Ngày 15/6/2012, 70 trại viên trại sáng tác thơ văn tuổi học trò mang tên “Thế giới muôn màu” (Trung ương Đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu Niên Tiền Phong phối hợp tổ chức tại Biên Hòa, Đồng Nai) đã có những sinh hoạt thật bổ ích. Buổi sáng, tại sân khấu ngoài trời khu du lịch Bửu Long, trại viên cùng các nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, Lê Đăng Kháng, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Đức Quang, Đàm Chu Văn, Trần Quốc Toàn và thạc sĩ biên tập viên Bích Ngọc – phụ trách trang văn học báo Thiếu Niên Tiền Phong, trao đổi chuyện tìm đề tài, chọn câu chữ.
Nhà thơ Lê Quang Trang trao Giải thưởng Cây bút Tuổi hồng lần II cho các tác giả thiếu nhi
Nhiều trại viên có cha mẹ đi cùng, quý vị phụ huynh ấy cũng được các nhà văn mời vào cuộc trò truyện khi bàn tới những “đề tài ngay trong nhà mình”. Buổi chiều, cuộc giao lưu diễn ra trong sân khấu nhỏ Nhà Thiếu nhi Đồng Nai. Thật bất ngờ, trại có thêm 1 trại viên đến từ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Trại viên thứ 71 là em Hồ Hữu Hạnh học sinh lớp 6/8 THCS Lê Thánh Tông, Gia Canh, Định Quán, người viết văn bằng…chân vì khi sinh ra em đã không có hai tay. Đây cũng là nguyên mẫu, của bài kí chân dung “Chim cánh cụt biết bay” của tác giả Nguyễn Quang, cũng học sinh lớp 6 có in trong “Thơ văn học trò – hè 2012” do các cây bút nhí Đồng Nai đang có mặt tại trại này thực hiện, và phát hành vào đúng ngày khai mạc trại. Nội dung giao lưu chuyển rất “ngọt” sang vấn đề cách khai thác nguyên mẫu khi thực hiện một tác phẩm văn học. Nhà thơ Nguyễn Đức Quang (Phó Tổng biên tập báo Thiếu Niên Tiền Phong) hướng dẫn trại viên so sánh thơ của nhà văn Trần Quốc Toàn viết về những con “chim cánh cụt” kiểu Hồ Hữu Hạnh, với văn xuôi của cây viết nhí Nguyễn Quang, và phóng sự truyền hình của anh phụ trách Dương Bá Thông (Nhà Thiếu nhi Đồng Nai) về nguyên mẫu này, đồng thời khuyến khích các trại viên tiếp tục viết về đề tài con người chiến thắng nỗi bất hạnh. Vào lúc 16h00 cùng ngày, toàn thể 71 trại viên cùng các nhà văn hướng dẫn, có mặt đầy đủ tại sân khấu nhà thi đấu trong khuôn viên Nhà Thiếu Nhi Đồng Nai, chứng kiến lễ trao giải Cây bút tuổi hồng lần thứ II-2011 diễn ra rất trang trọng với sự có mặt của bà NguyễnThị Hà – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương và nhà văn Lê Quang Trang – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện cho hai đơn vị đã kí kết chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động văn học hướng tới thế hệ trẻ. Ngày 16/6 trại viên được dã ngoại, tìm hiểu thượng nguồn sông Đồng Nai theo lộ trình qua thủy điện Trị An rồi tiến vào di tích lịch sử chiến khu D. Các nhà văn hướng dẫn cùng đi với các em, thể hiện hào hứng trách nhiệm với những tài năng văn học tương lai.
Nhà thơ Nguyễn Đức Quang chờ nhận chữ kí tặng của trại viên “Chim cánh cụt biết bay” Hồ Hữu Hạnh
Nhà thơ Lê Quang Trang trò chuyện với các tác giả “nhí”
Bà Nguyễn Thị Hà – Bí thư TƯ Đoàn TNCS HCM, Chủ tịch Hội đồng Đội TƯ
Trong Lễ trao giải Cây bút Tuổi hồng lần II, bà NguyễnThị Hà – Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Chủ tịch Hội đồng Đội trung ương phát biểu: “…Văn học nghệ thuật là cầu nối giữa mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc với hiện tại và tương lai, những chặng đường lịch sử hào hùng, những danh nhân lỗi lạc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đổi mới và phát triển của dân tộc như sống lại qua từng tác phẩm, làm cho tuổi trẻ Việt Nam luôn tự hào về cha ông và thêm yêu thương quê hương đất nước của mình. Các tác phẩm văn học cũng là một trong những hình thức thích hợp cho việc phổ biến một cách giản lược những giá trị tinh hoa nhất của nền văn hiến nước nhà, là động lực để mỗi người dân Việt Nam vươn lên, hướng tới các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Đến với giải thưởng Cây bút tuổi hồng lần này, Ban Tổ chức vui mừng đón nhận 551 tác phẩm của 444 cây bút nhỏ tuổi tham gia. Quá trình xét và chấm giải, Hội đồng bình chọn nhận thấy các tác phẩm đoạt giải lần này đều có nội dung tốt, phản ánh trung thực, sinh động những cảm xúc, suy nghĩ của lứa tuổi học trò với cuộc sống ở cả ba môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. Tác phẩm của các em chính là những quả trái đầu mùa đầy hương sắc, thể hiện được tình cảm phong phú, sức sáng tạo và khả năng văn học dồi dào. Đặc biệt có nhiều tác phẩm bày tỏ những tình cảm yêu thương chan chứa dành cho người thân trong gia đình và bạn bè mình khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Thay mặt lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chị biểu dương và chúc mừng thành công bước đầu của các em – những nhà văn nhỏ tuổi. Hy vọng mùa giải năm sau các em sẽ có nhiều hơn những trái chín quả ngọt, trong kho tàng văn học của chính mình. Tôi cũng đề nghị Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong từ những kết quả qua hai lần trao giải sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa để giải thưởng này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra phong trào sáng tác sâu rộng, góp phần quan trọng giúp các em hình thành lối sống đẹp, tâm hồn trong sáng, có ước mơ, hoài bão sống có lý tưởng, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam.
35 cây bút tuổi hồng yêu quý của chúng ta có mặt tại Lễ trao giải hôm nay đều là những tài năng văn học trong tương lai, các em hãy ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu để thực hiện được ước mơ cao đẹp của mình. Chị tin tưởng và hy vọng sẽ được đón nhận những tác phẩm văn học hay, hấp dẫn, ấn tượng của các em trong nay mai.”
Toàn cảnh buổi giao lưu
Nguồn: Vanvn.net