Hà Nội thêm 3 tuyến phố mới mang tên các danh nhân văn hóa

UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức lễ gắn biển tên 3 đường phố mới mang tên các danh nhân văn hóa. Trương Công Giai, Dương Khuê và Trần Quốc Vượng. Đây là những danh nhân ở vào các thời kỳ lịch sử khác nhau, đều là những người có nhiều đóng góp cho đất nước, cho Thăng Long – Hà Nội được người đời ghi nhớ và truyền tụng.

Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai sinh năm 1665, mất năm 1728, tại sở Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay là xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 6, đời Lê Hy Tông (1685) khi mới 20 tuổi. Ông là người đứng đầu trong 13 người đỗ Tiến sĩ dưới 22 tuổi của nước ta. Khi đỗ đạt, Trương Công Giai được phong chức Thượng thư Bộ Công rồi Thượng thư Bộ Hình, hàm Lỵ Quận công. Từ năm 1721 đến năm 1723, ông giữ chức Tế tửu trường Quốc Tử Giám (hiệu trưởng). Trương Công Giai luôn nêu cao quan điểm làm quan để giúp vua, giúp đời. Quan điểm sống và làm quan xuyên suốt trong cuộc đời ông thể hiện trong bức đại tự thờ 4 chữ: Quan tiết bất đáo (có nghĩa là quan thanh liêm và có khí tiết, không nhận lễ vật gian phi).

Nhà thơ, nhà nho yêu nước Dương Khuê (1839 – 1902), tên tự là Giới Nhu, hiệu là Vân Trì, quê làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Năm 1868 ông đỗ Tiến sĩ, được làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chánh. Khi giặc Pháp xâm lăng, ông dâng sớ bàn phải quyết chống Pháp. Năm 1878, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Đến đời vua Thành Thái, ông lần lượt trải các chức: Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định – Ninh Bình. Năm 1897, khi Toàn quyền Pháp đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của Chính phủ bảo hộ thì Dương Khuê xin cáo quan. Ông là một nhà Nho yêu nước và là nhà thơ nổi tiếng, các tác phẩm hát nói của ông đều trở thành thể cách mẫu mực của Ca trù.

Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Quê gốc của ông ở xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là con út trong một gia đình có nhiều người sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng, theo Đảng. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa năm 1956, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, GS Trần Quốc Vượng là người đã góp phần xây dựng Bộ môn Khảo cổ học, có công gây dựng Trung tâm Nghiên cứu Liên Văn hóa – Lịch sử, Bộ môn Văn hóa Du lịch, Bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam và môn Địa lý Nhân văn… GS Trần Quốc Vượng luôn miệt mài nghiên cứu về Hà Nội và có những công trình khoa học uyên bác, đặc sắc về Hà Nội. Ông cũng là người có công đầu trong việc xây dựng ngành Hà Nội học.

Ngày 3-8-2016, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về việc đặt tên các tuyến đường mới trên địa bàn Thủ đô, trong đó có các tuyến đường mang tên danh nhân Trương Công Giai, Dương Khuê và Trần Quốc Vượng để ghi nhớ những đóng góp to lớn của các vị, đồng thời tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đối với những danh nhân có công lớn đối với đất nước, với dân tộc.

Theo đó, phố Trương Công Giai dài 670m, rộng 8m, đoạn từ ngã ba giao cắt đường Cầu Giấy (số nhà 337) đến ngã ba giao cắt phố Thành Thái (cạnh công viên Cầu Giấy); Phố Dương Khuê dài 540m, rộng 8m, bắt đầu từ giao cắt đường Hồ Tùng Mậu (giáp trường Đại học Thương Mại) đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Hoàng; Phố Trần Quốc Vượng dài 750m, rộng 13,5m, đoạn từ ngã ba giao cắt đường Xuân Thủy (tại số nhà 165) đến ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng (đối diện Bệnh viện Y học Cổ truyền).

(Theo: Chinhphu.vn)

2 tháng cuối năm, 2 chuyến đi thực tế và 2 trại sáng tác

Theo kế hoạch trong 2 tháng cuối năm 2016, Hội Nhà văn TP.HCM sẽ tổ chức 2 chuyến đi thực tế và 2 trại sáng tác ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ và miền Trung, trong đó có 1 chuyến đi bằng kinh phí xã hội hoá do Trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng tài trợ.

Chuyến đi thực tế sáng tác ở miền Tây Nam Bộ dự kiến khoảng hơn 20 nhà văn tham gia, diễn ra vào đầu tháng 11.2016, do nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi và nhà văn Trầm Hương – Trưởng ban Sáng tác và quảng bá tác phẩm của Hội phụ trách.

Về trại sáng tác và bồi dưỡng các cây bút trẻ, trong đó có cuộc toạ đàm văn học trẻ, dự kiến diễn ra tại miền Đông Nam Bộ, với khoảng 30 nhà văn trẻ tham gia, do nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Phó Chủ tịch Hội và nhà văn Trần Nhã Thuỵ – Trưởng ban Nhà văn trẻ chịu trách nhiệm tổ chức.

Cũng tại miền Đông Nam Bộ, dự kiến tổ chức một trại sáng tác văn học thiếu nhi, với sự tham gia của khoảng 20 nhà văn viết cho tuổi thơ, do Ban Văn học thiếu nhi của Hội mà nhà thơ Phan Trung Thành là Trưởng ban chịu trách nhiệm thực hiện.

Với sự hỗ trợ của Trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng, Hội Nhà văn TP.HCM sẽ tổ chức một đoàn khoảng 15 thành viên ra giao lưu với thầy cô giáo, sinh viên nhà trường và đi thực tế sáng tác nhân kỷ niệm 110 năm phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ. Đoàn nhà văn đi Đà Nẵng do nhà thơ Phan Hoàng – Phó Chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ phụ trách, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11-2016.

(Theo: nhavantphcm.com.vn)

Yên Bái đã phát động cuộc thi viết ký, phóng sự “Xây dựng đời sống mới”

Ngày 4-11, báo Yên Bái tổ chức trao giải cuộc thi viết “Ước mơ ngày mai”, “Nhân tố mới trên chặng đường mới” và cuộc thi ảnh “Cuộc sống qua ống kính.

Sau hơn một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 400 tác phẩm tham dự. Các cuộc thi đã thu được những thành công nhất định, có sức lan tỏa, cổ vũ kịp thời, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tôn vinh những khoảnh khắc đẹp mang ý nghĩa sâu sắc và truyền cảm hứng cho người xem trên các lĩnh vực của đời sống, khơi gợi tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng; Tạo được diễn đàn sâu rộng, thiết thực về học tập, định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên.

Ban tổ chức đã trao 58 giải cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến Khích, trong đó có 23 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi viết “Nhân tố mới trên chặng đường mới” (01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 08 giải Ba và 10 giải Khuyến Khích); 20 tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi ảnh “Cuộc sống qua ống kính” (01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba và 10 giải Khuyến Khích) và 16 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi viết “Ước mơ ngày mai” (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 05 giải Ba và 08 giải Khuyến Khích). Ngoài ra còn có 4 tập thể và 6 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và 2 tập thể đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2015.

Tại buổi lễ trao giải trên đây, báo Yên Bái đã phát động cuộc thi viết ký, phóng sự “Xây dựng đời sống mới” và cuộc thi ảnh “Nét đẹp Yên Bái” năm 2016- 2017. Dự kiến sẽ tổng kết các cuộc thi vào dịp này năm sau.

(Theo: vanhocnghethuatyenbai.gov.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp – Vanvn.net