Không ồn ào náo nhiệt như những phiên chợ khác, chợ phiên đồ xưa lặng lẽ hoạt động trong một không gian nhỏ nằm trong ngõ 456 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người đam mê đồ cũ, đồ cổ trên đất Hà thành từ hơn 2 năm nay.
Rất nhiều mặt hàng thú vị được bày bán ở chợ phiên đồ xưa Hoàng Hoa Thám
Đồ cũ vẫn đắt khách
Chợ phiên đồ xưa hơn 2 năm trước chỉ là một “Lư Trà quán” mà anh em trong CLB Thư pháp Hà Nội lấy đây làm địa chỉ lui tới giao lưu, trò chuyện vào cuối tuần. Ý tưởng hình thành chợ phiên đồ xưa cũng bắt đầu từ quán trà này và được mọi người ủng hộ. Đến tháng 6-2013, chợ chính thức hoạt động và những người cùng sở thích đam mê đồ cũ, đồ cổ biết đến cùng tham gia vào ngày thứ bảy hàng tuần.
Trong một không gian khoảng 700m2 rợp bóng cây, chỉ có hơn 20 bàn bày bán cổ vật, vậy mà có vô số đồ vật được giới thiệu cho khách hàng. Nói đến đồ cổ thường người ta nghĩ đến những vật dụng có giá “trên trời”, nhưng ở đây, những thứ chẳng mấy giá trị như vài chiếc phong bì đã ngả vàng, chiếc đèn dầu Hoa Kỳ đã gỉ ngoèn, bi-đông nước, túi cứu thương… cũng được mang ra bày bán.
Đây là phiên chợ văn hóa cho những người muốn tìm về ký ức
Người đi chợ có thể tìm mua cả những thứ vừa túi tiền như: bàn là than, máy quay đĩa, đồng hồ Poljot, quạt “tai voi” của Liên Xô cũ… Chiếc máy phát điện quay bằng tay độc đáo được sản xuất từ năm 1954 vẫn sử dụng được cũng chỉ bán với giá 2,5 triệu đồng. Hoặc những đồng tiền cổ, những tờ tiền giấy Đông Dương và những tờ tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam qua nhiều thời kỳ khác nhau với những mệnh giá hiếm có được bán với giá từ 20.000 đồng cho tới 200.000 đồng một tờ…
Cả những vật dụng không mấy “thân thiện” như băng đạn, đầu đạn chống tăng B40, B41, máy bộ đàm được thu gom từ thời chiến tranh chống Mỹ cũng xuất hiện ở đây. Thấy tôi có vẻ tò mò khi thấy anh Nguyễn Văn Kim, nhà ở phố Nguyễn Khắc Hiếu mải mê trả giá cho chiếc máy truyền tin xem chừng đã không còn sử dụng được, anh vui vẻ: “Tôi mua về để “độ” xe ô tô jeep cũ cho thêm “oách” thôi”.
Thế mới thấy, đi chợ phiên đồ cũ không chỉ có khách hàng tìm mua những thứ dùng được mà rất nhiều những mặt hàng qua năm tháng đã hỏng, không còn giá trị sử dụng vẫn được mọi người tìm kiếm. Bởi với nhiều người, đôi khi những gì thuộc về ký ức còn xứng đáng được lưu giữ, bảo quản cẩn thận hơn cả đồ mới…
Không lấy lợi nhuận làm mục đích chính
Anh Hồ Thanh Bình – người quản lý phiên chợ, cũng là thành viên của gia đình có khu đất này cho biết: “Quan điểm của chúng tôi khi mở chợ là không lấy lợi nhuận làm mục đích chính. Mong muốn của chúng tôi là làm sao người đến chợ vừa được giao lưu, kết bạn, vừa tìm lại được những ký ức về một Hà Nội xưa”. Ở đây cũng chỉ cho phép kê trên dưới 20 bàn để đảm bảo độ thoáng của không gian. Người nào đến sau hết chỗ thì đành chờ người nào không bán nữa thì thế chỗ. “Tôi cũng rất hạn chế nhận những ai bán đồ vật “đụng hàng” để tránh tình trạng tranh giành khách, cãi nhau gây mất trật tự. Người bán hàng được gửi đồ của mình vào nhà kho và tuần sau đến mang ra bày bán tiếp mà không sợ nhầm lẫn hoặc mất mát” – anh Bình giải thích.
Cái hay ở chợ phiên này còn ở chỗ, đến đây, nhiều người chẳng mua, chẳng bán gì, nhưng thú vị nhất là được ngồi bên quán nhâm nhi ly cà phê, tách trà, thưởng thức những bản nhạc không lời và ngắm nhìn những đồ vật để hồi tưởng kỷ niệm xưa. “Khách hàng chủ yếu là những người trung niên hoặc cao tuổi, thường là những người đã sống lâu năm ở Hà Nội. Thậm chí có cả những người đến từ Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Họ đến đây với tâm trạng rất thoải mái và như tìm lại tuổi thơ của mình trong thời bao cấp. Có những người còn đưa con cháu đi cùng và kể cho chúng nghe” – anh Hồ Thanh Bình cho biết.
Gọi là chợ nhưng chợ phiên đồ xưa ở phố Hoàng Hoa Thám lại giống như không gian văn hóa mà người ta tìm đến để nhớ lại ký ức của mình.
Theo Mai Anh – An ninh Thủ đô