Trong tác phẩm biên khảo lịch sử, tất nhiên trách nhiệm về tính chân xác của các sự kiện và nhân vật lịch sử trước tiên thuộc về tác giả, kế đến là người biên tập của nhà xuất bản theo cơ chế hiện hành. Đối với tác phẩm dịch thuật, trách nhiệm đó không nhiều thì ít còn thuộc về người dịch, trong trường hợp tác giả để lọt nhiều chi tiết thiếu chính xác về mặt lịch sử…

Tác phẩm “Madam Nhu Trần Lệ Xuân: Quyền lực Bà Rồng”, dịch giả Mai Sơn, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành trong thời gian gần đây gợi cho chúng ta đôi điều suy nghĩ về tính chân xác lịch sử của một tác phẩm. Xin chỉ bàn sơ lược về hai khía cạnh:

Tính chân xác về sự kiện và nhân vật lịch sử:

Điều trước tiên có thể nhận thấy là tác giả Monique Brinson Demery không hề có một ý niệm nào về lịch sử Việt Nam có liên quan đến thời kỳ các nhân vật được đề cập đến trong tác phẩm của cô. Về nhân vật Thân Thị Nam Trân, thân mẫu bà Trần Lệ Xuân, những sai sót biểu lộ một cách khá rõ ràng. Ở trang 15, tác giả Demery viết rằng bà Nam Trân là “công chúa, con của Kiên Thái vương (em vua Tự Đức)…”. Kiên Thái vương là cha ruột của ba ông vua Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi (“Một nhà sinh đặng ba Vua / Vua còn, Vua mất, Vua thua chạy dài”), mất năm 1876.

Nếu là con Kiên Thái vương, bà Nam Trân phải sinh ít nhất vào năm 1876, và do đó bà sẽ lớn hơn chồng bà, ông Trần Văn Chương, vốn sinh năm 1898, những 22 tuổi.  Khi làm quan sát viên Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hiệp Quốc vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, bà Nam Trân phải gần 90 tuổi, và khi chết (1986), bà đã 110 tuổi! Tất nhiên chi tiết này rất sai, vì ở trang 31, tác giả Demery đã kịp đưa bà Nam Trân từ cương vị em gái vua Đồng Khánh (trang 15) trở về vị trí cháu ngoại của chính ông vua này: “Hoàng đế Đồng Khánh, người trị vì trong thời gian ngắn ngủi từ 1885 đến 1889, là ông ngoại của bà”.

Song chính ngay chi tiết bà Nam Trân là “cháu ngoại vua Đồng Khánh” cũng không có cơ sở chứng lý nào vì không thấy có tư liệu khả tín nào xác định thân sinh bà, Thượng thư Thân Trọng Huề, là phò mã của vua Đồng Khánh. Rồi tác giả lại viết: “Một loạt những người anh em họ của bà đã thay nhau kế vị ngai vàng kể từ đó”. Điều này càng buồn cười hơn, vì nếu có là cháu ngoại vua Đồng Khánh thì bà Thân Thị Nam Trân ở cùng thế hệ với ông Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại, cháu nội vua Đồng Khánh. Vĩnh Thụy là người duy nhất thuộc hàng cháu vua Đồng Khánh được cử làm vua, có đâu mà hàng loạt anh em họ của bà Thân Thị Nam Trân thay nhau kế vị ngai vàng như thế!

Bìa cuốn “Madam Nhu Trần Lệ Xuân: Quyền lực Bà Rồng”.

Về năm sinh của bà Thân Thị Nam Trân, cũng có nhiều điều đáng bàn. Theo nhiều tư liệu phổ biến sau cái chết của ông Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân vào năm 1986 thì bà sinh vào năm 1910 hay 1911. Con gái thứ hai của bà là Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, chị của bà Trần Lệ Xuân là Trần Lệ Chi sinh khoảng năm 1922-1923, như vậy, khi sinh con, bà Thân Thị Nam Trân mới 11-12 tuổi! Điều này cho phép chúng ta nghi ngờ về những con số liên quan đến năm sinh, tuổi tác của thân mẫu bà Trần Lệ Xuân, đành chờ sự xác định rõ ràng hơn của các bậc thức giả.

Những chi tiết lịch sử như thế tưởng rằng nhỏ, song không hề nhỏ, khi được viện dẫn để kể lại cuộc đời của các nhân vật lịch sử. Chúng có thể được làm nền cho sự tin tưởng hay không vào những chi tiết khác mà người đọc chưa biết rõ hay còn hoài nghi ở một vài điểm.

Những chi tiết đáng bàn trên gợi cho chúng ta về trách nhiệm của người dịch và nhà xuất bản đối với một tác phẩm nước ngoài có dính dáng ít nhiều đến lịch sử Việt Nam. Trong trường hợp người dịch hay người biên tập không có đủ kiến thức lịch sử bao quát về thời kỳ đang được đề cập đến, theo thông lệ, nhà xuất bản cần có thêm một người am hiểu làm công việc hiệu đính, giải thích cho rõ hơn các sự kiện còn mơ hồ, đính chính những sai sót, mâu thuẫn của tác giả, giúp người đọc hiểu vấn đề một cách chính xác và rõ ràng hơn.

Người dịch có trách nhiệm bám sát bản gốc, dịch chính xác về mặt ngôn từ theo một văn phong phù hợp với ngôn ngữ Việt, đó là chuyện đã đành, song với những sai sót của tác giả quá lộ liễu như đã nêu trên, không thể đổ hết phần trách nhiệm cho tác giả vốn là người nước ngoài không am hiểu lịch sử Việt.

Vấn đề ngôn ngữ lịch sử trong các tác phẩm dịch:

Thời Pháp thuộc, nhiều sách báo, tổ chức, cơ quan, đơn vị in bằng chữ Pháp được sách báo Việt đương thời dịch ra tiếng Việt theo một cách dịch riêng, trở thành danh xưng phổ biến vào thời kỳ xuất hiện của chúng. Nếu ngày nay, chúng ta dịch những danh xưng đó theo cách hiểu hiện đại, dù có chính xác hơn, chắc sẽ gây khó khăn cho giới độc giả trẻ khi họ tiếp cận cùng lúc hai cách dịch khác nhau của cùng một ấn phẩm.

Ví dụ tập san “Bulletin des Amis du Vieux Huế”, tên dịch nguyên thủy vào thời kỳ tập san này lưu hành là “Tập san Đô Thành Hiếu cổ”. Nếu khi dịch, chúng ta dịch là “Tập san những người bạn của cố đô Huế”, tuy không sai, song liệu có thể gây ngộ nhận khi người đọc tiếp cận cả hai cách dịch trên không? Tương tự như thế, năm 1880, Pháp thành lập tổ chức Conseil colonial de Cochinchine, sách báo thời đó dịch là Hội đồng quản hạt Nam kỳ chứ không phải là Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ như chúng ta hiểu ngày nay; Tập san “Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises” là “Tập san Hội Cổ học Ấn Hoa” chứ không phải là “Tập san Hội Nghiên cứu Đông Dương” như cách hiểu hiện tại.

Liên hệ những nhận định trên vào tác phẩm viết về bà Trần Lệ Xuân, chúng ta thấy có những lấn cấn tương tự, chẳng hạn Tổng đốc Trần Văn Thông thì dịch là “Thống đốc tỉnh ở Bắc kỳ thuộc Pháp” – một chức vụ không hề có trong cửu phẩm văn giai của triều đình Huế. Tương tự như thế, trong lúc tiếng nước ngoài (chủ yếu tiếng Anh và Pháp) không có nhiều cách diễn tả như của ta, việc dịch ra tiếng Việt một số tiếng nước ngoài như prince hay princess (prince hay princesse trong tiếng Pháp) đòi hỏi một sự thận trọng và nắm hiểu rõ thân trạng của nhân vật đang được đề cập đến.

Còn nhớ trong một kỳ SEA Games diễn ra tại Brunei, phương tiện truyền thông chính là Đài Truyền hình Việt Nam VTV đã “phong” vị Trưởng Ban tổ chức là “hoàng tử” (con quốc vương), nhưng khi vị này lên thắp đuốc, người ta giật mình vì thấy ông già xấp xỉ vị quốc vương Brunei. Hóa ra, thay vì dịch từ “prince” trên báo chí nước ngoài là “hoàng thân” (thân tộc của vua), người ta đã vội vàng và máy móc dịch từ này là “hoàng tử” (con vua).

Trong tác phẩm của Demery viết về bà Trần Lệ Xuân, ở trang 15, người dịch đã chuyển ngữ:  “…bà Nam Trân, là công chúa, con của Kiên Thái vương (em vua Tự Đức)…”. Nếu quả thật, bà Nam Trân là con của một thân vương như Kiên Thái vương thì chẳng thể gọi bà là “công chúa” được, nếu tác giả dùng từ “princess” thì chỉ có thể dịch bà là “công nữ”.

Ở trang 16, tác giả Demery viết: “Khi tiếp khách, bà yêu cầu mọi người không được mặc y phục màu vàng, màu hoàng gia, ngoại trừ bà”. Chi tiết này cũng khá buồn cười, vì 2 lẽ:

– Nếu quả thực bà Nam Trân là cháu ngoại vua Đồng Khánh, thì với họ Thân thừa hưởng từ thân sinh của bà là ông Thân Trọng Huề, bà chẳng có tư cách gì để xử sự như một người trong hoàng tộc.

– Màu vàng chẳng bao giờ là “màu hoàng gia” cả. Nó là màu sắc dành riêng cho hoàng đế Việt Nam, không ai, kể cả anh, em, con, cháu ruột của nhà vua được sử dụng. Về chi tiết này, nếu nguyên bản được dịch đúng, nó chứng tỏ tác giả hiểu và suy diễn một cách sai lạc về một việc làm của bà Nam Trân.

Tất nhiên, một vài suy nghĩ nho nhỏ về mặt lịch sử của một tác phẩm dịch đang được nhiều người tìm đọc không thể ảnh hưởng nhiều đến giá trị của tác phẩm hay bản dịch. Giá trị của nó còn được thử thách bởi thời gian, bởi nhiều tài liệu khả tín khác hay chứng nhân lịch sử của thời kỳ này. Người viết bài này có một vài ý kiến sơ qua về mặt lịch sử, mong đóng góp chút nào vào việc hoàn thiện các bản dịch về sau.

 

Theo Lê Nguyễn -VNCA