Nhà hát Tuổi trẻ vừa chính thức công diễn vở hài kịch kinh điển Quan Thanh tra của Ni-cô-lai Va-xi-li-e-vích Gô-gôn, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Nga và U-crai-na trong thế kỷ 19. Vở diễn thể hiện đậm nét văn hóa Nga, nhưng gần gũi với người xem Việt Nam với các giá trị mang tính thời sự trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực và những thói xấu đang tồn tại trong xã hội hiện nay.
Câu chuyện bắt đầu từ những nhận định vu vơ, chẳng ra đầu ra đũa của hai anh quý tộc nửa mùa ở một thị trấn miền nam nước Nga, chuyên rỗi việc đi hóng chuyện, ngồi lê đôi mách ở hàng quán, kể lại trong một cuộc tụ tập ăn chơi của giới quan chức, quý tộc địa phương. Họ lầm tưởng một tay công chức quèn trên đường về quê, lang thang qua thị trấn là quan thanh tra từ thủ đô Pê-téc-bua đi thị sát. Vốn là những kẻ thường sách nhiễu dân chúng và tham nhũng, cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ cho “quan lớn thanh tra”. Nhân dịp đó, kẻ nọ tố cáo người kia, nói xấu lẫn nhau để tâng công và tệ đến mức viên Thị trưởng thị trấn còn định lợi dụng dâng cả vợ và con gái cho “quan thanh tra” hòng có được một địa vị cao hơn, chắc hơn.
Dưới bàn tay đạo diễn của NSƯT Chí Trung, vở diễn đã chuyển thể được nội dung như bản gốc cùng những góc cạnh xã hội mà Gô-gôn muốn châm biếm, phê phán. Đó là một xã hội tham nhũng thời Nga hoàng quan liêu và bị tha hóa nặng nề với thói tham ô, hối lộ đã thành hệ thống từ trên xuống dưới, không từ một ai. Tất cả được lôi ra sân khấu, vạch trần, từ địa chủ đến nông nô, từ quan to đến quan nhỏ, từ trí thức đến bình dân. Thị trấn tỉnh lẻ dường như mòn mỏi, kiệt quệ trước lối sống vô tích sự, ăn bám của một bầy quan tham ô với lối sống phù phiếm, sa đọa và xa hoa trên mồ hôi nước mắt người lao động, trọng bề nổi, ưa hình thức nên dễ bị lừa phỉnh. Điều đáng buồn là nó lại được đề cao, trở thành “lý tưởng sống”, thậm chí có khi còn được họ vui vẻ thừa nhận như một lũ chuột ranh mãnh biết luồn lách, ăn vụng, ăn trộm, đục khoét, miễn sao được vui chơi và sống khỏe.
Không chỉ vậy, sự tha hóa còn tràn vào từng gia đình khi vợ chồng, con cái của những quan chức, quý tộc tỉnh lẻ đó đều nghĩ tham ô hay nhận đút lót, hối lộ là lẽ đương nhiên, là quyền của họ. Ở đây, ngay cả tình cảm gia đình cũng được đem ra đánh đổi, mua bán, so bì thiệt hơn bằng giá trị đồng tiền và những món quà vật chất. Chỉ phản ánh xã hội của một thị trấn tỉnh lẻ nhưng vở diễn đã bộc lộ toàn bộ mặt trái của xã hội nước Nga bấy giờ, một nước Nga với những rường cột mục ruỗng đang tiến dần đến cơn bão táp cách mạng sục sôi.
Trong diễn xuất của mình, nghệ sĩ Chí Huy đã vào vai nhân vật chính là gã công chức nghèo và quan thanh tra rởm khá thành công. Đó là một tính cách đa diện, được lột tả dưới nhiều góc độ, từ hèn hạ cúi mình chỉ để được thỏa mãn cho no cái bụng đến sợ sệt khi bị dọa dẫm và cả vẻ kiêu kỳ quý tộc thủ đô khi được “khoác” cho cái áo “quan” cùng vẻ khoác lác “bốc giời” của một anh trí thức tiểu tư sản thành thị trong sự tâng bốc của đám công chức, quý tộc tỉnh lẻ. Cùng với Chí Huy, các nghệ sĩ tài danh khác của Đoàn kịch I và II cũng đã góp phần tạo dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ những hình tượng của một “lũ chuột” quan lại từ vợ chồng lão thị trưởng cho đến đám bậu xậu: Chủ sự Bưu điện, Chánh án, Hiệu trưởng trường học hay Viện trưởng Viện tế bần…
Điều ấn tượng là đạo diễn NSƯT Chí Trung và ê-kíp dàn dựng đã tạo được một không gian mang đậm văn hóa Nga hài hước, vui nhộn và hào sảng, trong trang phục, âm nhạc, vũ đạo và những hoa văn, kiến trúc trong thiết kế sân khấu với kỹ thuật ánh sáng và hình chiếu hiện đại. Tính cách trào phúng Nga còn được thấy ở lối nói phóng đại, cường điệu, cười vào những điều dị hợm, song khá khôn ngoan, láu lỉnh trong những tính toán nhằm kiếm chác dù chỉ là một chút lợi nhỏ của những người dân tiểu tư sản tỉnh lẻ. Điều đáng nói ở đây là đạo diễn đã chuyển hóa thành công một vở diễn kinh điển về xã hội nước Nga từ cuối thế kỷ 19 vào sân khấu Việt Nam, giúp người xem có thể cảm nhận và không cảm thấy xa lạ, từ hành động kịch cho đến lời thoại. Vở diễn hấp dẫn, cuốn hút trong những trận cười nghiêng ngả cho đến cả những tủm tỉm đầy ý nhị mà vẫn có khoảng lặng trong cảm nhận để ngẫm ngợi về những biểu hiện đáng phê phán của xã hội hiện đại hôm nay.
Không phải là quá khi giới trong nghề và những người yêu sân khấu đánh giá cao vở Quan Thanh tra của Nhà hát Tuổi trẻ bởi bức tranh biếm họa hài hước mà không kém phần chua cay được xây dựng nhằm vào các tiêu cực, những thói tật xấu mà xã hội chúng ta đang quyết liệt loại bỏ. Đây cũng là món quà đầu Xuân của một sân khấu đầy sức sống tuổi trẻ trong những dự án tầm cỡ, giới thiệu và đưa các tinh hoa của sân khấu thế giới đến với công chúng Việt Nam.
Theo Tiến Cường – Nhân dân Điện tử