Văn Thành Lê (Lê Văn Thành) là cây bút trẻ đã giành được giải thưởng của một số cơ quan báo chí tên tuổi như Mực tím, Phụ nữ TP.HCM, Tuổi trẻ… Chia sẻ với độc giả báo điện tử Tổ Quốc về quá trình đến với văn chương, anh tâm sự.


Văn Thành Lê và tập truyện ngắn mới xuất bản

PV. Anh có thể cho biết lý do một người học khối tự nhiên, là giáo viên dạy sinh học lại viết văn, và viết được những tác phẩm được bạn đọc chú ý như vậy? Theo anh, nghề giáo đã trợ lực cho những đứa con tinh thần của anh ra đời như thế nào?

Văn Thành Lê: Thực tế đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi từng học và hành nghề liên quan đến các khối học tự nhiên như học đại học Bách khoa, Kiến trúc, trường Y hay là giáo viên dạy toán, dạy hoá… Tôi chưa là gì để dám so sánh mình với các bậc tiền bối. Nhưng dẫn ra vậy để thấy việc một người dạy sinh học có xu hướng viết văn như tôi cũng vô cùng bình thường. Trong nhà trường, về cơ bản ai cũng được trang bị để đọc thông viết thạo. Vấn đề là cảm xúc và trí tưởng tượng. Điều này mỗi người đều có, dù ít hay nhiều. Khi tôi thấy cần giãi bày cảm xúc và thử đo trí tưởng tượng của mình thì tôi viết, rất bản năng. Lâu dần thành quen, và hứng thú. Vậy nên văn chương thẩm thấu vào tôi dần dần như vậy.

Thời gian trước có người nhận xét văn tôi mô phạm quá, chỉn chu quá, sạch quá. Nói vậy có thể hiểu nghề giáo “hãm” văn mình. Nhưng tôi nghĩ đó là do quá trình nhận thức của tôi ở mỗi giai đoạn khác nhau. Giờ tôi đã bắt đầu thoát được cái vỏ mô phạm ấy. “Biết tới khi nào mưa thôi rơi” là một ví dụ. Bên cạnh đó thi thoảng tôi vẫn viết những truyện ngắn cho tuổi mới lớn. Việc dạy học, tiếp xúc với học sinh giúp tôi nuôi được cảm xúc viết cho lứa tuổi các em, đồng thời nắm bắt được tâm lí tuổi mới lớn để các nhân vật của mình không bị “lệch pha” so với tâm lí các em bây giờ.

PV. Vì sao anh rất hay viết về những bạn trẻ và sự bỡ ngỡ của họ khi bước chân vào cuộc sống muôn màu này?

Văn Thành Lê: Tôi là một người trẻ. Và tôi, bạn bè tôi cũng vấp phải sự bỡ ngỡ khi vào đời. Khi chưa đủ nội lực để có thể viết truyện… viễn tưởng thì hãy nói lên cảm xúc và suy nghĩ về những gì gần gũi, mình hiểu, mình cảm và luận được. Tôi nghĩ thế. Tôi không ảo tưởng về những trang văn của mình, lại càng nghi ngờ khả năng cải tạo xã hội của văn chương. Tôi vui khi văn tôi đồng hành với nghĩ suy của tôi và những người quanh tôi mỗi ngày.

PV. Ngoài những đề tài quen thuộc, anh còn dự định viết về những vấn đề gì khác của xã hội?

Văn Thành Lê: “Dự định” là từ… không thể lường trước được. Xã hội lại luôn vận động. Vậy nên nói trước sợ sau… không biết đâu mà lần. Chỉ biết rằng mình luôn vận động, nếu là người viết thì trang văn cũng phải vận động, để thích ứng với xã hội, nếu không là đề tài thì góc nhìn cũng phải khác đi, tư duy khác đi.

PV. Được biết anh viết cả văn xuôi và thơ, vậy anh có thiên hướng sáng tác thể loại nào hơn?

Văn Thành Lê: Tôi đến với văn chương bằng thơ. Đúng hơn là làm vè, từ thời học sinh. Lâu  sau thấy nhiều ý không thể chuyển tải được trong thơ thì thử qua văn xuôi. Vả lại, thời sinh viên thấy đăng truyện ngắn trên các báo “dễ sống” hơn thơ nên tôi “chết” văn xuôi từ đó. Giờ thi thoảng tôi vẫn làm thơ, nhưng ít, và cũng chỉ để cho mình, ít công bố. Tôi tự nhận thấy văn xuôi là đất hợp với tạng “canh tác” của mình hơn.

PV. Từ khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2008, anh liên tục giành được các giải thưởng đáng chú ý trong lĩnh vực văn chương, như Giải ba thơ báo Mực tím năm 2008, Giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Phụ nữ TP.HCM năm 2009, Giải khuyến khích thơ Bút mới lần 8 báo Tuổi trẻ năm 2010, Tặng thưởng tác phẩm hay của Tạp chí Nhà văn năm 2011, Giải nhì thơ Bút mới lần 9 báo Tuổi trẻ năm 2012… Vậy giải thưởng nào khiến anh tự hào nhất, để lại cho anh nhiều kỷ niệm nhất? Tại sao?

Văn Thành Lê: Khi tôi tham gia một cuộc thi nghĩa là tôi chấp nhận thể lệ cuộc thi, chấp nhận ban tổ chức, ban giám khảo của cuộc thi. Vui vì được thế hệ đi trước (trong ban giám khảo) đọc tác phẩm của mình. Vui hơn khi tác phẩm của mình được thừa nhận, dẫu chỉ là với ban giám khảo đó và với những tác phẩm dự thi trong khoảng thời gian ngắn đó. Đó là cơ hội, lí do để được gặp những người mình mến mộ, trân trọng, quý mến từ trước. Vậy nên nói tự hào thì hơi quá, nhưng vui là có thật. Để so sánh niềm vui giữa những lần ấy thì có vẻ khập khiễng. Tôi cảm ơn tất cả. Nhưng để nói giải thưởng nào ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất thì tôi có thể nói đó là Giải nhì truyện ngắn báo Phụ nữ TP.HCM. Vì sau giải thưởng này tôi được biết đến nhiều hơn (có thể chỉ là bạn đọc phía Nam), tôi ra được sách và tôi bắt đầu ý thức hơn về những gì mình viết.

PV. Anh vừa nói, đã bắt đầu ý thức hơn về những gì mình viết, nhiều bạn đọc có lẽ cũng đồng quan điểm với anh, và quan tâm tới các sáng tác của anh, vậy anh có ý định theo con đường viết văn chuyên nghiệp không?

Văn Thành Lê: Chuyện chuyên nghiệp và nghiệp dư ở ta có vẻ như còn chưa được phân định rõ ràng. Ví như bóng đá đã lên chuyên nghiệp hơn 10 mùa giải mà chất lượng, tổ chức và mọi hoạt động xung quanh quả bóng vẫn nghiệp dư như thường. Trong văn chương, phân biệt nghiệp dư và chuyên nghiệp còn khó khăn hơn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình vẫn sẽ cố gắng mỗi ngày, hết lòng với những gì mình viết ra. Còn ra sao lại là đánh giá của bạn đọc.

PV. Một câu hỏi hơi riêng tư, tại sao anh lại chọn Bà Rịa – Vũng Tàu làm nơi sinh sống và công tác mà không phải là một địa phương khác, ví dụ như quay về xây dựng quê hương?

Văn Thành Lê: Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ sống và làm việc, rồi lại đưa cả gia đình vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi đinh ninh mình ra trường sẽ về quê dạy học. Ai cũng nghĩ thế. Có một sự thật… không phải thế. Trong tập truyện “Biết tới khi nào mưa thôi rơi” phảng phất trong một số truyện hoàn cảnh nhân vật tương tự như tôi vậy. Và suy nghĩ hành động của nhân vật chính là một chút suy nghĩ hành động của tôi ở thời điểm đó. Trong một truyện khác nhân vật của tôi đã nói: “Cực chẳng đã thì mới phải đi. Nơi nào sống được thì đấy là nhà, là quê”. Tôi luôn biết ơn những năm tháng tuổi thơ và lớn lên ở quê nhà. Nhưng chúng ta chỉ xây dựng hay làm được gì đó khi đã đứng vững trên hai chân. Ở quê, bạn bè tôi, học xong về vẫn đang ở trạng thái lơ lửng như trên mặt trăng. Và tôi nghĩ, sống làm việc ở đâu thì cũng là trên đất nước mình, thậm chí là trên thế giới này (cười) đều tốt. Với các phương tiện giao thông, khoảng cách về địa lí giờ không còn là trở ngại. Vả lại, tất cả vẫn gần gũi trong từng hơi thở qua một bầu khí quyển.

PV. Xin cám ơn anh! Chúc anh có nhiều những tác phẩm thành công hơn nữa!

Vương Quốc Hùng thực hiện

Nguồn: Vanhocquenha.vn

Exit mobile version