Bìa cuốn Từ điển Tiếng Huế. Xuất phát cảm xúc tột độ tư tưởng hướng về mẹ qua tiếng Huế, là thứ tiếng đặc trưng từ nơi chôn nhau cắt rốn đến lúc tha phương, tác giả Bùi Minh Đức đã ghi lại những tiếng nói thường dùng trong cuộc sống, rồi sưu tập những từ trong các phương ngữ, thổ ngữ của Huế và Thừa Thiên để hình thành tập “TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ”. Đây là công trình thật không đơn giản chút nào! Bởi lẽ theo GS.TS Mai Quốc Liên- Giám đốc trung tâm nghiên cứu Quốc Học- qua lời tựa 1 thì đọc “Tập TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ của Bác sĩ Bùi Minh Đức, một người Huế xa quê, chúng tôi vô cùng cảm kích, nhất là từ khi được biết rằng ông làm việc đó vì lòng thương nhớ mẹ già đã khuất! Thường thì những công trình văn hóa nhiều khi xuất phát từ một nguyên cớ rất cụ thể, từ một cái “hích” đầu tiên. Thương nhớ mẹ già đã khuất mà bỏ công hàng chục năm với biết bao hiểu biết, công phu, tâm huyết, vừa khám chữa bệnh, vừa sưu tầm. Sắp xếp, định nghĩa…Tiếng Huế thật là một việc làm độc nhất vô nhị “…

Chúng tôi có tập TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ được tái bản lần thứ hai do NXB Văn Học-Trung tâm nghiên cứu Quốc Học TP.HCM xuất bản năm 2004 dày 1000 trang so với tập đầu 500 trang, được tác giả giải thích tương đối rõ ràng, dễ hiểu. Thú vị hơn , tác giả còn ghi lại các điển tích mang tính lịch sử, văn hóa và con người đúng với mô típ ” TIẾNG HUẾ-NGƯỜI HUẾ-VĂN HÓA HUẾ.” Dù người đọc ở chân trời nào, nhất là người Huế đều phải tỏ lòng yêu mến Huế  và gần gũi với Huế nhiều hơn.

Đơn cử một số từ : “BỢ CHO MỘT TAY (Bợ giùm một tay) đỡ giúp cho một tay- CẤT LÊN TRA (Cất trên tra) Cất giấu, cất kỹ trên trần nhà của nhà rường ở Huế: “Này hỡi anh ơi! Chừ em hỏi anh, chữ chi là chữ chôn xuống đất? Chữ chi là chữ cất lên tra”. Trả lời: Hai chữ “tiền tài” anh chôn xuống đất. Hai chữ “Nhân nghĩa” anh cất lên tra. (Hò Huế) “Của mình thì cất lên tra, của người ta thì tha cho mòn”(Tục ngữ Huế) hay GUỐC MỘC: Guốc bằng gỗ, thường là gỗ mức, có quai thường là quai da. Học trò trường Khải Định hồi năm 1940-1950 thường mang guốc mộc đi học, lúc đi và lúc về thường sắp hàng ngang trên đường Jules Ferry tức Lê Lợi, tiếng guốc kêu lộp cộp. Sau này guốc mộc được dày rọ heo Huế thay thế. Hoặc HÓA CHÂU (Ngã ba Hóa Châu) tức làng Sình bây giờ, gần Bao Vinh, ở ngã ba sông Hương, và sông Bồ hợp lại một chảy về cửa Thuận An. Đi đường thủy từ Huế về cửa Thuận An phải đi qua chỗ này(Tức làng Sình, làng Thanh Phước) và phải tấm tắc khen cảnh đẹp của trời nước bao la này. Do đó đình làng Thanh Phước treo câu đối”Tây Sơn cao viễn chiếu, Đông Hải thủy triều lai” để nói lên cảnh đẹp của làng này. Tên Hóa Châu có từ năm1307 khi hai châu Thuận Hóa được thành lập, ngã ba sông này (tức ngã ba Thanh Phước hay còn gọi là ngã ba Sình) là một yết hầu quan trọng của thành Phú Xuân cũ (1687) và của kinh đô Huế (1788) (Cũng chính nơi đây – Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường (Bút ký, NXB Trẻ 2002) Thủy quân của Chúa Nguyễn đã xuất phát và đánh tan hạm đội của Hà Lan, một dân tộc đã xưng hùng trên các đường với khẩu hiệu “Chỉ biết sức mạnh của Thượng Đế”). Ở đây ngày xưa các Chúa Nguyễn cho quân tinh nhuệ trấn thủ yếu điểm này và xây dựng các trại thủy binh, cơ xưởng đóng thuyền. Để tuyển chọn những người trai tráng mạnh khỏe, giỏi võ, giỏi đô vật và mưu trí sung vào đội thủy quân, hàng năm vào ngày 10 tháng giêng thường có lễ vật võ truyền thống của làng Lại Ân ở Sình nầy. Các đấu thủ khắp nơi về dự, từ Vĩnh Lại, Quy Lai, Mậu Tài, Lại Ân, Thuận An, Dương Nỗ, Thanh Phước v.v… Từ Thuận An đô vật miền biển mới lên, mình trông bóng láng đồng đen không bằng” và đô vật từ các làng nông nghiệp thì “tay chai nắng  rạm nâu sòng, đôi chân như thử đôi chằm thuyền khơi “. Người nào bị vật làm nhớp lưng thì bị thua (lấm hình) nên có câu “Trông anh đô vật lăn mình, mặt mũi hiền lành chỉ tội lấm lưng”. Làng Sình cũng có nghề thủ công làm giấy ngũ sắc, hoa giấy, in tranh thờ. Nhiều người cho rằng chữ  “Sình”  là dấu tích của người Chăm Pa xưa, cũng giống như các địa danh Sịa, Sòng, Sãi…thường nghe ở Huế (theo Nguyễn Đắc Xuân). Trong  Tiếng Huế, đặc biệt tác giả còn nhắc đến những từ được người Huế thường dùng hết sức đặc trưng như :”ri, mô, tê, răng, rứa ” được nhiều người  cho là tiếng “Không nơi nào có được”…

Anh Lê Trường Quỳnh - người đội mũ trắng. Anh Lê Trường Quỳnh (một người dân T.T.Huế ở làng Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà)- nguyên là nhân viên của bác sĩ Bùi Minh Đức- làm trưởng phòng khoa truyền nhiễm Bệnh viện trung ương Huế thời bác sĩ Lê khắc Quyến bị quản thúc ở Sài Gòn năm 1966. Thời gian dài cách biệt, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, qua một số thân hữu, tình cờ anh Quỳnh đọc được tập TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ in lần thứ nhất vào năm 2001 tại California Hoa Kỳ gởi về. Vốn sẵn miệt mài sưu tập kho tàng tiếng Huế dân giã ở nông thôn, anh Quỳnh đã  hiệu đính gần 300 từ tiếng Huế gởi sang, được tác giả Bùi Minh Đức ghi nhận đưa vào bản in lần thứ hai tại TP.HCM, Việt Nam. Chúng tôi vô cùng cảm kích sự tương hợp về tiếng Huế của 2 con người đã từng sống và làm việc mang tính “nhân ái” (ngành Y) ở đất Cố Đô. Bây giờ dù khoảng cách cả không gian và thời gian cùng sự khác biệt về góc độ sống, nhưng hai người lại có cơ duyên được tái ngộ cùng tên trong một cuốn sách, và còn được đối diện trong dịp Festival Huế dạo tháng 6 năm 2004 thật là hy hữu biết chừng nào. Trao đổi trực tiếp với anh Quỳnh, chúng tôi rất mến mộ về cách trò chuyện rất ý nhị và rất khôi hài về tiếng Huế được anh biên sọan để bổ sung cho tập TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ của tác giả Bùi Minh Đức. Đây cũng là một việc làm đầy tâm huyết với Tiếng Huế, Người Huế và Văn hóa Huế. Chẳng hạn: ” Miếng cau chét : Trái cau khi bửa để làm cau khô, thường được lựa trái đều nhau để bửa ra các miếng cau đều nhau. Với trái cau nhỏ hơn, người bửa cau phải cắt lấy bớt một miếng nhỏ ra để phần còn lại của trái cau nhỏ đó có thể bửa thành các miếng đều nhau như các trái cau lớn đều khác. Miếng cau nhỏ lấy bớt ra đó, gọi là miếng cau chét, dùng để ăn dặm thêm, hoặc để người nghèo ít tiền mua ăn rẽ hơn( LTQ) . Hay ĐÁU ĐÁY : Con trai độc nhất để nối dõi (Chỉ một thằng  con trai đáu đáy nên phải ăn ở cho có đức. CẢY TRÂU: Soạn con trâu trước khi tra cày vào con trâu để cày đất, ví dụ như gác dù, móc đáy, buộc bảng lảng, xem lại xong xuôi mới tra cày (LTQ)- CHỤ BỤ: Mặt vẻ nặng nề (Mặt chụ bụ vì bị chồng la) 2- béo thân hình chụ bụ vì hay ăn mỡ. CHỤM LỬA RIU RIU : Chụm lửa (Kho cá bóng thệ phải chụm lửa riu riu cho thấm mới ngon. ĐỒ TAM TOẠNG (Đồ lạc xon, đồ tào lao tịnh đế) đồ không có giá trị (Đi chợ mua toàn đồ tam toạng). ĐỒ TRẮC NẾT : Người đàn bà không chung thủy, nghiêm trang (Lấy chi đồ trắc nết làm vợ cho cực (LTQ)…

Theo lời nói đầu và tự bạch của tác giả  Bùi Minh Đức, thì TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ tập in lần thứ hai này, ngoài việc ghi chép từ ký ức hồi sinh sống ở Huế suốt thời kỳ thiếu niên, thanh niên và trung niên, tác giả còn sưu tập thêm trong nhiều sách báo của nhiều tác giả như J.M.Nguyễn văn Thích, Ưng Luận, Triều Nguyên, Lê Văn Chưởng… hay cố Alexîandre Rhodes, Huỳnh Tịnh Của (1772)  và các tác giả đương thời như Hương Giang Thái Văn Kiểm, Lê Văn Lân, Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Bình, Bửu Kế…Tác giả còn  nhắc đến nhiều tác giả người Huế hiện đang ở hải ngoại như Minh Đức Hoài Trinh, Túy Hồng, Bùi Bích Hà, Trần Thị Diệu Tâm, GS Võ Long Tê ở Canada, kỷ sư Trần Sĩ Huân ở San Francico, giáo sư Phạm Đăng Sum ở Pháp, bác sĩ Vĩnh Đằng ở  Úc, GS Thái Kim Lan ở Đức, GS Võ Quang Yến ở Pháp. Ngoài ra tác giả còn bổ sung  thêm nhiều tiếng láy của T.T.Huế qua luận án thạc sĩ của bà Trương Thị Thu Hương 1999 TP HCM, từ điển Mường Việt  của Nguyễn Văn Khang, Bùi Chỉ và Nguyễn Văn Hùng (NXB Văn Hóa Dân Tộc HN.VN 2002)…

Chúng tôi xin trích một đoạn trong bài tựa 2 của GS Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên khoa trưởng đại học Văn Khoa SaiGon VN, Viện trưởng viện Việt Học Califonia HoaKỳ: “Cuốn từ điển phương ngữ của tác giả Bùi Minh Đức là cuốn đầu tiên có quy mô trong loại từ điển phương ngữ Việt Nam. Nó chứng tỏ sức làm việc mạnh mẽ của một y sĩ bận rộn, của một nhà nghiên cứu nghiêm túc, cẩn  trọng, có phương pháp và một trái tim rộng mở để yêu mến và cảm thông với tiếng nói quê hương”

Tôi nghĩ nó sẽ là có ích cho giới biên khảo và quần chúng nói chung, nhất là giới trẻ, đồng thời là một cống hiến đáng kể cho việc phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.

Trần Hữu Tâm Phương

Nguồn: Net Cố đô.