Chính sách Đông tiến của Hollywood có thể nhận được sự “ghẻ lạnh” từ khán giả quê nhà.

Cốt chuyện hấp dẫn dựa trên trò chơi nổi tiếng về cuộc chiến giữa quái vật và loài người, thời điểm phát hành lý tưởng… “Warcarft: The Beginning” từng được kỳ vọng trở thành một trong những bom tấn nóng nhất của mùa hè. Trước khi bộ phim được chính thức phát hành, đạo diễn Duncan Jones thậm chí đã úp mở về sự ra đời của phần hai – một khả năng hoàn toàn có cơ sở vì Universal, đơn vị sản xuất “Warcraft: The Beginning” vốn nổi tiếng với những bộ phim bom tấn nhiều phần như “Fast & Furious”, “Despicable Me” hay “Fifty Shades” vv.

Tuy nhiên, thực tế thường không được như mong đợi. Những nhận xét tiêu cực về “Warcraft: The Begining” tràn ngập trên Internet. Một số gọi bộ phim là “một ứng cử viên cho danh hiệu Phim tệ nhất trong năm”, một số khác tàn nhẫn hơn khi hy vọng phần hai “sẽ vĩnh viễn biến mất trong địa ngục”. Doanh thu phòng vé là minh chứng rõ ràng nhất,  bộ phim chỉ thu được 24,4 triệu đôla khi khởi chiếu tại Mỹ, một con số “thê thảm” so với kinh phí 160 triệu đôla đã bỏ ra.

Thế nhưng, những ai đã gọi “Warcraft: The Beginning” là một thảm họa phòng vé, thực sự sẽ phải xem xét lại nếu biết rằng tại Trung Quốc, bom tấn này đã trở thành một hiện tượng, với số tiền thu về sau 5 ngày công chiếu lên tới 156 triệu đôla – mức kỷ lục cho một bộ phim mới phát hành tại thị trường nước này. Thành công bất ngờ của bộ phim được cho là nhờ độ nổi tiếng của trò chơi nguyên gốc, đội ngũ 26 nhãn hiệu tài trợ và một chiến dịch marketing rộng rãi với nhiều chiêu trò. Cùng với doanh thu không tồi khi phát hành tại một số quốc gia khác, tổng cộng “Warcarft: The Beginning” đã đem về cho các nhà sản xuất khoản tiền ấn tượng lên tới 450 triệu đôla – con số hoàn toàn có thể đảm bảo cho sự ra đời của một phần phim mới.

Warcraft: The Beginning… (ảnh: rottertomato)

… và Pacific Rim đều có doanh thu cao tại Trung Quốc (ảnh: pacificrim wiki)

Thành công của Warcraft đến chỉ vài ngày sau khi tin nam diễn viên John Boyega đồng ý xuất hiện trong “Pacific Rim” phần 2 khiến kế hoạch sản xuất bộ phim này trở nên gần với ngày khởi quay hơn bao giờ hết. Nên nhớ rằng, vào năm 2013, đây là điều dường như là không thể, bởi vì, mặc dù nhận được nhiều lời khen, nhưng bom tấn “Pacific Rim” lại không được khán giả Mỹ đón nhận khi chỉ thu về doanh thu 101 triệu đôla, quá ít ỏi so với chi phí 190 triệu đôla. Tuy nhiên, giống như “Warcraft: The Beginning”, bom tấn này đạt được 114 triệu đôla tiền vé tại Trung Quốc và tổng doanh thu lên tới 411 triệu trên toàn thế giới.

Còn quá sớm để nói về một thành công tương tự như phần 1, nhưng vào thời điểm doanh thu từ thị trường  Trung Quốc đang trở nên ngày càng quan trọng, thậm chí vượt qua cả thị trường quê nhà, thì “Pacific Rim 2” sẽ trở thành bom tấn Hollywood đầu tiên được “bật đèn xanh” nhờ vào khán giả quốc tế và điều này, hoàn toàn có thể mở đường cho phần tiếp theo của “Warcraft”.

Tất nhiên, không có khả năng nào lên tới 100% đối với Hollywood. Sự trở lại của serie phim “Terminator” được đánh giá là thất bại đối với giới phê bình và khán giả Mỹ, trong khi đó, tại Trung Quốc, “Terminator: Genisys” lại trở thành một hit, với doanh thu lên tới 113 triệu đôla (tại Mỹ, nó chỉ thu về 89 triệu đôla). Mặc dù vậy, studio đứng sau bộ phim, Paramount vẫn quyết định nói không với khả năng về một phần tiếp theo, bất chấp lợi nhuận ấn tượng 440 triệu đôla sau khi phát hành trên toàn thế giới.


Terminator: Genisys không có phần tiếp theo mặc dù được khán giả quốc tế ưa thích (ảnh: comingsoon)

Ngoài ra, còn có một vấn đề khác mà các bom tấn Hollywood cần cân nhắc khi muốn tấn công thị trường Đại lục. Sự mới lạ được cho là một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của “Warcraft” và “Pacific Rim” tại đây. Tuy nhiên, đối với những phần tiếp theo của các serie nổi tiếng nhưng chưa từng được phát hành ở Trung Quốc, khả năng thành công không hề dễ dàng. Lấy “Star Wars: The Force Awakens” là một ví dụ. Phần mới của siêu phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Mỹ lại không được người xem Trung Quốc hào hứng đón nhận. Một bộ phim Star Wars khác là “Rogue One: A Star Wars Story” được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện khi ra mắt vào cuối năm nay nhờ sự tham gia của hai ngôi sao Trung Quốc là Chân Tử Đan và Khương Văn.


Chân Tử Đan trong phần tiếp theo của Star Wars liệu có khiến phim này được đón nhận tại Trung Quốc? (ảnh: melty)

Nhìn từ góc độ chuyên môn, sự xuất hiện của các diễn viên Trung Hoa trong các bộ phim Hollywood có thể là một chiến thuật phục vụ marketing, tuy nhiên, đây không phải là một điều gì mới mẻ. Bom tấn “Transformers: Age of Extinction” có sự góp vốn của một công ty Đại lục và sử dụng diễn viên cùng địa điểm quay địa phương. Một ngôi sao Trung Hoa khác là Phạm Băng Băng cũng được mời tham gia “Iron Man 3” trong khi bộ phim này có những phân đoạn được thực hiện tại Trung Quốc.


Transformers: Age of Extinction cũng có doanh thu cao tại Trung Quốc (ảnh: imdb)

Nữ diễn viên Phạm Băng Băng trong bộ phim Iron Man 3 – tuy nhiên cảnh này chỉ xuất hiện trong phiên bản dành cho thị trường Trung Quốc (ảnh: kotaku)

Xu thế này xuất hiện từ năm 2009, với một bộ phim kinh dị có kinh phí trung bình mang tên “Looper”. Là một tác phẩm hợp tác với một công ty Trung Quốc, bối cảnh của phim đã được thay đổi từ Paris thành Thượng Hải trong phiên bản dành riêng cho khán giả Trung Quốc và nó đã trở thành bộ phim Mỹ đầu tiên có doanh thu phòng vé tại Trung Quốc cao hơn tại quê nhà. Ngoài ra, bắt tay với đối tác Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc các tác phẩm Hollywood sẽ không bị ảnh hưởng bởi con số hạn ngạch khó chịu của chính phủ nước này khi chỉ cho phép 34 bộ phim nước ngoài được phát hành mỗi năm tại Trung Quốc.

Thú vị là, “Warcraft: The Beginning” cũng là một sản phẩm hợp tác giữa Universal và Legendary, một công ty con của gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông của Trung Quốc là Wanda Media Group. Năm sau, Legendary sẽ là nhà phát hành ở Trung Quốc cho siêu phẩm “Kong: Skull Island” và “The Great Wall”, một bộ phim phiêu lưu lấy bối cảnh Vạn lý Trường thành của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, với sự tham gia của tài tử Matt Damon.


Joseph Gordon-Levitt trong Looper (ảnh: 7-theme)

Dàn sao Trung Quốc và quốc tế của The Great Wall với Lưu Đức Hoa, Matt Damon và đạo diễn Trương Nghệ Mưu (ảnh: gettyimage)

Mỗi quan hệ thương mại ngày càng khăng khít giữa ngành công nghiệp phim ảnh của Mỹ và Trung Quốc mặc dù không có ảnh hưởng toàn diện nhưng rất có thể sẽ dẫn đến một vài hệ luỵ, trong đó, nổi bật nhất có lẽ là sự thay đổi về nội dung các bộ phim Hollywood để phù hợp với chính sách kiểm duyệt vốn nổi tiếng ngặt nghèo của quốc gia châu Á này. Bộ phim anh hùng “bẩn bựa” “Deadpool” không được phép phát hành tại Trung Quốc do nội dung mang tính bạo lực, ngôn ngữ tục tĩu và các cảnh quay nhạy cảm.  “Crimson Peak” bị “tuýt còi” vì có kịch bản đề cập đến sức mạnh siêu nhiên, trong khi luật kiểm duyệt của Trung Quốc cấm chiếu các bộ phim “quảng bá cho mê tín và sự sùng bái.” Điều này dẫn đến những lo ngại về một tương lai mà những bom tấn Hollywood được nhào nặn và chỉnh sửa theo các quy định của luật pháp Đại Lục để có thể tối đa hoá được lợi nhuận từ thị trường đông dân này.


Deadpool bị từ chối phát hành tại Trung Quốc vì không đáp ứng được các yêu cầu kiểm duyệt
(ảnh: rottentomatoe)

Thành công quốc tế của “Warcraft: The Beginning” chắc chắn là một bước ngoặt của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, về lâu dài, tác động của nó còn chưa rõ ràng. Ngôi sao võ thuật Thành Long tin rằng, điều này sẽ góp phần cho sự gia tăng các bộ phim bom tấn made-in-China ngay khi các nhà làm phim Trung Quốc nhận ra khoản lợi nhuận khổng lồ mà họ có thể kiếm được nếu thành công. Còn về phía Hollywood, nếu quá mải mê chạy theo khán giả quốc tế, rất có thể, họ sẽ phải đối mặt với sự quay lưng của lực lượng khán giả quê nhà. Một bài toàn cần phải được suy nghĩ thấu đáo.

Theo Minh Đức – Tổ quốc (dịch từ The Guardian)