Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam đang phát triển theo kiểu… đến hẹn lại lên, rồi thôi, của các cây viết qua những thế hệ nối tiếp nhau. Văn học tuổi mới lớn chưa nhận được sự quan tâm và đánh giá đúng mức từ những cá nhân, tổ chức có vai trò và trách nhiệm với văn học.


Văn Thành Lê

Sự “thịnh vượng” này không kéo dài được lâu

Là người dành nhiều sự quan tâm cho văn học tuổi mới lớn, bạn đánh giá như thế nào về sự phát triển của dòng văn học này ở Việt Nam?

– Có một thời gian dài văn học tuổi mới lớn không biết được xếp vào đâu. Thậm chí bị… lãng quên. Trong rất nhiều năm trước đây, văn chương phía Bắc không thấy xuất hiện những tác giả và tác phẩm giành cho lứa tuổi mới lớn. Ở phía Nam thì khác, từ trước và sau năm 1975 đã xuất hiện những tác giả viết cho tuổi mới lớn như Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện, Hoàng Ngọc Tuấn… thật sự tạo được dấu ấn với bạn đọc qua nhiều thế hệ. Số nhà văn trưởng thành, định hình sau thời kỳ đổi mới, phía Nam cũng cho thấy lực lượng nối tiếp đáng kể như: Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Thu Trân, Nguyên Hương, Lưu Thị Lương… Lâu nay văn học tuổi mới lớn được xếp vào mảng văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, khi nói về văn học thiếu nhi, đa số vẫn chỉ nhớ văn học giành cho thiếu niên, nhi đồng mà quên mất văn học giành cho tuổi mới lớn. Văn học tuổi mới lớn chỉ thật sự bùng nổ cả hai miền khi các tờ báo tuổi mới lớn giành nhiều đất cho văn chương ra đời, đó là những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều bút nhóm được thành lập, như Hương đầu mùa của báo Hoa Học Trò, Vòm me xanh của báo Mực Tím, Gia đình Áo Trắng của tuyển tập thơ văn Áo Trắng… Lúc này bắt đầu hình thành một lực lượng đáng kể lứa tuổi mới lớn viết cho chính mình. Hàng loạt những cây bút, giờ đã trở thành nhà văn nhà báo nhà thơ tên tuổi như: Dương Bình Nguyên, Bình Nguyên Trang, Đàm Huy Đông, Đặng Thiều Quang, Trang Hạ, Dương Thuỵ, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Hoàng Anh Tú, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp, Đinh Thu Hiền, Ngô Thị Giáng Uyên, Nguyễn Khắc Cường, Hải Miên, Nguyễn Thị Việt Nga… Rất tiếc sự “thịnh vượng” này không kéo dài được lâu. Ước chừng chỉ trên dưới một thập niên. Sau đó, vì thị hiếu bạn đọc, đất giành cho văn chương trên các báo tuổi mới lớn dần dính vào “quy hoạch”, chia cho những “công trình” có tính giải trí thời thượng hơn. Áo Trắng là tuyển tập thuần tuý văn chương duy nhất còn lại, sau một lần bị “chết lâm sàng” trong khoảng từ năm 2005 đến 2007. Về mặt xuất bản, NXB Kim Đồng là nơi kiên trì với văn học tuổi mới lớn hơn cả, qua Tủ sách tuổi mới lớn trước đây, và giờ là Văn học teen. NXB Trẻ cũng có những đợt xuất bản tác phẩm tuổi mới lớn, nhưng không thường xuyên. Hiện nay các công ty sách tư nhân khai thác bản thảo của nhiều cây viết cuối thế hệ 8X, đầu 9X ở các trang mạng xã hội để in thành sách. Đây là một kênh mới để văn học tuổi mới lớn đến với bạn đọc. Có một thực tế, các nhà văn, cây viết sau này đa số chỉ “thâm canh tăng vụ”, hay “luân canh” với văn học tuổi mới lớn. Có lẽ hiện tại Phan Hồn Nhiên và Hoàng Anh Tú là hai nhà văn bền bỉ nhất với văn học tuổi mới lớn, và tạo được dấu ấn hơn cả.

Rất nhiều người viết trẻ, sung sức hiện nay, được phát hiện và trưởng thành từ chính những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn. Bạn cũng là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên từ việc được phát hiện đến việc đi tiếp được đường dài cần rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chính bản thân người viết. Nhưng những yếu tố khách quan bên ngoài cũng có những tác dụng rất lớn. Là “người trong cuộc”, bạn có thể chia sẻ về điều này?

– Để có một cây khoẻ mạnh, lớn lên cho hoa thơm, trái ngọt, ngoài yếu tố giống cây tốt thì cây ấy còn phải được trồng ở môi trường có điều kiện tự nhiên và chế độ chăm sóc tốt nhất. Tương tự như vậy, với người viết, yếu tố môi trường viết lách rất quan trọng. Trong đó, tôi nghĩ, cái nhìn của thế hệ đi trước đối với những người viết trẻ có ảnh hưởng rất lớn. Tôi thấy có ba kiểu. Thứ nhất là một số nhà văn nhà thơ không thích “chơi” với người viết trẻ, họ tự nhận mình là ở chiếu trên, mình không thể chơi với giới trẻ “chưa sạch nước cản”. Vậy nên họ không đọc giới trẻ. Thứ hai là “chơi” với người trẻ theo lối “xoa đầu”. Thứ ba là số còn lại, “chơi” với giới trẻ như những người bạn. Họ nghĩ có cái “tao” là thầy “mày”, có cái “mày” là thầy “tao”. Họ sẵn sàng đưa vai ra cho người trẻ đứng lên vai họ, để nhìn được xa hơn mà đi tiếp. Sẽ là may mắn, nếu người viết trẻ gặp được thế hệ đi trước “chơi” với giới trẻ như kiểu thứ ba. Tôi nghĩ một tác giả, ngoài tác phẩm thì, cách họ nhìn thế hệ sau bằng con mắt như thế nào cũng quan trọng để đánh giá xem họ lớn ra sao.

Cần có giải thưởng dành cho văn học tuổi mới lớn

Để mảng văn học cho tuổi mới lớn được quan tâm thích đáng, theo bạn, cần có những yếu tố, điều kiện như thế nào?

– Cần có một giải thưởng dành riêng cho tác phẩm văn học tuổi mới lớn, cũng như có một mảng văn học riêng: văn học tuổi mới lớn, đứng độc lập với mảng văn học thiếu nhi trong dòng văn học Việt Nam. Những tác phẩm viết cho lứa tuổi 22 trở lại 15 mà gọi là văn học cho thiếu nhi, tôi nghĩ là gượng ép quá.

Văn học cho tuổi mới lớn cần được những tổ chức, cá nhân có vai trò và trách nhiệm định vị giá trị văn học, định hướng người đọc đánh giá đúng mức. Cần có những bài phê bình, nhận định về các tác phẩm văn học cho tuổi mới lớn một cách bài bản, chứ không chỉ là những bài điểm sách trên báo khoảng vài trăm từ, do công ty liên kết xuất bản hay NXB nhờ báo chí làm truyền thông để bán sách.

Các cuộc thi sáng tác hay vận động sáng tác văn học cũng nên quan tâm tới mảng văn học cho tuổi mới lớn. Cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20 khá quy mô, do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức 5 năm một lần, tên có thể hiểu là sáng tác giành cho tuổi trẻ, nhưng đa số các tác phẩm viết về người lớn, hoặc trẻ mà hết lớn, chứ không còn là mới lớn nữa. Tuyển tập Áo Trắng, báo Mực Tím vẫn cố gắng duy trì các cuộc thi truyện ngắn và thơ, nhưng sức lan toả thực sự chưa được rộng lớn.

Chưa đến mức phải mặc cảm lắm…

“Biết tới khi nào mưa thôi rơi” – tập truyện ngắn mới ra mắt của bạn là cuốn duy nhất trong 5 tập truyện đã xuất bản của bạn không viết cho tuổi mới lớn. Điều này liệu có phải bạn đã có sự chuyển hướng trong sáng tác?

– Theo thời gian, tôi lớn lên so với chính mình, sự va chạm với cuộc sống của tôi, bạn bè tôi, những người quanh tôi, cho tôi những cái nhìn mà không thể nói với tuổi mới lớn, nên tôi viết cho người lớn. Bên cạnh đó, tôi vẫn viết cho tuổi mới lớn, không thường xuyên như trước, nhưng vẫn viết khi có thể. Viết cho tuổi mới lớn để thấy mình còn… hồn nhiên được, cũng thật thú vị.

Dấu ấn nghề nghiệp (giáo viên) thể hiện khá rõ trong các truyện ngắn in trong tập “Biết tới khi nào mưa thôi rơi”, như: những câu chuyện về thời sinh viên, những nhân vật là giáo viên, những tình huống sư phạm… Bạn nói gì về điều này?

– Tôi nghĩ dễ hiểu mà. Đó là những điều tôi “thuộc” nhất. Tôi thích tưởng tượng. Nhưng khả năng tưởng tượng chưa đủ độ để viết truyện khoa học viễn tưởng. Vậy nên tốt nhất là viết về những gì gần gũi với mình. Tưởng tượng trên cái nền mình đã “thuộc” vẫn dễ hơn, đỡ sợ những thứ mình viết ra là… hàng giả. Sản phẩm có thể chất lượng chưa cao nhưng là hàng thật cái đã. Có nhà văn thế hệ trước khuyên tôi nên mở rộng biên độ đề tài ra. Tài nguyên gì khai thác mãi cũng cạn. Viết mãi một đề tài mà không thêm được gì mới, cũng nhàm. Tôi hiểu, và vẫn đang cố gắng mỗi ngày.

Viết cho tuổi mới lớn, viết truyện, và “đá ngang” sang thơ (đã giải nhì cuộc thơ Bút Mới lần 9), bạn không sợ việc mình “ôm đồm” nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các sáng tác?

– Tôi nghĩ tạng của mình hợp với văn xuôi hơn. Tôi sáng tác thơ không nhiều. Tuy nhiên, có những lúc nghỉ giữa hiệp, làm cái gì đó thay đổi không khí cũng hay. Chuyện đoạt giải chỉ là chút duyên. Giải thưởng không nói lên được nhiều điều. Tôi từng rất thích anh chàng thủ môn Chilavert của đội Paraquay ngày trước, anh này là thủ môn giỏi, nhưng thi thoảng lại ghi bàn từ những quả đá phạt ngoài vòng 16m50. Làm thơ và may mắn có giải, tôi nghĩ, cũng như những cú đá phạt của Chilavert vậy.

Bạn vừa chia sẻ rằng mình thích tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng tưởng tượng là yếu tố cần có với mọi người viết. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, về trí tưởng tượng chúng ta thua xa thế giới. Việt Nam sẽ rất khó có được những tác phẩm đòi hỏi trí tưởng tượng “siêu đẳng” như Hary Potter. Bạn có nghĩ như vậy không?

– Tôi đồng ý. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khó có được những tác phẩm như Hary Potter. Vì Hary Potter đang là cái đỉnh của thế giới. Trí tưởng tượng không chỉ cần trong văn chương, còn cần cả trong khoa học sáng tạo. Những phát minh đều bắt đầu từ những tưởng tượng, ao ước. Albert Einstein có câu nói bất hủ: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Ông nói thêm: “Kiến thức bị giới hạn bởi những gì ta biết và hiểu được, trong khi đó, trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới, và cả những kiến thức chưa ai biết, chưa ai hiểu được”. Mà khoa học sáng tạo thì các quốc gia có nền văn minh lâu đời và tiên tiến đã bỏ chúng ta một khoảng cách vô cùng xa. Vì vậy chẳng có gì khó hiểu khi Việt Nam thua các quốc gia đó về khả năng tưởng tượng trong văn chương. Nhưng nếu nhìn vào Chuyện xứ Lang Biang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hay gần đây là Cuộc chiến với hành tinh Fantom của cây bút 10 tuổi Nguyễn Bình, thì chúng ta chưa đến mức phải mặc cảm lắm về khả năng tưởng tượng của người Việt Nam.

Theo bạn, điều cần nhất với một người viết là gì?

– Tôi nghĩ là đam mê, tri thức nền và trí tưởng tượng.

Xin cảm ơn bạn!

Văn Thành Lê tên thật là Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, ngành sinh học. Hiện sống và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giải thưởng: Giải ba thơ báo Mực Tím, 2008. Giải nhì truyện ngắn báo Phụ Nữ TP.HCM, 2009. Giải khuyến khích thơ Bút Mới lần 8, báo Tuổi Trẻ, 2010. Giải nhì truyện ngắn Văn học trẻ, tạp chí Xứ Thanh, 2011. Tặng thưởng Tác phẩm hay của tạp chí Nhà văn (về truyện ngắn), 2011. Giải nhì thơ Bút Mới lần 9, báo Tuổi Trẻ, 2012.

Đã in các tập truyện: Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (Nxb Trẻ), Hình như là tình yêu, Trạm điện thoại ở thiên đường (Nxb Kim Đồng), Con gái tuổi Dần (Nxb Trẻ), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (Nxb Thời Đại).

 

Nguồn: Yume.vn


Exit mobile version