Theo các nhà tướng số học, người tuổi Dậu có một số đặc trưng tính cách khá nổi bật và dễ nhận thấy. Đấy là những người sống có tổ chức, kỷ luật. Họ ngăn nắp từ trong tư tưởng và gọn gàng trong sinh hoạt.

Nhà thơ Anh Thơ

Khi cần đưa ra bất cứ quyết định gì, họ thường nhìn nhận cẩn thận tất cả các khía cạnh của vấn đề. Họ trung thực, cởi mở nhưng đôi khi thẳng thắn tới mức lạnh lùng. Cần cù, tháo vát nhưng họ lại thường nóng nảy, bướng bỉnh. Họ đa tài và có thể thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Người tuổi Dậu hết sức bền bỉ và không dễ để người khác bắt nạt. 

Nhà lý luận – phê bình văn học Hoài Thanh
Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/7/1909, tuổi Kỷ Dậu, tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho nghèo. Ngoài bút danh Hoài Thanh, ông còn có các bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê, chủ yếu là sử dụng khi viết báo. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2000 về các tác phẩm: 1/ Phê bình tiểu luận (3 tập), 2/ Nói chuyện thơ kháng chiến và 3/ Thi nhân Việt Nam. 

Trước Cách mạng tháng Tám, Hoài Thanh đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, nhưng chủ yếu vẫn là làm báo, viết văn. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông vua thẩm bình thơ thưở nào như Hoài Thanh lại bỗng dưng đổi sang một hướng khác, gác lại niềm đam mê văn nghiệp và ước vọng làm một trang hảo hán kiểu Từ Hải tuổi thanh xuân, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Điều này khiến không ít văn hữu ngỡ ngàng đến khó hiểu và có người sinh hoài nghi.

Tháng 10- 1945, ông rời Huế ra Hà Nội làm giáo sư giảng dạy văn chương Việt Nam ở trường Đại học Văn khoa. Từ 1946- 1975, Hoài Thanh lần lượt làm các công việc: biên tập viên tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bí thư Ban Thường vụ Hội Văn hoá Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, ủy viên Đảng đoàn Bộ Văn hoá, Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Viện phó Viện Văn học kiêm phụ trách tạp chí Văn học, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian,… 

Năm 1960, Hoài Thanh được bầu làm đại biểu Quốc hội. Từ 1969 đến 1975 ông làm Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, bây giờ là Tổng Biên tập báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông mất ngày 14/3/1982 tại Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí minh về Văn học – Nghệ thuật, năm 2000 cho các tác phẩm: Phê bình tiểu luận, Nói chuyện thơ kháng chiến, Thi nhân Việt Nam. 

Trong quãng thời gian hơn 30 năm, Hoài Thanh đã để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm với hơn 4.000 trang sách gồm: Văn chương và hành động, Thi nhân Việt Nam, Có một nền văn hoá Việt Nam, Nhân văn Việt Nam, Xây dựng văn hoá nhân dân, Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nói chuyện thơ kháng chiến, Nam bộ mến yêu, Chuyện miền Nam, Quê hương và thời niên thiếu của Bác Hồ, Phê bình và tiểu luận (3 tập), Phan Bội Châu, Chuyện thơ…, Di bút và di cảo…

Nhà thơ Tế Hanh
Ông có tên đầy đủ là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6/1921, tuổi Tân Dậu, tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, nay là xã Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha ông là Trần Tất Tố, làm nghề dạy học và làm thuốc. Ông có bốn anh em, trong đó người em út là nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Thuở nhỏ, ông học ở trường làng, rồi trường huyện. Năm 15 tuổi, ông ra học tại trường Khải Định (nay là trường Quốc học Huế).

Vốn sẵn ham thích thơ ca, lại được nhà thơ Huy Cận vẽ đường, nên Tế Hanh tập làm thơ từ khá sớm. Năm 1938, lúc 17 tuổi, Tế Hanh đã có bài thơ đầu tiên: Những ngày nghỉ học. Sau đó, ông tiếp tục làm thơ, rồi tập hợp thành tập Nghẹn ngào. Nào ngờ năm 1939, tập thơ này của ông đã được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn.

Vào cuối thời kỳ Phong trào Thơ Mới, năm 1941, Tế Hanh và một số bài thơ của ông như Quê hương, Lời con đường quê, Vu vơ, Ước ao,... được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam, xuất bản năm 1942. Sau đấy ít lâu, tháng 8/1945, Tế Hanh tham gia Mặt trận Việt Minh, công tác trong ngành văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1949- 1954, Tế Hanh làm việc tại Chi hội Văn nghệ Liên khu V. Sau Hiệp định Genève, 1954 ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Văn nghệ. Năm 1957, Tế Hanh là một trong số những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và trong Ban Biên tập tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ) của Hội. Nhiều năm sau đấy, ông còn là Ủy viên Ban chấp hành và Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong cuộc đời cầm bút, nhà thơ Tế Hanh đã để lại một khối lượng tác phẩm thơ khá lớn, chủ yếu là thơ. Tuy nhiên, ngoài thơ, Tế Hanh còn là dịch giả thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi,…

Ông đã từng giành các giải thưởng như: Giải thưởng văn học Tự lực văn đoàn, năm 1939 cho tập thơ Nghẹn ngào; Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng và nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996 cho các tập thơ: Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Bài thơ tháng Bảy, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Đi suốt bài ca, Theo nhịp tháng ngày, Con đường và dòng sông, Bài ca sự sống.

Nữ sĩ Anh Thơ
Nữ sĩ Anh Thơ sinh ngày 25/1/1921, tuổi Tân Dậu, mất ngày 14/3/2005. Tên thật của bà là Vương Kiều Ân với các bút danh khác như Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh và Anh Thơ. Nữ sĩ Anh Thơ bước lên văn đàn từ khá sớm, thành danh ngay từ tập thơ đầu tay Bức tranh quê và đã nhận được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn cho bản thảo tập thơ này, năm 1939, khi Anh Thơ mới là cô gái 17 tuổi. Bà thuộc lớp những người sớm gia nhập phong trào Thơ mới (1932-1941), từng có thơ in trên các báo Ngày nay, Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội báo, Đông Tây,… Bà được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt III, năm 2007.

Bà đã cho xuất bản các tập Bức tranh quê (thơ, 1939),Xưa (thơ, in chung, 1942); Răng đen (tiểu thuyết, 1943), Hương xuân (thơ, in chung, 1944), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957); Theo cánh chim câu (thơ, 1960); Ðảo ngọc (thơ, 1964),Hoa dứa trắng (thơ, 1967), Quê chồng (thơ, 1979), Lệ sương (thơ, 1995), Hồi ký Anh Thơ (hồi ký, 2002). Một người phụ nữ chưa học hết tiểu học, lại xuất thân trong một gia đình nho học thời ấy mà thơ in ở nhiều báo và có được một lưng vốn thơ khá dầy như vậy, rồi đảm trách nhiều công việc xã hội,… chứng tỏ bà là người đa tài, nhưng cũng đa đoan. 

Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (Quyển ba (Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, 1943) đã có lý khi nhận định về thơ của Anh Thơ: Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ,… đều là những nhà thơ chuyên về mặt tả cảnh… Trong thi nghiệp của bà Nếu trong ấy có chút tình thì cũng là thứ tình nhẹ nhàng như gió thoảng…

Còn bà lại quan niệm rằng: Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kì câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận. Trong Bức tranh quê bà đã tỏ rõ quan điểm nghệ thuật của mình. Bà viết: Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng/ Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton (Họp chợ).

Nhà thơ Quang Dũng
Quang Dũng có tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921, tuổi Tân Dậu, mất ngày 13/10/1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ông gia nhập Quân đội Nhân dân ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và là phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu. 

Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào- Việt.

Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. 

Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Cùng với các bài thơ như: Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Quán bên đường… Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Kẻ ở. Đặc biệt bài thơ Không đềđược 4 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau. Ngoài ra nhà thơ Quang Dũng còn có một số tác phẩm tiêu biểu khác như: Bài thơ Sông Hồng (1956), Rừng biển quê hương (1957), Mây đầu ô (1986); truyện ngắn Mùa hoa gạo (1950); hồi ký Làng đồi đánh giặc (1976)… Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật.

Nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Thuận


Lưu Quang Thuận sinh ngày 14/7/1921, tuổi Tân Dậu, tại Đà Nẵng. Ông là thân phụ của nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Ông tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1946 và là người sáng lập sáng lập Nhà xuất bản Hoa Lư, sáng lập và làm chủ nhiệm Tạp chí Sân khấu ra số đầu tiên ra ngày 20/11/1946, rồi làm Giám đốc Việt Nam thư ấn cục của Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc. Nhưng mãi đến năm 1948, ông mới chính thức gia nhập quân đội Việt Minh và tham gia hoạt động tại Đoàn kịch Chiến thắng cho đến khi chuyển về Đoàn văn công Nhân dân trung ương năm 1951. Sau đấy ông đã kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ, Nhà hát chèo Việt Nam. Ông mất ngày 21/2/1981 tại Hà Nội. 

Nhà biên kịch, nhà thơ Lưu Quang Thuận đã để lại một khối lượng kịch thơ  và kịch sân khấu khá đồ sộ khoảng gần 40 tác phẩm như: Lê Lai đổi áo, Kiều Công Tiễn, Nữ hoàng Ba tư, Người Hoa lư, Quán Thăng Long,  Hoàng Hoa Thám,  Tấm Cám,  Mối tình Điện biên, Nàng Sita,  Hạt muối trăm năm và 5 tập thơ: Tóc thơm, Việt Nam yêu dấu, Lời thân ái, Mừng đất nước, Cảm ơn thời gian… 

Có thể nói các tác phẩm sân khấu và thơ của Lưu Quang Thuận thấm đượm tình yêu que hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc cũng như tinh thần quyết chiến giặc ngoại xâm. Thậm chí các nhà chuyên môn còn đánh giá cao hai tác phẩm chèo Tấm Cám Mối tình Điện Biêncủa ông như là những cột mốc sang chói của nghệ thuật chèo Việt Nam hiện đại. 

Nhà văn Mạc Can
Có tên thật là Lê Trung Can, sinh ngày 14/4/1945, tuổi Ất Dậu, trên một chiếc ghe của đoàn hát ở sông Tiền Giang. Ông là một nghệ sĩ đa tài hoạt động ở nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác nhau như viết văn, đóng phim điện ảnh và truyền hình, biên kịch, biễu diễn ảo thuật, diễn tấu hài… Ông từng tham gia đóng các phim được công chúng mến mộ như: Ván bài lật ngửa, Đất phương Nam, Áo lụa Hà Đông, Vó ngựa trờ Nam,… Riêng về văn ông cũng viết nhiều thể loại như như kịch bản phim, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp bút. Tấm ván phóng dao là tiểu thuyết nhận được giải A cuộc thi tiểu thuyết 5 năm (2000- 2005) của Hội Nhà văn Việt Nam.

Được biết, trước đây chừng khoảng trên dưới chục năm gì đó, nhà văn Mạc Can, đã từng sang Mỹ để tìm gặp người con gái thất lạc một thời. Người con gái này là kết quả của mối tình giữa ông và một phụ nữ Nhật. Tuy vậy, do không thích nghi được với môi trường sống tại Mỹ, Mạc Can chia tay con để quay trở lại Việt Nam làm việc và sống một mình.

Từng sống bên Mỹ ba năm, Mặc Can rất thấm thía cảnh tha hương, nên ông càng thong cảm và chia sẻ trước những nỗi vất vả của con gái mình.NSƯT Lê Thiện là người có nhiều năm gắn bó với nhà văn Mặc Can chia sẻ: Đằng sau nụ cười quá đỗi hồn nhiên tưởng như vô lo, vô nghĩ của Mạc Can là cả một tâm hồn và cuộc đời luôn dậy sóng. Mang niềm vui đến cho người khác ở những nơi mình xuất hiện là một cách Mạc Can chứng tỏ mình còn khỏe, còn yêu tha thiết cuộc đời này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, tuổi Đinh Dậu, tại thôn Hoàng Dương (làng Chùa) xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ngoài làm thơ, ông còn viết văn, soạn kịch, viết kịch bản phim và viết tiểu luận phê bình. Nguyễn Quang Thiều đã đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Việt Nam và nước ngoài. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hai khóa XVII và XIX.

Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản các tác phẩm chính như: Thơ gồm: Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Những người lính của làng (1996), Thơ Nguyễn Quang Thiều (1996), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999), Thơ tuyển cho thiếu nhi (2004), Cây ánh sáng (2009), Châu thổ(2010)…

Văn xuôi (Tiểu thuyết, truyện ngắn, chân dung văn học, tiểu luận, phê bình văn học) gồm: Mùa hoa cải bên sông (1989), Cái chết của bầy mối (1991), Người đàn bà tóc trắng (1993), Đứa con của hai dòng họ (1996), Thành phố chỉ sống 60 ngày (1991), Vòng nguyệt quế cô đơn (1991),Cỏ hoang (tiểu thuyết, 1992), Có một kẻ rời bỏ thành phố (tiểu luận, 2010), Trong ngôi nhà của mẹ (2016)…

Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản trên 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Nhìn vào số lượng sách mà ông đã xuất bản, chúng ta dễ dàng nhận ra phần văn xuôi nhiều áp đảo phần thơ. Tuy nhiên dưới mắt của đại bộ phận công chúng lại chỉ biết ông là một nhà thơ hơn là nhà văn. Bởi lẽ, khác với nhiều người, ngay tập thơ đầu tay Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều vừa ra đời đã nhận được Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1992. 

Nếu chỉ xét ở góc độ thành công, có thể xem Nguyễn Quang Thiều là một trong số những người đi đầu trong diễn trình đổi mới thơ Việt đương đại và sớm được khẳng định. Và trong một chừng mực nào đấy, ông đã tạo nên sự ảnh hưởng nhất định trên thi đàn Việt với hàng loạt các cây bút trẻ sau này chịu ảnh hưởng thơ ông khá rõ nét, như Phan Thị Vàng Anh, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Quyến, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Lê Thiếu Nhơn,…

Đỗ Ngọc Yên – Nguồn: Văn nghệ Quân đội

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Exit mobile version