Văn Thành Lê là một cây bút trẻ, trưởng thành từ bộ phận văn học cho tuổi mới lớn. Xin giới thiệu tham luận của anh về bộ phận văn học này gửi tới tọa đàm, “Văn học thiếu nhi – tìm hiểu và tự giới thiệu” sẽ diễn ra vào ngày 14 -11-2012 trong khuôn khổ hoạt động của Trại “Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại TP.Vũng Tàu.


Cây bút trẻ Văn Thành Lê

Phải nói ngay từ đầu rằng, tôi chỉ là một người viết trẻ, còn ở giai đoạn loay hoay định hướng tìm lối đi cho mình. Vì vậy khi được nhà văn Trần Quốc Toàn mời viết tham luận cho buổi toạ đàm “Văn học thiếu nhi – tìm hiểu và tự giới thiệu” trong khuôn khổ hoạt động của Trại “Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Vũng Tàu (từ ngày 1 đến ngày 15/11/2012) với nội dung về văn học tuổi mới lớn, tôi hơi ngại. Ngại vì không biết nói thế nào trước các bậc cha chú nhà văn nhiều kinh nghiệm và thành tựu đi trước, rồi với hiểu biết hạn hẹp liệu mình nói có trúng không, và quan trọng là có thêm được điều gì mới mẻ so với những gì người khác đã nói. Thôi thì với góc nhìn, suy nghĩ của một người trẻ (còn nhiều non nớt) đã có những trang viết đầu tiên về lứa tuổi mới lớn, những tác phẩm ra mắt đầu tiên cũng là về tuổi mới lớn, và bây giờ, tuy không thường xuyên như trước, nhưng vẫn còn cộng tác với những tuyển tập văn chương, các báo, tạp chí có trang văn học dành cho tuổi mới lớn, tôi bộc bạch vài suy nghĩ vụn, nho nhỏ của mình về văn học tuổi mới lớn.

Có một thời gian dài mảng văn học tuổi mới lớn không biết được xếp vào đâu. Thậm chí bị… lãng quên.

Trước đây văn học thiếu nhi mặc định là những sáng tác dành cho thiếu niên, nhi đồng, rất rõ ràng, nghĩa là cho độ tuổi từ 14 trở xuống. Văn học người lớn tất nhiên là cho đối tượng… người lớn. Vậy nên trống ra một khoảng, những em tuổi mới lớn, hay nói vui là tuổi dậy thì (bây giờ các em dậy thì sớm hơn một chút), có độ tuổi từ 14 đến khi trưởng thành, tạm hiểu là 20 – 22 tuổi (sinh viên, học sinh các trường chuyên nghiệp) không có mảng văn học cho lứa tuổi của mình. Các em ấy phải cố “cưa sừng làm nghé” thành thiếu nhi hoặc gắng gượng thành người lớn, theo cách của mỗi em, trong một khoảng thời gian dài, khi đến với văn học. Điều này có lẽ đúng hơn với không khí văn chương phía Bắc. Có phải vậy không mà phía Bắc, trong nhiều năm trước đây, không xuất hiện mấy những tác giả và tác phẩm dành cho lứa tuổi mới lớn?

Ở phía Nam thì khác, từ trước và sau năm 1975 đã xuất hiện những tác giả viết cho tuổi mới lớn như Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện, Hoàng Ngọc Tuấn… thật sự tạo được dấu ấn với bạn đọc qua nhiều thế hệ. Nhiều gia đình, bố mẹ đến với nhau nhờ đọc truyện ngắn truyện dài của những tác giả này, sau đặt tên con cái theo tên nhân vật trong truyện, rồi tới con lại tiếp tục say mê các sáng tác tuổi mới lớn của những nhà văn đó. Tiếp nữa, nhiều nhà văn lớn lên, định hình sau thời kỳ đổi mới, phía Nam cũng cho thấy lực lượng nối tiếp đáng kể. Ngoài viết cho lứa tuổi khác, các nhà văn vẫn viết cho tuổi mới lớn như: Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Thu Trân, Nguyên Hương, Lưu Thị Lương… có nhà thơ như Lê Minh Quốc, Đoàn Vị Thượng cũng “dan díu” với văn học tuổi mới lớn qua một, hai truyện dài thời kỳ đầu sáng tác.

Sau này khi nhìn lại, văn học tuổi mới lớn được xếp vào mảng văn học thiếu nhi, một bộ phận cấu thành của văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, khi nói về văn học thiếu nhi, đa số vẫn chỉ nhớ văn học dành cho thiếu niên, nhi đồng mà quên mất văn học dành cho tuổi mới lớn.

Văn học tuổi mới lớn chỉ thật sự bùng nổ, lan nhanh và sâu rộng cả hai miền khi các tờ báo tuổi mới lớn dành nhiều đất cho văn chương ra đời, đó là những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều bút nhóm được thành lập, như Hương đầu mùa của báo Hoa Học Trò, Vòm me xanh của báo Mực Tím, Gia đình Áo Trắng của tuyển tập thơ văn Áo Trắng. Ngoài ra còn các bút nhóm ở nhiều tỉnh thành khác, các tuyển tập văn thơ khác, như Tuổi hồng, Nữ sinh… Lúc này, ngoài các nhà văn, cây bút thế hệ trước viết cho tuổi mới lớn, bắt đầu hình thành một lực lượng đáng kể lứa tuổi mới lớn viết cho chính mình. Từ đây xuất hiện hàng loạt những cây bút, giờ đã trở thành nhà văn nhà báo nhà thơ tên tuổi như: Dương Bình Nguyên, Bình Nguyên Trang, Đàm Huy Đông, Đặng Thiều Quang, Trang Hạ, Dương Thuỵ, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Hoàng Anh Tú, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp, Đinh Thu Hiền, Ngô Thị Giáng Uyên, Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Hải Miên, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Lãm Thắng, Huỳnh Thuý Kiều… cùng rất nhiều tác giả khác từng “vang bóng một thời” mà bây giờ, vì những lí do khác nhau, đã không đi theo con đường chữ nghĩa nữa.

Rất tiếc sự “thịnh vượng” này không kéo dài được lâu. Ước chừng chỉ trên dưới một thập niên. Sau đó, vì thị hiếu bạn đọc, đất dành cho văn chương trên các báo tuổi mới lớn dần dính vào “quy hoạch”, chia cho những “công trình” có tính giải trí thời thượng hơn. Phải chăng niềm đam mê văn chương của tuổi mới lớn những thế hệ sau đã giảm nên dần kết liễu thời kỳ hoàng kim này? Những bút nhóm dần tan rã. Những trang thơ giảm dần, và mất. Mỗi số báo duy trì được một truyện ngắn. Bút nhóm Vòm me xanh của báo Mực Tím còn đó, nhưng tồn tại có chiều leo lắt, độ sung sức giảm hẳn. Các tuyển tập thơ văn Tuổi hồng, Nữ sinh không còn. Áo Trắng là tuyển tập thuần tuý văn chương duy nhất còn lại, sau một lần bị “chết lâm sàng” trong khoảng từ năm 2005 đến 2007, với sự tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ: Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc và sự nỗ lực đỡ đầu của NXB Trẻ cùng báo Tuổi Trẻ. Nhưng mô hình sinh hoạt Gia đình Áo Trắng ở các tỉnh, thành phố không được sôi nổi như trước. Và ngoài văn chương là chủ đạo, tuyển tập cũng phải chêm vào những “món ăn” thời thượng như thời trang, phim điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc… để lấy lòng nhiều bạn đọc hơn.

Đến bây giờ, trong thâm tâm tôi luôn vô cùng biết ơn tuyển tập Áo Trắng. Nếu không có sự hồi sinh của Áo Trắng thì những truyện ngắn ngô nghê, viết bằng tay với chữ khó đọc kiểu Ả Rập và vô vàn lỗi chính tả về dấu hỏi dấu ngã (đặc trưng của người Thanh Hoá, giờ tôi chú ý hơn những chắc chắn vẫn còn) của tôi, không biết đã đi đâu về đâu. Rồi nhà văn Trần Quốc Toàn trong vai Người Bình bình truyện trên tạp chí Tài Hoa Trẻ cũng cho tôi những khích lệ đáng kể mỗi khi truyện được đăng. Đây chính là những động lực giúp tôi viết tiếp. Cái ý nghĩ ban đầu giá như có một truyện ngắn được đăng báo để làm kỷ niệm, nhanh chóng bị quên, để viết những truyện ngắn hồn nhiên tiếp theo.

Thêm một cú hích nữa đối với tôi đến từ Tủ sách tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng. Vào giai đoạn “đất” dành cho sáng tác ở các báo tuổi mới lớn bị chia năm xẻ bảy, nhà thơ Cao Xuân Sơn cùng NXB Kim Đồng đã cho ra đời tủ sách này. Tôi nghĩ tủ sách này đã cứu vớt và làm lan toả được rất nhiều những tâm hồn yêu văn chương tuổi mới lớn, cả người viết và người đọc. Có thời kỳ Tủ sách tuổi mới lớn lớn mạnh đến mức ra mỗi tuần một tập truyện, của một tác giả trẻ. Có lẽ nhờ mật độ in dày vậy nên tập truyện ngắn đầu tay còn nhiều vụng về của tôi được ra đời. Tôi vẫn còn nguyên cảm giác lúc nhận được điện thoại từ nhà thơ Cao Xuân Sơn báo tập truyện sẽ được in, đề nghị gửi ảnh và thông tin tác giả để làm bìa. Nghe xong điện thoại tôi vẫn còn run. Phải dừng xe một lúc lâu bên đường rồi mới đạp xe tiếp, sợ đi ngay không chừng mừng quá, lâng lâng mà… bị tai nạn. Tôi tin có nhiều người trẻ lần đầu in sách cũng có những cảm xúc tương tự như thế. Không phải làm màu, đó là cảm xúc thật, rất tự nhiên. Và ý nghĩ giá như mình in được một tập truyện, chỉ một tập thôi, để làm kỷ niệm thời sinh viên rồi không viết được nữa cũng được, dần dần đã bị quên để viết tiếp những truyện khác, tập truyện khác.

Nếu không có những tờ báo của tuổi mới lớn như Áo Trắng và NXB Kim Đồng, không biết con đường đến với văn chương của tôi như thế nào, có khi chẳng thể chạm vào mép đường biên văn chương như bây giờ được.

Hiện nay, Tủ sách tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng đã không còn, thay vào đó là Tủ sách văn học teen (cái tên hợp với giới trẻ thời cuộc) được nâng cấp hơn về cả nội dung và hình thức, và cũng in chọn lọc hơn. Văn học teen đã ghi điểm được trong lòng bạn đọc trẻ, người viết trẻ. Mới đây NXB Trẻ cũng cho ra mắt lứa sách với chủ đề Truyện teen đầu tiên, gồm năm tập, mỗi tập của hai tác giả trẻ, hứa hẹn còn nhiều tập tiếp theo nữa. Bên cạnh đó, các công ty sách tư nhân cũng đầu tư khá nhiều vào việc khai thác các bản thảo trong nước viết về lứa tuổi mới lớn. Có một lượng những người viết trẻ thế hệ cuối 8X, đầu 9X đang viết rất nhiều. Những sáng tác của họ đều là những truyện dài, tiểu thuyết khá dày dặn, ban đầu được đưa lên các trang mạng xã hội, được nhiều bạn đọc cùng trang lứa quan tâm, với lượng truy cập vô cùng lớn, mà những nhà văn, vẫn gọi là chính thống cũng phải mơ ước. Những sáng tác này càng ngày càng được các công ty sách tư nhân liên kết với NXB để in ấn phát hành dưới dạng bản giấy truyền thống, thu hút đáng kể bạn đọc trẻ. Đây cũng là một kênh mới của văn học tuổi mới lớn đến với bạn đọc. Tuy nhiên, những tác phẩm từ trên mạng ra giấy nhiều khi cũng vàng thau lẫn lộn, ngoài vì văn học còn vì mục đích kinh doanh của các nhà làm sách.

Có một thực tế, nhìn lại thì thấy, trong văn học tuổi mới lớn, đa số những nhà văn tạo được ấn tượng mạnh là những nhà văn “chuyên canh” chỉ một mảng văn học này. Văn Đoàn Thạch Biền có chất riêng của Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường có chất riêng của Từ Kế Tường, rồi văn Nguyễn Nhật Ánh lại một kiểu khác. Không lẫn vào đâu được. Các nhà văn sau này đa số chỉ “thâm canh tăng vụ”, hay “luân canh” với văn học tuổi mới lớn, dẫu tạo được dấu ấn, rồi thôi, nên trong lòng bạn đọc chưa mặc định tên họ khi nhắc đến mảng văn học này. Có lẽ hiện tại Phan Hồn Nhiên và Hoàng Anh Tú là hai nhà văn chưa già bền bỉ nhất với văn học tuổi mới lớn, và tạo được dấu ấn hơn cả.

Một trong những nguyên nhân khiến một số nhà văn cũng như một số cây bút trẻ không gắn bó lâu dài hoặc không thích viết cho tuổi mới lớn, vì vẫn nghĩ: tác phẩm viết cho người lớn hay ít nhất là thiếu nhi cho ra thiếu nhi (dưới 14 tuổi) mới được đánh giá cao, mới dễ trở thành nhà văn tên tuổi, còn viết cho tuổi mới lớn chỉ trở thành nhà văn… “nhí nhố”, mãi mãi không lớn được. Đây là ý nghĩ sai lầm. Một tác phẩm hay là của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Vấn đề ở đây là tài năng người viết chứ không phải viết về lứa tuổi nào mới thu phục được người đọc. Shakespears viết Romeo và Juliet, hai nhân vật ở tuổi 16, 17. Đây có thể xem là một tác phẩm kinh điển, viết về tuổi mới lớn mà người lớn vẫn say mê. Hay tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh, nhân vật chính là Holden Caulfield, 16 tuổi. Đây là tác phẩm viết về tuổi mới lớn với hơn 65 triệu ấn bản được bán ra trên toàn thế giới, được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 đến nay, làm nên tên tuổi của nhà văn Mỹ J.D.Salinger, dù toàn bộ sự nghiệp đã xuất bản của ông chỉ có 1 tiểu thuyết và 13 truyện ngắn.

Tâm lý một số người viết là vậy. Tác phẩm viết về tuổi mới lớn lại không được trong giới để ý lắm (hay do không được trong giới để ý mới sinh tâm lý như trên?). Nếu như văn học thiếu nhi (dưới 14 tuổi) nói chung chưa mấy được quan tâm một cách đúng mức, thì văn học tuổi mới lớn lại càng bị thờ ờ hơn, nhất là từ phía những tổ chức, cá nhân có vai trò và trách nhiệm định vị giá trị văn học, định hướng người đọc. Có rất ít, nếu không muốn nói là chưa thấy, những bài phê bình, nhận định, về các tác phẩm văn học tuổi mới lớn trước đây cũng như hiện tại, một cách bài bản, ngoài những bài điểm sách trên báo khoảng vài trăm từ, do công ty làm sách hay NXB nhờ báo chí làm truyền thông để bán sách.

Thêm điều nữa tôi muốn nói, đó là hình như các cuộc thi sáng tác hay vận động sáng tác văn học cũng quên mảng văn học tuổi mới lớn. Cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức 5 năm một lần, tên có thể hiểu là sáng tác dành cho tuổi trẻ, nhưng đa số các tác phẩm viết về người lớn hoặc trẻ mà hết lớn chứ không còn là mới lớn nữa. Tuyển tập Áo Trắng, báo Mực Tím vẫn cố gắng duy trì các cuộc thi truyện ngắn và thơ, nhưng sức lan toả thực sự chưa được lớn, rộng.

Tôi có hai điều giá như. Giá như thứ nhất là: giá như có một giải thưởng dành riêng cho tác phẩm tuổi mới lớn, cũng như có một mảng văn học riêng: văn học tuổi mới lớn, đứng độc lập với mảng văn học thiếu nhi trong dòng văn học Việt Nam. Văn học tuổi mới lớn hoàn toàn có thể đứng độc lập thành một mảng, và cần được đánh giá đúng mức. Những tác phẩm viết cho lứa tuổi 22 trở lại 16 mà gọi là văn học thiếu nhi liệu có quá gượng ép không? Giá như thứ hai là: giá như một phần vô cùng nhỏ lượng tiền bị thất thoát do lãng phí hay tham nhũng của đất nước được đầu tư vào trao thưởng cho các cuộc thi văn học trẻ nói riêng và các cuộc thi khác nói chung, thì hay biết mấy. Nếu được như hai điều “giá như” trên, chắc sẽ khuếch đại sáng tác mảng văn học tuổi mới lớn hơn. Tất nhiên khi đã ngồi trước trang giấy/ bàn phím người viết thực sự chỉ nghĩ đến tác phẩm mình viết chứ chẳng ai nghĩ đến giá trị giải thưởng hay giây phút được vinh danh. Nhưng khi đọc thể lệ thấy giá trị giải thưởng/ biết sản phẩm mình tạo ra được quan tâm đúng mức, người ta sẽ có động lực để ngồi vào bàn viết/ máy tính hơn. Mà muốn viết, trước tiên phải ngồi vào bàn/ máy tính đã.

Sau cùng, nói đi cũng phải nói lại. Cũng chẳng trách người viết được. Hơn ai hết, mỗi người cầm bút đều xác định được họ phải viết gì, hay làm gì là tốt cho họ nhất. Kể cả họ không viết nữa, giữa đường đứt gánh, để lo những thứ khác quan trọng hơn cho cuộc sống của mình, cho những người thân bên mình. Vì đâu có ai sống thay được cho ai. Nhưng chắc chắn thế hệ sẽ nối tiếp thế hệ. Có thể là số người trẻ giờ để tâm đến văn học nói chung và văn học tuổi mới lớn nói riêng ít hơn so với thế hệ trước. Nhưng tôi tin, những ai đã đến với văn học rồi thì đam mê của họ so với đam mê của thế hệ trước cũng không khác gì mấy. Đã đam mê thì thời nào cũng như nhau. Nhiều cây bút trẻ định hình từ những trang văn chương của Áo Trắng, Mực Tím, Hoa Học Trò sau này như: Nguyễn Thiên Ngân, Yến Linh, Trần Minh Hợp, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Thuỳ Vân, Hà Thanh Phúc, Cát Tường, Phan Ý Yên, Lê Vi Thuỷ, Nguyễn Thị Kim Hoà… rồi các cây bút xuất hiện trên mạng, sau đó vào nhà in, lên kệ sách như: Thuỳ Dương, Kawi, Hân Như, Minh Moon, Meggie Phạm (tác giả này không post tác phẩm lên mạng)… đều cho chúng ta hi vọng, dù sau này họ còn mặn mà với văn học tuổi mới lớn nữa hay không?!

Vũng Tàu, 5/11/2012

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version