(Đặng Thiên Sơn)
Đặng Thiên Sơn ( 1984), sinh ra và lớn lên ở Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Hiện anh làm việc tại Sách Đông Tây, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Từng dạy học ở Quy Nhơn, làm Cán bộ ở Sở Truyền thông tỉnh Bình Định, sau đó làm việc ở Hiệp Hội Quyền sao chép Việt Nam.
Các tác phẩm đã xuất bản:
– Blog thời sinh viên (Thơ), Nhà xuất bản Thanh niên, 2009
– Đường về xa lắm (Tản văn), Nhà xuất bản Văn học, 2014
– Ngồi chơi với phố (Tản văn), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016
– Bé làm quen với thế giới xung quanh bằng thơ (Thơ thiếu nhi) Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017
– Trong hố cầu thang (Thơ), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017
– In chung và Chủ biên nhiều đầu sách Văn học khác
Trong hố cầu thang sẽ được tổ chức ra mắt vào 14 giờ 30′, thứ 7, ngày 16 tháng 9 năm 2017 tại tầng 4 Đông A Gallery – Nhà sách Cá Chép, 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông quốc tế VFS – đơn vị in ấn và phát hành cuốn sách tổ chức.
Tập thơ “Trong hố cầu thang”
Buổi chiều
Chiều nay có người vác nỗi buồn đi qua tôi
Khuôn mặt anh ta nhăn nhó
Tóc anh ta rối bù
Anh ta đi cách mặt đất 10 cm
Trông anh ta chẳng khác con lạc đà đang rướn mình trên sa mạc.
Chiều nay có người vác niềm vui đi qua tôi
Khuôn mặt anh ta rạng rỡ
Tóc anh ta rẽ ngôi chỉn chu
Anh ta đi cách mặt đất 20 cm
Chốc chốc anh ta nhảy cẫng lên như con bò đực thèm được yêu.
Chiều nay có người vác nỗi đau đi qua tôi
Khuôn mặt anh ta rầu rầu
Đầu anh ta trùm một vòng tang trắng
Anh ta đi thấp hơn mặt đất 10 cm
Trông anh ta thật đáng thương!
Chiều nay có người vác nỗi sợ hãi đi qua tôi
Khuôn mặt anh ta tím ngắt
Anh ta trùm mũ kín đầu
Đôi chân anh ta thoăn thoắt
Trông anh ta như con chuột rinh trộm trứng gà.
Chiều nay có nhiều người chẳng vác gì đi qua tôi
Khuôn mặt họ đa dạng, phong phú
Tóc họ cũng đa dạng, phong phú
Da họ cũng đa dạng, phong phú…
Họ bám chân trên mặt đường hồn nhiên bước.
Chiều nay tôi ngồi một mình thật lâu phía sau ô cửa sổ chật hẹp
Nhìn mọi người đi qua tôi.
Trong hố cầu thang 1
Đang đuối giữa tòa nhà
Lạnh toát
Hố cầu thang sao hun hút thế này?
Cánh cửa không mở ra
Cánh cửa đã đóng rồi
Chuông báo khẩn cấp không hoạt động
Telephone không hoạt động.
Không có ai đi cùng tôi trong chuyến cabin định mệnh…
Cái khoang bé nhỏ này
Ta còn thở được mấy giờ
Còn mấy giờ để sống
Còn kịp làm gì không…?
Mấy mươi năm trôi qua ngoài kia vô nghĩa…
Không có rượu ở đây
Không có em ở đây
Không có hoa đẹp chốn này
Ta làm sao thăng hoa mà quên đi cái chết!
Ôi phút giây cận kề cái chết
Chỉ có thơ trong miệng mình
Chỉ có thơ trong miệng mình dưới đáy hố cầu thang hun hút
Hun hút
Bay lên.
Cảm ơn cái đinh!
Tôi giẫm phải cái đinh đã mấy hôm rồi
Tự nhấc nó ra nhưng vẫn còn sót lại một ít gỉ sét
Thành ra sưng tấy cả bàn chân
Đành phải vào bệnh viện.
Mẹ tôi ra chăm, bà vẫn mắng tôi như ngày ba tuổi
“Đứng với đi lớp tớp không nhìn ngó gì.”
Tôi ngồi lặng người sau câu mắng của mẹ
Đúng là lâu rồi tôi chẳng để ý gì đến chuyện đi đứng
Khi thì lếch thếch, khi thì ào ào bước thấp bước cao…
Tôi giẫm phải cái đinh cũng đáng.
Phúc nhà vết thương vì cái đinh gây ra cũng lành
Mẹ dìu tôi về nhà như một đứa trẻ
Chân mẹ đã run run nhưng mẹ bước đi rất đúng lối.
Cũng may tôi chỉ giẫm phải cái đinh
Chứ nếu rơi vào hố ga thì chết đuối không chừng.
Tôi gói cái đinh cất đi thật kĩ
Và thầm cảm ơn nó vì đã giúp mình
Có được mấy ngày đau chân mà xem lại cách đứng đi cho cẩn thận.
Người đàn ông ngồi tạc đầu lâu
Người đàn ông ngồi tạc đầu lâu trong khu phố nghèo
Những nhát choòng cắm sâu vào khối đá
Hốc tai, hốc mắt hiện hình
Ông đang tạc đầu lâu một người trung niên
Trán to và rộng
Hốc mũi sâu hoắm.
Tôi đi ngang qua tò mò nên đứng lại
Không dám chào ông
Vì biết đâu một câu nói của tôi cũng khiến ông làm nát một cái đầu
Bởi nhát búa quá tay.
Đứng từ xa ngó lại
Tôi tự vấn lòng mình
Người đàn ông tạc đầu lâu kia có nghĩ đến một cái đầu nào đã chết
Có nghĩ đến đầu mình sau này khi đã chết
Có nghĩ đến một cái đầu nào đang sống xung quanh…?
Khi nhát búa cuối cùng chấm dứt
Tôi lẳng lặng bỏ đi
Kịp nhìn những giọt mồ hôi từ đầu ông rơi xuống đất.
Áo cơm kể cũng nhọc nhằn!
Phía đối diện tôi không có người ngồi
Những người quen thân đã bỏ tôi đi hết
Buổi chiều mục rữa những giấc mơ
Những cây kim ngân trong chậu bon sai chật hẹp
Khóc ròng những dòng nước xanh…
Bất hạnh nhất trên đời là không còn ai chơi với nữa
Không còn ai nữa để chơi
Phía đối diện tôi không có người ngồi
Trà cũng nguội và rượu nồng cũng nhạt…
Em cũng vậy
Cũng vô tình bạc bẽo
Lời nói chót môi vờ vĩnh một thời
Chiếc ghế cũ em không ngồi đó nữa
Tôi tập tành bập bẹ tiếng ê… a…
Có một ngày tôi đã trôi rất xa
Phía đối diện tôi không còn gì nữa.
Cái miệng vô hồn
Buổi chiều tầng chín
những hạt mưa ngoài hiên còi cọc
không đủ nặng để bám vào tường rêu
chiều trắng và rộng toang hoác
toang hoác cả cõi lòng của hình nhân đang đứng sau ô cửa sổ.
Mắt đang trôi qua khu phố
nhấp nhô những tòa tháp chọc trời kệch cỡm
những con đường tí hi, người đi đông như kiến
biển đỏ, biển xanh như lòng bàn tay chi chít gán lên cửa nhà.
Quay lại soi mình vào tấm gương trên cánh tủ
đôi mắt đã mù từ rất lâu
đôi mắt đã không còn nhìn thấy sự thật
đôi mắt vô hồn.
Không!
mình đã trách nhầm đôi mắt
cái miệng vô hồn thì đúng hơn.
Soi gương
Dễ đến năm năm rồi không soi gương
Mà có khi là bảy năm chứ chẳng
Đàn ông lười ngắm mặt mình
Trừ một số nam giới có làm chuyện ấy.
Mặt mình đã dày lên
Những cọng râu bắt đầu he he
Đôi mắt nhăn nheo hơn bảy năm về trước
Hình như đã bớt đi cái vẻ ngỗ ngược
Cái vẻ ta đây…
Lão bán gương chắc buồn mình lắm đấy
Lão bán gương chắc cũng chẳng thèm soi gương
Lão bán gương có khi mặt cũng dày, râu cũng he he…
Đàn ông chẳng mấy ai nhớ nổi mặt mình
Những âm thanh bình thường
Với Tuệ Nguyên ở Quy Nhơn năm 2010
Tuệ bảo với tôi đừng vứt vỏ hột vịt ra lòng đường
Bánh xe sẽ cán lên nghe âm thanh phát ra không thích
Tôi giật mình vì câu nói của Tuệ
Nó nghe cả những âm thanh rất đỗi bình thường.
Cả cuộc nhậu chúng tôi chỉ bàn về những âm thanh hột vịt
Tiếng gõ thìa nứt vỏ
Tiếng sột soạt khi hút nước từ hột vịt
Tiếng vứt hột vịt xuống thùng rác
Tiếng những bàn bên đang ăn, đang nhai, đang nói về hột vịt.
Ngần ấy thời gian ngồi với nhau ở quán cóc vỉa hè
Tôi và Tuệ chỉ nói về thứ âm thanh bình thường
Thứ hột vịt tầm thường
Mà vẫn vui đáo để
Vì suy cho cùng tôi với Tuệ cũng chẳng có gì để nói
Nói về người ta thì cũng chán bỏ xừ…
Tuệ đã khiến tôi mê những âm thanh rất đỗi bình thường.
Những người bạn bị bệnh đau gan
Tôi có mấy người bạn bị bệnh đau gan
Ở thời đại tôi sao những người trẻ bị bệnh đau gan nhiều thế
Hay là do cà phê
Hay là do bia rượu
Hay là do những lá gan khi sinh ra đã mang gen lầm lỗi…
Những người bạn bị bệnh đau gan của tôi hay buồn lắm
Nhưng không bỏ rượu bia
Trong khi bác sĩ vẫn khuyến cáo chất có cồn sẽ làm gan nhanh hỏng
Bạn tôi vẫn hào phóng
Nốc từng ngụm đắng cay
Hỏi ra tôi mới biết
Bạn tôi cố vui khi cái chết đến gần…
Khi cái chết đến gần người ta không còn thiết gì nữa
Ngay đến cả nỗi buồn cũng không còn thiết
Người ta tìm cái chết trên niềm vui
Cái chết trên niềm vui thì ở tuổi nào vẫn là trọn vẹn.
Nhưng sau mỗi chầu say những người bạn đau gan của tôi vẫn nhắn nhủ
Giá đừng uống rượu bia thì cái chết không đến gần
Giá đừng uống rượu bia thì cái chết không đến gần
…
Cái chết không đến gần thì không cần đến rượu bia.
Nghe ra thật là mâu thuẫn.
Buổi sáng biến mất
Buổi sáng đang chết dần vì ngộ độc gió
thương cho những người ngồi đón buổi trưa
không biết rằng thời gian đã biến mất.
Buổi sáng chết rồi là có thật
người ta chở nỗi buồn trắng muốt khoang xe
băng qua những nấm đất sè sè
chẳng còn ai nghe buổi sáng nói gì
dù là một câu rất khẽ.
Ơ kìa đàn chim se sẻ
mổ ngày rách toác thế kia…
Buổi sáng không còn như ngày xưa cũ!
Còn gì đâu mà chắp vá
Có nhiều năm mùa thu buồn lắm
Chẳng muốn đi đâu ra khỏi nhà
Nhìn đâu cũng thấy xót xa
Ngay cả bản thân mình cũng chán.
Vài đứa bạn thân khóc nhau qua dòng tin nhắn
Rượu không uống mà say
Thời của nhiễu nhương
Cái gì cũng thị trường
Đến yêu đương cũng đem ra trả giá…
Người thân ngày càng xa
Lòng ta ngày càng già.
Rách hết rồi còn gì đâu mà chắp vá
Niềm tin tuyệt đối không còn
Mọc ra từ miệng người dối trá.
Những bông hoa tỏa hương trong đêm
Giấc ngủ không tròn
Khi hương thơm của những bông hoa nở đêm ùa qua khe cửa mở
Trăng liêu trai treo chênh chếch một góc trời
Ta trở nên bé mọn.
Soi mình vào chén trà khuya.
Sự cằn cỗi tâm hồn do bao ngày bon chen
Như đang mềm ra bởi hương của những bông hoa mơn trớn
trên da thịt.
Những thanh âm kéo về
Miệng nghêu ngao câu hát chay giữa khuya khoắt nơi này
Quê hương lên xanh trong trí nhớ
Ngôi nhà xiêu vẹo có dáng mẹ ngồi trông
Có con trâu đen cọ sừng lên vách nứa
Có ta của những ngày xưa
Bện hương bồ kết, theo em lên phố đến giờ.
Hỡi những bông hoa tỏa hương trong đêm
Đã vực dậy ta sau giấc ngủ mê bằng thứ hương thơm tinh khiết.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài