Con gà là một loại vật nuôi gần gụi với con người, nó được gọi là “gia cầm”. Ở Việt Nam dưới mỗi nếp nhà đều có đàn gà quanh quẩn, một vài ổ trứng. Những câu tục ngữ ví von gắn với con gà cũng khá nhiều, nào là “Gà đẻ, gà cục tác”, “Chữ xấu như gà bới”, “To như gà mái ghẹ”.v.v. trong phong thủy Gà Trống còn có tác dụng hóa giải các điều xấu trong nhà, chiêu tài lộc và hỗ trợ cho người làm kinh doanh.

Người xưa vì yêu quý cũng đã vẽ những bức tranh về con gia cầm này. Nào thì ở làng tranh Đông Hồ có “Con gà trống gáy sáng”. “Đại Cát”, “Gà mẹ, gà con”.v.v. các dòng tranh khác như Hàng Trống, Kim Hoàng cũng có tranh gà.  Người xưa vẽ tranh Gà vì gà có nhiều những đặc tính bản năng rất phù hợp với giáo lý Nho giáo xưa. Với đặc tính thức dậy sớm, người xưa dùng gà để đo lường thời gian nên con Gà được gắn với đức Tín. Con gà đầu đội mũ (mào gà trống) là đứcVăn, chiếc mào gà dựng đứng cao thẳng thể hiện chí khí, bước đi nhanh là đức Võ, gặp địch dám chiến đấu là Dũng, có miếng ăn biết gọi đàn là Nhân.

Con gà trống còn được gắn cho một quẻ bói tốt nhất cho mọi việc đó là quẻ Đại Cát, trong tranh người vẽ đã gửi tới tất cả mọi người lời chúc bằng cái tên của quẻ bói kia- Đại Cát. Khi vẽ đàn gà, ngoài cái ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, người xưa còn gửi gắm vào bức tranh một “mối tình mẫu tử” thiêng liêng, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình.

Trong  bức tranh “Con gà trống gáy sáng”, con gà thật vững vàng, chân trái dựa nhẹ bên khóm trúc, chân phải đặt lên mỏm đá mấp mô, toàn thân như đang trườn lên phía trước, đầu ngẩng cao, mất mở to, ức ưỡn ra, đuôi xòe rộng… tạo nên ấn tượng chắc khỏe, đầy tin tưởng vào ngày mới tốt đẹp. Bức tranh “Gà mẹ gà con” hay “Gà đàn”, với nhiều cách diễn tả khác nhau là một trong những loại tranh gà đẹp nhất còn giữ lại cho đến nay. Trên tranh, con gà mái lớn đang ngậm con ong, đang hiền từ, chăm chút các con. Mười chú gà đứng quanh gà mẹ: con đang rỉa lông, con đang đùa chạy, con nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, như dường như tất cả đang hướng về một phía, phía miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được. Hai chân gà mẹ giang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn bị giữ thế trước sự giành mồi của các con gà, sắp bổ nhào tới.  Sự sắp xếp chỗ đứng của từng con gà rất được chú ý, khiến người xem thấy được ngay cái rộn ràng, vui vẻ của đàn gà. Trong bức tranh “Đại cát”, gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng.Trong tiếng Hán, đại  (gà trống) gần âm với chữ đại cát, chữ ghi trong tranh thay cho lời chúc tốt lành mà người ta gửi đến nhau.

Có một công thức nghệ thuật của người xưa là: khi vẽ gà thì vẽ kèm hoa cúc (còn vẽ vịt thì kèm hoa sen) – theo phương ngôn “cúc kê, liên áp” nghĩa là cúc gà, sen vịt. Dù sao đi nữa, thêm cúc và sen (hoặc hoa, hoặc lá) vào tranh gà chẳng những không làm giảm giá trị nghệ thuật mà còn tăng thêm ý nghĩa của bức tranh.

Gà – tranh Thành Chương

Khi ngắm những bức tranh của người xưa để lại, nhà thơ Hoài Anh đã có bài thơ về “Bức tranh Gà”, xin trích vài câu:

Khuôn tranh làng Hồ

Thơm mùi gỗ thị

Vỏ xơ mướp khô

Vuốt trên giấy bản

Sắc màu đã tô

Bác thợ lật giấy

Con gà đứng dậy

Ô sao bỗng thấy

Mắt gà chớp nhanh

Mắt bác không chớp.

Cái mào lửa cháy

Cổ vươn tiếng gáy

O o bình minh…

CÁC HỌA SĨ NGÀY NAY CŨNG HAY VẼ GÀ, HỌ VẼ GÀ BỞI NGOÀI NHỮNG ĐỨC TÍNH ĐƯỢC NGƯỜI XƯA ĐÃ NÊU LÊN, MÀ CÒN BỞI CON GÀ CÓ CẤU TRÚC VÓC DÁNG KHÁ BẮT MẮT. HỌA SĨ LÊ TRÍ DŨNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG HỌA SĨ VẼ CON GIÁP CŨNG RẤT ĐẸP, NHỮNG TRANH DÊ, KHỈ, HỔ CỦA ÔNG ĐẸP, NHƯNG ĐẸP NHẤT LÀ NHỮNG CON NGỰA…ĐẸP ĐẾN NỖI NÓ ĐƯỢC BẠN BÈ GẮN VỚI TÊN ÔNG THÀNH CÁI TÊN THÂN MẬT…DŨNG NGỰA. NĂM NAY, HỌA SĨ LÊ TRÍ DŨNG CŨNG KHÔNG QUÊN CON GÀ, ANH ĐÃ VẼ TỪ CẢ THÁNG TRƯỚC, CŨNG XÊM XÊM CHỤC BỨC VÀ ĐẶT TÊN BỘ TRANH NGŨ SẮC HÙNG KÊ…NHỮNG CON GÀ TRONG TRANH CỦA ANH-  THEO ANH NÓI –  NÓ ĐANG VƯƠN LÊN, VỚI DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM.

TRANH GÀ- HỌA SĨ LÊ TRÍ DŨNG

HỌA SỸ PHẠM AN HẢI- NGƯỜI ĐÃ CÓ TRANH THAM GIA TRÊN SÀN ĐẤU GIÁ SOTHEBYS, NHỮNG NĂM TRƯỚC ANH VẼ NHỮNG CON GIÁP NHƯNG THƯỜNG LÀ ĐỂ TẶNG BẠN BÈ. NĂM NAY, HẢI CŨNG VẼ GÀ. LÀ NGƯỜI CHUYÊN VẼ TRÌU TƯỢNG, VÀ RẤT GIỎI XỬ LÍ ÁNH SÁNG, TRANH  GÀ CỦA HẢI ĐƠN GIẢN VỚI HAI MẦU ĐEN TRẮNG VÀ NHỮNG ĐIỂM ĐỎ.  NHỮNG CON GÀ CỦA ANH DƯỜNG NHƯ HIỆN DIỆN DƯỚI NHỮNG ÁNH NẮNG CỦA MÙA ĐÔNG NĂM NAY. KHÔNG GẮT CHÓI, NHỮNG VẪN THẤY ĐƯỢC CHIỀU SÂU KHÔNG GIAN. NHỮNG CON GÀ KHÔNG RÕ, NHƯNG  NGƯỜI XEM VẪN CẢM GIÁC ĐƯỢC CẢ ĐÀN GÀ ĐANG XAO XÁC, CỰA QUẬY VÀ HÌNH NHƯ NGHE ĐƯỢC CẢ NHỮNG TIẾNG LÍCH CHÍCH TỪ NHỮNG CHẤM ĐỎ TRONG TRANH.


HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG TUỔI TÝ, TỬ VI NÓI RẰNG NGƯỜI TUỔI TÝ YÊU GHÉT RẤT RÕ RÀNG, KHÔNG A DUA, YÊU THÌ RẤT THÂN THIẾT, GHÉT THÌ XÚC ĐẤT ĐỔ ĐI, NÊN LÀM CHÍNH TRỊ THÌ KHÓ THÀNH CÔNG CÒN LÀM VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT THÌ CÓ THỂ TẠO ĐƯỢC TIẾNG NÓI RIÊNG.

BẨY TUỔI, CẬU BÉ THÀNH CHƯƠNG ĐÃ BIẾT CẦM BÚT MÀU VẼ TRANH TRƯỚC KHI CẦM BÚT MỰC ĐỂ VIẾT CHỮ. BỨC TRANH “HAI CON GÀ TỒ” CỦA CẬU ĐÃ GIÀNH GIẢI VÀNG CUỘC THI VẼ TRANH THIẾU NHI QUỐC TẾ TỔ CHỨC TẠI ANH QUỐC. CÓ LẼ ĐÓ CHÍNH LÀ NHỮNG TÍN HIỆU BÁO TRƯỚC MỘT TÀI NĂNG SAU NÀY. ĐÚNG NHƯ VẬY, ANH ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HỌA SỸ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI, SÁNG GIÁ. ANH LÀ MỘT TRONG SỐ KHÔNG NHIỀU HỌA SỸ CỦA NƯỚC TA SỐNG BẰNG NGHỀ. NĂM NAY, ANH CŨNG VẼ GÀ, GÀ CỦA ANH CHẮC KHỎE, CÁC MẢNG MẦU RÕ RÀNG, TƯƠI RÓI. ĐÔI CHÂN TRỤ CHẮC, NGHẢNH ĐẦU VỀ PHÍA MẶT TRỜI NHƯ HƯỚNG TỚI NGUỒN SÁNG CỦA CUỘC ĐỜI- NGHỆ THUẬT. XEM TRANH GÀ CỦA ANH THẤY SỰ SÁNG TẠO LIÊN TỤC, HƠN 90 BỨC TRANH, KHÔNG CON GÀ NÀO GIỐNG NHAU MỖI CON MỘT VẺ. ĐƯỢC BIẾT SẮP TỚI HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG SẼ TRIỂN LÃM TRANH VỀ CON GÀ ĐỂ KỈ NIỆM 60 NĂM BỨC TRANH “ HAI CON GÀ TỒ” CỦA ANH.

Xưa và nay, nghệ thuật được các tác giả nhìn nhận khác nhau, thể hiện khác nhau nhưng có lẽ tình cảm với những gì thân thuộc, gần gũi với cuộc sống thì chẳng khác nhau là mấy…nhất là với những con Gà.

Anh Chi – Vanvn.net