MI LAN

Cảnh trong phim “Touch Me Not”.

Có lẽ chưa năm nào giải thưởng cao nhất của LHP Berlin lại tạo ra một cuộc tranh cãi và phản ứng dữ dội như năm nay. Sự lên ngôi của “Touch Me Not”, do đạo diễn người Romania Adina Pintilie thực hiện, đã khiến các nhà phê bình dấy lên một cuộc phản đối chung quanh đề tài, nội dung và cách thể hiện của bộ phim “khác thường” này.

Thông thường, “công thức” cho một phim đoạt giải ở LHP Berlin thường là quanh các đề tài về tình dục, xung đột sắc tộc, chiến tranh, tôn giáo hoặc chính trị. “Touch me not”, bộ phim đoạt giải năm nay thiên về xu hướng tình dục, nhưng cách thể hiện khá đậm đà, với dày đặc các cảnh nhạy cảm, khỏa thân…, tới mức tờ Reuters mô tả “bộ phim đã khiến không ít khán giả phải bỏ chạy khỏi rạp chiếu vì những cảnh quay quá trần trụi”.

Trước “Touch Me Not”, không ít phim có đề tài tương tự như “Antichrist”, “In the Realm of the Senses”, “Blue Is The Warmest Color”… đều đã từng gây sốc ở các LHP quốc tế, nhưng chưa phim nào đến mức này.

Nhà phê bình Elizabeth Grenier của tờ DW (Đức) cho rằng, phim đoạt giải Gấu vàng năm nay không “được lòng” số đông công chúng. Phim đầy các cảnh khỏa thân trần trụi, hình ảnh các cơ thể dị thường và cảnh quay cũng không bình thường, và rõ ràng bộ phim có số lượng khán giả rất hẹp, vì không phải ai cũng có thể “thẩm” được những cảnh quay và cách làm phim này. Bộ phim không chỉ gây sốc những người tham dự LHP, mà còn là một trong những thành tựu tồi tệ nhất của những người cầm cân nảy mực trong Ban giám khảo, những người cân đo đong đếm tất cả các phim tranh giải của một trong những LHP lớn nhất thế giới. Thậm chí một nhà phê bình đã chấm vỏn vẹn một sao cho phim với lời nhận xét ngắn gọn: “nghèo nàn”.

Bà Elizabeth Grenier cũng nhấn mạnh rằng trong số phim tham gia tranh giải, hai ứng cử viên của Đức khá mạnh và xứng đáng hơn. Đó là “In the Aisles” của đạo diễn Thomas Stuber và “Transit” của đạo diễn Christian Petzold chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Anna Seghers về chiến tranh thế giới thứ 2. Hai tác phẩm này, theo nhà phê bình Elizabeth, chắc chắn xứng đáng với tượng Gấu vàng hơn và làm vừa lòng số đông công chúng hơn là “Touch Me Not”. Nhất là khi Trưởng Ban giám khảo lại là nhà làm phim kỳ cựu của Đức Tom Tykwer, công chúng đã ít nhiều hy vọng vào sự khởi sắc của điện ảnh chủ nhà tại LHP năm nay.

“Touch Me Not” kể câu chuyện về Laura Benson, một phụ nữ ở tuổi 50 gặp một số vấn đề về tình dục và phải đi gặp bác sĩ điều trị. Từ đây bà cũng gặp những nhân vật khác liên quan đến vấn đề này, và đã có những trải nghiệm khác thường.

Trong phim, đạo diễn Adina Pintilie là một phần của câu chuyện, với vai trò một nhà làm phim đang thực hiện nghiên cứu về đề tài tình dục và sự gần gũi. Bằng cách hòa trộn, kết hợp các diễn viên với những nhân vật thực ngoài đời, nữ đạo diễn đã tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa phim tài liệu và phim truyện, giữa thực tế và câu chuyện phim, nhưng mọi thứ trong phim dường như rất thật.

Tuy nhiên, Elizabeth cũng thú thật rằng, trước khi xem “In the Aisles”, bà cũng đã nghĩ “Touch me not” có thể sẽ đoạt giải, bởi vì phim này là một thứ mới mẻ đối với gu thường thấy của Berlin là chính trị hay dân tộc. Đây cũng là bộ phim mà bà đã tranh luận với người khác nhiều hơn cả, và đó chính là mục đích của nữ đạo diễn, khi cô này phát biểu trong đêm trao giải rằng cô mong muốn qua bộ phim, mọi người sẽ đối thoại với nhau và với bản thân mình nhiều hơn.

Gay gắt hơn, Peter Bradshaw, một nhà phê bình của tờ The Guardian đã chỉ trích lựa chọn của Ban giám khảo LHP Berlin là “thảm họa”. Peter Bradshaw cho rằng, giải Gấu vàng năm nay là một sự “tối dạ” và “vô giá trị”, đi ngược lại dư luận. Ông viết: “Bộ phim nửa tài liệu nửa phim truyện về tình dục này dìm tôi trong làn sóng của sự trầm cảm, của sự tệ hại và cảm giác hổ thẹn, với cách tiếp cận chủ đề nhẹ và nông cạn.

Peter Bradshaw còn cho rằng, việc lựa chọn “Touch Me Not” so với các phim khác tốt hơn không phải là một trường hợp cá biệt, mà là một trải nghiệm “rất Berlin”. Thường có những bộ phim kinh khủng trong chương trình của LHP này, và phần lớn được phát hiện ra một cách tình cờ. LHP thường chỉ nhằm quảng bá cho những phim dở và không có giá trị trong danh sách dự giải, để lại những bộ phim tốt cho các chương trình ngoài lề.

Đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị về Berlin, trong bối cảnh các phim đoạt giải ở LHP này có nhiều cơ hội để được đăng quang ở giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh: Oscar.

Theo: Variety, DW

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài