Tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Nhóm chuyên gia nghiên cứu kiến trúc Nhật Bản tổ chức ngày 22-2 tại Hà Nội đã công bố những kết quả nghiên cứu mới về kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý – Trần và trao đổi nhiều quan điểm khoa học.


Cuộc tọa đàm nằm trong chương trình “Nghiên cứu quá trình hình thành phong cách kiến trúc gỗ Việt Nam thông qua nghiên cứu các đối tượng khảo cổ học và các tư liệu tham khảo” từ năm 2013 đến năm 2016. Dự án Nghiên cứu khoa học này được sự tài trợ của Quỹ Khoa học Nhật Bản KAKENHI.

Dấu tích kiến trúc móng sỏi rộng 1m của tường bao ở Hành cung Lỗ Giang (di tích thời Trần)


Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong những năm 2002-2004 và 2008-2009 đã tìm thấy phần còn lại của những tòa nhà kiên cố thể hiện rõ qua dấu tích nền móng các công trình. Những dấu tích này đã khẳng định giá trị và tầm quan trọng đặc biệt của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Tuy nhiên, tất cả những phát hiện về di tích kiến trúc chủ yếu tìm thấy phần nền móng (phần dưới) cùng những loại hình vật liệu của những công trình kiến trúc đó.

Bối cảnh nói trên cho thấy, việc nghiên cứu nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần là vô cùng khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở dữ liệu về phần giữa và phần trên của công trình kiến trúc, đó là hệ thống khung gỗ và khung giá đỡ bộ mái của các điện, gác, sảnh đường, lầu gác…

Để có thể đánh giá đầy đủ các giá trị khoa học của từng loại hình di tích kiến trúc và di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, hướng tới việc xây dựng hệ thống hồ sơ khoa học chi tiết, thì việc nghiên cứu, so sánh để nhận diện, phân loại, sơ đồ hóa, mô hình hóa, khảo cứu về vật liệu, đồ án kiến trúc, kỹ thuật xây dựng… là công việc quan trọng. Điều này cũng góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản cũng như để làm tốt công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản.

GS TS. Shimizu Shinichi (Đại học Tokushima Bunry) thuyết trình tại cuộc Tọa đàm.

Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản tham gia cuộc Tọa đàm đã tập trung thảo luận những chủ đề chính:

– Những kết quả nghiên cứu mới về mô hình kiến trúc Việt Nam và mối quan hệ với kiến trúc trong khu vực châu Á.

– Những kết quả nghiên cứu mới về vật liệu kiến trúc qua loại hình và chức năng sử dụng.

– Những kết quả mới về khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu sử học về kiến trúc, về hành cung thời Lý, Trần (bao gồm cả kiến trúc cung điện, kiến trúc tôn giáo cũng như mối quan hệ với nghệ thuật Champa trong lịch sử).

– Những kết quả nghiên cứu mới về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý dưới ánh sáng tư liệu của khảo cổ học.

Các tham luận tham gia Tọa đàm đề cập đến những thành tựu nghiên cứu mới liên quan đến kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý – Trần dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ học và sử liệu. Đây là bước khởi đầu cho hướng tiếp cận nghiên cứu mới về kiến trúc cổ Việt Nam nói chung, kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý – Trần nói riêng trong tương lai.

Tọa đàm diễn ra trong ba ngày, từ ngày 22 đến ngày 24-2, trong đó ngày 23-2 các nhà khoa học sẽ tới khảo sát trực tiếp tại khu vực khai quật khảo cổ Hành cung Lỗ Giang (thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Theo Ngữ Thiên – Nhân dân điện tử