Những bức tranh trên báo cũ, với sự cộng hưởng của sắc màu, của chất liệu, tạo nên vẻ đẹp của thời gian. Tranh trên báo cũ, một chất liệu cũ, nhưng được kể bằng một sắc màu mới của đời sống hôm nay, như là sự nối dài của ký ức…

Câu chuyện của ký ức

Triển lãm “Nhân dân – Tranh trên báo cũ” diễn ra nhân dịp kỷ niệm 65 năm Báo Nhân dân ra số đầu tiên đã vượt ra khỏi khuôn khổ sự kiện của một tờ báo. Bởi triển lãm đã quy tụ được hầu hết những gương mặt họa sĩ đương đại. Không dễ để cùng lúc có mặt toàn những nhân vật họa sĩ tên tuổi, những người đã và đang làm nên diện mạo của đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại: Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Thành Chương, Đỗ Hoàng Tường, Hoàng Phượng Vỹ, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Lê Thiết Cương, Đặng Tiến, Lý Trực Dũng, Phạm An Hải, Vi Kiến Thành… Cả những gương mặt nữ như Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Thị Hồng Phương hay những cá tính trẻ hơn: Doãn Hoàng Lâm, Phạm Hà Hải, Trương Tiến Trà, Phạm Trần Quân…

Tác phẩm Con trâu là đầu cơ nghiệp. Tác giả Thành Chương. Bột màu trên giấy báo Thời nay số 584 ngày 20-8-2015.

Có lẽ người xem hôm nay đã quen với những bức tranh được làm bằng những chất liệu sang trọng, trưng bày trong những không gian lộng lẫy. Những bức vẽ trên báo cũ chỉ còn lại trong ký ức của thế hệ 6X, 7x. Vì thế, triển lãm “Tranh trên báo cũ” như là sự đánh thức ký ức của nhiều người, thể hiện tình yêu, sự trân quý của các họa sĩ đối với một chất liệu đã thuộc về quá khứ. Nó như một mạch ngầm nối hiện tại với quá khứ. Và đâu đó, trong ký ức của những họa sĩ đã lớn lên trong những năm tháng chiến tranh, trước đổi mới, vẽ trên báo cũ trở thành kỷ niệm. Một thời, ở Việt Nam, đời sống khó khăn, chất liệu vẽ hiếm hoi, thiếu thốn, nhiều họa sĩ đã lấy giấy báo cũ ra để vẽ. Họa sĩ Thành Chương kể: “Họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nhà tôi chơi nổi hứng muốn vẽ. Màu có sẵn, nhưng không có giấy nên đành lấy tranh của mình ra, Bùi Xuân Phái lật mặt sau ra vẽ tranh của ông lên. Bức tranh đó giờ thành có hai mặt, một mặt là tranh Thành Chương và mặt kia là tranh Bùi Xuân Phái. Khi ông ấy vừa vẽ vừa tủm tỉm chuyện trò, cái này Thành Chương vẽ trừu tượng thì mình vẽ có hình, chỗ này Thành Chương vẽ màu nóng thì mình vẽ màu lạnh, vừa vẽ vừa tỉ tê chuyện trò, và vẽ một bức tranh ngược lại hoàn toàn với bức tranh của mình. Để thấy thời ấy khó khăn như thế nào, đến một họa sĩ như Bùi Xuân Phái, nổi hứng muốn vẽ mà chẳng có lấy nổi một tờ giấy để vẽ, phải vẽ mặt sau của bức tranh cũ; trở thành một kỷ niệm thú vị, quý giá cho đời sống của mình thời gian đó”.

Với họa sĩ Hồng Phương, đó là câu chuyện của thân phụ chị, họa sĩ Nguyễn Bích: “Thời bao cấp, bố tôi cũng thường tận dụng báo cũ nhuộm nước trà cho ngả màu để vẽ. Vì thế khi được đặt hàng ý tưởng này, tôi rất thích vì nó giúp tôi được sống lại những kỉ niệm ngày xưa. Tôi thấy rất thích thú vì giấy báo có những sắc độ màu ma-che mà mình không thể tự tạo lên được. Bởi trên giấy báo, title, ảnh đều tạo không gian cho họa sĩ tận dụng các mảng màu rất sâu mà trên giấy thường không có”.

Và câu chuyện hôm nay

Nhưng không chỉ là câu chuyện của ký ức. Vẽ tranh trên báo cũ đã khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ đương đại, bởi họ đang vẽ trên một nền tảng văn hóa. Chất liệu cũ nhưng câu chuyện mới, sẽ tạo nên những sắc màu mới. Báo cũ, với các họa sĩ hôm nay không đơn thuần chỉ là vật liệu, mà trở thành một chất liệu sáng tác. Sự tung hứng của từng trang báo, với nét vẽ của họa sĩ, tạo thành nét độc đáo, riêng biệt. Vẫn là Đào Hải Phong, Thành Chương, Hoàng Phượng Vĩ, Phạm Luận, nhận là ra, dù bột màu báo cũ, hay sơn dầu, họ vẫn là những cá tính hội họa không thể trộn lẫn. Cảm hứng từ những trang báo, họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Khi nhìn trang báo thấy rất hay về văn hóa văn nghệ, nói về cội nguồn nhà lang, anh em họa sĩ nghệ sĩ đang chung tay đóng góp lấy tiền phục dựng lại nhà lang bị cháy này. Bản thân tờ báo này, với những mảng miếng như thế, nội dung như thế đã gợi cho tôi tạo hình bố cục của một ngôi nhà, hình ảnh con trâu, vốn với người Việt con trâu là đầu cơ nghiệp, cũng như ngôi nhà văn hóa này là nền tảng của sự phát triển của xã hội”. Dùng giấy báo cũ làm chất liệu, hóa ra là tìm tòi mà họa sĩ Đặng Xuân Hòa thử nghiệm từ lâu, triển lãm thành lý do thú vị để anh trình làng sự phá cách mới, trong hành trình luôn vận động của mình… “Trong bức sơn dầu của tôi, tôi dùng tờ báo cũ làm giấy gói cho một bó hoa hướng dương rất to. Bó hoa như mặt trời, cũng tượng trưng cho Đảng. Bức tranh chuyển tải thông điệp “Nhân Dân luôn hướng về Đảng, bảo vệ Đảng””, Đặng Xuân Hòa tự bạch. Còn họa sĩ Lý Trực Dũng thú nhận: “Khi vẽ trên giấy báo, người ta thấy rõ măng-sét. Mọi thứ trên tờ báo đều tạo ra hiệu ứng nhất định trên bức tranh. Và khi nhìn tranh, người ta vẫn thấy, vẫn đọc được gì đó trên bức tranh thì rất hay. Tôi chọn những trang báo đen trắng, sắc độ của màu sẽ thể hiện tốt hơn trên màu xám vàng của giấy báo. Trên giấy cũ, màu sắc thường rất đẹp và có chiều sâu”.

Vẽ trên báo cũ đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ trẻ, như một sự tìm tòi, khám phá chính mình. Họa sĩ Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Dương Tiến Trà đều hào hứng với triển lãm này. Với Phạm Trần Quân, khi cầm cọ vẽ trên báo cũ, có những lúc anh nghẹn ngào xúc động: “Tôi đã vẽ rất nhiều tác phẩm, rồi chọn được 3 bức ưng ý nhất. Sự cộng hưởng của Ban tổ chức với các họa sĩ như những đốm lửa nhỏ hợp thành một ngọn lửa lớn. Trên tờ báo, các nhà báo đã sáng tạo một lần. Khi dùng nó làm nguyên liệu, họa sĩ sáng tạo thêm một lần nữa nên sự sáng tạo đã được nhân đôi. Có thể nói, triển lãm chỉ sử dụng những nguyên liệu “rẻ tiền” nhưng mang lại những giá trị phi thường và hiệu quả xã hội vô giá”.

Tác phẩm “Buổi sáng trên biển Mỹ Khê”. Tác giả Phạm Luận. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 218, tháng 6- 2015.

Triển lãm tranh trên báo cũ không chỉ tri ân quá khứ, mà sức sống của những trang báo, những câu chuyện, những hồi ức xưa cũ sẽ được nối dài mãi trong đời sống hôm nay, trong câu chuyện hôm nay.

Họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ

Chất liệu bột màu trên báo cũ không mới, ở phương Tây đã làm từ rất lâu rồi. Ở ta, trong thời chiến, điều kiện sống rất khó khăn, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã sử dụng những tờ báo Văn nghệ được biếu để vẽ, tạo hiệu quả thị giác cùng vẻ đẹp khác lạ so với những tác phẩm vẽ trên giấy thường. Có sự kết hợp của chữ in (tính đồ họa) và những hình vẽ (bằng tay, handmade), sự giao thoa được thể hiện trong bức tranh.

Thế hệ của chúng tôi ngày nay có nhiều vật liệu cao cấp nhưng vẽ trên chất liệu báo cũ rất thích thú vì được trở về và sống lại với tuổi thơ của mình, khi nhìn thế hệ cha anh sáng tác ngày xưa trên giấy báo. Nó tạo cảm hứng rất lớn cho các họa sĩ sáng tác. Vẽ trên giấy báo khác trên giấy thường. Họa sĩ chừa lại chi tiết hoặc phủ màu trong suốt, hoặc bôi màu nhiều sắc độ đậm nhạt, hoặc để nguyên những khoảng trống, để lại phần chữ in. Đây là cuộc triển lãm hết sức công phu, kĩ lưỡng. Ban tổ chức đã tâm huyết lựa chọn được nhiều họa sĩ tên tuổi sáng giá của hội họa Việt Nam đương đại. Đây cũng là sự tri ân của người làm báo đối với họa sĩ và đem lại niềm hạnh phúc rất lớn cho những người cầm cọ.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa

Ý tưởng đặt hàng họa sĩ vẽ trên giấy báo là sáng kiến hay, bởi nhiều khi, mới – cũ hoà trộn với nhau thì phong phú hơn. Nghệ sĩ thì hay hoài cổ, thường quay đi quay lại từ chất liệu tới đề tài. Nhờ thế mà sống lại được kí ức.

Những bậc thầy hội họa cùng cả thế hệ chúng tôi từng sống trong nghèo khổ, vẽ trong thiếu thốn, sáng tác trên mọi chất liệu có thể. Chất liệu cũ cộng với ý tưởng mới sẽ tạo nên hơi thở mới.

Tôi không dùng bột màu mà sử dụng sơn dầu, hiệu quả lên rất lạ. Thay vì đọc một tờ báo xong và bỏ đi, nhờ tác phẩm hội họa, chúng tôi tận dụng được, giữ lại gần như trọn vẹn trang báo cho nhiều năm sau. Nó sẽ như một trang nhật ký hàng ngày, mình giữ nó lại bằng một tác phẩm nghệ thuật. Cái chính là vẽ gì, vẽ thế nào trên trang báo mới là quan trọng. Đây là một sự kiện nghiêm túc và rất đáng trân trọng. Triển lãm là một bước tiếp theo trên nền tảng cộng tác giữa những người làm báo và các cộng tác viên thân thiết là họa sĩ. Nguyên liệu báo cũ nhưng hoạt động thì rất mới, triển lãm là một đóng góp cho đời sống mĩ thuật và nghệ thuật nói chung.

 

Theo Việt Hà – VNCA