Tranh giả công khai
Đến bây giờ, họa sĩ Thành Chương vẫn chưa quên được cảm giác sửng sốt và tức giận khi được biết có bức tranh của mình vẽ, vẫn còn người thật việc thật, được treo dưới cái tên của một họa sĩ khác. Giữa năm 2016, ông Vũ Xuân Chung mở một triển lãm tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mang tên “Những bức tranh từ châu Âu”, với các bức vẽ được giới thiệu là của những họa sĩ tên tuổi, gạo cội của nền mỹ thuật Đông Dương và Việt Nam được đem về từ các nhà đấu giá châu Âu. Tuy nhiên, khi tham quan triển lãm, nhiều người đã phát hiện ra phần lớn tranh trong số đó là tranh giả, trong đó tệ nhất là hai bức tranh mạo danh. Một trong số đó là bức “Chân dung cô Kim Anh” được họa sĩ Thanh Chương vẽ vào khoảng từ năm 1970-1975 nhưng được treo dưới cái tên “Trừu tượng” và tác giả là họa sĩ Tạ Tỵ.
Tranh của họa sĩ Thành Chương được gán tên họa sĩ Tạ Tỵ trong cuộc trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi được thông báo, họa sĩ Thành Chương đã lập tức đến tận nơi xem và gửi ngay đơn tố cáo đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, bởi ông vẫn còn đầy đủ các chứng cứ để chứng minh đó là bức tranh của mình. Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành đã phải bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chủ trì một hội đồng nghệ thuật để thẩm định toàn bộ 17 bức tranh treo trong triển lãm, và ra một văn bản chính thức khẳng định trong số này 15 tranh là giả, hai tranh còn lại là mạo danh, mặc dù chủ nhân triển lãm là ông Vũ Xuân Chung khẳng định các bức tranh này đều được nhà đấu giá danh tiếng Christie chứng nhận. Hội đồng thẩm định cũng đề nghị Bảo tàng tạm giữ toàn bộ số tranh để cơ quan chức năng xử lý.
Tuy nhiên, trong khi còn đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, thì ông Vũ Xuân Chung đã nhanh chóng thuê xe đến chở toàn bộ số tranh giả đi. Phía Bảo tàng cho biết, họ chỉ là nơi cho mượn địa điểm trưng bày chứ không có chức năng tạm giữ. Vụ việc cũng dần trôi vào im lặng, đồng nghĩa với nỗi thất vọng của giới họa sĩ lại đầy thêm, bởi đã vuột đi mất một cơ hội hiếm có để lần ra được (có thể là tận gốc) đường dây làm tranh giả.
Mới đây, các họa sĩ lại có cơ hội thứ hai khi tình cờ phát hiện ra một xưởng ngang nhiên sản xuất và rao bán tranh giả. Họa sĩ Đặng Tiến (Hải Phòng) kể lại: “Tình cờ tôi thấy trong một chương trình trên truyền hình có giới thiệu một cơ sở trưng bày tranh, và ông chủ cơ sở ấy trả lời phỏng vấn rằng đây là những bức tranh do ông ta vẽ. Nhưng trong khung hình có lọt vào một bức tranh của tôi, và đây là bức tranh tôi đã bán. Tôi đã ngay lập tức tìm kiếm và gọi vào số điện thoại của xưởng tranh đó nhưng không được. Sau đó mấy anh em họa sĩ ở Hải Phòng có nhắn tin và nhận được lời xin lỗi của chủ xưởng tranh đó. Họ cũng phát hiện ra không chỉ tranh của tôi mà nhiều họa sĩ khác cũng bị nhái tranh.
Họa sĩ Phạm An Hải cho biết, anh đã từng phát hiện tranh của mình bị làm giả và nhái chữ ký, đã từng đến tận nơi phanh phui được cả người làm và người mua tranh giả, có đủ cả tang chứng vật chứng là ông Bảo Khánh ở phố Đỗ Hành. Và điều mà các họa sĩ bức xúc là những sự việc như thế này tái diễn rất lâu và nhiều. Họa sĩ Phạm An Hải cho biết: “Có những người khi tranh của tôi vừa đưa lên FB là họ chép lại ngay, nhưng chỉ nhái độ 70% và ký tên họ. Khi tôi lên tiếng thì họ nói rằng đó là tác phẩm họ vẽ từ cách đây 5-7 năm về trước chứ không phải vừa mới vẽ”.
Tràn lan tranh giả ở thị trường nước ngoài
Không chỉ hoành hành trong nước, tranh giả đã lan ra cả thị trường nước ngoài và xâm nhập vào tận những gallery, nhà đấu giá uy tín. Họa sĩ Đào Hải Phong là một trong những người bị vi phạm bản quyền rất nhiều và rất sớm, từ những năm 2005-2006. Thậm chí anh có cả bằng chứng về sự vi phạm tranh của mình ở Hồng Công từ năm 2006. Đào Hải Phong kể lại một câu chuyện “cười ra nước mắt” xảy ra với chính anh: “Có một ông khách nước ngoài đến xem tranh của tôi, cũng là chỗ quen biết nên sau đó ông đã dẫn tôi đến một nơi mà ông bảo tôi “nên đến”. Ở đó những bức tranh vẽ lại tác phẩm của tôi, ký tên tôi được bày bán ngang nhiên. Và vị khách đó chốt lại với tôi một câu: “Đó là cái giá của sự nổi tiếng”.
Bức tranh giả Lê Phổ vẽ người phụ nữ có hai bàn tay trái.
Tranh giả trà trộn vào tranh thật, và thực tế là ngay cả những nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby, Christie cũng không thể phân biệt được đâu là giả, đâu là thật và không ít lần rao bán cả tranh giả. Điển hình nhất là hồi tháng 9-2017, nhà đấu giá Sotheby ở Hồng Công đưa ra đấu giá 60 bức tranh của Việt Nam, trong đó có bức tranh lụa được giới thiệu là bức “La Famille” của họa sĩ Lê Phổ (vẽ vào giai đoạn 1938-1940), bán với giá 2,5 triệu HKD. Điểm đặc biệt là nhiều họa sĩ đã phát hiện ra bức tranh mặc dù có bút pháp khá giống với họa sĩ Lê Phổ nhưng lại vẽ người mẹ có tới hai bàn tay trái, và cánh tay vẽ thô vụng như không có xương, cùng với nhiều điểm vô lý khác…
Ngay cả vụ trưng bày 17 bức tranh giả mạo ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, chủ nhân bộ sưu tập là ông Vũ Xuân Chung khẳng định 17 bức tranh này đều có chứng nhận từ nhà đấu giá Christie, do chuyên gia là ông J Francois Hubert thẩm định.
Họa sĩ Đào Hải Phong cho biết, tranh trên thị trường nước ngoài phổ biến nhất là làm giả tranh của các họa sĩ lão thành, các họa sĩ thời kỳ Đông Dương. Phổ biến nhất là các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… Đến mức có nhà sưu tầm còn thốt lên: “Ông Phái mất rồi nhưng vẫn còn vẽ tranh”…
Chính tình trạng tranh giả tràn lan và có phần lấn át cả tranh thật một cách ngang nhiên đã khiến cho thị trường mỹ thuật Việt Nam ngày càng mất đi giá trị trên thế giới, và các nhà sưu tầm luôn dè chừng khi định mua tranh của Việt Nam. “Đó là một tổn thất lớn đối với hội họa Việt Nam” – nhiều họa sĩ bức xúc bày tỏ.
Nguồn: Nhandan.com.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài
|