Các bạn trẻ xếp hàng chờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (người bên trái) ký tặng sách tại phố Đinh Lễ (Hà Nội). Ảnh: Việt Khôi
NHÂN DÂN – Bắt đầu từ năm 2015, Ban văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN) được tái lập. Sự tái lập này chỉ thật sự có ý nghĩa khi đi cùng với đó là các hoạt động thiết thực nhằm phát triển dòng văn học đặc thù này. |
Một khởi đầu mới Diễn ra chưa đầy 30 phút nhưng chương trình thơ thiếu nhi trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam (Ngày thơ) dịp Rằm tháng Giêng mới đây tại Văn Miếu, Hà Nội đã nhận được sự cổ vũ, yêu mến của khán giả. Lần đầu tiên sau mười ba năm tổ chức, thơ thiếu nhi được đứng bình đẳng với thơ người lớn; công chúng có dịp thưởng thức những tác phẩm được nhiều thế hệ học sinh yêu thích như Cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh), Bài hát trồng cây (Bế Kiến Quốc), Cô và mẹ (Trần Quốc Toàn), Con Vện (Nguyễn Hoàng Sơn), Đồng hồ báo thức (Hoài Khánh), Mời vào (Võ Quảng) do các em học sinh biểu diễn trên sân khấu của Ngày thơ. Những tưởng các bài thơ đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả sẽ khó tạo được hấp dẫn, nhưng khi chứng kiến các em nhỏ trình bày thơ lồng ghép cùng các hoạt cảnh vừa ngộ nghĩnh, vừa sáng tạo, người xem không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Không chỉ đọc thơ của các tác giả nổi tiếng, các em còn tự tin trình bày những tác phẩm do chính mình sáng tác. Thật tình cờ, hai gương mặt thơ vừa đoạt giải cao trong cuộc thi Cây bút tuổi hồng do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức là Ý Nhi, Ngọc Chân đều mang đến Ngày thơ tác phẩm có tên Quê ngoại. Dù lần đầu xuất hiện tại sân khấu lớn, nhưng sáng tác của các em với những cảm xúc mộc mạc, chân thành về làng quê Việt Nam được tái hiện với hình ảnh trẻ chăn trâu thả diều trên cánh đồng khiến công chúng yêu thơ rưng rưng xúc động. TS giáo dục, nhà thơ Thụy Anh nhận xét: “Việc xuất hiện của sân thơ thiếu nhi tại Ngày thơ như một khởi đầu hồ hởi, hồn nhiên của một sân chơi nho nhỏ vì các em, của các em. Sân thơ cần được tiếp tục quan tâm, chăm chút trong những năm sau, vì đó cũng là sự chăm chút cho thế hệ người đọc, người viết, người quan tâm đến văn chương trong tương lai”. Những tín hiệu tốt lành Thành công của sân thơ thiếu nhi tại Ngày thơ Việt Nam 2016 có thể coi là cuộc “ra mắt” ấn tượng, đánh dấu sự trở lại của Ban Văn học thiếu nhi sau 5 năm vắng bóng do được nhập vào một ban chung cả văn học công nhân, văn học nữ, văn học an ninh quốc phòng… 5 năm thiếu một “sân chơi” riêng cũng như những cơ chế riêng cho mảng văn học đặc thù này khiến phong trào văn học thiếu nhi thời gian qua có phần trầm lắng. Chính vì vậy, việc thơ thiếu nhi được chọn làm tiết mục mở màn tại Sân thơ Trẻ trong Ngày thơ lần thứ 14 lập tức trở thành tâm điểm chú ý của báo giới và công chúng. Tại buổi họp báo trước Ngày thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNVVN thẳng thắn thừa nhận: “Suốt một thời gian, chúng ta chưa đặt đúng vị trí của Sân thơ thiếu nhi, trong khi thơ ca có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục nhân cách con người. Vậy nên, chúng tôi quyết định tái lập sân thơ này và thành lập lại Ban văn học thiếu nhi. Từ năm nay, HNVVN sẽ trao giải thưởng văn học thiếu nhi riêng biệt ngang bằng giải thưởng văn học của Hội”. Rõ ràng, sự tái lập Ban văn học thiếu nhi HNVVN là tín hiệu tốt lành cho sự phát triển của dòng văn học này. Văn học thiếu nhi sẽ không thể chỉ xuất hiện theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, mang tính chất chào mừng vào mỗi dịp Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu mà sẽ cần những hoạt động cụ thể thiết thực hơn. Thiết nghĩ, muốn phát triển dòng văn học này thì một giải thưởng thường niên vẫn chưa đủ mà cần thêm nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, phát triển lực lượng sáng tác cũng như đối tượng độc giả. Diễn đàn cho văn học thiếu nhi cũng cần được mở rộng. Lâu nay, việc phát hiện, nâng đỡ các tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi chủ yếu vẫn do một số tờ báo, nhà xuất bản thực hiện, vai trò của HNVVN chưa thật rõ rệt. Điều này rất cần thay đổi vì HNVVN là hội nghề nghiệp, có vai trò rất lớn trong việc hoạch định chiến lược phát triển nền văn học nước nhà, trong đó không thể thiếu sự góp mặt của mảng văn học thiếu nhi. Do đó, bên cạnh việc phối hợp với một số đơn vị tổ chức các cuộc thi viết cho các em như thời gian qua, công chúng yêu văn học mong được thấy sự chủ động hơn nữa của Hội trong các hoạt động. “Mảnh đất” giàu tiềm năng Nhìn vào số lượng sách văn học thiếu nhi được xuất bản thời gian qua, thấy mảng sách này đang có điều kiện phát triển tốt; bởi các bậc phụ huynh có thể cắt giảm chi tiêu nhiều mặt nhưng thường dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho con cái, không chỉ trong học hành mà ngay cả trong việc kích thích trẻ đọc sách. Chỉ tính riêng Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, trung bình một tuần có một đầu sách văn học mới (không tính mảng truyện tranh, sách kỹ năng…). Nhiều NXB và công ty sách như: Trẻ, Văn hóa – Văn nghệ, Phương Nam, Thaihabook, Anphabook… cũng bắt đầu chú trọng cho mảng sách giàu tiềm năng này; do đó thị trường sách văn học thiếu nhi hiện khá sôi động. Tuy nhiên, nhà văn Trần Đức Tiến, Trưởng ban Văn học thiếu nhi cho rằng: “Vẫn còn rất hiếm sách văn học “chất lượng cao” cho thiếu nhi của các tác giả trong nước. Những nhà văn viết cho thiếu nhi cũng không nhiều và thiếu ổn định. Số người chuyên tâm trong lĩnh vực này rất ít. Phần lớn các nhà văn coi sáng tác cho các em là công việc tay trái”. Theo dõi đời sống học đường những năm qua, có thể nhận thấy một thế hệ người viết mới đang hình thành ngay trong trường phổ thông với những tài năng “không đợi tuổi” như Đan Thy, Nguyễn Bình, Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam, Đặng Chân Nhân…. Nếu các em được phát hiện, bồi dưỡng và có môi trường thuận lợi để phát triển thì đây sẽ là thế hệ tiềm năng, tiếp bước các tên tuổi đã thành danh của dòng chảy văn học thiếu nhi. Bên cạnh đó, lực lượng các tác giả chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi thật ra không thiếu, nhưng tâm thế chung coi viết cho thiếu nhi chỉ là “công việc tay trái” hoàn toàn có thật. Nguyên nhân thì có nhiều: viết cho thiếu nhi không dễ vì đặc thù lứa tuổi khác biệt; các diễn đàn cho văn học thiếu nhi còn quá thiếu;… Rõ ràng, cần nhìn nhận, đánh giá đúng đắn vai trò của văn học thiếu nhi cũng như có những chính sách phát triển phù hợp để “sân chơi thiếu nhi” này trở nên hấp dẫn hơn, có nhiều tác phẩm có giá trị hơn. Đặc biệt cần xây dựng đội ngũ tác giả thành danh, ngay cả từ những mầm non văn chương vừa phát lộ tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng về lực lượng viết trong nước và văn học thiếu nhi rất dễ bị “ngoại hóa” như đã xảy ra. Ngày 28- 2, công chúng yêu văn học thiếu nhi tại Hà Nội nô nức xếp hàng đợi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tên vào cuốn sách ông mới xuất bản với 100.000 bản in ngay lần đầu tiên: “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”. Điều ấy cho thấy độc giả chưa bao giờ quay lưng lại với văn học thiếu nhi. Chúng ta hy vọng rằng giờ đây, bên cạnh hoạt động có tính riêng lẻ của các NXB, nếu có sự phối hợp chặt chẽ với HNVVN cũng như sự nỗ lực của các tác giả cho ra những tác phẩm tốt, chắc chắn văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ giành được sự yêu mến của công chúng và có chỗ đứng xứng đáng trong dòng chảy văn học nước nhà. |
Theo Phong Điệp – Nhân dân