MAI VĂN HOAN-Nhân đọc bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” – một tiếng thở dài đáng quí của Lê Đình Mai, báo “Giáo viên nhân dân”. Lẽ ra tôi không viết bài này. Thiết nghĩ văn chương thiên biến, vạn hóa, mỗi người hiểu một cách là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên tôn trọng cách nghĩ, cách cảm thụ của người khác.

“Hoàng Cúc – người tình đầu tiên của ông”

Còn mình, mình có cách cảm thụ riêng của mình. Cái gì mình cảm thấy hay, đúng thì mình theo, còn cái gì mình không đồng tình thì thôi. Tranh cải chỉ mất thời gian vô ích. Và tôi cũng đã định như vậy với bài viết “Đây thôn Vĩ Dạ” – một tiếng thở dài đáng quý” của nhà giáo Lê Đình Mai.  Nhưng sao tôi cứ thấy không đành! Không đành với Hàn Mặc Tử, không đành với bà Hoàng Cúc, không đành với bạn đồng nghiệp, với độc giả gần xa mến mộ Hàn Mặc Tử.

Trước hết cũng cần nói thực rằng ở Huế cũng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác vẫn tồn tại khá nhiều những cô gái “đày thân giang hồ”. Thân phận của những kẻ bất hạnh ấy đã được khá nhiều văn sĩ xưa nay quan tâm. Nhưng nếu gán cho “Đây thôn Vĩ Dạ” là tiếng thở dài về kiếp sống ấy, về những cô gái “đày thân giang hồ” thì thật oan cho Hàn Mặc Tử, oan cho Hoàng Cúc – người tình đầu tiên của ông (dù chỉ là người tình trong mộng mà thôi) và oan cho cả thôn Vĩ Dạ nữa. Tôi tin rằng nếu nhà giáo Lê Đình Mai có một chút hiểu biết về xuất xứ bài thơ, một chút hiểu biết về cuộc đời Hàn Mặc Tử và một chút hiểu biết về thôn Vĩ, chắc nhà giáo sẽ không tán bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” theo cái hướng tưởng là rất “hiện thực” rất “nhân văn” nhưng chính lại làm buồn lòng bao nhiêu bạn đọc gần xa yêu mến Hàn Mặc Tử. Chung quanh bài thơ này đã có nhiều lời bình, ở đây chỉ nói thêm về Hoàng Cúc và qua đó ngõ hầu giúp Lê Đình Mai và bạn đọc hiểu rõ hơn bài thơ này của Hàn Mặc Tử.

Theo hồi ký Quách Tấn – bạn thân và người hiểu biết nhiều về Hàn Mặc Tử thì thời Hoàng Cúc vào khoảng mười lăm mười sáu tuổi là một cô gái không đẹp lắm nhưng có duyên. Hoàng Cúc có học lại hết sức nết na, thùy mị – chính điều này đã làm say lòng thi sĩ. Hai người ở chung một lối. Thi sĩ làm thơ về Hoàng Cúc với nỗi khao khát thầm lặng. Nhưng chỉ thầm lặng thôi. Hoàng Cúc là một cô gái con nhà gia giáo, nề nếp, bản lĩnh lại hết sức kín đáo. Giữa hai người lúc đó lại có những vực thẳm khó lòng vượt qua. Bố Hoàng Cúc là quan còn thi sĩ chỉ là anh chàng đạc điền nghèo đang có nguy cơ mất việc. Gia đình Hoàng Cúc theo đạo Phật, còn gia đình Hàn Mặc Tử theo Thiên chúa giáo. Có lẽ vì những lý do ấy mà thi sĩ chần chừ không dám bày tỏ tình cảm của mình với Hoàng Cúc. Hàn Mặc Tử chỉ nhờ thơ nói hộ lòng mình. Với Hàn Mặc Tử, Hoàng Cúc lúc ấy là một thế giới đầy bí ẩn, vì Cúc chưa hé một lời với Tử. Khi Hàn Mặc Tử lặn lội vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai trở về thì không thấy Hoàng Cúc đâu nữa. Cô đã theo cha ra Huế. Thi sĩ rất buồn. Và theo Quách Tấn, Hàn Mặc Tử coi việc Hoàng Cúc rời Quy Nhơn như là đi lấy chồng: “Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ. Em lấy chồng rồi hết ước mơ!” Thực ra, Hoàng Cúc không lấy ai cả. Tôi được những người thân của bà Hoàng Cúc kể lại rằng: Thời ấy, rất nhiều đám mối mai, dạm hỏi, Hoàng Cúc đều chối từ, chẳng hiểu nguyên do vì đâu. Một hôm, Hoàng Cúc nhận được tin: Hàn Mặc Tử bị bệnh phong – một trong “tứ chứng nan y” thời ấy. Hoàng Cúc rất thương Tử, cô gửi vào Quy Nhơn cho Tử một phiến phong cảnh với lời hỏi thăm sức khỏe. Nhận được quà tặng của Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử run lên vì xúc động. Người con gái đầy bí ẩn ấy vừa hé ra một chút ánh sáng ở cõi lòng. Vâng! Chỉ một chút thôi, một lời hỏi thăm sức khỏe thôi. Nhưng với Hàn Mặc Tử nó quí giá biết chừng nào! Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” để đáp lại tấm lòng của Hoàng Cúc.

Sau này, Hoàng Cúc dạy nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh rồi hoạt động ở Hội Phật tử miền Nam. Bà “tu tại gia” và sống độc thân ở Vĩ Dạ cho đến khi mất. Tôi cũng có mặt trong đám tang của bà. Đó là ngày 15 tháng 2 năm 1989 (tức ngày mồng mười, tháng giêng, âm lịch). Có lẽ đó là một trong những đám tang lớn nhất ở Huế gần đây mà tôi được biết. Đoàn xe tang nối dài từ Đập Đá đến Trường Quốc Học. Quanh xe tang đính đầy câu đối ca ngợi phẩm hạnh của bà. Tôi còn nhìn thấy nhiều bài thơ của các nhà sư họa lại bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Việc bà Hoàng Cúc có yêu Hàn Mặc Tử không và vì sao bà không lấy chồng – chưa ai biết cả! Nhưng điều chắc chắn là Hàn Mặc Tử có một thời rất yêu Hoàng Cúc và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là bài thơ thi sĩ tặng Hoàng Cúc. Có thể là Hoàng Cúc không yêu Hàn Mặc Tử nhưng cô trân trọng mối tình chân thành của Tử, trân trọng tài thơ của Hàn Mặc Tử. Với Hàn Mặc Tử chừng ấy là quá đủ rồi! Có hiểu tình cảnh như vậy mới hiểu thấu nỗi niềm của thi sĩ giấu trong những câu:

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Mới hiểu thấu nỗi khao khát của Hàn Mặc Tử:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Và nhất là khổ thơ cuối: vừa thực vừa hư, vừa say vừa tỉnh vừa huyền ảo (có một chút gì như ma quái rất Hàn Mặc Tử) lại vừa chua chát, đau đớn một cách chân thành:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Hoàng Cúc trước sau vẫn là một “ẩn số” đối với Hàn Mặc Tử, nỗi băn khoăn day dứt của Tử vì vậy hết sức chính đáng.

Tôi chưa được biết Gia khuất ở kinh đô Thăng Long cổ xưa, nhưng nếu Gia khuất là cái “chốn ấy” thì rõ ràng không thể so sánh với thôn Vĩ được. Thôn Vĩ trước đây cũng như bây giờ vốn nổi tiếng là nơi phong cảnh hữu tình với những vườn cau, hàng trúc, với những “hiên thơ của những ông Hoàng”… Tôi đọc mà ớn lạnh khi Lê Đình Mai quả quyết: “Ở chốn dâm ô này (tức là thôn Vĩ) những gì đẹp đẽ nhất, cao quý nhất của con người đều bị sương khói truy hoan lu mờ hết, hoen ố hết”. Và cô gái thôn Vĩ biến thành kỹ nữ, “thuyền trăng” kia cũng biến thành con thuyền chở khách làng chơi. Người viết còn tán thêm: “Hỡi du khách có đến thì mau lên chứ, đêm sẽ tàn mất thôi!” Một câu thơ đẹp như thế, thơ mộng như thế, khát khao như thế vào tay một “khách làng chơi” đã trở nên rách nát, hoen ố như cuộc đời kỹ nữ vậy!

Lỗi này do đâu? Theo tôi, đó là kết quả của lối suy diễn vô căn cứ vì thiếu những hiểu biết cần thiết về cuộc đời tác giả, về xuất xứ bài thơ. Và thiếu cả sự rung cảm thẩm mỹ. Lâu nay, ta vẫn có thói quen giới thiệu tác giả chỉ là chú trọng những hoạt động xã hội của họ. Họ thuộc giai cấp nào? Làm đến cấp bậc gì? Hội viên hay không? Mà quên mất đời tư của họ – những quãng đời tư có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tác phẩm. Tôi tin rằng nếu Hàn Mặc Tử không có cuộc tình thầm lặng, trắc trở với Hoàng Cúc chưa chắc chúng ta đã có “Đây thôn Vĩ Dạ” – giàu sức chứa đựng nội tâm đến như thế. Xưa Nguyễn Du sáng tác “long thành cầm giả ca” có kèm theo lời dẫn khá dài, chắc nhà thơ sợ hậu thế có thể hiểu sai lệch ý thơ của mình. Với những bài kiểu như “Đây thôn Vĩ Dạ” khi đưa vào chương trình để dạy và học, theo tôi cũng nên kèm theo lời dẫn để tránh những suy diễn đáng tiếc như bài viết của Lê Đình Mai.

Ngoài ra, theo tôi, bài viết của nhà giáo Lê Đình Mai còn là kết quả của việc phân tích tác phẩm theo lối suy diễn chủ quan. Tác phẩm nào người phân tích cũng cố qui về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Đã đành đây là hai yếu tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm, nhưng nó đâu phải là tất cả. Có một số tác phẩm thắp đèn soi cũng không thể tìm thấy đâu là hiện thực xã hội, đâu là tấm lòng nhân đạo cao cả của tác giả nhưng vẫn cứ hay, vẫn cứ sống mãi với thời gian. Cái hay của văn chương nhiều hình nhiều vẻ, đâu chỉ có vài ba giá trị được khuôn sẵn rồi cứ thế ép các tác phẩm cổ kim đông tây vào những giá trị ấy. “Đây thôn Vĩ Dạ” thì có liên quan gì đến người kỹ nữ, khách làng chơi, thế mà nhà giáo kia cố gán cho nó để lấy ra được giá trị hiện thực: phản ánh cuộc sống giang hồ và giá trị nhân đạo: “một tiếng thở dài đáng quí!” Tôi tin rằng nằm trên Ghềnh Ráng nếu Hàn Mặc Tử biết được chuyện này chắc thi sĩ khổ tâm lắm. Khổ tâm vì nghe những lời khen quá ư sống sượng, khổ tâm vì người ta hiểu quá lệch bài thơ của mình. Thà cứ để thi sĩ ngủ yên còn hơn là đánh thức Hàn Mặc Tử dậy để nghe những lời suy diễn quá ư dung tục làm tan vỡ giấc mộng ngàn năm của thi sĩ.
Nguồn: Tạp chí Sông Hương