Khơi lại dòng chảy văn học Nga ở Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm cách mạng tháng Mười Nga (7-11-1917/2016), NXB Kim Đồng vừa tổ chức buổi tọa đàm về văn học Nga với chủ đề “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm”. Đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật và các thế hệ độc giả yêu mến văn học Nga đã tham dự và sôi nổi thảo luận nhiều vấn đề về thành tựu của nền văn học Nga Xô viết và tác động của nó tới nền văn học Việt Nam đương đại.

“Những người đọc văn học Nga sẽ không bao giờ làm điều xấu được. Đa số những tác phẩm văn học Nga đem lại khát vọng, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp và khi được lan tỏa ở độ tuổi thiếu nhi, điều tốt đẹp đó được nhân lên gấp bội” .Đó là lời chia sẻ của PGS, TS Phạm Thị Phương, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh

Theo TS Hà Thanh Vân, giai đoạn phát triển hoàng kim của văn học Nga là những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ trước. Thời gian đó, có gần 1.000 đầu sách văn học Nga được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Nhưng con số ấn tượng thật sự lại nằm ở số lượng được phát hành. Mỗi đầu sách trung bình được phát hành 30.000 cuốn, có đầu sách lên tới 80.000 cuốn, hơn thế, những tác phẩm kinh điển còn phát hành tới 120.000 cuốn. Khi văn học Nga đã chững lại, dần đi vào thoái trào từ năm 1990 đến nay, chúng ta vẫn thấy một nền văn học Nga âm ỉ trong dòng chảy của văn học ở Việt Nam, tựa như một mạch ngầm không bao giờ dứt. Và điều đáng mừng là sức sống văn học Nga đã có dịp trỗi dậy trong thời gian gần đây, khi từ năm 2000 đến nay, đã có 396 tác phẩm văn học Nga được dịch, tái bản và xuất bản tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, cụm từ “thoái trào” chỉ khái quát được bề nổi, bởi trong tiềm thức của người Việt vẫn là tình yêu sâu đậm dành cho văn học Nga.

Thời gian gần đây, nhiều hoạt động khơi dậy sức sống văn học Nga đã được triển khai. Nhiều nhà xuất bản và các dịch giả đã giới thiệu các tác phẩm văn học Nga mới, tái bản những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu… Đặc biệt mới đây, NXB Kim Đồng đã tái bảnBộ sách Văn học Nga-Tác phẩm chọn lọc, gồm các tựa sách từng gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh thiếu niên và bạn đọc trẻ trước đây. Đó là Chiếc nhẫn bằng thép của K.Paustovsky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky, Maximka của K.M.Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R.Belyaev, Timur và đồng đội cùng Số phận chú bé đánh trống của Arkady Gaidar, Cánh buồm đỏ thắm của Aleksandr Grin, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino của Tolstoy, Bác sĩ Aibolit của K.Chukovsky v.v…

26 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi truyện ngắn “Quà tặng cuộc sống”

Tại Hà Nội vừa diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác truyện ngắn Quà tặng cuộc sống 2015. Cuộc thi do Công ty Cổ phần Truyền thông Sunrise, đơn vị sản xuất Chương trình Quà tặng cuộc sống kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Cuộc thi diễn ra từ tháng 6-2015 đến 30-11-2015, đã nhận được 5.743 tác phẩm của 3.124 tác giả dự thi. Kết quả: Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 26 tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng, 2 giải Nhì, mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải Ba mỗi giải 3 triệu đồng, 20 giải Khuyến Khích, mỗi giải 1 triệu đồng. Tác giả Nguyễn Hồng Cúc đã đoạt giải Nhất với tác phẩm “Người đi nhặt hạnh phúc”. Theo Ban tổ chức, sau cuộc thi, các sáng tác đoạt giải sẽ được dựng thành phim để phát sóng trong chương trình Quà tặng cuộc sống. Đồng thời, các bộ phim trên sẽ được lựa chọn gửi tham dự các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Tại lễ trao giải trên đây, Ban Tổ chức cũng phát động Cuộc thi sáng tác truyện ngắn Quà tặng cuộc sống-2017. Theo đó, Ban tổ chức sẽ nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1-12-2016 đến 31-5-2017. Các truyện ngắn tham dự không quá 1.500 chữ. Nội dung câu chuyện phải gửi gắm được những thông điệp sâu sắc, nhân văn về tình cảm con người, những triết lý, bài học kinh nghiệm… Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected]; qua đường bưu điện hoặc trực tiếp theo địa chỉ: Phòng Biên tập, Ban Biên tập chương trình Quà tặng cuộc sống, tầng 11, Tháp Tây, Tòa nhà Hancorp, Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội.

Sắp khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức họp báo giới thiệu Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II2016 và Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam. Ngày hội với chủ để “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong thời kỳ đổi mới – Hội nhập và phát triển bền vững đất nước” sẽ  diễn ra tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang trong 2 ngày 18 và 19-11-2016, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Các chương trình đã được chuẩn bị chu đáo, nội dung đặc sắc, hình thức phong phú, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, nhiều nét mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân; chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông, tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại. Ngày hội năm nay có sự tham gia của 13 tỉnh miền núi phía Bắc. Chương trình gồm có phần lễ và phần hội, với nhiều hoạt động như: Trình diễn nét đẹp trong trang phục phụ nữ dân tộc Mông; giới thiệu các trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Mông; ẩm thực và sản phẩm đặc trưng của dân tộc Mông; thi bắn nỏ, đánh tu lu, ném pao, đánh yến…

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây-Hà Nội), từ ngày 18 đến ngày 23-11-2016 Khoảng 120 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc như: Tày (Thái Nguyên), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Phú Yên) sẽ tham gia chương trình khai mạc. Ngoài ra còn có sự tham gia của khoảng 40 đồng bào dân tộc đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa.

TUYÊN HÓA

(Tổng hợp theo qdnd.vn)

(Đăng lại từ Vanvn.net)