Trong văn học cổ – trung đại Việt Nam, thật khó khi nói về một nền văn học của nữ giới. Nguyên nhân của điều này có lẽ không cần phải bàn đến nhiều nữa. Vào những năm cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, một tiếng thơ thật táo bạo và mạnh mẽ cất lên – tiếng thơ Hồ Xuân Hương. Thơ bà đầy phá cách và nhằm trực diện vào xã hội phong kiến, vào chế độ nam quyền nơi mà thân phận người phụ nữ chỉ như những con ong, cái kiến, bị phân biệt và rẻ rúng. Thơ bà khẳng định vị thế mới của người phụ nữ trong xã hội. Họ không phải là những thân phận thấp hèn, nhu nhược, phải cam chịu sống trong những góc nhà, xó bếp để phục tùng chồng nữa mà họ cũng có tài, có sắc và làm được những việc đàn ông có thể làm, đặc biệt là tài văn chương thơ phú. Cho đến bây giờ và mãi về sau, tiếng thơ ấy vẫn vang vọng và để lại niềm cảm mến trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Thời trung đại, bên cạnh Hồ Xuân Hương còn có các sáng tác của một vài nữ sĩ như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm… Số lượng các nhà thơ nữ thực sự không nhiều, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cho đến những năm đầu thế kỉ XX và phong trào Thơ mới 1932-1945, nhiều nữ nhà văn xuất hiện, cả về thơ và văn xuôi. Thế nhưng phải từ năm 1975 cho tới nay thì những cây bút nữ mới thực sự nổi trội trên văn đàn. Bên cạnh những nhà văn nam giới có tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp… là một đội ngũ đông đảo các nhà văn nữ. Không tính thơ, chỉ riêng về văn xuôi cũng đã có thể kể ra hàng loạt các cây bút như: Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Trầm Hương, Trần Thanh Hà, Như Bình, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Minh Dậu, Nguyễn Thị Phước, Dương Nữ Khánh Thương, Nguyễn Thị Huyền Trang, Vũ Thị Thường, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Di Li… Chính không khí cởi mở của những năm sau đổi mới 1986 đã thúc đẩy các nhà văn nữ cầm bút sáng tác không ngần ngại. Họ đi sâu vào đời sống hiện thực sau giải phóng, khám phá chiều sâu của cuộc sống, con người. Bên cạnh những tác phẩm văn chương mang nhiều giá trị, được bạn đọc ủng hộ, đồng tình thì cũng có những tác phẩm gây xôn xao dư luận theo chiều hướng phức tạp với những khen, chê trái ngược. Đó là điều tất yếu của bất cứ một nền văn học nào trên thế giới. Điều quan trọng là chúng ta biết nhìn nhận và đánh giá đúng đắn, khẳng định giá trị đồng thời phê phán mặt hạn chế của những tác phẩm đó.
Văn xuôi nữ những năm sau 1975 cho đến nay thể hiện sự đa dạng về chủ đề, đề tài cũng như phong cách và bút pháp nghệ thuật. Các cây bút nữ chủ yếu sáng tác ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, bởi đặc trưng của hai thể loại này là dễ tiếp cận và phản ánh hiện thực ở những tầng nghĩa sâu sắc và đa chiều. Tuy nhiên, tiểu thuyết của họ dung lượng cũng không còn đồ sộ, dài hơi kiểu sử thi mà gọn ghẽ hơn nhiều, đáp ứng được thị hiếu của độc giả trong thời đại mới, khi quỹ thời gian không có nhiều, và theo quy luật cạnh tranh với các phương tiện truyền thông, nghe nhìn hiện đại khác. Còn thể loại truyện ngắn thực sự đã tạo được dấu ấn và những bước đột khởi, chiếm vị trí quan trọng trên văn đàn. Trong nhiều năm liền, các cuộc thi truyện ngắn liên tục được tổ chức trên báo Văn nghệ, báo Tiền phong; tạp chí Thế giới mới, tạp chí Sông Hương, tạp chí Văn nghệ quân đội, Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh; nhà xuất bản Thanh niên, nhà xuất bản Trẻ. Những cuộc thi ấy đã thu hút được nhiều nhà văn tham gia sáng tác, tạo nên một không khí ngày càng sôi động cho văn đàn Việt Nam hiện đại. Người ta thống kê được rằng ở 100 số báo Văn nghệ trẻ in hơn 200 truyện của 100 tác giả trẻ thì có tới 2/3 là truyện ngắn của các cây bút nữ. Điều đó cũng phần nào cho thấy ưu thế của văn xuôi nữ trên văn đàn. Trong các cuộc thi truyện ngắn, nhiều giải thưởng đã được trao cho các nhà văn nữ. Trong các cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước (thời kỳ sau đổi mới không lâu) có đến 4-5 lần các nhà văn nữ chiếm giải “quán quân”. Năm 1989-1990 giải nhất được trao cho Y Ban với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và Chuyện một người đàn bà; năm 1992-1994 giải nhất được trao cho Nguyễn Thị Thu Huệ với Hậu thiên đường và Mùa đông ấm áp; năm 1995-1996 Trần Thanh Hà đạt giải nhất với chùm 3 truyện ngắn: Miền cỏ hoang, Bà Thỏm, Sông có dài; năm 1998-1999 giải nhất trao cho nhà văn nữ Đỗ Bích Thúy với chùm truyện: Đêm cá nổi, Ngải đắng ở trên núi, Sau những mùa trăng. Năm 2001-2002 giải nhất được trao cho truyện ngắn Gió mưa gửi lại của Thùy Linh. Ngoài ra, giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn do các báo khác tổ chức cũng được trao cho nhiều gương mặt nữ: Nguyễn Thị Minh Dậu – Giải thưởng cuộc thi báo Văn nghệ – 1991; Dương Nữ Khánh Thương, Viên Lan Anh, Đào Phong Lan đạt giải trong cuộc thi truyện ngắn 1996-1997 của báo Văn nghệ trẻ. Nguyễn Ngọc Tư giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 (lần II) do Nhà xuất bản Trẻ, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức. Năm 2006-2007 báo Văn nghệ đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn lần thứ 13 và tác phẩm Thung Lam của tác giả Hồ Thị Ngọc Hoài đã được trao giải nhất. Trong giới phê bình văn học đương đại Việt Nam gần đây xuất hiện nhiều nhận định như: văn học đang mang gương mặt nữ, truyện ngắn nữ khởi sắc, sự lên ngôi của các cây bút nữ, những gương mặt làm sáng giá “thể loại nhỏ”… Có thể nói, ở thể loại truyện ngắn các cây bút nữ đã mang đến cho làng văn những giọng điệu mới. Văn chương của họ phần nào đã khẳng định được vị thế trên văn đàn, tên tuổi của họ ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều độc giả. Trần Thùy Mai giản dị, đằm thắm; Võ Thị Hảo trang trọng, dịu dàng; Nguyễn Thị Thu Huệ mạnh mẽ, táo bạo; Y Ban sắc sảo, táo tợn…
Về đề tài, các nhà văn nữ viết về những dư âm của chiến tranh. Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng những tàn tích của nó còn sót lại, trở thành những vết thương âm ỉ, dai dẳng đối với số phận con người, đặc biệt là người lính. Biển cứu rỗi, Người sót lại của Rừng Cười của Võ Thị Hảo, Ông Mậu của Nguyễn Thị Thu Huệ là những truyện viết về nỗi cô đơn, mất mát, đau thương của người lính khi trở về với cuộc sống đời thường lúc hòa bình. Thế hệ sau cần có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những người đã chiến đấu vì nhân dân, vì đất nước suốt một thời kì dài như thế!
Văn xuôi nữ viết nhiều về đề tài tình yêu, hạnh phúc với những khát vọng tình yêu luôn luôn bỏng cháy nhưng dường như chẳng bao giờ có thể thực hiện được, chẳng bao giờ có thể vẹn tròn. Vẫn còn bàng bạc những mất mát trong tình yêu và hôn nhân, nhấn chìm người phụ nữ vào sự cô đơn, đau khổ. Trong những tác phẩm viết về đề tài này, các cây bút nữ đặc biệt mạnh dạn cất lên tiếng nói cá nhân, nêu lên ước nguyện của mình, dám đòi hỏi và kêu gọi người đời hãy quan tâm đến số phận những người phụ nữ. Nhân vật nữ của Y Ban mạnh bạo nói: “Đất nước anh hùng ngoại xâm thiên tai liên miên nên mẹ quan tâm đến những người anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không chú ý đến những cô gái vốn dịu dàng, nhu mì không mấy đòi hỏi của mẹ. Nhưng bây giờ con đòi hỏi. Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ). Nếu nhân vật của Y Ban dám lên tiếng đòi quyền hạnh phúc, thì người phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng không kém phần táo bạo. Nhân vật nữ của chị khao khát, mong mỏi có được một tình yêu đích thực, sống hết mình với nó nhưng kết quả lại không như mong đợi, mà chỉ toàn là bi kịch (Hậu thiên đường). Cho nên, chị phải thốt lên: Tình yêu ơi, ở đâu? Một câu hỏi đầy trăn trở và dường như không lời đáp: “Tại sao đến giờ nàng vẫn cô đơn, khi mà nàng xinh đẹp, có học, không tật nguyền”. Truyện ngắn của Võ Thị Hảo, Y Ban cũng đề cập nhiều đến đề tài này.
Không chỉ vậy, văn xuôi nữ còn đi sâu vào những tầng bậc của cuộc sống gia đình, ở đó có cả những mâu thuẫn, xung đột, bất hòa giữa hai thế hệ mà tưởng như không thể giải tỏa nổi. Những truyện như Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh, Thằng bé có phép tàng hình của Y Ban, Nước mắt đàn ông, Minu xinh đẹp của Nguyễn Thị Thu Huệ… đã diễn tả được sâu sắc sự rạn nứt của hạnh phúc gia đình trong thời đại mới. Trăn trở, day dứt với những vấn đề như thế, các nhà văn nữ thiết tha kêu gọi mỗi người hãy tự gìn giữ lấy hạnh phúc của mình, bởi hạnh phúc có thể tuột khỏi tay bất cứ lúc nào mặc dù nó thật khó để đạt được. Lòng trắc ẩn và vị tha của các nhà văn nữ còn được thể hiện khi viết về đề tài tình cảm cộng đồng. Người đi tìm giấc mơ, Người đàn bà ám khói (Nguyễn Thị Thu Huệ), Vũ điệu địa ngục, Người gánh nước thuê, Dây neo trần gian, Máu của lá (Võ Thị Hảo) thể hiện sâu sắc sự rạn nứt, xuống cấp của quan hệ người với người. Cuộc sống mới với nhiều biến đổi làm cho họ không còn giữ được lương tâm tốt đẹp đối với đồng loại. Người với người đối xử với nhau lạnh lùng và xa cách. Đó luôn luôn là những vấn đề nhân tâm thời đại mà nhiều nhà văn quan tâm, cho nên truyện của họ gieo được vào lòng người đọc những cung bậc tình cảm thật tinh tế mà sâu sắc, những suy nghĩ trăn trở dai dẳng và ngân vang.
Nhân vật nữ trong các tác phẩm của một số cây bút nữ như Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà… xuất hiện với mật độ dày đặc và trở thành hình tượng trung tâm, có thể lên tới con số 2/3 nhân vật của toàn bộ tác phẩm. Nhân vật nữ của họ rất tinh tế, nhạy cảm, có cá tính mạnh mẽ, dám sống, dám yêu, dám đòi hỏi quyền được yêu, quyền được sống hạnh phúc chính đáng. Nhân vật Hoài trong Xin hãy tin em của Nguyễn Thị Thu Huệ là một ví dụ – một nhân vật có tính cách mạnh mẽ, ngang tàng, bất chấp tất cả mà không sợ ai chê cười, giễu cợt, chỉ biết táo tợn sống theo cách của riêng mình.
Với giọng điệu mới mẻ, có cá tính và ngôn ngữ sắc sảo, mạnh bạo mà vẫn không thiếu chất đằm thắm, dịu dàng, các nhà văn nữ đã đóng góp những tiếng nói riêng, những hương sắc riêng cho diện mạo văn xuôi đương đại Việt Nam. Nếu như ở Trung Quốc, lớp nhà văn nữ sinh ra vào thập kỉ 70 xuất hiện khá nhiều và tác phẩm của họ gây ấn tượng; ở Pháp thập kỉ 90 của thế kỉ trước chứng kiến giới văn chương nữ đã sánh vai nam giới; ở châu Phi từ những năm 80 trở đi, một thế hệ thứ hai các cây bút nữ đã xuất hiện tạo ra một hiện tượng xâm lấn, đôi khi có tính lật lại trật tự trên văn đàn; ở Nga văn xuôi nữ mạnh dạn cất tiếng nói về bản thân vào những thập niên 80-90; thì ở Việt Nam từ sau những năm đổi mới và đặc biệt là từ thập kỉ 90 trở đi, văn xuôi nữ đã thực sự chiếm ưu thế trên văn đàn. GS Phương Lựu đã nhận xét: “Đây là hiện tượng tốt đẹp, đánh dấu một phương diện phát triển của văn học” [1].
Mấy năm trở lại đây, chúng ta thấy xuất hiện trong nước một số cây bút 8X viết rất miệt mài, liên tục cho ra đời những cuốn tiểu thuyết với dung lượng ngắn. Tác phẩm của họ tuy chưa có gì thực sự nổi bật, xuất chúng nhưng phần nhiều phù hợp với tâm lý của lứa tuổi thanh niên, sinh viên cho nên có những bản in bán rất chạy, rất ăn khách, thậm chí một thời gian ngắn đã được tái bản. Cốt truyện có thể không có hệ thống, nhưng lớp trẻ ngày nay lại ưa thích những giọng văn hài hước, “xì tin”, có cá tính. Hình thức văn chương mạng cũng xuất hiện, rõ rệt nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tác giả Trần Thu Trang chuyên viết truyện online và đã có những tác phẩm bước đầu gây được sự chú ý của độc giả như: Phải lấy người như anh, Coktail cho tình yêu, Nhật ký tình yêu TIO… Một số nhà văn khác như Hà Kin, Cấn Vân Khánh, Phong Điệp cũng chú tâm đến việc sáng tác văn học mạng.
Văn xuôi nữ hứa hẹn những bước đi đầy triển vọng, góp phần làm phong phú diện mạo văn học Việt Nam thế kỉ XXI
T.T
…………
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phương Lựu. Suy nghĩ về đặc điểm nữ văn sỹ. Tạp chí Tác phẩm mới số 3/1998.
Nguồn: vannghequandoi.com.vn