Lịch sử là mảnh ghép không thể thiếu của một dân tộc. Và đâu đó trong cuộc sống hiện tại, người ta nhãng đi sự có mặt của mảnh ghép ấy. Để gợi nhắc lại công ơn của những người lỗi lạc đi trước, vở cải lương “Tướng quân ăn mày” của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng qua dàn dựng của NSƯT Triệu Trung Kiên đã khắc họa một cách sinh động chân dung kẻ sĩ Phạm Ngũ Thư.

Phạm Ngũ Thư được biết đến là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Khi Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, ông từ quan về ở ẩn. Trong cơn khốn khó cùng cực ông vẫn giữ được sự thanh bạch, tấm lòng đau đáu một lòng vì dân, vì nước. Ông đã giải cứu cho một cô gái tên là Trí Duyên bị ép phải gả cho tên thảo khấu Trương Tửu. Đây có lẽ là tình tiết tạo nên sự mới mẻ mà nhà văn đưa vào để câu chuyện lịch sử thêm phần hấp dẫn.

Nhờ lòng đức độ, nghĩa hiệp, Phạm Ngũ Thư đã cảm hóa được đội quân hành khất của Trương Tửu. Đội quân ấy đã trở thành một hệ thống tình báo ngụy trang thường dân. Khi giặc Minh xâm lược, đất nước rơi vào cảnh lầm than, Phạm Ngũ Thư không thể ngồi yên. Ông quyết định tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Bản thân Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người hành khất và sớm nhận thấy ưu thế của lớp vỏ bọc này. Từ đó, ông đã xây dựng một “mạng lưới tình báo” đắc lực gồm những người ăn xin, góp phần mang lại thành công cho cuộc khởi nghĩa của Lam Sơn.

Sự góp mặt của hai NSƯT Thụ Nhung (vai Trí Duyên) và Hồng Tuyên (vai Lê Lợi) – Nhà hát Cải lương Hà Nội cùng diễn viên trẻ tài năng Phạm Nhật Linh (vai Phạm Ngũ Thư) đã tạo nên sự thành công cho vở diễn. Những tình tiết hài hước tạo nên nét riêng của tác phẩm còn thể hiện qua diễn xuất của nghệ sĩ Hoàng Dân trong vai bang chủ Trương Tửu. Nhân vật chính Phạm Ngũ Thư do Nhật Linh nhập vai đã đặc tả được những đức tính cao đẹp của một vị tướng quân yêu nước, thương dân. Đan xen vào các yếu tố lịch sử xuyên suốt tác phẩm, là câu chuyện tình yêu với người con gái Trí Duyên như một yếu tố để hoàn thiện hình tượng Phạm Ngũ Thư. Lối diễn dung dị, dàn dựng công phu, vở diễn lôi cuốn người xem bởi tính chân thực. Cái kết thấm đẫm giá trị nhân văn khi Phạm Ngũ Thư từ chối ra làm quan sau khi kháng chiến thắng lợi, để lại trở về tiếp tục cuộc đời… hành khất, đọng lại cho người xem những dư âm hào sảng về bậc quân tử vì dân, vì nước, cống hiến nhiệt thành nhưng không một mảy may tư lợi.

Theo Quỳnh Trang

Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài