Ngày 23/3/2016, nhạc sĩ Trần Lập được người thân và bạn bè đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Một cuộc đời khép lại ở tuổi 42, nhưng dường như lại mở ra một huyền thoại khác cho công chúng âm nhạc. Nếu nói theo tên các ca khúc của Trần Lập thì “đường đến ngày vinh quang” không phải cách gửi “niềm tin cho cát bụi” mà là cách khước từ “tâm hồn của đá”.


Giới trẻ suốt hai thập niên qua không xa lạ gì với Trần Lập và ban nhạc Bức Tường. Ra đời từ năm 1995 và tuyên bố giải tán năm 2006, ban nhạc Bức Tường với thủ lĩnh Trần Lập đã tạo ra một làn sóng hâm mộ nhạc rock trong công chúng nước ta. Nhạc rock xuất hiện ở Việt Nam bằng sự có mặt của các ban nhạc rock như Da Vàng và Đen Trắng cuối những năm 80 thế kỉ trước. Thế nhưng, phải đến khi Trần Lập và ban nhạc Bức Tường mang những sáng tác đậm dấu ấn của họ lưu diễn khắp ba miền, thì nhạc rock mới thực sự có được chỗ đứng trong dòng chủ lưu âm nhạc. Cuốn tự truyện Bên kia Bức Tường mà Trần Lập xuất bản cách đây vài năm chính là một lát cắt sinh động của lịch sử nhạc rock Việt Nam.


Không ai nghĩ Trần Lập lại ra đi sớm như vậy. Trần Lập có vóc dáng của một tay chơi rock, bụi bặm và khỏe khoắn, gân guốc và ngang tàng. Đáng tiếc, căn bệnh ung thư đã quật ngã Trần Lập ngay lúc tưởng chừng sung mãn nhất để sáng tạo và cống hiến. Trần Lập chống chọi với định mệnh đến giây phút cuối cùng. Và khi buông tay thúc thủ trước số phận vào trưa 17/3/2016, Trần Lập vẫn còn nguyên bản lĩnh của một nghệ sĩ rock mạnh mẽ.

Nhạc rock có một đặc điểm, không thể phân định rạch ròi người chơi, người viết và người hát thì mới định hình được phong cách. Những ca khúc Trần Lập sáng tác, chỉ Trần Lập hát thuyết phục nhất. Ngược lại, Trần Lập chưa bao giờ dám tự tin mình là một ca sĩ hấp dẫn để hát ca khúc của người khác. Sự kết hợp ăn ý giữa Trần Lập và ban nhạc Bức Tường đã giúp công chúng rạo rực cảm giác chinh phục: Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió. Lời hứa ghi trong tim mình. Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao… Và sự kết hợp ăn ý giữa Trần Lập và ban nhạc Bức Tường đã giúp công chúng rộn ràng ý thức sẻ chia: Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá. Sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá…


Trần Lập đã thành công trong ngôn ngữ hard rock để kể những câu chuyện cuộc sống xung quanh. Đóng góp ấy không nhỏ, nhưng cũng chưa phải là đỉnh cao để mọi người ngưỡng vọng Trần Lập. Sẽ đầy nao núng quá lời nếu khẳng định Trần Lập là một tài năng xuất chúng. Trần Lập không ngộ nhận và cũng không ảo tưởng với sự xưng tụng đó. Trần Lập đơn giản như một niềm đam mê được khám phá thế giới âm thanh nội tâm cuồng nhiệt của chính mình. Phẩm chất đẹp đẽ nhất của Trần Lập được bộc lộ trọn vẹn nhất trong suốt bốn tháng đương đầu căn bệnh ung thư. Những ai dù không yêu nhạc rock, cũng vẫn quý mến Trần Lập giai đoạn này.


tran lap

Xác định bị ung thư nghĩa là nhận án tử lơ lửng từng ngày. Thế nhưng, Trần Lập vẫn lạc quan. Không chỉ xuôi ngược chữa chạy Đông y lẫn Tây y, mà Trần Lập còn bình tĩnh khuyên nhủ những người đang trong hoàn cảnh kém may mắn như mình. Trên trang facebook cá nhân, Trần Lập viết rằng: “Khi bạn bị K, bạn mạnh dạn chia sẻ thì may ra mới có nhiều người tốt biết mà giúp đỡ. Bạn thu mình ủ rũ với bản thân vừa u uẩn mà chẳng được cái ích lợi gì. Có người giúp bạn tiền bạc, đừng quá khách sáo ngại ngùng. Quan trọng bạn phải được cứu, bạn sẽ đền đáp họ bằng cách này hay cách khác sau này không muộn. Có người sẽ giúp bạn kết nối với tổ chức này hay tổ chức kia. Nếu bạn may mắn bạn có thể được tài trợ ít nhiều. Những người tốt sẵn lòng giúp có rất nhiều, bạn có thể gặp hoặc không tùy duyên phận. Thế nhưng nếu bạn giấu giếm và sống thu mình quá thì chẳng có duyên phận nào tới nhiều đâu. Với tôi hay với bạn chúng ta sẽ không chiến đấu chỉ một ngày. Nó có thể kéo dài cho tới khi ta bước sang một thế giới khác. Ai rồi cũng sẽ tới lúc như vậy nhưng sống ngày nào thì ngày ấy phải đẹp, phải làm được việc hữu ích cho bản thân và biết san sẻ cho người khó hơn mới đáng sống”.


Trần Lập không chỉ nói suông. Trần Lập hành động từng ngày. Trần Lập giúp vợ thu thập lại những hình ảnh ấm áp của gia đình. Trần Lập chuẩn bị tinh thần cho đứa con trai Bình Minh và đứa con gái Minh Tú. Và Trần Lập nén cơn đau bước lên sân khấu, cùng với ban nhạc Bức Tường thực hiện live show Đôi bàn tay thắp lửa rất hoành tráng tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ – Hà Nội. Hình ảnh Trần Lập hát rock giữa nghẹn ngào của người thân và nước mắt của khán giả là minh chứng cho một khát vọng sống. Live show từ giã của Trần Lập không khác gì live show từ giã của Nghệ sĩ nhân dân Y Moan. Công chúng đều nhận ra ở họ những nỗi hân hoan dâng hiến trọn vẹn của nghệ sĩ đích thực. Âm nhạc vượt qua mọi toan tính nhỏ nhen và thấp hèn. Âm nhạc nhắc nhở sự gắn bó giữa người với người. Âm nhạc thắp lên tình yêu vốn luôn mong manh như “bông hồng thủy tinh”.


Toàn bộ số tiền bán vé từ live show Đôi bàn tay thắp lửa, Trần Lập đã đích thân mang tặng cho trẻ em đang bị bệnh ung thư. Tinh thần ấy, nghĩa cử ấy của Trần Lập đã làm xao xuyến mọi trái tim nhân ái. Khi không hát rock, Trần Lập có sức ảnh hưởng đến xã hội bằng tấm lòng hướng thiện. Khi không hát rock, Trần Lập vẫn có cách của riêng mình để đẩy lùi sự vô cảm đang đe dọa lối sống những người trẻ hôm nay. Nét cười thanh thản của Trần Lập xóa tan bao nhiêu cay đắng và muộn phiền đang bủa vây mình.


Trần Lập nhẹ nhàng rời xa cõi tạm, để lại người vợ trẻ Mai Hoa và hai đứa con thơ dại. Dẫu đau xót, vợ con của Trần Lập vẫn có quyền tự hào về người chồng, người cha đã sống chân thành đến hết cuộc đời ngắn ngủi 42 năm. Là một nhân viên văn phòng lại chấp nhận se duyên với một nghệ sĩ có môi trường sinh hoạt lắm thị phi, chị Mai Hoa yêu chồng và hiểu chồng: “Công việc, cuộc sống nhiều áp lực, nhưng bên cạnh các con, anh ấy bao giờ cũng vui và đầy trách nhiệm. Tính tự lập của anh ấy, sự vượt lên khó khăn và đương đầu với khó khăn của anh ấy, lòng tự trọng với cuộc đời của anh ấy, luôn là một tấm gương cho tôi và các con!”. Tri ân vợ hiền, Trần Lập trong live show từ giã Đôi bàn tay thắp lửa đã hát ca khúc Tiếng gọi tặng người phụ nữ rồi sẽ thay mình gánh chịu bao nhiêu gian nan phía trước: Em cười thứ tha, gõ lên cánh cửa nhỏ. Đánh thức ước muốn từng ngủ quên. Gọi tên tôi thoát xa cơn mơ nào. Chênh vênh bờ đến sau bao gọi mời…

Không ai dám chắc chắn, các ca khúc của Trần Lập sẽ tồn tại bao lâu. Thế nhưng, câu chuyện sống đẹp của Trần Lập sẽ còn được nhớ đến như một vết son trên dòng chảy cuộc đời nhiều nhộn nhạo lắm gieo neo. Vĩnh biệt Trần Lập! Cảm ơn anh đã đến và đã khơi gợi khát vọng sống cho nhiều người: “Ai trong đời cũng có lúc gặp sóng gió. Cuộc đời con người giống như que diêm trước gió, mà mỗi người chỉ có một đôi bàn tay. Nhưng như vậy liệu có đủ? Nếu có nhiều bàn tay, ta có thể cùng nhau nhóm lên ngọn lửa và sẻ chia những tấm lòng nhân ái”.

22/3/2016
L.T.

Nguồn QDND