Võ Vân (tổng hợp)

Trong mười hai con giáp, những người sinh năm Tuất thường là những người thẳng thắn, chân thành, có lập trường vững vàng, sáng suốt, hơn thế, nhìn vào danh sách văn nghệ sĩ mang tuổi con giáp này còn thấy họ có thêm đặc trưng: tinh tế, tài hoa và có nhiều thành công trong sự nghiệp.

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất, xin điểm lại văn nghệ sĩ, người nổi tiếng sinh vào các năm Tuất từ đầu thế kỷ XX trở lại đây như khởi đầu cho một năm may mắn.

 Tranh Mừng xuân Mậu Tuất 2018 của họa sĩ Lâm Đức Mạnh

Nhà thơ, dịch giả, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ

Đoàn Phú Tứ sinh năm Canh Tuất (1910). Ngoài tên thật ông còn sử dụng các bút danh khác, trong đó ở sự nghiệp dịch ông nổi tiếng với bút danh Tuấn Đô. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của chính quyền cách mạng vào năm 1946; là giảng viên Trường Nghệ thuật Liên khu IV, Liên khu V, viết kịch và làm báo ở Thanh Hóa; năm 1948 về Thái Nguyên làm Tạp chí Văn nghệ và tham gia Thường vụ Đoàn Sân khấu Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Nhắc đến Đoàn Phú Tứ ta không thể không nhắc đến bài thơ nổi tiếng Màu thời gian đánh dấu sự nghiệp thi ca của ông. Bài thơ được in trên báo Ngày nay số Tết năm 1940, là tác phẩm tiêu biểu cho sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức thi ca thời kỳ đó. Bài thơ cùng với những câu thơ “Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát”lay động lòng người, sau đó được hai nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Duy phổ nhạc và được nhiều ca sĩ có tiếng như Thanh Thúy, Khánh Hà, Ý Lan biểu diễn.

Tên tuổi của nhà thơ Đoàn Phú Tứ còn gắn liền với nhóm Xuân Thu nhã tập, ra đời trong một giai đoạn của phong trào Thơ Mới, gồm các văn nghệ sĩ Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát với những suy nghĩ mới về sáng tác văn học nghệ thuật khi nỗ lực tìm kiếm một con đường để thoát khỏi những bế tắc, dằn vặt của một số văn nghệ sĩ trí thức đương thời. Những nỗ lực đổi mới của cả nhóm đã để lại những dấu ấn trong tiến trình lịch sử văn học Việt.

Nhà thơ, dịch giả, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ qua nét vẽ của danh họa Bùi Xuân Phái (ảnh thethaovanhoa.vn)

Ông là một trong số ít những người đi đầu về sáng tác trong lịch sử kịch nói Việt Nam thời kỳ đầu. Ngay khi mới 27 tuổi, ông đã nổi tiếng với hai vở kịch Ngã ba và Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, và trở thành một trong những nhà viết kịch tiên phong hàng đầu cùng với các nhà văn nổi tiếng như Thế Lữ, Vũ Đình Long… tạo nên một diện mạo mới cho sân khấu kịch thời kỳ tiền chiến. Các tác phẩm kịch của ông được chia thành hai loại hí kịch và hài kịch. Với vốn kiến văn và khả năng văn chương, ông lại thường dịch những kiệt tác của các nhà soạn kịch nổi tiếng thế giới như Moliere, Shakespeare, Ibsen, Alfred de Musset… nên những dịch phẩm của ông được dàn dựng nhiều.

Tuy nhiên sự nghiệp dịch của ông cũng thật đáng kể. Những vở kịch như Nhà búp bê của Henrik Ibsen, Lão hà tiệncủa Moliere; tiểu thuyết Đỏ và đen của Stendhal là những tác phẩm ông dịch và các tác phẩm do ông dịch được đánh giá là “vừa chính xác lại nghệ thuật”. Ngoài các tác phẩm dịch vừa kể, ông còn có các dịch phẩm khác cũng rất nổi tiếng như: Giấc mộng đêm hè, Người lái buôn thành Venice (Shakespeare); Hồn ma bóng quỷ, Con vịt trời (Ibsen); Trưởng giả học làm sang (Moliere); tiểu thuyết Thiên thần nổi loạn của Anatole France, Lorenzaccio và Không đùa với tình yêu của Alfred de Musset, Pantagruel và Gargantua của Francois Rabelais…

Nhà văn Nguyễn Tuân

Nhà văn Hà Nội với sở trường tùy bút và ký sinh năm Canh Tuất (1910).

Nguyễn Tuân sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho. Ông bắt đầu viết báo, viết văn, nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo: Vang bóng một thời, Một chuyến đi. Năm 1945, Nguyễn Tuân tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Ông là Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ từ 1948-1957. Năm 1958 là Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I và II).

” Người ưa xê dịch” – Nhà văn Nguyễn Tuân (ảnh: tuanbaovannghetphcm.vn)

Nhà văn Nguyễn Tuân là một trong chín tác giả tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam hiện đại, ông là một trong số các nhà văn lớn mở đường, đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX (Nguyễn Ðình Thi). Các tác phẩm của ông thể hiện một phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và hơn thế, được viết với vốn ngôn ngữ, giàu có, điêu luyện, vì lẽ đó ông được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài các tác phẩm đã kể trên, nhà văn Nguyễn Tuân còn để lại một khối lượng lớn các tác phẩm như: Chiếc lư đồng mắt cua (1941); Ngọn đèn dầu lạc (1941); Tùy bút (1941); Tóc chị Hoài (1943); Tùy bút II (1943); Nguyễn (1945); Chùa Đàn (1946); Đường vui (1949); Tình chiến dịch (1950); Thắng càn (1953); Chú Giao làng Seo (1953); Đi thăm Trung Hoa (1955); Tùy bút kháng chiến (1955); Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956); Truyện một cái thuyền đất (1958); Tùy bút Sông Đà (1960); Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972);  (1976); Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981, tập II: 1982). Ngoài ra còn viết tiểu luận phê bình văn học và dịch sách.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa và mặc dù chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, với những hiểu biết này, nhà văn thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương và để lại cho chúng ta những tác phẩm giàu ngôn ngữ, giàu hình ảnh.

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh

Tô Ngọc Thanh là con trai của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân, là hậu duệ của ông Tô Hiến Thành, một nhà khoa bảng đời nhà Lý. Ông sinh năm Giáp Tuất (1934), tại Hưng Yên.

Ông được xem như là một pho từ điển sống về Văn hoá, Văn học, nghệ thuật, Âm nhạc dân gian Việt Nam, là một học giả uyên bác hàng đầu ở Việt Nam, là một người học thật, làm việc rất nhiệt tình và điển hình về tìm tòi, sáng tạo, mạnh bạo đi vào khoa học với sự phát hiện, có tính mới mẻ. Học hàm , Học vị của GS.TS. Tô Ngọc Thanh, với tầm cao tri thức, giàu trí tuệ và sức làm việc hiệu quả đáng nể, thể hiện trình độ học vấn sâu rộng, hoạt động sáng tạo lớn lao của ông (Nhà báo- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng).

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (ảnh tuyengiao.vn)

Sau khi tốt nghiệp loại Giỏi Khoá 1 – Trường Âm nhạc Việt Nam (1956-1959); năm 1978, ông bảo vệ thành công xuất sắc Luận án và được phong học vị Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ ) tại Nhạc viện Quốc gia Bungari; năm 1988, ông bảo vệ Luận văn xuất sắc và được phong học vị Tiến sĩ khoa học về chuyên ngành Âm nhạc tại Bungari; ông được phong Phó Giáo sư năm 1984, và được phong Giáo sư năm 1991.

Ông từng đảm nhiệm các vị trí cao tại các tổ chức, Viện nghiên cứu văn hóa như: Viện trưởng Viện Văn hoá Dân gian; Tổng Thư ký rồi Chủ tịch, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội văn Nghệ Dân gian Việt Nam; Tổng Thư ký của Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam; Uỷ viên Ban Thường vụ Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống ICTM UNESCO; Uỷ viên BCH Hội các nhà Âm nhạc dân tộc học châu Á- Thái Bình Dương APSE.

Ông là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Văn nghệ Dân gian Việt Nam với những công trình nghiên cứu chuyên sâu rất tiêu biểu, có giá trị sâu sắc, tác dụng rộng lớn, nhiều mặt với xã hội, với cộng đồng trong và ngoài nước. Các công trình chủ yếu: Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969); Âm nhạc dân gian Mường (1971); Giới thiệu âm nhạc dân gian các dân tộc Nam Á vùng Tây Bắc (1974); Giới thiệu âm nhạc dân gian các dân tộc Bắc Tây Nguyên (1981); Nhạc cụ các Dân tộc Thiểu số Việt Nam (1995); Music instrument of Viet Nam’s Mino rities (1997); Documetation of VietNam’s Curtmusic (Tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt Nam) (2000); Ghi chép về Văn hoá và âm nhạc… cùng hàng trăm bài nghiên cứu, lý luận, tiểu luận về văn hóa, âm nhạc… được trình bày tại các Hội thảo khoa học lớn và đăng trên báo chí, các ấn phẩm xuất bản trong và ngoài nước.

Với những đóng góp của mình cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam, ông được Nhà nước cũng như các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao, để ghi nhận một tài danh đã cống hiến nhiệt thành trong việc bảo tồn và phát huy khả năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Chu Lai

Nhà văn Quân đội Chu Lai tên thật là Chu Ân Lai sinh năm Bính Tuất (1946) tại Hưng Yên. Ông là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi. Vợ ông, Vũ Thị Hồng, cũng là một nhà văn Việt Nam.



Nhà văn Quân đội Chu Lai (ảnh vivian)

Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông công tác trong Đoàn Kịch nói của Tổng cục Chính trị, năm 1973 làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7; sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 1), ông về làm tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Trưởng Ban sáng tác Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ngoài viết văn, ông còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim và với kinh nghiệm từ thời công tác tại Đoàn Kịch nói, ông còn tham gia diễn xuất… Sau những tháng năm cầm súng cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), nhà văn trở về với cuộc sống bình dị và sáng tác tại Hà Nội.

Nhà văn Chu Lai viết nhiều, viết như để tự sự với chính mình về chiến tranh, các tác phẩm của ông có thể kể đến như: Nắng đồng bằng; Đêm tháng hai; Sông xa; Gió không thổi từ biển; Vòng tròn bội bạc; Bãi bờ hoang lạnh; Ăn mày dĩ vãng; Phố; Ba lần và một lần; Cuộc đời dài lắm; Khúc bi tráng cuối cùng; Chỉ còn một lần; Đôi ngả thời gian; Phố nhà binh; Vùng đất xa xăm; Và các kịch bản: Hà Nội đêm trở gió; Người đi tìm dĩ vãng; Hà Nội 12 ngày đêm; Người mẹ tự cháy; Người Hà Nội (chuyển thể từ tác phẩm Phố).

Ông từng được tặng các giải thưởng: Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang (Hội Nhà văn Việt Nam) với tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (1993); Giải thưởng tiểu thuyết Nhà Xuất bản Hà Nội với tiểu thuyết Phố (1993); Giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng (1994); Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007). Ông mang hàm Đại tá trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa sinh năm Mậu Tuất (1958), quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nổi tiếng là một thần đồng thơ, mới 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo, những bài thơ đầu tiên ra đời và bắt đầu xuất hiện “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa gây chấn động cả miền Bắc. Năm 1967, bài thơ Sao không về Vàng ơi! được viết theo yêu cầu của một vị khách đến nhà ông ngay sau một trận bom, con chó của nhà ông chạy mất, sau khi làm xong bài thơ, ông đã đề cẩn thận ở cuối bài dòng chữ “Kỷ niệm ngày mất chó 3-4-1967”.

Đặc biệt khi mới 10 tuổi, bài thơ Hạt gạo làng ta, sau được nhà thơ Xuân Diệu hiệu đính và năm 1971, được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc thành bài hát cùng tên, trở thành một “bài ca đi cùng năm tháng”. Cũng chỉ mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên Từ góc sân nhà em và sau đó là tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ thần đồng đã được NXB Kim Đồng xuất bản.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa qua góc nhìn họa sĩ Còm (ảnh cand.com.vn)

Ông từng có thời gian hoạt động trong quân ngũ; sau khi đất nước thống nhất, ông được bổ sung về Quân chủng Hải quân. Ông từng theo học Trường Viết văn Nguyễn Du, sang học tại Viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Ông từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam, và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX.

Ngoài những tác phẩm nổi tiếng kể trên được tái bản nhiều lần, các tác phẩm chính của ông có: Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974); Bên cửa sổ máy bay (1986); Chân dung và đối thoại (tiểu luận phê bình, 1998); Bài Thơ tình người lính biển đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc; Đảo chìm (tập truyện – ký, 2000); Tuyển thơ Trần Đăng Khoa(2016).

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã ba lần được tặng giải thưởng Thơ của báo Thiếu niên Tiền phong (năm 1968, 1969, 1971), Giải Nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version