THU HUYỀN

 

Nghệ nhân rối nước làng Nguyên Xá, huyện Ðông Hưng (Thái Bình) hướng dẫn khán giả trình diễn rối nước. Ảnh: VŨ HÀ

Trong bối cảnh nhiều bộ môn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống phải loay hoay “gỡ khó”, trước nguy cơ mai một, thất truyền, múa rối nước lại có một đời sống khá “thịnh vượng”, thậm chí đứng đầu trong các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay. Thế nhưng, sau ánh hào quang vẫn còn đó những âu lo về sự mai một những giá trị tinh túy của môn nghệ thuật độc đáo này.

Ðỏ đèn quanh năm

5 giờ chiều một ngày đầu đông gió rét, các diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam chuẩn bị đồ nghề để lội xuống sân khấu thủy đình trình diễn rối nước phục vụ đoàn khách du lịch nước ngoài. Khách quốc tế khá thích thú khi nhìn thấy trên mặt nước các con rối nhiều mầu sắc đang kể những câu chuyện dân gian về đất nước Việt Nam. Hình ảnh những người nông dân thả trâu ngoài đồng rồi thư thả thổi sáo. Một gia đình nuôi vịt phải canh chừng con cáo đang rình bắt trộm. Anh chồng lấy lưới bắt cáo nhưng hậu đậu thế nào lại chụp đúng vợ mình, con cáo thấy thế vội nhảy tót lên cây cau… Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, các con rối trên mặt nước đã kể được khoảng 10 câu chuyện nhỏ giúp khách du lịch hiểu thêm về Việt Nam; có sự phụ họa bởi dàn nhạc ngồi hai bên cánh gà, gồm ca sĩ hát những làn điệu chèo cổ cùng các nhạc công chơi trống, đàn. Mấy du khách Nhật Bản vô cùng thích thú khi xem các câu chuyện được thể hiện qua các con rối trên mặt nước và khi vào cao trào thì ca sĩ và nhạc công cũng biểu diễn hăng hái hơn hẳn. “Rất thú vị, ngộ nghĩnh. Chúng tôi chưa thấy ở đâu có”, họ hồ hởi thốt lên.

Những buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch được Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn ngày hai suất quanh năm ngay tại sân khấu nhà hát. Ðơn vị này cũng phối hợp Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn mỗi ngày ba suất nữa tại sân khấu gần hồ Hoàn Kiếm, chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài. Theo đó, mỗi ngày nhà hát có năm suất diễn, một con số không nhỏ. Diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam Thế Long cho biết: “So với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, diễn viên múa rối sống ổn với nghề mà không cần làm thêm bên ngoài”. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát nhận định, về cơ bản mấy năm gần đây múa rối phát triển tốt, từ việc mở rộng đối tượng khán giả đến khẳng định vị thế trên nấc thang nghệ thuật. Sự xuất hiện của múa rối ở bất cứ đâu cũng đều được khán giả đón nhận, yêu thích; đặc biệt đồng nghiệp quốc tế ghi nhận. Mới đây, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã giành giải thưởng Hoa dâm bụt tại Liên hoan múa rối quốc tế tại Trung Quốc, giải đặc biệt tại Liên hoan múa rối quốc tế tại Nga. Tại Liên hoan múa rối quốc tế 2015, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng giành hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc cho các tiết mục rối nước của mình. “Việt Nam đã bắt đầu được đánh giá là một trong các cường quốc của môn nghệ thuật múa rối. Múa rối nước đi đến đâu thắng đến đấy”, NSND Tiến Dũng phấn khởi cho biết.

Nằm ở vị trí đắc địa ngay gần hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Múa rối Thăng Long là một địa chỉ “đắt giá” khi lúc nào cũng tấp nập khán giả. Mấy năm trước, đơn vị này được ghi nhận kỷ lục châu Á với 365 buổi đỏ đèn trong năm. Hiện, mỗi ngày nhà hát có từ năm đến sáu suất diễn, bắt đầu từ 3 giờ chiều với 17 trò múa rối nước cổ truyền. Rạp diễn với sức chứa 296 chỗ ngồi hầu như lúc nào cũng được lấp đầy mang lại doanh thu mỗi năm khoảng vài chục tỷ đồng, mức thu nhập bình quân của diễn viên từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, một con số mà các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trong nước chưa bao giờ dám mơ tới.

Nhiều thách thức để duy trì và phát triển

Nhiều khán giả, thu nhập khá, song thực tế các nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật này đang mang nặng những trăn trở, ưu tư. Bởi đứng vững được trong cơ chế thị trường là chưa đủ, mà quan trọng hơn là làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn cổ của cha ông? Múa rối, nhìn bên ngoài tưởng là giàu bởi thu nhập cao; song thực ra cũng… “nghèo” và đang có những khủng hoảng.

Không ít ý kiến cho rằng, sở dĩ nghệ thuật rối nước cuốn hút khán giả năm châu là bởi những giá trị nghệ thuật độc đáo, nhưng, liệu rối nước Việt Nam có giữ mãi được sức cuốn hút đối với công chúng xa gần? NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: Bao năm qua, từ kho tàng di sản quý báu của tổ tiên để lại, các đoàn múa rối đã chắt lọc, dàn dựng mười mấy trò cổ để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, nhưng hầu như đều giống nhau về nội dung và hình thức biểu diễn. Tuy gọi là khôi phục rối nước cổ truyền nhưng do thời gian, biến động lịch sử, các nghệ nhân lão thành, nhất là các cụ am hiểu cặn kẽ, tinh thông trò rối cùng cách chế tạo bộ máy con rối hầu như chẳng còn ai. Vì vậy, chuẩn mực trong tạo hình con rối từ hình dáng đến mầu sắc trang phục khó chính xác. Theo ông giám đốc, việc đưa các chất liệu hiện đại như sơn bóng, bột phát quang, cao-su, mi-ca… có mặt tích cực làm trò diễn hấp dẫn hơn, “nịnh mắt” người xem hơn, song yếu tố cổ truyền, mộc mạc giản dị vốn có của rối nước lại bị mai một. Ở những tích trò cổ của cha ông, các phường rối cổ truyền đều bí mật cách làm bộ máy, chỉ một vài nghệ nhân cao niên nắm bí quyết cho nên khi các cụ không còn, trò đó cũng thất truyền. Số lượng tích trò thống kê được có tranh ảnh, băng ghi hình minh họa lên tới hàng trăm nhưng rất khó khăn trong việc phục hồi vì bộ máy con rối các tích trò đó không còn được lưu giữ, người chế tác bây giờ không thể phục chế được. Phần lớn các trò diễn đều ở dạng ký ức nhớ lại, không có hiện vật kiểm chứng.

Một nguyên nhân khiến nghệ thuật này ngày càng nghèo nàn, các con rối nước bây giờ không bằng ngày xưa, còn vì các nghệ nhân không sống được bằng nghề và đã chuyển sang làm mỹ nghệ. NSND Tiến Dũng cho biết: Ðoàn diễn tốt một năm cũng chỉ đặt hàng vài bộ rối. Thời gian còn lại nghệ nhân không biết làm gì phải chuyển sang làm mỹ nghệ để có đời sống tốt hơn. Vì thế múa rối mất hẳn đi một lực lượng nghệ nhân tay nghề cao, giỏi đục đẽo; hiện chỉ còn một nhóm nhỏ cung cấp con rối cho các đoàn chuyên nghiệp hay tư nhân cho nên họ không thể kỹ càng được như ngày xưa. Bên cạnh đó, gỗ sung để làm con rối bây giờ thường chưa đủ già, đủ tốt đã bị đốn, do đó phải tìm một loại gỗ khác thay thế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như hiệu quả của các con rối. Việc gìn giữ, sáng tạo con rối nước hiện nay đáng báo động đối với hầu hết các nhà hát cũng như đoàn nghệ thuật múa rối. Cùng với sự phát triển, cách làm rối của các nghệ sĩ bây giờ khác xưa, tư duy về tạo hình và dàn dựng tiết mục cũng khác. Trước kia, để làm được một con rối phải rất kỳ công, mất thời gian. Hiện, có những chương trình, con rối được làm bằng mây tre đan để biểu diễn. Không mất công, chỉ cần ra chợ mua là xong, nhưng khó ở chỗ làm sao kết hợp các sản phẩm đan lát thô sơ để tạo nên hình hài con rối hài hòa, thẩm mỹ. Chương trình này của Nhà hát Múa rối Việt Nam được khán giả đón nhận khá nhiệt tình. Nhiều khi chỉ cần một chiếc khăn, chiếc quạt các nghệ sĩ cũng có thể sáng tạo được tiết mục biểu diễn.

Dù cuộc sống hiện tại đang tốt, song các nghệ sĩ múa rối vẫn đau đáu với những giá trị của cha ông đã mất. Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, đơn vị này đã mời các họa sĩ tạo hình, nhà nghiên cứu đi khắp 16 phường thuộc các địa phương đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương… để sưu tầm đầy đủ cái gốc của rối nước với 300 đến 400 trò diễn. Ông tâm sự: “Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một phòng bảo tàng tại nhà hát để gìn giữ tất cả vốn liếng tinh túy của nghệ thuật rối nước từ xưa, giúp các thế hệ sau có thể hiểu và tự hào”.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài