>Từ ngày 10 đến 17-12, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh, số 29 Hàng Bài, Hà Nội, diễn ra Triển lãm Mỹ thuật – Nhiếp ảnh do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Cục (1972 – 2017). |
Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm của 30 tác giả là cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Với nhiều chất liệu, đề tài phong phú, các tác phẩm thể hiện cái nhìn sinh động trước cuộc sống, con người và những vấn đề xã hội của các nghệ sĩ làm công tác quản lý, tham mưu trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng vẫn giàu nhiệt huyết sáng tạo. Trùng tu Con đường gốm sứ ven sông Hồng Sau một thời gian bị xuống cấp, từ đầu tháng 12, Con đường gốm sứ ven sông Hồng được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện trùng tu, bảo đảm cảnh quan cho công trình văn hóa của Thủ đô, với tổng vốn đầu tư dự án hơn 2,5 tỷ đồng. Công trình này được khánh thành vào tháng 5-2010 sau ba năm xây dựng, có chiều dài gần 4 km với diện tích khoảng 6.500 m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đây là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng…; đạt kỷ lục Guinness cho bức tranh gốm dài nhất thế giới. Hiện đơn vị thi công đang tích cực sửa chữa, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018. Tu bổ Di tích quốc gia chùa Tây Phương Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa đồng ý chủ trương giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chùa Tây Phương có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đây là di tích tiêu biểu nhất về kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18. Năm 1962, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Lịch sử – văn hóa quốc gia. Năm 2015, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Ra mắt chương trình rối dịp Giáng sinh Lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật mang đậm chất giải trí được kết hợp giữa sân khấu rối cạn và rối nước sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn phục vụ khán giả dịp Giáng sinh này. Vở diễn do NSƯT Chu Lượng – Giám đốc Nhà hát chỉ đạo nghệ thuật, hai NSƯT Đức Hùng và Xuân Bắc đạo diễn. Điểm nhấn của chương trình là các kịch mục phong phú, các tiết mục đặc sắc với hát múa, múa rối đan xen, như: hoạt cảnh rối cạn chú Cuội và thiên thần, nhảy múa bảy chú lùn, hoạt cảnh Tấm Cám…; các tiết mục rối nước chú Tễu, chú Cuội, đánh trống hội và múa cờ, múa rồng, đấu bò tót, múa thiên nga… Bên cạnh đó, là nhiều chương trình âm nhạc phong phú, đa dạng, hứa hẹn mang lại những cảm xúc mới lạ và niềm vui cho khán giả Thủ đô, nhất là các em nhỏ dịp Giáng sinh. Triển lãm mỹ thuật tỉnh Gia Lai Hội Văn học – Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Du lịch tỉnh Gia Lai vừa phối hợp tổ chức Triển lãm mỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2017. Triển lãm giới thiệu 55 tác phẩm tiêu biểu của 32 tác giả trong tỉnh; được sáng tác với các chất liệu đa dạng như sơn dầu, sơn mài, acrylic, khắc gỗ, lụa… Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nêu bật các đề tài: truyền thống yêu nước, lịch sử kháng chiến, văn hóa dân tộc…; phản ánh đậm nét cuộc sống, sinh hoạt và tình hình kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Triển lãm diễn ra hết ngày 14-12. Trưng bày tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Cường Tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam (49 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa khai mạc triển lãm trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Cường với chủ đề Trong mơ, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc. Nguyễn Văn Cường là họa sĩ tiêu biểu cho trường phái lãng mạn đồng quê Việt Nam, đã có nhiều triển lãm quốc tế. Trong các tác phẩm của anh, người xem luôn bắt gặp hình ảnh trâu bò, trẻ thơ, lò gạch, cánh đồng, con sông quê, lũy tre làng… Triển lãm trưng bày 39 tác phẩm được họa sĩ vẽ trên các chất liệu sơn dầu, bột mầu và giấy dó; thể hiện cảm xúc của họa sĩ khi mơ về một miền ký ức tươi đẹp, nhiều kỷ niệm thuở thiếu niên hay mong muốn thoát khỏi cuộc sống nơi phố phường chật hẹp. Triển lãm diễn ra hết ngày 18-12. Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |