô lương tâm đã thành bản chất. Đêm khuya, hắn đang uống rượu với mực nướng trong nhà mà nỡ đuổi, mắng, hắt cả thau nước lạnh qua khe cửa đuổi lão ăn mày đã làm “mất hứng” cuộc vui của hắn.
Nhưng sự khốn nạn đến cùng cực khi con người chỉ vì vàng, vì tiền mà bất cận nhân tình, sẵn sàng trà đạp lên tình cha con, anh em máu mủ, ruột thịt. Điều đó thể hiện rõ trong Bộ răng vàng. Tác giả miêu tả có vẻ khách quan, lạnh lùng nhưng đượm chất trào phúng sâu cay, vạch trần tâm địa bất hiếu, bất mục của con đối với bố, sự đểu cáng, ti tiện của anh em đối với nhau. Câu chuyện ngắn gọn, súc tích diễn ra như một vở kịch hai màn. Màn 1: bố chết nằm đấy mà hai thằng con chẳng đau xót, lại tranh nhau “vồ lấy chùm chìa khóa”, bàn chuyện chia gia tài và mơ chuyện mưu danh, cầu tước. Màn 2: Lợi dụng đêm tối, thằng em lẻn vào buồng bóp mồm bố móc lấy bộ răng vàng. Khi thấy bộ mặt không có răng của người bố chết, nó hoảng sợ, rú lên rồi bỏ chạy. Thằng anh vào, lên mặt mắng thằng em bất hiếu, rồi “một cách tự nhiên, nhanh nhẹn nhất đời, nó cúi xuống nhặt bộ răng vàng bỏ túi” và không quên giao hẹn khi nó bán đừng tính đến chuyện chia chác…
Khi cảm thông với người nghèo, lên án bọn vô nhân tính, Vũ Trọng Phụng thể hiện sự ước ao của mình muốn cuộc đời tốt đẹp hơn, mỗi con người sống thanh cao, trong sạch, ân nghĩa hơn, sống đúng với bản chất người hơn. Từ đó, ông công kích cả những cái chướng tai, gai mắt, con đẻ của cái “xã hội chó đểu” đương thời. Ông giễu cợt lối sống nô dịch, cái gì cũng muốn tỏ ra theo Tây, phục Tây, nói tiếng Tây… nhưng nhiều khi chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn thực chất thì khác hẳn (Từ lý thuyết đến thực hành). Ông mỉa mai lối sống cặn bã của phương Tây, tự do quá trớn dường như lẫn lộn giữa vợ chồng với bạn bè (Ông đừng lầm). Ông phản cảm với hạng phụ nữ có lối sống lãng mạn rởm, buông thả, giả dối, hưởng lạc, bê tha… con đẻ của phong trào Âu hóa vật chất lúc bấy giờ. Trong óc họ “không hề còn tráng qua một tư tưởng nào về công việc tề gia, nội trợ”, vốn là truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam (Hồ sê líu hồ líu sê sàng).
Không phải Vũ Trọng Phụng chỉ nhìn thấy mặt trái của cuộc đời, chỉ những hoài nghi, bi quan. Sự thực, một con người hoài nghi đến quắt cả tấm lòng ấy, khi đã tin, đã yêu cũng rất tha thiết, mặn nồng. Nhiều bạn bè cùng thời đều cho là Vũ Trọng Phụng rất tin vào tình bạn thủy chung… Trong truyện Một đồng bạc, tác giả đóng vai người kể chuyện, xưng “tôi”. Nhân vật “tôi” tự phân tích, tự ăn năn, hối hận về cách ứng xử của mình với người bạn láng giềng cũ, đã từng coi nhau như anh em, nay sa cơ lỡ vận. Cái hành vi trong túi còn thừa 5 đồng, nhưng còn để ăn chơi, tiêu xài và đã dùng tiểu xảo “cho hẳn cháu bé một đồng” để rào đường, lấp ngõ đã khiến nhân vật “tôi” tự thấy mình thật tầm thường, khốn nạn, đáng ghê tởm… Trong xã hội đầy rẫy những sự ích kỉ, ti tiện thì phải có một tấm lòng cao đẹp, nhân ái mới có thể nhìn nhận về bản thân một cách nghiêm khắc như vậy, qua một việc làm, một thái độ mà người đời có thể coi là nhỏ nhặt, không đáng quan tâm.
Không chỉ tin, chỉ yêu mà tâm hồn Vũ Trọng Phụng có lúc như bừng lên một niềm khát khao, ước mơ được tự do. Và Tự do là câu chuyện giản dị, trong sáng với hình ảnh hai con chim chào mào non. Một con tìm lại được tự do, bay về với trời xanh, ca hát, còn một con không có cách nào “tháo cũi, xổ lồng” để ra được, đành tuyệt thực chết, gợi lên sự chua xót và khát khao của tự do đích thực. Có những câu văn cứ như một sự khơi gợi, thúc đẩy đấu tranh “Hai con chim vẫn luôn mồm chửi rủa những người đã phá tổ và cướp con của chúng. Nó cũng đau đớn đến bậc hóa ra táo tợn như loài người”. Vậy con người sẽ nghĩ sao khi đang sống trong cảnh nước mất, nhà tan, khi quyền tự do là quyền lợi thiết yếu mà mỗi cá nhân sinh ra đều phải được hưởng?
Ngay từ đầu những năm 30, khi mà truyện ngắn chưa thật phát triển, còn ít truyện mới mẻ thì truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã tạo được một lối đi riêng. Ngắn gọn, súc tích, vừa giàu kịch tính vừa pha chất trữ tình. Ông đã vẽ ra những cảnh đời sinh động, đầy ắp hiện thực cuộc sống, thể hiện tài quan sát tinh tế, mẫn tiệp. Cách kể linh hoạt ở nhiều ngôi thứ nhân vật khác nhau, lối hành văn đôi khi đượm chất trào phúng, dí dỏm, câu chữ sáng sủa, trong một tư duy rành mạch để nêu bật chủ đề muốn nói, tạo được sự hấp dẫn và đồng cảm của người đọc. Một số truyện đã nổi bật chất nhân đạo, biểu lộ ở tình thương mạnh mẽ, nỗi cảm thông chia sẻ từ đáy lòng với những người nghèo khổ, tàn tật, những số phận ở vào hoàn cảnh đáng thương, chịu nhiều cay đắng, tủi nhục. Đồng thời, ông cũng phê phán, nhiều khi lên án những kẻ vô đạo đức, táng tận lương tâm, những kẻ sống giả dối, lố lăng, kệch cỡm… và bộc lộ ước muốn một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, một khát khao sống tự do. Nhà văn như luôn mong muốn cho cuộc đời mỗi con người thêm đẹp, thêm trong. Đó là một nét lấp lánh trong truyện ngắn của nhà văn tài năng Vũ Trọng Phụng.
Nguồn: tapchinhavan.vn